Xem chương trình “Manila, khu ổ chuột ở Nghĩa Địa Navotas” ( video phụ đề tiếng Anh đính kèm ở comment 1 ), của Nhật Bản… Chợt nhớ phân tích về “bần dân” của Eric Hoffer trong “Thủ Đoạn Chính Trị”.
Nghĩa Địa Navotas trong nội ô Manila, Phi Luật Tân, là nghĩa địa năm ( 5 ) năm. Những di hài không được chôn, mà giữ trong những cái hộp xi măng. Sau năm ( 5 ) năm, người nhà phải lấy ra di táng. Nếu không, di hài cũng bị lấy ra và chất đống lại, chờ ngày đốt!
Nơi Nghĩa Địa này, cũng là khu ổ chuột của hơn 6,000 ( sáu ngàn ) người bần cùng. Ở làng quê, họ không sống được, nên kéo ra Manila sinh sống… Họ sống giữa rác rến, xương cốt, hôi tanh, di trùng v.v… và họ cũng rất hạnh phúc, chiều xuống, họ tụ tập ca hát, nhảy múa, đánh bài, uống rượu, đá gà, làm tình, v.v…
Suốt những cuộc phỏng vấn, họ hoàn toàn không bày tỏ một ý niệm kêu gọi chính phủ phải có trách nhiệm với họ! Họ trôi theo cuộc sống cơ cực. Suốt các cuộc phỏng vấn, họ không bày tỏ ý tưởng thay đổi!
Họ là những “Bần Dân” mà Eric Hoffer đã diễn tả, và “Thủ Đoạn Chính Trị” trích dẫn!
Bần dân Việt Nam chắc cũng chẳng khá hơn!
Trích “Thủ Đoạn Chính Trị” — luận “Bần Dân”:
Không phải người nghèo nào cũng mang tâm trạng bị hất hủi. Ở đồng ruộng, thiếu gì bần cố nông làm lấm lưỡi áo rách tả tơi, nhưng tối nằm ổ rơm ngủ kỹ, ăn no vỗ bụng hát nghêu ngao, ai hỏi gì cũng cười và cười rất thành thực, rất yêu đời. Ở thành thị, thiếu gì đám người sống chui sống nhủi, tối về vùi đầu vào đánh bài đánh bạc, hôm nào bữa cơm ngon thì vui như tết, chửi tục vài câu rồi hít vài hơi thuốc là quên hết, không nghĩ ngợi bất cứ điều gì. Còn những người nghèo khác, sống an phận muốn yên thân như thế mãi, xáo động làm chi làm khổ thêm. Thấy hỗn loạn họ mở mắt ngạc nhiên, họ không thể ngờ rồi đây lại có thể đảo lộn hết thảy. Như vậy chứng tỏ rằng không phải người nghèo nào cũng sẵn sàng lao vào chính trị. Phần tử sẵn sàng lao vào chính trị là những bần dân bị tỏa bại, có tâm trạng bị hắt hủi. Những kẻ đó là những người mới nghèo. Thông thường chỉ những người nào mới bị đọa đày vào cảnh khốn cực mới sôi nổi với tâm trạng bị hất hủi. Nhớ đến thời oanh liệt là ngọn lửa muốn đốt cháy mạch máu của họ ( trích lời Eric Hoffer ).
( It is usually those whose poverty is relatively recent, the new poor who throb with the ferment of frustration things is as a fire in their veins ).
Loại người mới sa vào cảnh nghèo lúc nào cũng sẵn sàng gia nhập vào phong trào chính trị bất kể màu sắc nào. Cuộc cách mạng Thanh giáo ( Puritant revolution ) ở Anh vào thế kỷ 17 nổi lên do những nông dân mới bị các địa chủ truất ruộng làm đồng cỏ doanh nghiệp chăn nuôi. Đám nông dân đó xưa kia vẫn sống bằng nghề nông tang nay trở thành lao công hay phải ngửa tay đi xin ăn ở các đô thị, nơi đây đầy rẫy sự cùng khốn. Đám quần chúng này là chủ lực cho cuộc vũ trang khởi nghĩa của Cromwell. Ở Ý, ở Đức bọn người tiểu tư sản bị mạt nghiệp vì khủng hoảng hậu chiến ồ ạt theo tiếng gọi của Phát xít và Quốc xã. Sau khủng hoảng kinh tế 1929, thợ thuyền thất nghiệp, tư nhân phá sản nhiệt liệt hưởng ứng chính sách “new deal” của Roosevelt. Sau trận đói Ất dậu, mỗi thành phần nông dân từ phú nông, trung nông, bần nông đều lao mình theo lời khuyến dụ cách mạng xã hội của Việt Minh.
Người thợ có việc làm, mặc dù cùng khốn nhưng họ không cảm thấy bị hắt hủi vì họ quan niệm cái nghèo của họ là cái nghèo cổ truyền, họ ít phẫn nộ hơn người thợ bị mất việc, so về cùng khốn cùng ở một mức với nhau thôi, nhưng so trạng thái tâm lý khác hẳn. Người thợ bị mất việc luôn luôn cảm thấy bị ức chế, bị sỉ nhục bởi cái trật tự bất công trước mặt. Do đó người thợ mất việc nghe ngay và theo ngay mọi ý kiến chính trị chỉ nhằm thay đổi hiện tại.
Bây giờ nói đến kẻ nghèo mạt. Tâm lý đám dân này là đấu tranh cho cái no trông thấy đã. Họ chỉ cần một bữa ăn khá hơn bữa cơm vẫn phải ăn, một chỗ ngủ ấm hơn chỗ ngủ vẫn phải ngủ và bất cần đến chuyện xa xôi khác của chính trị của xã hội. Đối với họ dạ dầy hôm nay no đầy là một thắng lợi cho ngày hôm nay rồi. Cách mạng hay phong trào đối với họ hệt như hiện tượng cướp cháo cúng sinh. Họ sẵn sàng xô ra, lăn sả vào để giành giật. Chính đám quần chúng nghèo mạt này tụ tập ở Petersbourg và Moscou đông như kiến đã làm khí thế cuộc cách mạng tháng Mười to lên gấp trăm ngàn lần. Tại Ấn độ mỗi khi có phong trào nào cũng có thể trở nên vĩ đại ngay là nhờ đám ăn mày quây quần mong kiếm chác. Loạn kiêu binh ở Bắc hà đời vua Lê Chiêu Thống, bọn nông dân loạn lạc bỏ cầy bỏ cấy lên kinh đô hoặc đón đường ăn cướp tứ tung khiến cho tình trạng loạn càng nặng nề. Chúng không đòi hỏi chính trị chi hết, gặp ai lột áo bóc sống. Đến như bọn chèo thuyền gặp vua Lê Chiêu Thống cũng cướp mất áo bào ngọc tỉ và cả làng tranh nhau ra xin chức quận công.
Tham Khảo:
Vũ Tài Lục, Thủ Đoạn Chính Trị, VIỆT CHIẾN Xuất Bản, Saigon, Nam Việt Nam, 1970. Xem https://letungchau.blogspot.com.au/2009/04/thu-oan-chinh-tri-bien-khao-vu-tai-luc.html
12/03/2018
LikeLike