Tướng Tây Sơn Ngô Thời Nhậm luận chữ “Nhân” ( Nhân, Thiên, Địa ) trong cuộc chiến phạt Thanh, Kỷ Dậu 1789

Chữ Nhân — hay lòng dân Việt Nam — trong thời giặc Minh xâm lăng và thời giặc Thanh xâm lăng.

Ôn cố trí tân: chữ Nhân — hay lòng dân Việt Nam hôm nay: giặc cộng đã thật sự đến hồi cáo chung trong lòng người Việt Nam.


 

Tập San SỬ ĐỊA số 9 – 10, “Đặc Khảo Về Quang Trung”, số Đặc Biệt Xuân Mậu Thân, 1968.

Bộ sách được lưu ở — Lê Tùng Châu Library | Tập San Sử Địa

Tướng Ngô Thời Nhậm ( cũng Ngô Thời Nhiệm ).
Tướng Ngô Thời Nhậm ( cũng Ngô Thời Nhiệm ).

Chương “Tôn Sĩ Nghị trúng kế “kiêu địch” của Ngô Thời Nhậm” — trang 134 – 137

Cuộc đại thắng quân Thanh của vua Quang Trung năm Kỷ Dậu ( 1789 ) đã được nói đến nhiều, và ai cũng cho rằng ấy là vì tài dùng binh của Nguyễn Huệ.

Vâng, chính nhờ mưu lược tốc chiến và cách bài binh bố trận của vua, cho nên đã chiến thắng dễ dàng, nhưng chúng ta không nên quên rằng chính Ngô Thời Nhậm khuyên Ngô Văn Sở rút hết quân về núi Tam Điệp, không chống cự, nên Tôn Sĩ Nghị vượt qua ải Nam Quan, xuống Lạng Sơn, đến Lạng Sơn tướng giữ đồn là Phan Khải Đức đầu hàng, rồi kéo đến Kinh Bắc như vào một nơi bỏ ngõ, không một ai cản trở nên Tôn Sĩ Nghị mới coi thường sinh kiêu, tưởng rằng quân Tây Sơn lực lượng không đáng kể, nên không giữ gìn, phòng bị gì cả. Phỏng như quân Tây Sơn đã giao chiến hẳn hòi với quân Thanh từ lúc họ tiến vào đất Việt, khiến Tôn Sĩ Nghị phải gian lao, vất vả mới đến được Thăng Long, ắt Sĩ Nghị phải lo lắng; không dám khinh địch và chiến cuộc có lẽ đã diễn tiến một cách khác.

Nguyên sau khi quân Thanh vào cửa quan, tin cáo cấp đưa về, Ngô Văn Sở liền hợp với các quan để bàn việc chống giữ. Trong cuộc hợp, Chưởng Phủ Nguyễn Văn Dụng thưa:

“Tôi nghe hồi cuối đời Trần, cường binh sang lấn nước ta, Hoàng Phúc, Trương Phụ, Mộc Thạnh, Liễu Thăng đều là những tướng hung tợn của Tàu, vua Lê Thái Tổ khởi nghĩa ở Lam Sơn, thế và sức đều không thể địch lại họ. Nhưng mà hành binh quỉ quyệt, không kiêng những sự quyền mưu, Thái Tổ chỉ khéo mai phục, rồi thừa cơ đánh úp quân giặc. Nhờ vậy, Ngài có ít quân mà đánh được kẻ nhiều quân, vây Vương Thông ở bến Đông Bộ, giết Liễu Thăng ở núi Mã Yên, chiến công rực rỡ, nghìn đời ngợi khen. Nay quân Thanh ở xa đến đây, trèo đèo vượt suối, cực kỳ khó khăn, ta nên dùng cách ‘dĩ dật đãi lao’, các chỗ hiểm yếu đều cho quân đi mai phục, chờ khi họ đến thì đánh, như thế lo gì không được?”

Ngô Thời Nhậm nói:

— “Không được! Ông chỉ biết một mà không biết hai. Việc trong thiên hạ, tình tuy giống nhau mà thế khác nhau thì sự được, hỏng cũng không giống nhau. Xưa kia, khi nước ta bị Minh thuộc, người Minh tàn ngược, cả nước ai cũng muốn đuổi đi. Cho nên vua Lê Thái Tổ chỉ gọi một tiếng, xa gần đều theo, hào kiệt trong nước như mây kéo đến. Mỗi lúc đánh nhau với giặc, người trong nước chỉ sợ quân mình bất lợi, khi nghe tin thắng trận, ai cũng vui mừng. Lòng người như thế cho nên hễ có phục binh núp ở chỗ nào, người ta dấu diếm kín đáo, giặc không biết. Thắng trận là nhờ thế. Ngày nay, những bề tôi nhà Lê đi trốn đâu đâu cũng có, nghe tin quân Thanh sang cứu, họ đều nghểnh cổ ngóng trông. Sĩ dân cả nước chạy đi đón chúng, quân ta mai phục ở đâu, địa thế hiểm trở thế nào, quân số bao nhiêu, giặc nếu không biết, họ sẽ báo cho giặc biết. Nhân kế của mình làm kế của chúng, chúng sẽ vây kín bốn mặt mà bắt. Quân cơ của mình đã bị tiết lộ, tự nhiên mình sẽ mất sự tiện nghi, ấy là mình tự hãm mình vào chỗ chết vậy, còn hòng đánh úp được ai? Binh pháp nói rằng: ‘Khéo mai phục thế nào cũng thắng, lầm mai phục thế nào cũng thua’. Được thua khác nhau, là tại đời xưa đời nay không giống nhau vậy.”

Ngô Văn Sở hỏi:

— Thế thì nên làm sao?

Ngô Thời Nhậm đáp:

— Trong phép dụng binh, có đánh với giữ. Bây giờ quân Thanh sang đây, thanh thế rất lớn. Người trong nước, những kẻ làm nội ứng cho giặc lại còn phao cho thanh thế của chúng to thêm, để làm kinh động lòng người. Quân ta hễ có sai phái người nào, ra khỏi thành liền bị bắt giết. Những người Bắc Hà đã bị làm lính chỉ chực có dịp là trốn. Đem hạng quân ấy đi đánh giặc, không khác gì xua đàn dê đi đánh con cọp, không thua sao được? Còn muốn đóng cửa thành cố giữ thì lòng người đã không vững rồi, cái lo bên trong chắc sẽ xảy ra, dẫu đến Tôn, Ngô sống lại, cũng phải bó tay không thể tính được kế gì. Như vậy lại không khác gì đem con trạch mà bỏ vào giỏ cua vậy. Xin nghĩ cho kỹ mà xem; đánh đã chẳng được, giữ cũng chẳng vững; đánh và giữ đều không phải là thiện sách cả. Bất đắc dĩ chỉ có cách này: sớm truyền cho thủy quân chở các thuyền lương, thuận gió dương buồm, ra thẳng cửa biển, đến núi Biện Sơn mà đóng, và cho bộ quân chỉnh đốn khí giới, mở cờ gióng trống lui về giữ núi Tam Điệp, mặt thủy mặt bộ thông nhau, giữ lấy chỗ hiểm cho vững thế thủ, rồi cho người phi báo Chúa Công.

Ngô Văn Sở nói:

— Chúa Công về Nam, đem cả thành này giao phó cho ta. Giặc đến thì phải quyết chiến, sống thác với thành thì trên không thẹn là kẻ bề tôi giữ đất, dưới không phụ cái chức trách cầm quân. Nếu thấy bóng giặc đã trốn, bỏ thành cho giặc, chẳng những đắc tội với Chúa Công mà người Bắc còn coi ta ra cái gì nữa!

Ngô Thời Nhậm nói:

— Tướng giỏi thời xưa, phải lượng thế giặc mà đánh, phải nắm phần thắng mới đánh. Theo thế lập mưu, giống như đánh cờ vậy, trước có nhịn một nước, sau sẽ hơn người một nước, rồi đem nước sau làm nước trước mới là cờ cao. Nay toàn quân ta trút lui, không bị mất một mũi tên, cho nó ngủ trọ một đêm, rồi lại đuổi đi, cũng như ngọc bích của nước Tấn đem cho nước Ngu, rồi lại về nước Tấn, có mất gì đâu! Nếu có vì thế mà mắc lỗi, tôi dám bộc bạch rõ với Chúa Công, chắc Ngài cũng lượng xét, xin ông đừng nghi ngại.

Ngô Văn Sở theo lời Ngô Thời Nhậm, một sai quân các trấn Kinh Bắc, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Sơn Tây, Hải Dương đến hợp ở Thăng Long, còn trấn Sơn Nam sắp sửa thuyền bè, đợi thủy quân đến sẽ cùng trốn đi. Năm ngày sau, quân các nơi đều đến Thăng Long và Sở ra lệnh rút lui về Tam Điệp, mặt thủy, mặt bộ liên lạc với nhau.

Vì vậy trên đường đến Kinh Bắc, Tôn Sĩ Nghị không gặp một ngăn trở nào, Phan Văn Lân có đem quân toan chống cự, nhưng quân chưa đánh đã tan, còn Ngô Văn Sở cũng phải thu quân tự lùi, trước tình trạng khiếp nhược ấy, Nghị không lo ngại điều gì, nên đã nói:

“…nó ( Nguyễn Huệ ) chỉ như hạng chó dê, chỉ sai một người dùng thừng buộc cổ lôi về, chẳng khó khăn gì. Đợi khi đến La Thành, chỉ nhổ nước bọt xoa tay là làm xong việc”.

Đối với quan nhà Lê đến xin Nghị sớm xuất quân đánh Tây Sơn, Nghị nói:

“Việc gì mà phải lật đật như thế?… Chẳng qua cũng như lấy của trong túi, lấy sớm thì được sớm, lấy muộn thì được muộn… Giặc gầy thì ta béo, để tự nó đến nạp thịt…”


 

Một giai thoại về Ngô Thời Nhậm:

Lúc Ngô Thời Nhậm đang làm quan, Đặng Trần Thường, cũng là một bậc nho sinh tài giỏi, đến xin một chân thư lại. Thấy thái độ của Đặng Trần Thường quá khúm núm, ông nổi giận nói chuyện không được lịch sự lắm…

Đặng Trần Thường tủi thân, bỏ Bắc vào Nam tìm nhà Nguyễn. Sang đèo Ngang, ông vừa đói, vừa khát, làm bài thơ than thân vô cùng thảm não.

Tây Sơn bại. Ngô Thời Nhậm được giao cho Đặng Trần Thường xử. Nhớ nhục xưa, ông vênh váo:

— Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai!

Ngô Thời Nhậm kiêu bạt:

— Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế!

Đặng Trần Thường uất càng thêm phẩn, hành hạ Ngô Thời Nhậm đến chết.

Sau đó, chốn quan trường, Đặng Trần Thường cũng bị người khác hại tiêu vong.

Ở đời muôn sự của chung
Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi.

— Phan Bội Châu

Ôm mộng công hầu, khanh tướng thì không thể là anh hùng được.

Sinh tiền, Quang Trung Hoàng Đế có nói: “Ngòi bút của Ngô Thời Nhậm có sức mạnh của mấy đạo quân!”

19/02/2017.

One thought on “Tướng Tây Sơn Ngô Thời Nhậm luận chữ “Nhân” ( Nhân, Thiên, Địa ) trong cuộc chiến phạt Thanh, Kỷ Dậu 1789”

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: