Lệ Thần Trần Trọng Kim: nguồn gốc của từ Tonkin và Cochinchine

Trong “Một Cơn Gió Bụi” [ 1 ] cụ Lệ Thần kết luận: hai từ Tonkin ( Tông King, Ðông Kinh ) chỉ Bắc Kỳ, và Cochinchine ( Cochinchina ) chỉ Nam Kỳ; hoàn toàn không có ý nghĩa gì. Và do người Pháp nghĩ ra hầu phục vụ cho chiến lược “chia để trị”! Xin xem trích đoạn liên quan:

“…Chính phủ trước, phải lo thu lại hết toàn thể nước Việt Nam về một mối. Nước Việt Nam từ Bắc chí Nam vốn là một nước duy nhất về lịch sử, về phong tục và về ngôn ngữ. Tuy về địa dư thì hình thể nước chạy dài hơn hai ngàn cây số, nhưng tính cách duy nhất thật rõ rệt, ít nước nào trong thiên hạ được như thế. Sau vì có sự lấy thuộc địa và sự bảo hộ của nước Pháp, đem chia nước làm ba đoạn là Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Mỗi một Kỳ có một chính sách khác nhau như ba nước vậy. Sự chia ngắt ra như thế là một lối chính trị dùng phương pháp “chia ra để thống trị”. Song sự chia ngắt ấy lấy áp bức mà đặt ra, chứ về phương diện người bản quốc thì chữ “kỳ” chỉ có nghĩa là Khu, Xứ, Bộ, Phận, như ta nói: Xứ Bắc, Xứ Trung, Xứ Nam mà thôi, không có nghĩa gì là một nước. Người Pháp cũng biết thế nên mới dựng tiếng tàu là Tông King ( Ðông Kinh ) gọi Bắc Kỳ, và dùng tiếng Cochinchine là tiếng gì chẳng biết để gọi Nam Kỳ cho ra vẻ ba nước khác nhau. Nhưng khi ai hỏi một người Việt Nam, bất cứ ở Nam hay Bắc, là người nước nào, thì người Việt Nam ấy tự nhiên đáp lại rằng: “tôi là người An Nam”. Tiếng An Nam là tiếng người ta đã quen dùng từ đời Lê thành ra phổ thông hơn.”

*
* *

Nhận định về tính “thống nhất” lịch sử, phong tục, ngôn ngữ v.v… của cụ có hơi mang tinh thần chủng tộc độc tôn… Có lẽ chúng ta phải thông cảm cho suy nghĩ của những vị học giả thuộc thế hệ của cụ.

Chúng ta, với số lượng kiến thức dễ dàng tìm thấy, chắc chắn sẽ dễ dàng nhận ra, Việt Nam không phải là một quốc gia “nhất nguyên” ( homogeneous ) về lịch sử, phong tục, ngôn ngữ v.v… và chúng ta phải tôn trọng sự khác biệt đó.

Tinh thần chủng tộc độc tôn đã lỗi thời trong thời đại này.


Tham Khảo:

[1] — Lệ Thần Trần Trọng Kim, Một Cơn Gió Bụi, viết xong tại Nam Vang, Cambodia 01/05/1949. Không rõ nhà xuất bản. Bản PDF của sách được xuất bản: http://www.tusachtiengviet.com/images/file/JIqCLGit1AgQACxO/mot-con-gio-bui.pdf

29/03/2018

Lệ Thần Trần Trọng Kim: Đối Thoại với cộng sản!

— Đọc lại một đoạn trong “Một Cơn Gió Bụi” [1].

Bối cảnh: Nhật “trả” độc lập cho Việt Nam. Sau một thời gian cố gắng, Nội Các Trần Trọng Kim được hình thành, bao gồm nhiều phần tử có năng lực thuộc đảng phái chính trị khác nhau. Nội Các Trần Trọng Kim điều đình để Nhật “trả” lại toàn lãnh thổ và tất cả các cơ quan hành chính trọng yếu.

Vào lúc đó cộng sản tăng cường đánh phá các cơ sở hành chính của chính phủ phôi thai Trần Trọng Kim.

— Chúng tuyên truyền láo khoét rằng: KHI CHÚNG LÊN CẦM QUYỀN, DÂN KHÔNG PHẢI ĐÓNG THUẾ!

Cụ Trần Trọng Kim, vì tin rằng dù chúng là cộng sản, nhưng cũng còn nghĩ đến
tương lai dân tộc, nên nhờ ông Phan Kế Toại, tìm vài người Việt Minh đến để
nói chuyện. Và sau đây là đoạn đối thoại giữa cụ Lệ Thần và “một thiếu niên Việt Minh”.

Xin trích nguyên văn:

– Cụ Lệ Thần:

Chúng tôi ra làm việc chỉ vì nước mà thôi, chứ không có ý cầu danh lợi gì cả, tôi chắc đảng các ông cũng vì nước mà hành động. Nếu vậy chúng ta tuy đi con đường khác nhau, nhưng cũng một mục đích như nhau, các ông thử xem ta có thể hợp tác với nhau, kẻ ở trong người ở ngoài, để cứu nước được không?

Người ấy nói:

– Sự hành động của chúng tôi đã có chủ nghĩa riêng và có chương trình nhất định để đem nước đến chỗ hoàn toàn độc lập. Chúng tôi có thể làm lấy được.

– Sự mưu cầu cho nước được độc lập cũng là mục đích của chúng tôi, nhưng vì đi đường thẳng có nhiều sự khó khăn nên chúng tôi phải uyển khúc mà đi từ từ có lẽ chắc chắn hơn.

– Chúng tôi chỉ có một con đường thẳng đi đến hoàn toàn độc lập chứ không có hai.

– Theo như ý các ông như thế, tôi sợ rất hại cho dân, mà chưa chắc đã thành công được.

– Chúng tôi chắc thế nào cũng thành công. Nếu có hại cũng không cần, có hại rồi mới có lợi. Dù người trong nước mười phần chết mất chín, chúng tôi sẽ lập một xã hội mới với một thành phần còn lại, còn hơn với chín phần kia.

Rồi người ấy ngồi đọc một bài hình như đã thuộc lòng để kể những công việc của đảng Việt Minh. Tôi thấy thái độ người ấy như thế, tôi biết không thể lấy nghĩa lý nói chuyện được.

Tôi nói:

– Nếu các ông chắc lấy được quyền độc lập cho nước nhà, các ông không vào chính phủ làm việc, cần gì phải đánh phá cho khổ dân?

– Chúng tôi sẽ cướp lấy quyền để tỏ cho các nước Ðồng Minh biết chúng tôi mạnh, chứ không chịu để ai nhường.

– Các ông chắc là các nước Ðồng Minh tin ở sức mạnh của các ông không?

– Chắc lắm. Chắc trăm phần trăm. Tương lai còn dài, các ông nhận lấy trách nhiệm đối với quốc dân và lịch sử.

*
* *

Người Nhật, viện lý do là có trách nhiệm bảo an cho đến khi quân Đồng Minh đến thay, đã đề nghị chính phủ Trần Trọng Kim yêu cầu quân đội Nhật giúp tiểu trừ cộng sản. Cụ từ chối vì lý do sợ mang tiếng cõng rắn cắn gà nhà. Và hơn nữa lúc đó quân đội Nhật đã đầu hàng Đồng Minh — ( thời điểm này, Hoa Kỳ đã thả hai trái bom nguyên tử xuống Quãng Đảo và Trường Kỳ. )

Khi có người trách tại sao không nhờ quân đội Nhật, cụ cho biết lý do — xin trích nguyên văn:

“Về đường binh lực, lúc ấy Việt Minh không không có gì thật. Nhưng cái phương lược của họ đánh bằng tuyên truyền, bằng lối quỉ quyệt lừa dối để lôi kéo dân chúng đi theo, chứ không đánh bằng binh khí. Sự tuyên truyền của họ đã có ngấm ngầm từ lâu trước khi quân Nhật đảo chính chứ không phải bây giờ mới có. Mình đem một vài trăm người trông cậy được ra chống với mấy vạn người toàn thanh niên thuyền thợ và đàn bà trẻ con, lại có những người Việt Minh táo tợn đứng sau lưng xui khiến, chống sao được? Chẳng qua chỉ gây một cuộc đổ máu vô ích, cốt chỉ bảo cho Việt Minh chớ có cướp phá. Mình đã mở cửa mời họ còn đánh phá gì nữa. Lúc bấy giờ chúng tôi nghĩ: họ đã thắng thế, dù sao họ cũng lo đến sự kiến thiết của nước nhà, nên chúng tôi mong ít có sự phá hại.”

— Thời điểm 2018 này, tất cả những gì có liên quan đến “cộng sản” đã bị phá sản hoàn toàn. Cơ hội thứ ba ( 3 ) đang đến với Việt Nam.

22/03/2018


Tham Khảo:

[1] — Lệ Thần Trần Trọng Kim, Một Cơn Gió Bụi, viết xong tại Nam Vang, Cambodia 01/05/1949. Không rõ nhà xuất bản. Bản PDF của sách được xuất bản: http://www.tusachtiengviet.com/images/file/JIqCLGit1AgQACxO/mot-con-gio-bui.pdf

“Bấm Chuông”, “Xe Điện Ngầm”: tính Chuẩn Xác Trong Tiếng Việt và Tây Phương Hóa

Gần cuối “Chính Đề Việt Nam” ( 1 ), ( các ) tác giả đưa ra kết luận rằng, người Tây Phương thông tuệ vì họ chuẩn xác trong suy nghĩ và lý trí, qua thời Trung Cổ tâm tối, các ngôn ngữ của họ đã được độ chính xác, giúp diễn tả tư tưởng, suy nghĩ của họ khúc chiết minh bạch.

Và hơn nữa, các ngôn ngữ của họ cũng đạt được sự trừu tượng cao độ, giúp họ có thể dễ dàng diễn tả những vấn đề phức tạp.

Tiếng Việt, theo ( các ) tác giả, là ngôn ngữ thiên về cảm xúc, người nghe, người đọc phải vận dụng trí tưởng tượng để hiểu. Do đó, một câu nói, một câu văn có thể bị hiểu qua nhiều nghĩa khác nhau.

— Và dĩ nhiên, ngôn ngữ, chữ viết là phương tiện chúng ta sử dụng để diễn tả tư tưởng, suy nghĩ của mình.

Do đó, nếu ngôn ngữ thiếu độ chính xác cần thiết, thì chúng ta không thể diễn tả được chính xác tư tưởng, suy nghĩ của chúng ta.

( Các ) tác giả gợi ý: chúng ta cần phải suy nghĩ để chấn chỉnh lại những nhược điểm trong tiếng Việt hiện đại. Và ( các ) tác giả cũng đưa ra một gợi ý nữa: tìm cách trừu tượng hóa tiếng Việt. ( Các ) tác giả cũng xác định: đây là lãnh vực chuyên môn. Dành cho người chuyên môn.

Suy nghĩ phải có ngăn nắp, lý trí phải có hệ thống, ngôn ngữ phải chuẩn xác, theo ( các ) tác giả, thì chúng ta mới có thể bắt đầu cuộc Tây Phương hóa để phát triển dân tộc.

Sự kiện chúng ta sử dụng ký tự Latin thành công, là một bước Tây Phương hóa mà các quốc gia trong vùng chưa làm được.

( Trình độ ngoại ngữ ở Việt Nam bây giờ có lẽ thua các quốc gia trong vùng, thì đây là một bước lùi vậy. )

*
* *

Mấy bữa trước xem live stream của mấy anh ở Arizona, Hoa Kỳ; mấy anh bấm cái “intercom” mà mấy anh quen miệng gọi bấm “chuông”.

Cái intercom, khi bấm, người trong nhà và chúng ta có thể nói chuyện được với nhau, giống giống như điện thoại.

Có thể sử intercom như là cái chuông, nhưng không thể sử dụng một cái chuông như là một cái intercom.

— Dù vì bất cứ lý do gì, đây là một thí dụ tiếng Việt và suy nghĩ của chúng ta thiếu chuẩn xác và khúc chiết.

Cũng qua một live stream của một cô rời Việt Nam chưa lâu, và đang ở Bắc Âu, cô đón xe “lửa” / “điện” ở một ga dưới lòng đất, cô bảo đang đón “xe điện ngầm”.

Bất cứ một người Việt nào cũng sẽ nói như vậy! Và giữa chúng ta với nhau, chúng ta hiểu ngầm đó là xe “điện” / “lửa” đang chạy ngang qua đường rầy hay nhà ga dưới lòng đất / lòng biển!

Vì thật sự xe không có “ngầm” chỉ có đường rầy mới “ngầm” mà thôi.

Quả thật ( các ) tác giả của “Chính Đề Việt Nam” quá thâm thúy!

— Chúng ta không có một cách diễn đạt chính xác cho một phương tiện đã có lâu đời như thế này.

Ngôn ngữ của chúng ta cần chấn chỉnh như ( các ) tác giả đã gợi ý.


( 1 ) “Chính Đề Việt Nam” — bản PDF, không phải chính bản của Nhà Xuất Bản Đồng Nai, Nam Việt Nam, 1968.

14/03/2018

Quần chúng “Bần Dân” của Việt Nam: Cách Mạng và Chính Trị

Xem chương trình “Manila, khu ổ chuột ở Nghĩa Địa Navotas” ( video phụ đề tiếng Anh đính kèm ở comment 1 ), của Nhật Bản… Chợt nhớ phân tích về “bần dân” của Eric Hoffer trong “Thủ Đoạn Chính Trị”.

Nghĩa Địa Navotas trong nội ô Manila, Phi Luật Tân, là nghĩa địa năm ( 5 ) năm. Những di hài không được chôn, mà giữ trong những cái hộp xi măng. Sau năm ( 5 ) năm, người nhà phải lấy ra di táng. Nếu không, di hài cũng bị lấy ra và chất đống lại, chờ ngày đốt!

Nơi Nghĩa Địa này, cũng là khu ổ chuột của hơn 6,000 ( sáu ngàn ) người bần cùng. Ở làng quê, họ không sống được, nên kéo ra Manila sinh sống… Họ sống giữa rác rến, xương cốt, hôi tanh, di trùng v.v… và họ cũng rất hạnh phúc, chiều xuống, họ tụ tập ca hát, nhảy múa, đánh bài, uống rượu, đá gà, làm tình, v.v…

Suốt những cuộc phỏng vấn, họ hoàn toàn không bày tỏ một ý niệm kêu gọi chính phủ phải có trách nhiệm với họ! Họ trôi theo cuộc sống cơ cực. Suốt các cuộc phỏng vấn, họ không bày tỏ ý tưởng thay đổi!

Họ là những “Bần Dân” mà Eric Hoffer đã diễn tả, và “Thủ Đoạn Chính Trị” trích dẫn!

Bần dân Việt Nam chắc cũng chẳng khá hơn!

Trích “Thủ Đoạn Chính Trị” — luận “Bần Dân”:

Không phải người nghèo nào cũng mang tâm trạng bị hất hủi. Ở đồng ruộng, thiếu gì bần cố nông làm lấm lưỡi áo rách tả tơi, nhưng tối nằm ổ rơm ngủ kỹ, ăn no vỗ bụng hát nghêu ngao, ai hỏi gì cũng cười và cười rất thành thực, rất yêu đời. Ở thành thị, thiếu gì đám người sống chui sống nhủi, tối về vùi đầu vào đánh bài đánh bạc, hôm nào bữa cơm ngon thì vui như tết, chửi tục vài câu rồi hít vài hơi thuốc là quên hết, không nghĩ ngợi bất cứ điều gì. Còn những người nghèo khác, sống an phận muốn yên thân như thế mãi, xáo động làm chi làm khổ thêm. Thấy hỗn loạn họ mở mắt ngạc nhiên, họ không thể ngờ rồi đây lại có thể đảo lộn hết thảy. Như vậy chứng tỏ rằng không phải người nghèo nào cũng sẵn sàng lao vào chính trị. Phần tử sẵn sàng lao vào chính trị là những bần dân bị tỏa bại, có tâm trạng bị hắt hủi. Những kẻ đó là những người mới nghèo. Thông thường chỉ những người nào mới bị đọa đày vào cảnh khốn cực mới sôi nổi với tâm trạng bị hất hủi. Nhớ đến thời oanh liệt là ngọn lửa muốn đốt cháy mạch máu của họ ( trích lời Eric Hoffer ).

( It is usually those whose poverty is relatively recent, the new poor who throb with the ferment of frustration things is as a fire in their veins ).

Loại người mới sa vào cảnh nghèo lúc nào cũng sẵn sàng gia nhập vào phong trào chính trị bất kể màu sắc nào. Cuộc cách mạng Thanh giáo ( Puritant revolution ) ở Anh vào thế kỷ 17 nổi lên do những nông dân mới bị các địa chủ truất ruộng làm đồng cỏ doanh nghiệp chăn nuôi. Đám nông dân đó xưa kia vẫn sống bằng nghề nông tang nay trở thành lao công hay phải ngửa tay đi xin ăn ở các đô thị, nơi đây đầy rẫy sự cùng khốn. Đám quần chúng này là chủ lực cho cuộc vũ trang khởi nghĩa của Cromwell. Ở Ý, ở Đức bọn người tiểu tư sản bị mạt nghiệp vì khủng hoảng hậu chiến ồ ạt theo tiếng gọi của Phát xít và Quốc xã. Sau khủng hoảng kinh tế 1929, thợ thuyền thất nghiệp, tư nhân phá sản nhiệt liệt hưởng ứng chính sách “new deal” của Roosevelt. Sau trận đói Ất dậu, mỗi thành phần nông dân từ phú nông, trung nông, bần nông đều lao mình theo lời khuyến dụ cách mạng xã hội của Việt Minh.

Người thợ có việc làm, mặc dù cùng khốn nhưng họ không cảm thấy bị hắt hủi vì họ quan niệm cái nghèo của họ là cái nghèo cổ truyền, họ ít phẫn nộ hơn người thợ bị mất việc, so về cùng khốn cùng ở một mức với nhau thôi, nhưng so trạng thái tâm lý khác hẳn. Người thợ bị mất việc luôn luôn cảm thấy bị ức chế, bị sỉ nhục bởi cái trật tự bất công trước mặt. Do đó người thợ mất việc nghe ngay và theo ngay mọi ý kiến chính trị chỉ nhằm thay đổi hiện tại.

Bây giờ nói đến kẻ nghèo mạt. Tâm lý đám dân này là đấu tranh cho cái no trông thấy đã. Họ chỉ cần một bữa ăn khá hơn bữa cơm vẫn phải ăn, một chỗ ngủ ấm hơn chỗ ngủ vẫn phải ngủ và bất cần đến chuyện xa xôi khác của chính trị của xã hội. Đối với họ dạ dầy hôm nay no đầy là một thắng lợi cho ngày hôm nay rồi. Cách mạng hay phong trào đối với họ hệt như hiện tượng cướp cháo cúng sinh. Họ sẵn sàng xô ra, lăn sả vào để giành giật. Chính đám quần chúng nghèo mạt này tụ tập ở Petersbourg và Moscou đông như kiến đã làm khí thế cuộc cách mạng tháng Mười to lên gấp trăm ngàn lần. Tại Ấn độ mỗi khi có phong trào nào cũng có thể trở nên vĩ đại ngay là nhờ đám ăn mày quây quần mong kiếm chác. Loạn kiêu binh ở Bắc hà đời vua Lê Chiêu Thống, bọn nông dân loạn lạc bỏ cầy bỏ cấy lên kinh đô hoặc đón đường ăn cướp tứ tung khiến cho tình trạng loạn càng nặng nề. Chúng không đòi hỏi chính trị chi hết, gặp ai lột áo bóc sống. Đến như bọn chèo thuyền gặp vua Lê Chiêu Thống cũng cướp mất áo bào ngọc tỉ và cả làng tranh nhau ra xin chức quận công.


Tham Khảo:

Vũ Tài Lục, Thủ Đoạn Chính Trị, VIỆT CHIẾN Xuất Bản, Saigon, Nam Việt Nam, 1970. Xem https://letungchau.blogspot.com.au/2009/04/thu-oan-chinh-tri-bien-khao-vu-tai-luc.html

12/03/2018

 

MikTex — Software Miễn Phí Rất Tiện Lợi cho việc Viết Lách, In Ấn…

 

 


TeX là software dùng để in sách. Được ông Donald Knuth viết xong năm 1978. Một điểm đặc biệt, và cũng là điểm mạnh của TeX là viết những công toán, lý, hóa v.v.. rất dễ dàng và kết quả rất đẹp ( 1 ).

LaTeX dựa trên TeX, do Leslie Lamport viết xong năm 1985. LaTeX có nghĩa là Lamport TeX. LaTeX được sử dụng rộng rãi trong các trường đại học Tây Phương để viết các bài viết mang tính cách nghiên cứu về các ngành khoa học, cũng như viết luận án v.v… ( 2 ).

LaTeX là software của Unix. Người viết đã sử dụng LaTeX trên Unix vào thập niên 1990.

MikTeX là software tương tự LaTeX trên Windows. MikTeX của tác giả Christian Schenk ( 3 ). Người viết không rõ MikTeX được phát hành lần đầu tiên là khi nào. Nhưng vào những năm cuối 1990, người viết đã biết đến sự hiện hữu của MikTeX.

MikTeX là software miễn phí. Nếu có lòng thì giúp đỡ tác giả ít ít qua PayPal — xem https://miktex.org/donations.html.

Chuẩn Bị Tinh Thần Trước Khi Tập Sử Dụng MikTeX…

MikTeX chúng ta sử dụng là loại 64-bit, hay nói cách khác, nó là software của các loại Windows như 7.00, 8.1 hay 10.

Quá trình chuẩn bị ( installation ) MikTeX trong Windows đơn giản. Nhưng trong lúc sử dụng, nếu còn thiếu cái gì, nó sẽ phải lấy xuống từ mạng, cho nên những lúc như vậy, máy cần phải nối vào mạng.

Nếu quý vị đã quen sử dụng Microsoft WordPad, Microsoft Word hoặc các software tương tự, xác suất rất cao là quý vị sẽ bị “dội” với MikTeX. Nó hơi khó học, vì nó là một loại “ngữ pháp” “mark up” giống giống HTML.

Sử dụng quen thuộc sẽ thấy nó rất dễ. Cho nên công sức đầu tư ban đầu, chắc chắn sẽ gặt hái “lợi nhuận” về sau.

MikTeX Có Thể Làm Được Gì?

MikTeX có thể sử dụng để viết một cuốn sách hoàn chỉnh ở dạng PDF.

Thí dụ, link bên dưới là quyển sách hướng dẫn sử dụng MikTeX, được viết bằng MikTeX:

http://mirror.aarnet.edu.au/pub/CTAN/systems/win32/miktex/doc/2.9/miktex.pdf

Chúng ta thấy đây là một quyển sách hoàn chỉnh với mục lục ( Table of Contents ), sách được chia phần, chương, và index ( từ khóa hay chữ nào xuất hiện ở trang mấy, tiện việc tra cứu. )

Nếu chúng ta có sử dụng tài liệu tham khảo, MikTeX cũng tự động làm danh sách. MikTeX cũng có phần phụ lục.


Tham khảo:

( 1 ) Xem https://en.wikipedia.org/wiki/TeX

( 2 ) Xem https://en.wikipedia.org/wiki/LaTeX

( 3 ) Xem https://en.wikipedia.org/wiki/MiKTeX


Việt Nam: Cơ Hội Thứ Ba ( ? ) và Mâu Thuẫn của các Cường Quốc

Theo lịch sử “Chính Đề Việt Nam” (1) kết luận, Việt Nam đã không bắt được hai cơ hội quý giá để phát triển dân tộc:

  1. Cơ hội thứ nhất — khi Tây Phương bắt đầu vào Châu Á. Và bắt đầu dòm ngó các lãnh thổ trong vùng. Người Nhật đã nắm được cơ hội, hiểu được sự yếu kém của dân tộc họ so với Tây Phương, nên đã tận dụng cơ hội học hỏi Tây Phương và Tây Phương hóa.Và người Nhật cũng biết tận dụng những mâu thuẫn của các quốc gia Tây Phương để thủ lợi cho họ. Thí dụ, Tây Phương cạnh tranh về ảnh hưởng ở Nhật, người Nhật đề nghị chuyên viên Tây Phương dạy kỹ thuật quốc phòng cho dân Nhật. Tây Phương cho phép chuyên viên của làm vậy, vì quyền lợi kinh tế và những ảnh hưởng khác.
  2. Cơ hội thứ hai — sau Đệ Nhị Thế Chiến. Các quốc gia thuộc địa cũ đã tận dụng những sự giúp đỡ về kinh tế, kỹ thuật… nói chung là về mọi mặt để phát triển quốc gia, phát triển dân tộc.Những quốc gia biết tận dụng cơ hội này đều đã thành công, vì đó là những quốc gia nhỏ, dù họ có phát triển cực thịnh, cũng không phải là mối đe dọa cho thế giới. Nên sự phát triển của họ không bị ngăn cản.

    Các quốc gia mới độc lập này, cũng đã biết tận dụng các mâu thuẫn của các đại cường để thủ lợi cho họ.

Việt Nam đã mất cơ hội này. Người Nhật trả tự do, cộng sản tranh giành quyền lãnh đạo, mời Pháp trở lại để có kẻ thù, hòng hợp thức hóa tính chính danh của chúng — “chín năm kháng chiến” ( lẽ ra không có ), rồi chia đôi đất nước ( lẽ ra cũng không bị. )

Tóm lại Việt Nam mất cơ hội thứ hai.

“Chính Đề Việt Nam” không dự đoán cơ hội thứ ba. ( Các ) tác giả chỉ đưa ra lược đồ kiến thiết lại đất nước như trong lời kết.

*
* *

Biển Đông luôn là nơi tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc. Đó là điểm tốt và cũng là điểm bất lợi cho Việt Nam.

Nếu biết tận dụng các mâu thuẫn của các đại cường về Biển Đông, chắc chắn nó sẽ luôn là điểm lợi cho Việt Nam: lấy sức người làm sức ta!

Việt cộng sẽ chết trong tương lai rất gần.

Hàng mấy năm nay, Hoa Kỳ đang có những hành động tạo ảnh hưởng tốt đẹp trong lòng dân Việt Nam. Và người Việt Nam hình như cũng rất hoan nghênh Hoa Kỳ:

  1. Mấy năm trước, một chiếc vận tải cơ Hercules khổng lồ mang vật dụng cùng những công binh Hoa Kỳ vào xây trường tiểu học ở Quảng Ngãi. Dân chúng ra phụ, cười đùa với “lính Mỹ” om xòm: trông mọi người, Việt lẫn Mỹ, rất hạnh phúc.( Thật sự không hiểu: một anh chàng lính Mỹ to đùng mang boot de saut cầm chổi chà quét sân. Sao không kêu một chú nhóc Việt Nam nào đó quét? )
  2. Cũng mấy năm trước, “lính Mỹ” chơi bóng chuyền với bộ đội hải quân, dân chúng xem vui vẻ lắm.
  3. Đã mấy lần rồi nhà thương nổi của Hoa Kỳ đã vào cảng Việt Nam trị bệnh miễn phí. Và Tháng Ba 2018 này lại sắp đỗ lại thêm ba tháng nữa.
  4. Các chàng đặc chủng Hoa Kỳ nghênh ngang trên phố phường Việt Nam. Diễn nghênh ngang, khoe bắp thịt, khoe đồ chơi súng đạn v.v… có vẻ hơi quá lố — phản ứng của dân Việt Nam nói chung, và của dân Việt Nam mạng nói riêng rất khoái chí.– Thằng tàu mà hành động vậy, dân Việt Nam đã loạn rồi.
  5. Quan trọng hơn cả, Tổng Thống Trump, trong APEC 2017 đã khẳng định: Hoa Kỳ cần đồng minh cường liệt, cần những người bạn biết tôn trọng quyền lợi song phương; và Hoa Kỳ không vào Châu Á để thống trị bất cứ ai.Việt cộng chỉ là những đứa ăn mày tay sai.

    Việt cộng tiêu, Việt Nam Mới bắt buộc phải có những hành động thực tiễn chứng tỏ mình đáng tin cậy hòng đứng vào hàng ngũ Tây Phương: vận dụng sức người phát triển dân tộc, kiến thiết quốc gia — như lịch sử đã chứng minh với các quốc gia khác.

*
* *

Lòng người Việt Nam đã sẵn sàng dẹp cộng sản. Lòng người Việt Nam hướng về Tây Phương ( dù chỉ ở giai đoạn vật chất ). Yếu tố “nhân” đã có.

Tàu cộng, như “Chính Đề Việt Nam” đã luận, khi phát triển thành công sẽ là một đe dọa cho thế giới. Hoa Kỳ và các đồng minh đại cường cần phải khống chế tàu cộng, Hoa Kỳ và các đồng minh đại cường cần hải lộ Biển Đông không bị đe dọa. Đó là thiên thời cho Việt Nam.

Vị trí địa lý của Việt Nam là con dao hai lưỡi cho dân Việt. Biết tận dụng sẽ là điểm lợi. Xét ra thì yếu tố địa lý cũng có.

Vấn đề là khi cộng sản tiêu rồi: người Việt phải biết nắm bắt cơ hội vàng ngọc này. Đừng để mất như hai lần trước.

Nếu phải đợi thêm mấy trăm năm nữa, chủng Việt cuối cùng sẽ tiêu vong.


(1) Bản PDF, không phải chính bản của Nhà Xuất Bản Đồng Nai, Nam Việt Nam, 1968.

04/03/2018.

 

Từ “Cối Kê cựu sự” Cảm Thương An Tư Công Chúa.

dvsktt-tvlt

Lần thứ hai Thoát Hoan mang quân sang đánh Đại Việt, nhà Trần phải bỏ Thăng Long mà chạy.

Thoát Hoan hung hãn cướp bóc chém giết rửa hận. Lực lượng của Đại Việt lúc đó đã tan tác, tàn quân không còn sức chiến đấu.

Để có thêm thời gian, Trần Nhân Tông đã mang An Tư Công Chúa mà hiến cho Thoát Hoan để Hoan chậm việc binh bị.

An Tư Công Chúa cũng còn có tên gọi khác là Thiên Tư Công Chúa.

*
* *

Thất trận, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn rút về Vạn Kiếp, gây dựng lại lực lượng kháng cự. Vua Trần Nhân Tông, sau Hội Nghị Diên Hồng đã đích thân đi bằng đường thủy vào Vạn Kiếp để luận chuyện cùng Hưng Đạo Vương.

Nhà Vua đã hoảng sợ, đòi đầu hàng hòng cứu dân thoát nạn can qua. Hưng Đạo Vương luận: chém giết tạm ngưng rồi chém giết sẽ diễn ra kinh khủng hơn. Bắt buộc phải đánh. Vương bảo: “Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu tôi trước đã!

Cảm kích, trước khi về Thăng Long, nhà Vua đã khuyến kích binh sỹ bằng hai câu thơ:

Cối Kê cựu sự quân tu ký,
Hoan, Ái do tồn thập vạn binh.

Nghĩa là:

Việc cũ ở Cối Kê ngươi nên nhớ,
Châu Hoan, Châu Ái đang còn hàng chục vạn quân.

Lực lượng Vạn Kiếp này cũng thua. Nhưng nhờ tài cầm quân của các vương tôn nhà Trần, rốt cuộc giặc Thát bị đánh tan.

*
* *

Cối Kê ( bây giờ là Thượng Hải ) là kinh đô của Việt Vương Câu Tiễn. Thua Ngô Vương Phù Sai, Câu Tiễn đã dâng mỹ nhân Tây Thi cho Phù Sai, hòng khiến Phù Sai xao nhãng triều chính dẫn đến đất nước suy yếu, và cuối cùng Câu Tiễn cũng phục được hận cũ.

Chắc ý Vua Trần Nhân Tông là phải noi gương người xưa, cố lấy lại đất nước.

Nhưng chúng ta cũng không khỏi ngậm ngùi, nàng Tây Thi được lưu danh sử sách, người đời sau ít ai mà không biết sự tích Tây Thi… Cũng như người đời sau ít ai mà không biết chuyện một nàng Công Chúa khác của nhà Trần: Huyền Trân Công Chúa.

CÒN SỐ PHẬN CỦA AN TƯ CÔNG CHÚA THẬT HẨM HIU: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chỉ dành cho nàng một câu duy nhất: “An Tư được tiến dâng Thoát Hoan“!

Thơ văn Tiền Trần cũng chẳng có bài nào nhắc đến nàng!

ĐỜI MỘT CÔ CÔNG CHÚA NGÂY THƠ XUÂN SẮC: CHỈ ĐƯỢC MỘT CÂU NHƯ VẬY TRONG CHÍNH SỬ ĐẠI VIỆT!

— NGƯỜI ĐẠI VIỆT KHÔNG CÓ — NGAY CẢ LÒNG TỪ BI — ĐỂ GHI LẠI SỐ PHẬN CỦA NÀNG SAU KHI QUÂN NGUYÊN RÚT KHỎI ĐẠI VIỆT.

Trong bộ sử giá trị của sử gia đáng kính Hà Nội — Nguyễn Lương Bích: “Việt Nam ba lần đánh Nguyên toàn thắng“, ông cũng hoàn toàn không nhắc đến An Tư Công Chúa.

— Sử gia Nguyễn Lương Bích đã đối chiếu sử Việt và sử nhà Nguyên khi soạn bộ sách trên. Chắc có lẽ ông không tìm thấy sự kiện An Tư Công Chúa trong Nguyên sử?

Hay cũng như người xưa, ông chọn bỏ qua việc dâng An Tư Công Chúa cho Thoát Hoan để hoãn binh?

…”Cối Kê cựu sự” và số phận hai giai nhân: thôn nữ Tây Thi lưu danh sử sách và một An Tư Công Chua khuê các bị mang ra làm hàng hóa trao đổi để người Đại Việt có thời gian gầy dựng lực lượng phản công — rồi quên hẳng nàng.

— Huyền Trân Công Chúa là cháu ngoại của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. An Tư Công Chúa là con của một cung phi có gốc gác dân đen!

Sự khác nhau là như vậy đó!

03/03/2018