Lời Người Đăng: đây là chương XXX trong “Hồi Ký Nguyễn Tấn Đời“, tác giả xuất bản và giữ bản quyền, Canada, Montreal, Mùa Xuân 1988, U.S.A., Orlando, Mùa Xuân 1988.
Miền Nam Việt Nam, 1970, ngôn ngữ của ngành ngân hàng là tiếng Pháp. Nhà tư sản Nguyễn Tấn Đời đã đề nghị và bằng “thủ đoạn” đã ép được ngành này chuyển sang sử dụng tiếng Việt và chữ Quốc Ngữ.
Cho nên, cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ việc áp dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai cho người Việt và các tiếng Châu Âu là ngôn ngữ thứ ba, thứ tư v.v… Nhưng tôi cực lực phản đối bỏ chữ Quốc Ngữ.
Bản sắc của một quốc gia ( National Identity ), phần quan trọng là ngôn ngữ và chữ viết.

Đa số cấp điều khiển ngân hàng ở Việt Nam, trước kia được đào tạo bởi Banque de L’Indochine gọi là Đông Dương Ngân Hàng, nên cũng dễ hiểu và thông cảm, sau này dù được độc lập mà các ngân hàng Pháp và các chuyên viên Pháp còn được vị nể cũng thường tình.
Bởi vậy Hiệp Hội Ngân Hàng Việt Nam được điều khiển do Tổng Thư Ký Pháp Kiều Bravard, là Tổng Giám Đốc Pháp Á Ngân Hàng, nên mọi công văn điều là Pháp văn, họp hội dùng toàn Pháp ngữ.
Trong phiên họp thường niên 1970 của Ngân Hàng Quốc Gia, tất cả các ngân hàng đều được mời để nghe Ngân Hàng Quốc Gia cho biết kết quả và tình hình chung của ngân hàng trong năm vừa qua, và đặt mục tiêu cho năm tới.
Bấy lâu nay tôi bị lép vế trong việc bàn cãi bằng Pháp ngữ, cũng như những ngân hàng khác, không thuộc ảnh hưởng Pháp, thừa dịp này tôi xin phát biểu ý kiến:
Kính thưa ông Thống Đốc,
Kính thưa quý vị Chủ Tịch và Tổng Giám Đốc.
“Quốc gia Việt Nam đã được độc lập, và tất cả công văn của Chánh Phủ đều dùng Việt ngữ từ lâu, ngoại trừ ngành ngân hàng chưa được “Việt ngữ hóa”, tôi yêu cầu đầu năm nay tiếng Việt phải được dùng lúc hội họp, dùng Việt ngữ trong ngành ngân hàng, tôi nhấn mạnh, yêu cầu này có tánh cách lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam, tôi xin được ghi vào biên bản đề nghị này, và ý kiến của mọi người…”
Phòng họp bắt đầu nhôn nhau, ồn ào không sao tả xiết, người này bỏ ghế đến phụ nhỉ người kia, như bầy ong vỡ ổ, tôi chỉ còn biết nhìn quang cảnh đó mà cười thầm.
Ông Chủ Tịch Hiệp Hội Ngân Hàng Việt Nam chống đối rằng:
Ngành ngân hàng chưa thể dùng tiếng Việt được, vì mình chưa có danh từ kỹ thuật, và chúng ta chưa có Hàn Lâm Viện, hơn nữa chúng ta đang làm việc trôi chảy, tại sao phải thay đổi, làm trở ngại sự hoạt động, và còn làm khó khăn việc giao thiệp với ngoại quốc.
Tôi đáp: lý do của ông Chủ Tịch vừa viện dẫn không được chánh đáng, nếu chúng ta có thiện chí và quyết tâm vì quốc gia Việt Nam thì việc gì mà không thể làm được.
Ông chủ tịch: ông Đời, xin ông biết rằng, ở đây ngân hàng ngoại quốc là đa số, không nên vì tự ái mà gây khó khăn cho họ, mà họ đã góp công không ít cho nền kinh tế tài chánh Việt Nam.
Đáp: tôi xin lưu ý ông Chủ Tịch, đa số ngân hàng ngoại quốc ở đây đều thạo Anh ngữ, chỉ có Pháp Á Ngân Hàng và một số rất ít thạo Pháp ngữ, và nếu vì quyền lợi quốc gia Việt Nam, mà ông Chủ Tịch cho rằng tự ái cũng được, nếu thật sự khó khăn cho họ lúc đầu đi nữa, thì họ phải chấp nhận, để tỏ ra họ biết trọng chủ quyền của dân tộc ta, được như vậy mới công bằng, với tất cả ngân hàng ngoại quốc đang sanh hoạt ở Việt Nam.
Ông Thống Đốc Ngân Hàng Quốc Gia ngồi im để nghe, ông rất khôn ngoan và tế nhị, khi nhìn thấy hai lập trường đối chọi, như nước với lửa, khó mà hòa hợp nên ông xin gác việc này vào dịp khác, sẽ bàn lại.
Dứt phiên họp tôi ra về mà lòng buồn và ngao ngán sự đời, vì cô đơn tôi phải đương đầu với đa số ngân hàng có thể lực.
Nhưng lòng tôi đã quyết tiến lên, tiến xa khỏi tầm tay của họ, để tôi không còn bị họ đánh đòn hội chợ, với chủ thuyết “chánh truyền”, thì tôi phải tìm ra lối đi cho đến đích, để tự giải cứu.
Tôi tự nghĩ, hành động vì quyền lợi, danh dự chung của người Việt Nam, chớ không phải riêng tôi, sẽ không cô đơn, nếu tôi khéo léo kéo dân chúng và báo chí nhập cuộc, quả đúng như tôi đã dự liệu… Sau khi tung tin cuộc họp hôm ấy, báo chí nắm được cơ hội tốt làm ầm lên, dân chúng rầm rộ ủng hộ lập trường của Tín Nghĩa Ngân Hàng.
Ông Thống Đốc thừa dịp mời tái họp, bàn cải soạn thảo rồi ba tháng sau áp dụng, dùng Việt ngữ trong ngành ngân hàng.
PHẢI CHĂNG TỔ TIÊN CHÚNG TA LÀ NGƯỜI GAULOIS? ( * )
Trong dịp này, tôi hồi tưởng lại lúc còn là sinh viên, chúng tôi chỉ được giảng dạy học về Sử Ký Pháp mà thôi, tôi không hề quên một câu bất hủ: “tổ tiên chúng ta là người Gaulois”? Tất cả sự dạy dỗ, huấn luyện đều hướng về các tư tưởng trung kiên phục vụ và đề cao người Pháp và nước Pháp.
Dưới sự đô hộ của Pháp đã gây cho xã hội Việt Nam của chúng ta, một thứ tư tưởng đi có một chiều thật là nguy hiểm.
Phần đông ta xem nước Pháp là rún của vũ trụ, được sang Pháp, được du học ở Pháp, là một hãnh diện thật to lớn. Đến lúc Miền Nam Việt Nam bị sụp đổ, chúng ta bỏ nước ra đi khắp năm châu, ta mới có dịp nhìn trung thực, so sánh, nhận định để biết rõ sự thật. Lúc bấy giờ mới vỡ lẽ ra, ý tưởng trước kia là sai lầm ngớ ngẩn ví như ếch ngồi đáy giếng vậy.
Bởi sự lầm lạc to lớn làm thiên lệch phán đoán của mọi người, vì lúc học ở trường đã bị nhồi sọ, nên đã ăn sâu vào đầu óc họ, biến thành một khối cứng chắc, thành ra bất di bất dịch, rồi dầu cho lý tưởng có chánh đáng cách nào, cũng không thể được họ chấp thuận.
Huống chi sau khi ra trường họ không có môi trường nào khác hơn là được đào luyện, thực hành với những chuyên môn, kỹ thuật đặc quyền của Pháp, nên họ vô tình thành một chiến sĩ cuồng nhiệt mà không hay biết.
Biết và kịp nghĩ như vậy, tuy tôi có buồn lòng , nhưng tôi không đổ tội cho họ quá thiên kiến, mà xem họ như một nạn nhân đáng thương của một thời kỳ bị lệ thuộc về văn hóa, kinh tế, xã hội của kẻ đô hộ để cai trị, và họ chỉ được dạy dỗ, gò bó, nhồi sọ nên đã phải tin tưởng thái quá thành ra “tính ngưỡng” rồi đi đến “mê tín” không còn xa nữa.
Bởi vậy, dầu tôi bị chống đối và hạ nhục của họ, tôi cũng không giận hoặc thù oán mà chỉ làm nung chí tôi, phải làm cách nào cho được thành công để chứng minh sự thật, hầu kéo họ về lý tưởng chánh đáng và thật tế.
Nghĩ rằng một ý tưởng được đa số tín ngưỡng là một sức mạnh phi thường, mà họ là đa số, nên tôi tự biết rằng không thể dùng lý lẽ nào đánh đổ nỗi. Trừ khi tôi dám hành động, cách nào cho họ hoài nghi sự tin tưởng vu vơ như thế, để họ không còn làm chủ được lý tưởng đó nữa, để họ tự nhận thức rõ, họ hết đường ngụy luận, che chở, chừng ấy chắc họ sẽ chịu theo từ từ một cách bẽn lẽn, không còn phủ nhận mà cũng không dám công nhận.
Dự đoán của tôi đã được thành công, nên sau này sự chống đối với tôi càng ngày càng bớt dần mà họ đã âm thầm làm y theo tôi, làm cho tôi rất sung sướng khi nghĩ đến và cảm tạ Ơn Trên đã giúp tôi kéo được họ về tư tưởng quốc gia dân tộc.
Hoàn cảnh xã hội ta đã bị ảnh hưởng sâu nặng, mãnh liệt như thế đó, những điều họ cho là phải hay giống, là những tư tưởng lý thuyết của phe nhóm của họ đưa ra, họ không cãi lại, họ tin tưởng nó như một tín điều thiêng liêng bất khả xâm phạm.
Thật vậy, nếu người nào không nhận ý tưởng của nhóm mình, thì không thể sống ở trong nhóm đó được nữa. Ở đời ai cũng phải có một lý tưởng để làm phương châm cho hành động hàng ngày của mình, nhưng ai cũng có quyền có một tín ngưỡng cả, nhưng không nên tín ngưỡng thái quá mà thành ra “mê tín”.
Tin tưởng đạo Phật đâu phải là ta không để ý đến đạo khác.
Đọc một tờ báo cùng một tư tưởng không có nghĩa là không đọc các tờ báo khác tư tưởng. Nếu không, thì óc thiên kiến, bảo thủ ấy đã làm cho tư tưởng ta trở thành một chiến sĩ cuồng nhiệt, như bị nhốt trong một cái lòng che kín, không còn tự do thấy được bên ngoài, để biết sự thật được nữa, thì sẽ nếm và mê mùi chủ quan vậy.
Phàm giữa người với người có khác nhau, giá trị hơn nhau là nơi “Tư Tưởng”. Thói thường thiên hạ cho rằng kẻ trí thức, người thất học đến đâu cũng do tư tưởng mà phân cao thấp. Tư tưởng sai sẽ làm hại cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước.
Người thiếu khả năng có một tư tưởng đúng là người sống với thói quen, vì sơ khởi họ đã học lầm, bị đầu độc bởi các lực lượng mạnh bạo, chánh trị, đảng phái, phe đảng, kinh tế. Họ sống như cục bột, chỉ đợi sự chỉ huy của kẻ khác. Trí thức, khoa bảng nếu người có tư tưởng vững chắc thì là bậc “Anh Minh” lỗi lạc, hữu ích cho quốc gia, dân tộc, bằng trái lại là con mọt sách đục khoét làm hại cho quốc gia, dân tộc.
Nhưng phần đông ở đời, một khi đã tin tưởng rồi thì, dầu cho gặp tư tưởng đối địch hợp lý, họ cũng pha lờ, bỏ qua dùng đủ thiên phương, bách kế để che đậy, bào chữa, ngụy luận, đến khi nào làm được cho họ phải hoài nghi, thấy sự thật hiển nhiên, được nhiều người công nhận, rồi họ mới chịu âm thầm từ từ biến đổi.
26/09/2018.
Chú Thích của Người Đăng:
( * ) “Tổ tiên chúng ta là người Gaulois“: Nos ancêtres étaient des Gaulois. Cụ Nguyễn Hiến Lê cũng có nhắc đến câu này, không chấp nhận. Nhưng cụ phản ứng có mềm mỏng hơn.