Dùng Việt Ngữ trong ngành Ngân Hàng

Lời Người Đăng: đây là chương XXX trong “Hồi Ký Nguyễn Tấn Đời“, tác giả xuất bản và giữ bản quyền, Canada, Montreal, Mùa Xuân 1988, U.S.A., Orlando, Mùa Xuân 1988.

Miền Nam Việt Nam, 1970, ngôn ngữ của ngành ngân hàng là tiếng Pháp. Nhà tư sản Nguyễn Tấn Đời đã đề nghị và bằng “thủ đoạn” đã ép được ngành này chuyển sang sử dụng tiếng Việt và chữ Quốc Ngữ.

Cho nên, cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ việc áp dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai cho người Việt và các tiếng Châu Âu là ngôn ngữ thứ ba, thứ tư v.v… Nhưng tôi cực lực phản đối bỏ chữ Quốc Ngữ.

Bản sắc của một quốc gia ( National Identity ), phần quan trọng là ngôn ngữ và chữ viết.

Nhà tư sản Nguyễn Tấn Đời
Nhà tư sản Nguyễn Tấn Đời

Đa số cấp điều khiển ngân hàng ở Việt Nam, trước kia được đào tạo bởi Banque de L’Indochine gọi là Đông Dương Ngân Hàng, nên cũng dễ hiểu và thông cảm, sau này dù được độc lập mà các ngân hàng Pháp và các chuyên viên Pháp còn được vị nể cũng thường tình.

Bởi vậy Hiệp Hội Ngân Hàng Việt Nam được điều khiển do Tổng Thư Ký Pháp Kiều Bravard, là Tổng Giám Đốc Pháp Á Ngân Hàng, nên mọi công văn điều là Pháp văn, họp hội dùng toàn Pháp ngữ.

Trong phiên họp thường niên 1970 của Ngân Hàng Quốc Gia, tất cả các ngân hàng đều được mời để nghe Ngân Hàng Quốc Gia cho biết kết quả và tình hình chung của ngân hàng trong năm vừa qua, và đặt mục tiêu cho năm tới.

Bấy lâu nay tôi bị lép vế trong việc bàn cãi bằng Pháp ngữ, cũng như những ngân hàng khác, không thuộc ảnh hưởng Pháp, thừa dịp này tôi xin phát biểu ý kiến:

Kính thưa ông Thống Đốc,
Kính thưa quý vị Chủ Tịch và Tổng Giám Đốc.

“Quốc gia Việt Nam đã được độc lập, và tất cả công văn của Chánh Phủ đều dùng Việt ngữ từ lâu, ngoại trừ ngành ngân hàng chưa được “Việt ngữ hóa”, tôi yêu cầu đầu năm nay tiếng Việt phải được dùng lúc hội họp, dùng Việt ngữ trong ngành ngân hàng, tôi nhấn mạnh, yêu cầu này có tánh cách lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam, tôi xin được ghi vào biên bản đề nghị này, và ý kiến của mọi người…”

Phòng họp bắt đầu nhôn nhau, ồn ào không sao tả xiết, người này bỏ ghế đến phụ nhỉ người kia, như bầy ong vỡ ổ, tôi chỉ còn biết nhìn quang cảnh đó mà cười thầm.

Ông Chủ Tịch Hiệp Hội Ngân Hàng Việt Nam chống đối rằng:

Ngành ngân hàng chưa thể dùng tiếng Việt được, vì mình chưa có danh từ kỹ thuật, và chúng ta chưa có Hàn Lâm Viện, hơn nữa chúng ta đang làm việc trôi chảy, tại sao phải thay đổi, làm trở ngại sự hoạt động, và còn làm khó khăn việc giao thiệp với ngoại quốc.

Tôi đáp: lý do của ông Chủ Tịch vừa viện dẫn không được chánh đáng, nếu chúng ta có thiện chí và quyết tâm vì quốc gia Việt Nam thì việc gì mà không thể làm được.

Ông chủ tịch: ông Đời, xin ông biết rằng, ở đây ngân hàng ngoại quốc là đa số, không nên vì tự ái mà gây khó khăn cho họ, mà họ đã góp công không ít cho nền kinh tế tài chánh Việt Nam.

Đáp: tôi xin lưu ý ông Chủ Tịch, đa số ngân hàng ngoại quốc ở đây đều thạo Anh ngữ, chỉ có Pháp Á Ngân Hàng và một số rất ít thạo Pháp ngữ, và nếu vì quyền lợi quốc gia Việt Nam, mà ông Chủ Tịch cho rằng tự ái cũng được, nếu thật sự khó khăn cho họ lúc đầu đi nữa, thì họ phải chấp nhận, để tỏ ra họ biết trọng chủ quyền của dân tộc ta, được như vậy mới công bằng, với tất cả ngân hàng ngoại quốc đang sanh hoạt ở Việt Nam.

Ông Thống Đốc Ngân Hàng Quốc Gia ngồi im để nghe, ông rất khôn ngoan và tế nhị, khi nhìn thấy hai lập trường đối chọi, như nước với lửa, khó mà hòa hợp nên ông xin gác việc này vào dịp khác, sẽ bàn lại.

Dứt phiên họp tôi ra về mà lòng buồn và ngao ngán sự đời, vì cô đơn tôi phải đương đầu với đa số ngân hàng có thể lực.

Nhưng lòng tôi đã quyết tiến lên, tiến xa khỏi tầm tay của họ, để tôi không còn bị họ đánh đòn hội chợ, với chủ thuyết “chánh truyền”, thì tôi phải tìm ra lối đi cho đến đích, để tự giải cứu.

Tôi tự nghĩ, hành động vì quyền lợi, danh dự chung của người Việt Nam, chớ không phải riêng tôi, sẽ không cô đơn, nếu tôi khéo léo kéo dân chúng và báo chí nhập cuộc, quả đúng như tôi đã dự liệu… Sau khi tung tin cuộc họp hôm ấy, báo chí nắm được cơ hội tốt làm ầm lên, dân chúng rầm rộ ủng hộ lập trường của Tín Nghĩa Ngân Hàng.

Ông Thống Đốc thừa dịp mời tái họp, bàn cải soạn thảo rồi ba tháng sau áp dụng, dùng Việt ngữ trong ngành ngân hàng.

PHẢI CHĂNG TỔ TIÊN CHÚNG TA LÀ NGƯỜI GAULOIS? ( * )

Trong dịp này, tôi hồi tưởng lại lúc còn là sinh viên, chúng tôi chỉ được giảng dạy học về Sử Ký Pháp mà thôi, tôi không hề quên một câu bất hủ: “tổ tiên chúng ta là người Gaulois”? Tất cả sự dạy dỗ, huấn luyện đều hướng về các tư tưởng trung kiên phục vụ và đề cao người Pháp và nước Pháp.

Dưới sự đô hộ của Pháp đã gây cho xã hội Việt Nam của chúng ta, một thứ tư tưởng đi có một chiều thật là nguy hiểm.

Phần đông ta xem nước Pháp là rún của vũ trụ, được sang Pháp, được du học ở Pháp, là một hãnh diện thật to lớn. Đến lúc Miền Nam Việt Nam bị sụp đổ, chúng ta bỏ nước ra đi khắp năm châu, ta mới có dịp nhìn trung thực, so sánh, nhận định để biết rõ sự thật. Lúc bấy giờ mới vỡ lẽ ra, ý tưởng trước kia là sai lầm ngớ ngẩn ví như ếch ngồi đáy giếng vậy.

Bởi sự lầm lạc to lớn làm thiên lệch phán đoán của mọi người, vì lúc học ở trường đã bị nhồi sọ, nên đã ăn sâu vào đầu óc họ, biến thành một khối cứng chắc, thành ra bất di bất dịch, rồi dầu cho lý tưởng có chánh đáng cách nào, cũng không thể được họ chấp thuận.

Huống chi sau khi ra trường họ không có môi trường nào khác hơn là được đào luyện, thực hành với những chuyên môn, kỹ thuật đặc quyền của Pháp, nên họ vô tình thành một chiến sĩ cuồng nhiệt mà không hay biết.

Biết và kịp nghĩ như vậy, tuy tôi có buồn lòng , nhưng tôi không đổ tội cho họ quá thiên kiến, mà xem họ như một nạn nhân đáng thương của một thời kỳ bị lệ thuộc về văn hóa, kinh tế, xã hội của kẻ đô hộ để cai trị, và họ chỉ được dạy dỗ, gò bó, nhồi sọ nên đã phải tin tưởng thái quá thành ra “tính ngưỡng” rồi đi đến “mê tín” không còn xa nữa.

Bởi vậy, dầu tôi bị chống đối và hạ nhục của họ, tôi cũng không giận hoặc thù oán mà chỉ làm nung chí tôi, phải làm cách nào cho được thành công để chứng minh sự thật, hầu kéo họ về lý tưởng chánh đáng và thật tế.

Nghĩ rằng một ý tưởng được đa số tín ngưỡng là một sức mạnh phi thường, mà họ là đa số, nên tôi tự biết rằng không thể dùng lý lẽ nào đánh đổ nỗi. Trừ khi tôi dám hành động, cách nào cho họ hoài nghi sự tin tưởng vu vơ như thế, để họ không còn làm chủ được lý tưởng đó nữa, để họ tự nhận thức rõ, họ hết đường ngụy luận, che chở, chừng ấy chắc họ sẽ chịu theo từ từ một cách bẽn lẽn, không còn phủ nhận mà cũng không dám công nhận.

Dự đoán của tôi đã được thành công, nên sau này sự chống đối với tôi càng ngày càng bớt dần mà họ đã âm thầm làm y theo tôi, làm cho tôi rất sung sướng khi nghĩ đến và cảm tạ Ơn Trên đã giúp tôi kéo được họ về tư tưởng quốc gia dân tộc.

Hoàn cảnh xã hội ta đã bị ảnh hưởng sâu nặng, mãnh liệt như thế đó, những điều họ cho là phải hay giống, là những tư tưởng lý thuyết của phe nhóm của họ đưa ra, họ không cãi lại, họ tin tưởng nó như một tín điều thiêng liêng bất khả xâm phạm.

Thật vậy, nếu người nào không nhận ý tưởng của nhóm mình, thì không thể sống ở trong nhóm đó được nữa. Ở đời ai cũng phải có một lý tưởng để làm phương châm cho hành động hàng ngày của mình, nhưng ai cũng có quyền có một tín ngưỡng cả, nhưng không nên tín ngưỡng thái quá mà thành ra “mê tín”.

Tin tưởng đạo Phật đâu phải là ta không để ý đến đạo khác.

Đọc một tờ báo cùng một tư tưởng không có nghĩa là không đọc các tờ báo khác tư tưởng. Nếu không, thì óc thiên kiến, bảo thủ ấy đã làm cho tư tưởng ta trở thành một chiến sĩ cuồng nhiệt, như bị nhốt trong một cái lòng che kín, không còn tự do thấy được bên ngoài, để biết sự thật được nữa, thì sẽ nếm và mê mùi chủ quan vậy.

Phàm giữa người với người có khác nhau, giá trị hơn nhau là nơi “Tư Tưởng”. Thói thường thiên hạ cho rằng kẻ trí thức, người thất học đến đâu cũng do tư tưởng mà phân cao thấp. Tư tưởng sai sẽ làm hại cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước.

Người thiếu khả năng có một tư tưởng đúng là người sống với thói quen, vì sơ khởi họ đã học lầm, bị đầu độc bởi các lực lượng mạnh bạo, chánh trị, đảng phái, phe đảng, kinh tế. Họ sống như cục bột, chỉ đợi sự chỉ huy của kẻ khác. Trí thức, khoa bảng nếu người có tư tưởng vững chắc thì là bậc “Anh Minh” lỗi lạc, hữu ích cho quốc gia, dân tộc, bằng trái lại là con mọt sách đục khoét làm hại cho quốc gia, dân tộc.

Nhưng phần đông ở đời, một khi đã tin tưởng rồi thì, dầu cho gặp tư tưởng đối địch hợp lý, họ cũng pha lờ, bỏ qua dùng đủ thiên phương, bách kế để che đậy, bào chữa, ngụy luận, đến khi nào làm được cho họ phải hoài nghi, thấy sự thật hiển nhiên, được nhiều người công nhận, rồi họ mới chịu âm thầm từ từ biến đổi.

26/09/2018.

Chú Thích của Người Đăng:

( * ) “Tổ tiên chúng ta là người Gaulois“: Nos ancêtres étaient des Gaulois. Cụ Nguyễn Hiến Lê cũng có nhắc đến câu này, không chấp nhận. Nhưng cụ phản ứng có mềm mỏng hơn.

Trầm K — tuyển tập thơ của những Người Tù Yêu Nước

Bản PDF của Trầm K — tuyển tập thơ của những Người Tù Yêu Nước

 

“Thủ Đoạn Chính Trị”: “Tà Trị”, “Chính Trị” và “Tân Quân Vương”!

“Đạo Đức Cách Mạng” là chữ của v+. v+ không có “Đạo Đức Chính Trị”.

Người quốc gia cũng không có chữ “Đạo Đức Chính Trị”!

— Vậy nếu không có “đạo đức” trong chính trị, và là “tà trị”?

“Thủ Đoạn Chính Trị” của Vũ Tài Lục Tiên Sinh đúc kết nhiều bài học trong lịch sử cổ kim Đông và Tây — nhưng ảnh hưởng nặng nhất của “Thủ Đoạn Chính Trị”“The Prince” hay “Quân Vương” của Niccolo Machiavelli, một mưu sỹ buôn vua bán chúa của Ý Đại Lợi sống vào thế kỷ thứ 16.

— Xem Vũ Tài Lục, Thủ Đoạn Chính Trị, VIỆT CHIẾN Xuất Bản, Saigon, Nam Việt Nam, 1970. Xem https://letungchau.blogspot.com.au/2009/04/thu-oan-chinh-tri-bien-khao-vu-tai-luc.html

Được xuất bản sau khi Niccolo Machiavelli đã chết. Và là quyển sách có tầm ảnh hưởng sâu, rộng và lâu ở Châu Âu nói riêng, và thế giới nói chung.

Niccolo Machiavelli được xem là “political animal” hay “mãnh thú chính trị” và “political realist” hay “chính trị thực dụng”. Ý chính của ông:

— Chính trị là phải thủ thắng, có nghĩa là phải đoạt quyền lực. Vì không đoạt được quyền lực thì không làm được gì cả. Và đoạt được quyền lực rồi, thì phải biết giữ quyền lực. Người làm chính trị phải biết cách hành xử của kẻ xấu xa đê tiện phản phúc ( hay đại khá là như vậy ) và không bị lương tâm cắn rứt ( có nghĩa là phải biết sống với những hành vi / hành động chính trị xấu xa đê tiện phản phúc của mình. )

Người có tâm tốt, có đạo đức tốt, không có quyền lực cũng không phụng sự được nhân sinh.

— Đạo đức cần phải loại bỏ ra khỏi những toan tính chính trị: do đó chính trị là thủ đoạn để thủ thắng.

*
* *

“The Prince” đã được những nhân vật kinh hãi như Napoléon Bonaparte, Joseph Stalin, Benito Mussolini, Henry Kissinger, Richard Nixon nghiền ngẫm.

— LÀ SÁCH GỐI ĐẦU CỦA HENRY KISSINGER.

Cho nên chúng ta đừng ngạc nhiên Nam Việt Nam bị Henry Kissinger nó chơi cho tơi tả!

*
* *

Chính trị là thủ đoạn để thủ thắng — trước Niccolo Machiavelli vài trăm năm, Trần Thủ Độ của Việt Nam đã áp dụng đúng cái lối cư xử vô đạo này để cướp ngôi nhà Lý, và để giữ quyền lực, Trần Thủ Độ đã không ngần ngại tàn sát hàng trăm hoàng thân quốc thích nhà Lý bằng cách đào hầm, cho sập bẫy rồi chôn sống!

— Khiến cho một vị hoàng tử phải dong buồn chạy tuốt đến Cao Ly xin tỵ nạn! ( Và ông đã lập chiến công vệ quốc hiển hách chống rợ Mông xâm lăng vào đất Cao Ly. )

*
* *

Jonathan Nicholas Powell, The New Machiavelli How To Wield Power In The Modern World hay Tân Quân Vương Phương Pháp Thao Túng Quyền Lực Trong Thời Đương Đại.
Jonathan Nicholas Powell, The New Machiavelli How To Wield Power In The Modern World hay Tân Quân Vương Phương Pháp Thao Túng Quyền Lực Trong Thời Đương Đại.

Ảnh hưởng của “The Prince” vẫn còn đến ngày hôm nay. Thí dụ, năm đầu tiên của Thủ Tướng Anh Cát Lợi, Tony Blair, 1997, chữ “Machiavelli” được báo chí nhắc đến 358 lần. Và ông Chief of Staff của ông Blair, ông Jonathan Nicholas Powell đã viết “The New Machiavelli How To Wield Power In The Modern World” — chưa đọc, nhưng mạo muội tạm dịch “Tân Quân Vương Phương Pháp Thao Túng Quyền Lực Trong Thời Đương Đại”.

*
* *

Quyền lực không có đạo đức! Chính trị không có đạo đức!

Các bạn trẻ ngày nay đang đổ máu đổ xương cho Tiền Đồ Dân Tộc. Luôn luôn có những kẻ “chính trị là thủ đoạn để thủ thắng” lâm le sử dụng máu xương của các bạn cho sự tranh đoạt quyền lực sau cùng của chúng.

— Thái Sư Trần Thủ Độ lưu danh sử sách dù là một con người vô đạo, dã man. Vì ông đã có đủ khả năng lèo lái hoàng tộc nhà Trần giữ được nước, nếu không, danh ông cũng là danh nhơ.

Những kẻ đó, không thấy kẻ nào có được cái “dũng” và cái “trí” của Thái Sư Trần Thủ Độ.

Chúng ta cần phải bảo vệ Quyền Lực và Chính Trị của một Việt Nam Tự Do cho người Việt Nam.

17/09/2018.

SỢ: của George Orwell, Alexander Solzhenitsyn, Vũ Thư Hiên, Trần Đĩnh…

Bút pháp của tiên sinh George Orwell rất nhẹ nhàng, từ tốn, điềm tĩnh, nhưng khi chúng ta nghiệm ra được ý của ông cái cảm giác “rùng rợn” rất thấm.

Ông diễn tả cái “sợ” cũng bằng bút pháp đó.

Trong “1984” cái nỗi sợ của Winston thiên hình vạn trạng: sợ từ những đứa con nít thuộc loại “điệp viên nhi đồng” của Đảng, sợ từng bụi cây, vì có thể có máy nghe lén, sợ đồng nghiệp vì có thể là Cảnh Sát Tư Tưởng…

Chàng sợ và căm ghét cô nàng Julia, dù nàng chưa làm gì chàng, ý nghĩ đập vỡ sọ nàng để giải tỏa sự căm ghét và sợ hãi đã đến với chàng… Cho đến khi nàng rất tinh ranh trao chàng mảnh giấy với vỏn vẹn “Em yêu anh!”… Cái bản năng của con người đã thắng sự nghi kỵ kinh niên của chàng. Và phải hơn hai tuần tránh tai mắt theo dõi… họ mới gặp riêng nhau được.

( Ông có biệt tài diễn tả tính tự ti của đàn ông, trong “Burmese Days” cũng có một ông người Anh khá tự ti. )

Cái sợ của Alexander Solzhenitsyn trong “The First Circle“, “Tầng Địa Ngục Thứ Nhất” nó giới hạn trong trại tù dành cho trí thức và chuyên viên. Một loại trại tù của các nhà khoa học.

Họ thuộc loại “phản động” bị tập trung lại để làm các công việc nghiên cứu phục vụ cho “sức mạnh khoa học” của Đế Quốc Sô Viết. Giữa họ không có sự nghi kỵ hay sợ hãi đối với nhau. Những cán bộ được điều vào để giám sát họ cũng không đến nỗi man rợ… trong một vài trường hợp, những cán bộ nữ còn sinh lòng yêu đương những tù nhân…

— Nhưng nỗi sợ hãi của các lãnh đạo Trên đối với Stalin thật hãi hùng: vào gặp Stalin, đến một hơi thở cũng phải cân nhắc, lỡ Stalin phật lòng, là sẽ mất mạng trong vài tiếng đồng hồ sau!

Cái sợ của những anh đại tá, của những anh tướng của những anh bộ trưởng đường bệ đối với Stalin thật thê thảm.

Stalin một anh chàng du thủ du thực, đầu trộm đuôi cướp của xứ Georgia — ra những mệnh lệnh khoa học với thời gian và đòi hỏi trên trời, lãnh đạo Trên cũng phải râm rấp tuân theo, không dám phản đối, vì phản đối là có nguy cơ mất mạng. Thực hiện không được thì tìm cách gạt Stalin dốt nát, hoặc báo cáo láo!

Đêm Giữa Ban Ngày” của Vũ Thư Hiên là một tác phẩm quan trọng của lịch sử kháng cộng của người Việt Nam. Tác giả xác nhận “trưởng thành trong nỗi sợ hãi các đồng chí.”

Sự tàn ác man rợ của cái đám gọi là đồng chí đối xử với nhau: những người có thể được gọi là công thần cộng sản, bị tống ngục, bị giết hại không thương xót.

— “Tình đồng chí” của cộng sản Bắc Việt chỉ là một sự tuyên truyền trở trẽn.

Nỗi sợ của Giáp — kẻ được gọi là Đại Tướng — đối với đám đồng chí đang lộng hành thật tội nghiệp: đàn em của Giáp bị giết hại, Giáp không dám nói một lời bênh vực!

Đọc “Đèn Cù” của Trần Đĩnh, có những đoạn khiến chúng ta hụt hẫng một cách lạ kỳ:

— Thời kỳ “Cải Cách Ruộng Đất”, ông cùng một vài người khác, họ không thuộc nhóm “cán bộ cải cách” đến thăm một gia đình vừa bị đấu tố, trong sân nhà trống trơn, hai bà cháu đang ngồi làm gì đó, cô cháu 6-7 tuổi thấy các ông đến sợ quá hét thất thanh, vù chạy, nền nhà cao, cô chạy rớt té ạch xuống đất… gần như bất tỉnh!

Ông diễn tả nỗi sợ như vậy đấy!

*
* *

Ngày 10, Tháng Sáu 2018 khẳng định: đối với người Việt Nam, cái “evolution” hay “sự tiến hóa” của “sợ hãi” đã luân chuyển trọn một vòng tròn — nó đã trở về với những kẻ sinh ra nó.

Những cái trò khủng bố nữa đêm bằng ném đá, ném mắm tôm hay thậm chí ném chất thảy của con người ( như trường hợp của bà Trần Khải Thanh Thủy trước đây ) vào nhà những người can đảm dám lên tiếng vì Quê Cha Đất Tổ chắc chắn sẽ có những phản ứng ngược, và sẽ tạo ra những hậu quả thảm khốc cho những kẻ Tội Phạm của Dân Tộc, những kẻ Tàn Độc đối với Người Yêu Nước trong Tương Lai.

11/09/2018.

Tiếng Việt, IT ( Information Technology ) Công Nghệ Thông Tin: những Nghiên Cứu Cần Thiết!

Vấn Đề

Tiếng Việt độc âm. Nhưng chữ Việt không độc âm.

Hải đường mơn mởn cành tơ
Hải đường mơn mởn cành tơ

Hai câu thơ bên dưới trong Truyện Kiều, có bao nhiêu âm, và bao nhiêu chữ?

Hải đường mơn mởn cành tơ
Ngày Xuân càng gió càng mưa càng nồng

— Có tổng cộng 14 ( mười bốn ) âm, nhưng chỉ có 12 ( mười hai ) chữ!

Trong các ngôn ngữ Châu Âu, một chuỗi mẫu tự liền nhau, có một khoảng trống ở sau, hoặc khoảng trống ở trước và sau là một chữ. Thí dụ:

I am writing now.

Thì “I“, “am“, “writing” và “now” là chữ.

Vô cùng đơn giản. Tiếng Việt không đơn giản như vậy: đây không phải là đặc điểm của tiếng Việt, một vài ngôn ngữ Á Châu khác cũng có chung điểm này với tiếng Việt.

*
* *

Natural Language Processing ( NLP ) và Computational Linguistics

Có bao giờ quý vị đã thử sử dụng Google để dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt?

— Thường thì trật lất hết!

Trong khi từ tiếng Anh sang các tiếng Âu khác ( hay ngược lại ), tiếng Nhật sang tiếng Anh, tiếng Tàu sang tiếng Anh độ chính xác khá cao.

Trong một cuộc triển lãm máy “vi tính” ( thời đó thì chưa “vi” ) thuộc loại đầu tiên, người ta xiểng dương công dụng “dịch thuật tự động” — họ biểu diễn “dịch” vài câu từ tiếng Anh sang tiếng Nga, và ngược lại.

( Thành thật xin lỗi, vì không dẫn tài liệu chính xác. Tôi đọc hồi 1990s. )

Thật sự đó chỉ là màn biểu diễn bồng bột… Nhưng áp dụng máy vi tính vào “xử lý” ngôn ngữ, theo đà phát triển của máy vi tính đã thành chuyên ngành riêng biệt của khoa học vi tính: Natural Language Processing ( NLP ) và Computational Linguistics.

— Diễn tả sơ lược ở bề mặt thì NLP và Computational Linguistics là sử dụng khoa học vi tính ( máy vi tính ) để phân tích cấu trúc ngữ pháp, đánh vần v.v… và từ đó làm bàn đạp để làm được nhiều việc khác khó hơn. Thí dụ: kiểm tra ngữ pháp, tự động chỉnh sửa chính tả, chữ sang bài đọc tự động hoặc chúng ta đọc tự động sang chữ… và dĩ nhiên dịch thuật tự động hay Machine Translation.

Thập niên 1990s, nghiên cứu về NLP / Computational Linguistics / Machine Translation rất mạnh. Chắc có lẽ đến bây giờ nghiên cứu vẫn chưa ngưng, đặc biệt với những khám phá ngày càng cao của Artificial Intelligence.

Thí dụ: người ta tạo ra một cô Android xinh như mộng và cố gắng cho cô này khả năng đối đáp bằng ngôn ngữ bình thường. Đó là một áp dụng của NLP / Computational Linguistics / Artificial Intelligence.

Thập niên 1990s, trong thư viện của đại học RMIT ( đã có một chi nhánh ở Việt Nam từ lâu ), có gần như nguyên một tầng chỉ chứa sách vỡ về NLP / Computational Linguistics / Machine Translation. Chủ yếu liên quan đến tiếng Anh.

Thời đó, tiếng Tàu, tiếng Nhật, tiếng Ấn cũng đã có những nghiên cứu đáng kể.

Cho nên đừng ngạc nhiên vì sao Google “dịch” tiếng Việt quá tệ: ngay cả một tự điển Anh-Việt online nghiêm chỉnh chúng ta còn chưa có.

*
* *

Trở Lại Vấn Đề của Tiếng Việt

Như đã bàn về phần “âm” và “chữ” ở bên trên, chúng ta có thể thấy, trong một câu tiếng Việt, trước khi phân tích ngữ pháp, chúng ta phải biết đâu là âm đâu là chữ.

— Hình như vì tiếng Việt là ngôn ngữ đầu tiên của chúng ta nên chúng ta phân biệt một cách thật “tự động”?

Nhưng computers ( software của máy vi tính ) thì không! Chúng ta cần phải có những phương pháp để phân tích dẫn đến kết quả chính xác.

Hải đường mơn mởn cành tơ
Ngày Xuân càng gió càng mưa càng nồng

Chúng ta biết được “hải đường” là chữ hai âm, “mơn mởn” là chữ hai âm, còn lại là những chữ độc âm.

— Vấn đề là làm sao để computers “hiểu” được và đưa ra kết quả giống chúng ta!

Không qua được “cửa ải” nhận diện “đâu là chữ” này, thì những phân tích ngữ pháp cần thiết ở độ cao hơn, thí dụ, thành phần ngữ pháp của câu, sẽ không xảy ra được.

Bây giờ, mời quý vị xem ba câu sau:

Ông ấy bà con với tôi.

Bà con đi chợ rồi.

Bà con ơi, xin giữ im lặng.

Hai âm liền nhau “” và “con” trong ba câu, vai trò cấu trúc ngữ pháp có khác nhau không?

Bà con” trong câu đầu và cuối là chữ hai âm. Còn trong câu thứ nhì, là hai chữ độc âm riêng biệt!

Cho nên trong tiếng Việt, vấn đề nhận diện ( biên giới của ) mỗi chữ trong một câu không đơn giản.

*
* *

Nghiên cứu về NLP / Computational Linguistics / Machine Translation áp dụng cho tiếng Việt tôi không tiếp tục.

Sử dụng kiến thức cũ, đưa ra một vài vấn đề ngõ hầu cùng nhau suy gẫm cho một sự khiếm khuyết thua kém của chúng ta.

Chúng ta thua và sau thế giới nhiều quá. Chỉ khi nào chúng ta có một xã hội đàng hoàng, một nền chính trị Tự Do và Công Bằng chúng ta mới có hy vọng phục hưng là cái học của nước nhà. Và sau đó ráng sức đuổi cho kịp thiên hạ.

09/09/2018.

“Lịch Sử” Cải Cách chữ Tàu ( * ) và Bài Học cho Chúng Ta!

Xin được nói trước, tôi chỉ “nhai lại” theo hiểu biết hạn hẹp, và trí nhớ xa xăm thuở trước, khi đọc sách của các học giả Việt Nam: không có ý làm tài liệu, nên không có dẫn chứng.

Nguồn tham khảo duy nhất của tôi là — https://en.wikipedia.org/wiki/Simplified_Chinese_characters; bài viết này có nhiều điều trùng hợp với trí nhớ của tôi.

*
* *

Chữ Tàu cải cách, hay chữ Tàu giản thể thường được cho là do Mao Trạch Đông khởi xướng trong cái phong trào gọi là “Cách Mạng Văn Hóa”. Nhưng thật sự, Đông chỉ tiếp tục công trình cải cách dỡ dang xảy ra trong những thời kỳ trước đó của Tàu.

Cuộc cải cách của Đông cũng rất hệ thống và hợp logic:

— Thí dụ, một số nét phức tạp cứ lập đi lập lại trong nhiều bộ, và nhiều chữ, Đông cho bỏ những nét phức tạp này, và thay vào đó bằng một nét đơn giản khác.

Cho nên chữ của Đông được gọi là “giản thể”, trong khi chữ cũ được gọi là “phồn thể”!

Cải cách sang giản thể của những thập niên 1950 và 1960 là nhắm vào việc đơn giản hóa chữ viết, để có nhiều người biết đọc biết viết hơn. Và việc cải cách này được áp dụng ở Tàu Lục Địa và Singapore ( Tân Gia Ba ).

Đã có một cuộc cải cách khác diễn ra vào năm 1977, nhưng vào năm 1986 thì đã bỏ không áp dụng cải cách của năm 1977.

Vào năm 2009, Tàu cộng đã trưng cầu dân ý, và 8,105 chữ giản thể không thay đổi đã được chính thức công nhận vào ngày 5, Tháng Sáu, 2013.

Như vậy chúng ta có thể thấy, Đông cải cách chữ viết vì có những nhu cầu đòi hỏi thiết thực và thiết yếu. Đông không cải cách chữ viết vì muốn hủy hoại chữ đã có sẵn.

HAY NÓI MỘT CÁCH KHÁC, CHỮ PHỒN THỂ QUÁ KHÓ HỌC!

*
* *

Nhà văn Lỗ Tấn.
Nhà văn Lỗ Tấn.

Chữ Tàu hình như luôn luôn trong tình trạng thay đổi. Người ta có bằng chứng, vào đời nhà Tần, 221-206 trước Công Nguyên, chữ giản thể đã được sử dụng.

Và vào năm 1909, một cuộc cải cách chữ Viết đã được đề ra, và người khởi xướng kêu gọi đưa loại chữ này vào giáo dục. Cuộc khởi nghĩa Ngày Bốn Tháng Tư 1919 nhằm hiện đại hóa nước Tàu, họ đã kêu gọi hủy bỏ chữ phồn thể hoặc là HOÀN TOÀN SỬ DỤNG MẪU TỰ LATIN!

Vị lãnh đạo của khởi nghĩa ngày gọi chữ Tàu cổ là “ma trâu”, “rắn thần”!

Và nhà văn nổi tiếng thời đó, Lỗ Tấn ( Lun Xun ) viết:

“IF CHINESE CHARACTERS ARE NOT DESTROYED, THEN CHINA WILL DIE.” (汉字不灭,中国必亡)

“NẾU CHỮ TÀU KHÔNG ĐƯỢC HỦY BỎ, THÌ NƯỚC TÀU SẼ CHẾT.”

Những người thuộc cách tả của Tàu cộng đã gắng công khởi xướng phong trào sử dụng chữ Hanyu Pinyin ( Hanyu là tính thuộc Hán ) hay là chữ Hán theo mẫu tự Latin nhưng phong trào này không được ủng hộ!

Ở Hồng Kông, thập niên 1930, một nhóm nhỏ đã cố công khởi xướng sử dụng mẫu tự Latin, nhưng họ thất bại, và Hồng Kông hiện tại vẫn sử dụng chữ phồn thể.

Ở Nhật Bản, sau Đệ Nhị Thế Chiến, họ cũng đã đơn giản hóa những chữ Tàu ( kanji ) được sử dụng trong tiếng Nhật. Nhưng nếu so với Tàu, thì cuộc cải cách này không đáng kể.

*
* *

Chúng ta thấy gì từ đại khối những dân tộc phải sử dụng chữ Tàu:

1. Họ luôn gặp khó khăn và phải liên tục cải cách.

2. Họ luôn luôn mơ ước một hệ thống chữ viết giản tiện hơn: họ mơ ước sử dụng mẫu tự Latin. Giấc mơ của họ chưa thành và có thể sẽ không thành.

3. Họ tồn tại hai hệ thống chữ viết: những người sử dụng chữ Tàu ở quốc gia này có nguy cơ không hiểu được người Tàu ở một quốc gia khác viết gì, dù đều là chữ Tàu!

Ngẫm lại chúng ta:

— Tiền nhân của chúng ta đã quá sáng suốt khi dang tay đón nhận món quà chữ viết mẫu tự Latin vô giá từ các vị giáo sỹ Châu Âu.

Trong “Chính Đề Việt Nam” ( bản PDF, không phải chính bản của Nhà Xuất Bản Đồng Nai, Nam Việt Nam, 1968 ), ( các ) tác giả luận:

— Chúng ta đã may mắn có chữ Quốc Chữ, nên việc học tiếng Anh, tiếng Pháp của chúng ta rất dễ dàng.

Nhìn chung, ngày hôm nay, khả năng tiếng Anh, tiếng Pháp của đại đa số giới trẻ ở Việt Nam quá yếu so với các quốc gia trong khu vực, thí dụ như Malaysia. Nhưng điều này là vì chúng ta sống một môi trường sa đọa rách nát về mọi mặt, sự phát triển của chúng ta bị giới hạn bởi cái môi trường đó.

Một khi chúng ta tạo được môi trường mới, tôi xin được mượn một thành ngữ tiếng Anh để diễn tả những gì chúng ta có thể đạt được: “The sky is the limit!”

Điều sau cùng, chữ Quốc Ngữ dù chưa hoàn hảo, nhưng so với chữ Tàu vẫn là một hệ thống chữ viết ổn định, dễ học.

Trách nhiệm của chúng ta là ngày càng củng cố hệ thống chữ viết này.

TRÁCH NHIỆM CỦA CHÚNG TA LÀ PHẢI TIÊU DIỆT NHỮNG ĐỨA NÀO MUỐN HỦY HOẠI CHỮ QUỐC NGỮ CỦA CHÚNG TA, CHỮ QUỐC NGỮ CỦA CON EM CHÚNG TA.


( * ) Chữ Tàu hay chữ vuông được các vị, đặc biệt là Linh Mụch Triết Gia Lương Kim Định cho là nòi du mục Hán đã ăn cướp của dòng Bách Việt.

Đứng trước một khối Tàu 1/5 dân số thế giới hiện giờ, chắc chúng ta chưa đủ khả năng để với họ về vấn đề này.

Mặc dù trong số lượng người khổng lồ này, một phần rất đông là con dân Bách Việt đã quên hẳn nòi giống của họ.

04/09/2018.