Hoạt Động Của Các Chức Sắc Cao Đài Việt Kiều Tại Cao Miên. Tác Giả: Lê Hương.

Lời người đăng:

Bài viết này trích trong Tập San Sử Địa số 16 — đặc khảo Việt Kiều tại các lân bang: Miên, Thái, Lào, Xuân Canh Tuất, Tháng Mười, Mười Một, Mười Hai, Đại Học Sư Phạm Sài Gòn & nhà sách Khai Trí xuất bản, VNCH, 1969.

  • Hình đính kèm chỉ có tính cách minh họa, không có trong bài viết.
  • Những người Pháp mà ông Giáo Sư đạo Cao Đài Trần Quang Vinh gặp trong bài viết có hai nhân vật đáng chú ý. 1. Ông Albert Sarraut là cựu Toàn Quyền Đông Dương vào thời điểm đó. 2. Ông Marius Moutet sau làm Tổng Thống, Hồ Chí Minh nữa đêm mò vào nhà ông này ký Tạm Ước Fontainebleau 14/9/1946, bán Việt Nam cho Pháp, khiến bè lũ Hồ Chí Minh phải “9 năm kháng chiến”, và sau cùng là cái hiệp định nhục nhã Geneva 1954 chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17.

❀❀❀

Đạo Cao Đài khai sáng ở Việt Nam trong năm 1925, Tòa Thánh đặt ở tỉnh Tây Ninh là nơi phát xuất mối đạo.

Giữa năm 1927, Tòa Thánh mở một hội thánh ở Cao Miên gọi là Hội Thánh Ngoại Giao dưới chính quyền hiện thế của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc. Hội thánh tạm thời đặt tại đường Lalande Callan. Trong hệ thống tổ chức, Hội Thánh Phnom Penh là một trấn đạo, cũng như ở Việt Nam nhiều tỉnh họp thành một vùng dưới sự điều khiển của Trấn Đạo. Những vị chức sắc đầu tiên ở Cao Miên được Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế hay là Cao Đài chọn lựa và chỉ định ngày 27/07/1927 tại Phnom Penh trong buổi xuống cơ bút.

Thành phố Phnom Penh tháo dỡ tượng đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc của Đạo Cao Đài -- ngày 26/01/2017.
Thành phố Phnom Penh tháo dỡ tượng đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc của Đạo Cao Đài — ngày 26/01/2017.

Hội Thánh Phnom Penh là một trung tâm hoạt động rất đắc lực. Trong một năm đầu ( 1927-1928 ) đã có hơn 10.000 ( mười ngàn ) tín đồ Việt Kiều.

Các chức sắc được thăng bậc lần hồi như Giáo Hữu Lê Văn Bảy thăng Giáo Sư 3 năm sau. Ông Đặng Trung Chữ thăng Phối Sư trong năm 1939. Ông Trần Quang Vinh thăng Phối Sư năm 1946.

Ông Lê Văn Bảy được cử làm Trưởng Đoàn Hội Thánh Ngoại Giao từ năm 1927 đến năm 1937. Trong năm này, ông được cử đi công cán bên Trung Hoa. Ông đến Vân Nam, ngụ ở Vân Nam phủ. Vì không biết tiếng Tàu ông phải nhờ một người thông ngôn. Ông không thu được kết quả nào khi truyền bá mối đạo. Năm 1938, ông trở về Phnom Penh và thuyên chuyển về Tòa Thánh Tây Ninh.

Sau khi ông Lê Văn Bảy về Tây Ninh, ông Cao Đức Trọng thay thế trong chức vụ Trưởng Đoàn.

Từ năm 1937 đến 1942, các chức sắc dưới đây được chỉ định giữ chức Trưởng Đoàn, theo thứ tự.

  1. Ông CAO ĐỨC TRỌNG, chức Tiếp Đạo,
  2. Bà TRẦN KIM PHỤNG lên chức Giáo Sư,
  3. Ông ĐẶNG TRUNG CHỮ lên chức Giáo Sư,
  4. Ông TRẦN QUANG VINH lên chức Giáo Sư,
  5. Ông THÁI VĂN GẤM, lên thành THÁI GẤM THANH, chức Giáo Sư,
  6. Ông TRẦN VĂN PHẤN, tên thành ( chú thích: in là “thánh” ) THÁI PHẤN THANH, chức Giáo Sư.

Hai vị sau này do Tòa Thánh thuyên chuyển lên. Giáo Sư Thái Gấm Thanh bị đày sang đảo Madagascar và mất ở đấy vào năm 1943.

Giáo Sư Thái Phấn Thanh cũng bị đày sang đảo Madagascar, được ân xá và hồi hương năm 1946. Ông ở Vũng Tàu rồi về Gò Vấp và từ trần năm 1965.

Vào đầu năm 1931, ông Trần Quang Vinh được cử đi công cán ở Paris do Chánh Phủ Bảo Hộ Pháp ở Cao Miên nhân dịp Hội Chợ Quốc Tế ở Vincennes. Ông Vinh nhân cơ hội ấy thành lập một nhóm nhân vật có cảm tình với mối đạo. Trong nhóm này có nhiều chánh khách tiếng tâm như:

  1. Ông Albert Sarraut, Tổng Trưởng,
  2. Ông Alescis Métois, Đại Tá,
  3. Ông Charles Bellan, nguyên Tỉnh Trưởng ở các thuộc địa,
  4. Ông Edouard Daladier, Tổng Trưởng và nguyên Thủ Tướng,
  5. Ông Henri Guernut, Nghị Sỹ, Tổng Thư Ký Hội Nhân Quyền, nguyên Tổng Trưởng.
  6. Ông Emile Kahn, Tổng Thư Ký Hội Bảo Vệ Nhân Quyền,
  7. Ông Ernest Outrey, Nghị Sỹ ở Nam Kỳ,
  8. Ông Eugène Tojja, Luật Sư Tòa Thượng Thẩm Paris,
    9., 10. Bà và ông Félicien Challaye ( hay Challave? ) Giáo Sư trường Sorbonne,
  9. Ông Gabriel Abadie de Lestrac, Trưởng Tòa,
    12., 13. Bà và ông Gabriel Gobron, Giáo Sư,
  10. Ông Marius Moutet, Nghị Sỹ và Tổng Trưởng,
  11. Cô Marthe Williams Hội Viên Hội Bảo Vệ Nhân Quyền Trung Ương.

Để tỏ lòng biết ơn các nhân vật trên đây, Hội Thánh có khắc tên bằng chữ vàng trên mảnh đá cẩm thạch dựng trước Thánh Thất ở Phnom Penh năm 1937.

Nhờ nhóm cảm tình viên này tín đồ Cao Đài được một đặc ân đại xá trong buổi thăm tại Nghị Viện Pháp vào Tháng Hai năm 1932 và sau đó sự tự do tín ngưỡng được tuyên bố ở Đông Dương, ít ra cũng được vài năm.

Ảnh hưởng của đạo Cao Đài đối với người Miên mạnh hơn người Việt Miền Nam. Vào cuối năm 1926, một số người Miên từ bỏ ngành tôn giáo cổ truyền của họ, kéo nhau về Tòa Thánh Tây Ninh thọ giáo. Quý vị chức sắc tiếp đón nồng hậu và hết lòng truyền đạo, những mong họ sẽ biến thành kẻ môi giới của đồng bạo họ trên lãnh thổ láng giềng.

Trước Tòa Thánh có tượng Thái Tử Sĩ-Đạt-Ta cỡi ngựa trốn khỏi Hoàng Thành tầm đạo. Người Miên cho rằng có theo đạo Cao Đài vẫn thờ Phật như thường mà còn được nhiều điều cải cách mới, lạ hơn. Có người lại thấy bức tượng giống hình một ông Hoàng Cao Miên và ông ấy là Phật đầu thai, sau này sẽ trở về Cao Miên thay đổi chánh sách cai trị thành một quốc gia phú cường, thạnh trị. Quý vị chức sắc Cao Đài không bao giờ nghĩ ra điều ấy, chỉ lo truyền bá mối đạo mới cho các tín đồ. Nhưng không ngờ lời đồn đãi lan tràn khắp giới người Miên rồi sang Cao Miên, đến nỗi Chánh Phủ Hoàng Gia Cao Miên ban hành biện pháp bắt bớ các tín đồ Miên.

Trên núi Bà Đen gần Tòa Thánh có vài ngọn suối nước trong, tương truyền là nước Thánh. Quý vị chức sắc hứng đem về Tòa Thánh phân phát cho các tín đồ đem về nhà để trên bàn thờ Thầy. Mỗi ngày, tín đồ đọc một thời kinh trong một quyển kinh do Tòa Thánh phân phát và uống nước Thánh để tiêu trừ bá bịnh. Dạo ấy, thiên hạ đồn Tòa Thánh bán nước suối với giá 30 xu một ve.( Theo báo Pháp ngữ ÉCHO D’OUTRE-MER ngày 25/11/1930 ).

Người Miên tiếp tục đến Tây Ninh thọ giáo, nhận nước Thánh càng ngày càng nhiều. Đầu năm 1927, số người gia tăng, mỗi ngày có hàng trăm, thường thường do những ông có chức vị trong làng hoặc những vị Sư Sãi hướng dẫn. Họ che lều ở xung quanh Thánh Đường, dự lễ, làm công quả rồi sung sướng trở về. Nhiều nhóm khác tiếp tục đến. Trong ngày lễ họ tham dự hàng ngàn. Một bản báo cáo của Ty Công An ngày 02/06/1927 ghi rằng: “5.000 ( năm ngàn ) người Cao Miên quỳ giữa sân chính, trước tượng Đức Sĩ-Đạt-Ta cỡi ngựa, nhưng một vị Sãi ước lượng là 30.000 ( ba chục ngàn ). Họ chỉ trở về khi tiền lưng khô cạn.”

Trước số người quá đông như thế, chánh quyền địa phương lo sợ sẽ có những chuyện lôi thôi. Giới Sư Sãi Cao Miên không bằng lòng khi thấy nhiều nhà Sư theo đạo Cao Đài, liền áp dụng phương pháp ngăn chận lại. Ngày 23/05/1927, ông Tổng Trưởng Bộ Lễ ban hành một thông tư nói về đạo Cao Đài như sau:

“Nghiên cứu thật kỹ, ta thấy rằng mục đích thành lập mối Đạo này đáng chê trách vì họ chỉ dùng những phương tiện lường gạt và khai thác tánh tình ngu xuẩn của các tín đồ để làm lợi cho họ.

Trái lại, đạo Phật mà dân tộc Cao Miên đã chịu ảnh hưởng rất sâu đậm, dắt dẫn chúng ta đến chốn Thiện, Mỹ không có một giới luật nào khác có thể bành trướng trong các giới đồng bào ta.”

Thông tư còn khuyên dân chúng tu hành theo Phật Giáo cổ truyền và đề phòng những điều nguy hại của một tôn giáo mới đang âm mưu lật đổ những phong tục đã có từ xưa trong lãnh thổi. Rồi, qua tháng sau, nhiều chỉ thị rõ rệt gởi đến giới Sư Sãi, và nhắc đi nhắc lại luôn luôn rằng bổn phận toàn thể Sư Sãi phải bài trừ thuyết Cao Đài giáo là thuyết trái ngược với luật lệ Nhà Nước và giới luật của Đức Thích Ca.

Nhưng dù có lịnh cấm đoán thế nào đi nữa, người Miên vẫn tiếp tục đến Tây Ninh càng ngày càng nhiều thêm. Tức thì, nhiều biện pháp cứng rắn được thi hành hầu cắt đứt sự kiện mà chánh quyền gọi là làm xáo trộn trật tự công cộng. Xứ Cao Miên thời ấy là một quốc gia bị bảo hộ, còn Miền Nam Việt Nam là thuộc địa của Pháp cùng chung một số phận như nhau. Lịnh của Toàn Quyền Pháp đưa ra, Nhà Vua Cao Miên ký ngay một sắc lịnh ngày 26/12/1927 và sau đó một sắc lịnh ngày 08/02/1928 ấn định hình phạt nặng cho người Cao Miên nào tham dự vào việc cổ động, tuyên truyền hay dự lễ của một Tôn Giáo không được Vương Quốc nhìn nhận. Người ta biết rằng:

Theo điều 15 của Hiệp Ước Bảo Hộ ngày 11/08/1863.

Theo các sắc lịnh của Nhà Vua Cao Miên ngày 21/11/1903, ngày 06/08/1919, 31/12/1925, 01/04/1930.

Theo các điều 149, 213 và 214 Bộ Hình Luật Cao Miên, chỉ có Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo được phép truyền bá ở đất Miên. Đạo Tin Lành chỉ được phép hoạt động với điều kiện quý vị Mục Sư có quốc tịch Pháp.

Suốt khoảng thời gian — lối một năm, Tòa Thánh Tây Ninh không tiếp được một người Cao Miên nào, nhưng việc phổ biến mối đạo vẫn ngấm ngầm mở rộng ở đất Miên. Giữa năm 1927, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc lên Nam Vang tổ chức nhiều buổi cầu cơ. Theo các phương pháp Tiểu Ngọc Cơ và Đại Ngọc Cơ một đấng thiêng liêng luôn luôn giáng bút: “nhà đại văn hào VICTOR HUGO”. Do đó, Hội Thánh Ngoại Giao ở Cao Miên được đặt dưới quyền chỉ huy linh thiêng của vị Thánh người Pháp. Vì sự bó buộc của Chánh Quyền, việc phổ biến mối đạo chỉ tiến hành trong các giới Việt Kiều. Vả lại, lúc ấy Việt Kiều còn được gọi theo quốc tịch, đại đa số là dân Miền Nam ở đất thuộc địa, gọi là “dân thuộc Pháp ở Nam Kỳ” ( suject français de la Cochinchine ), hoặc có người nhập quốc tịch Pháp ( citoyens français ) nên về mặt pháp lý thì thuộc luật lệ của Chánh Phủ Pháp. Sắc lịnh của Vua Cao Miên chỉ có hiệu lực đối với dân Miên.

Mặc dầu có sự ngăn chận chánh thức ấy, đến năm 1928, đạo Cao Đài đã truyền bá sâu rộng ở Cao Miên, ban đầu trong các tỉnh giáp ranh với Tây Ninh như Prey Veng, Svay Riêng là nơi có nhiều Việt Kiều nhất. [ 1 ] Để tránh sự động chạm với chánh quyền, quý vị chức sắc Cao Đài không tiếp xúc với người Miên, chỉ liên lạc với Hoa Kiều. Toàn thể tín đồ cũ và mới đồng ký vào một bản tuyên thệ có thể làm yên lòng các nhà cầm quyền:

“Chúng tôi: chức sắc và tín đồ Cao Đài ở Cao Miên đồng thỏa thuận cam kết với Chánh Phủ Bảo Hộ Pháp và Chánh Phủ Hoàng Gia Cao Miên sẽ hoàn toàn thừa hành Giáo Pháp đúng theo Tín Điều của Đạo, sẽ thực hiện sự thống nhất tất cả tôn giáo hầu toàn thể Nhân Loại sống trong cảnh Hòa Bình. Chúng tôi xin hứa với Chánh Phủ không bao giờ gây rối tánh cách chánh trị. Nếu chúng tôi làm sai lời cam kết, xin chịu tội tử hình.”

Những buổi lễ thường được tổ chức tại nhà tín đồ và nhân những dịp cưới, hỏi, cúng kiến, giỗ chạp thì tăng thêm phần long trọng vì quan khách đến dự đông đảo hơn. Dần dà Việt Kiều ở tỉnh Takeo và thủ đô Nam Vang theo đạo rất đông. Nhà cầm quyền dù có cho người theo dõi hành vi [*] của quý vị chức sắc và tín đồ nhưng không có bằng cớ gì buộc tội để cấm đoán được.

( [*] Chú thích của người đăng: chữ “hành vi” không đúng phải là “hành động”. )

Đầu năm 1929, người Cao Miên lại đến Tòa Thánh ở Tây Ninh, ít hơn số người vào cuối năm 1926 và trong năm 1927. Nhiều lời đồn đãi có tánh cách chánh trị nổi lên. Các nhân viên Mật Thám báo cáo rằng trong những bài thuyết pháp có lời hứa hẹn một cuộc sống tự do, huy hoàng cho người dân bị lệ thuộc. Người ta lại nhắc đến ông Hoàng giống tượng Đức Sĩ-Đạt-Ta sẽ xuất thế cứu dân Miên thoát khỏi cảnh gông cùm!

Chánh quyền địa phương huy động lực lượng cảnh sát ngăn cản những người sùng đạo đến Tòa Thánh. Tuy nhiên nhiều giảng đường khắp các xã, các quận vẫn hoạt động đều đặn. Tại thủ đô Nam Vang, Giáo Sư LÊ VĂN BẢY có định xây cất một Hội Thánh thật lộng lẫy.

Bấy giờ, Nhà Vua Cao Miên có ý lo ngại vì lời đồn về ông Hoàng sẽ xuất thế. Ngày 10/04/1929, Nhà Vua gởi một Văn Thư cho ông Khâm Sứ ( người Pháp ) yêu cầu áp dụng những biện pháp cần thiết để giữ gìn an ninh trong Vương Quốc, trước những hoạt động của ngành tôn giáo mới của người Việt.

Ông Khâm Sứ hội ý với vị Thống Đốc Nam Kỳ ở Saigon về điểm khó khăn trên mặt pháp lý. Người Việt ở Cao Miên vẫn là dân thuộc Pháp ở Nam Kỳ, tất nhiên được hưởng mọi quy chế như người Việt ở Miền Nam, làm sao ép buộc phải thay đổi được? Ông Khâm Sứ trình bày điều thắc mắc này với Nhà Vua và sau cùng hai vị lãnh đạo đồng ý cho đạo Cao Đài tiếp tục truyền bá ở Cao Miên với điều kiện phải ngưng hết mọi hoạt động tuyên truyền và số giảng đường không được gia tăng.

Ngày 05/06/1928, tờ báo Pháp ngữ “Les Annales Coloniales” đăng một bài của ông Nghị Edouard Néron của hạt Haute Loire nói về những biến chuyển trên đây như sau:

“…gần đây, các chức sắc của ngành tôn giáo mới loan tin rằng sẽ có một ông Vua mới cho người Cao Miên, xuất hiện ở Tây Ninh. Tin theo lời, người Miên kéo đến rất đông, gần 10.000 ( mười ngàn ) tên, võ trang đao, kiếm. Ông De la Brosse, Thống Đốc Nam Kỳ đến tận nơi với vị Đại Diện Nhà Vua Cao Miên Monivong cùng các viên chức chỉ huy ngành An Ninh Nam Kỳ và Cao Miên. Ông Thống Đốc mời vị chức sắc cao cấp nhất là ông Lê Văn Trung, buộc ông phải đính chánh tin đồn một nhà Vua mới sẽ xuất hiện và buộc ông phải chịu trách nhiệm về những vụ lộn xộn có thể xảy ra. Lịnh truyền được thi hành và không có việc gì đáng tiếc làm rối trật tự.”

Nhân cơ hội này, Đức Giáo Tông Lê Văn Trung và vị Đại Diện ở Cao Miên, Giáo Sư Lê Văn Bảy thông báo cho tất cả tín đồ Việt Kiều phải triệt để tuân hành lịnh của Nhà Nước và theo lời Hội Thánh đã cam kết với Chánh Phủ. Suốt năm 1929, không có việc gì rắc rối xảy ra. Quý vị chức sắc vẫn tiếp tục thi hành sứ mạng mở mang mối đạo trong khắp các giới Việt Kiều. Những buổi lễ gia đình là những dịp tốt cho công tác. Tín đồ xin phép nhà chức trách tổ chức rầm rộ mà Chánh Quyền không thể từ chối, chiếu theo lịnh của ông Khâm Sứ và Nhà Vua Cao Miên. Quý vị chức sắc cử hành một thánh lễ trước một số đông tín đồ. Các chức sắc này đều ở Tòa Thánh được thỉnh đến truyền bá mối đạo. Lồng trong các nghi thức, tín đồ đốt pháo, đồng ca để quy tựu kẻ tò mò, biến thành một cuộc lễ công cộng hẳn hoi! Nếu nhà cầm quyền có phản đối, thì tín đồ có đủ yếu tố để chống lại. Giáo Sư Lê Văn Bảy bắt tay vào việc xây cất Hội Thánh ở Phnong Penh. Ông tổ chức đêm hát làm nghĩa và đi quyên tiền để gây ngân quỹ. Ông khởi công trên một mảnh đất rộng của Sở Thú Y, cạnh đường Pierre Pasquier. Đồng thời, những giảng đường nhỏ cũng được thiết lập ở các xóm Việt Kiều, phần nhiều xa công sở và thường lén dựng ban đêm.

Chánh Phủ Bảo Hộ không thể làm ngơ trước sự bành trướng của mối đạo, nên vào ngày 04/07/1930. Ông Khâm Sứ ở Phnom Penh thông sức cho các Tỉnh Trưởng trên lãnh thổ Miên đại khái như sau:

“Vì gần đây có những chuyện lộn xộn xảy ra, và để ngăn chận tất cả những cuộc hội họp bất kể dưới hình thức nào có thể làm rối loạn trật tự, tôi nhất định xóa bỏ từ ngày nay đến khi có lịnh mới, những đặc ân mà Chánh Phủ Hoàng Gia Cao Miên và tôi đã dành cho đạo Cao Đài. Không những thế, từ đây, tôi cấm Đạo này tổ chức các cuộc lễ nào cũng mặc, nhỏ hay lớn cũng vậy. Nếu ở địa phương, có kẻ nào bất tuân vẫn cử hành lễ bái thì bổn phận của quý ông Tỉnh Trưởng phải ngăn cấm không cho cuộc lễ thành hình, nhưng đừng bắt bớ họ ngoại trừ trường hợp cuộc lễ tổ chức công khai ngoài đường phố thì quý ông không thể tha thứ họ. Mỗi lần có chuyện xảy ra, tôi yêu cầu quý ông ghi rõ căn cước của kẻ nào tổ chức và kẻ chỉ huy rồi điện cho tôi hay. Tôi sẽ áp dụng biện pháp theo luật định để trục xuất họ khỏi lãnh thổ Cao Miên. Tôi yêu cầu quý ông thông báo chỉ thị này cho dân chúng biết.”

Lịnh này được triệt để thi hành mấy tháng liên tiếp gây ra một loạt biến cố quan trọng, nhiều vụ bắt bớ đưa ra Tòa Án, nhiều chiến dịch báo chí sôi nổi và sau cùng nhiều vụ can thiệp nồng nhiệt của các đoàn thể và nhân vật chánh trị cạnh Chánh Phủ Pháp. Người ta công khai bàn tán “vụ ngược đãi Tôn Giáo”, “làm khổ nhục kẻ theo một đức tin mới”.

Trong lúc ấy, ở Tòa Thánh Tây Ninh có việc tranh chấp giữa vài vị chức sắc mà dư âm dội đến Hội Thánh Phnom Penh. Ông Chưởng Pháp LÊ BÁ TRANG kiện Giáo Sư Lê Văn Bảy về tội tiêu lạm công quỹ. Giáo Sư bị bắt trong Tháng Tám, 1933. Tòa Thánh cử ông Trần Quang Vinh thay chức “Chủ Trưởng Hội Thánh Ngoại Giao”. Ông Vinh đã khéo léo giữ vững tinh thần tín đồ Việt Kiều.

Cuối năm 1934, vị Toàn Quyền Đông Dương René Robin chấp thuận cho đạo Cao Đài được tự do hành đạo trong toàn quốc. Sóng gió đã qua, Việt Kiều thở một hơi dài! Ngày 21, 22 và 23/05/1937, Hội Thánh tại đường Pierre Pasquier, nay đổi thành Monivong được khánh thành rất trọng thể. Chính ông Trần Quang Vinh đọc bài diễn văn khai mạc, được báo chí Pháp, Việt và các văn sỹ nhắc nhở nhiều lần.

Tính đến năm ấy ( 1937 ), tổng số tín đồ Việt Kiều có lối 30.000 ( ba mươi ngàn ) người. Mười lăm năm sau, năm 1951, Tòa Thánh Tây Ninh lập bảng thống kê chánh thức có hơn 70.000 ( bảy mươi ngàn ) tín đồ ở Cao Miên. Đúng ra là 73.167 ( bảy mươi ba ngàn một trăm sáu mươi bảy ) tín đồ chia ra: 64.954 ( sáu mươi bốn ngàn chín trăm năm mươi bốn ) Việt Kiều và 8.213 ( tám ngàn hai trăm mười ba ) người Miên.

Năm 1952, Chánh Phủ Cao Miên lấy sở đất nơi cất Hội Thánh lại. Quý vị chức sắc phải dỡ Hội Thánh dời về đường Norodom, gần cầu Monivong, Việt Kiều quen gọi là cầu Saigon. Hội Thánh được xây cất tạm thời, không lộng lẫy đồ sộ như trước.

Năm 1956, Chánh Phủ Cao Miên không cho Tòa Thánh Tây Ninh bổ nhiệm quý vị chức sắc ở Việt Nam lên Phnom Penh, nên chức Chủ Trưởng Hội Thánh Ngoại Giao do ông Trần Quang Vinh giữ được Giáo Sư Thượng Hoàng Thanh thay thế. Từ ngày được Pháp trao trả quyền hành, Chánh Phủ Cao Miên không muốn cho đạo Cao Đài bành trướng hơn nữa. Lịnh cấm người Miên vô đạo vẫn còn áp dụng, nhưng không vì thế mà những tín đồ Miên từ bỏ đạo Cao Đài để trở về với Phật Giáo. Trong số tín đồ Miên có 6 vị Lễ Sanh và 1 vị Giáo Sư ở Tòa Thánh.

Trong năm 1956, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc lưu vong sang Cao Miên, đánh dấu một giai đoạn tranh đấu về chánh trị. Cuối năm ấy, Hội Thánh khởi công cất đền Phật Mẫu ở ngoại ô Phnong Penh, thuộc xóm Stung Meang Chey để ghi ngày Đức Hộ Pháp lìa quê hương. Đền Phật Mẫu là nơi thờ Đức Mẹ, do một số đông thợ hồ, thợ mộc ở Tây Ninh lén vượt biên giới sang Cao Miên làm công quả. Lối kiến trúc ngôi đền thật nguy nga, lộng lẫy, nhưng chỉ được 2 phần 3 vào cuối năm 1957. Số thợ nhập cảnh bất hợp pháp bị Chánh Phủ Cao Miên bắt trục xuất về Saigon. Trong giới tín đồ Việt Kiều có người cho rằng đó là một âm mưu của Chánh Phủ Ngô Đình Diệm. Những người thợ ấy bị giam ở Saigon một năm mới được tự do. Đồng thời ở Phnong Penh có lịnh chính quyền bắt Hội Thánh phải đập phá ngôi đền. Quý vị chức sắc kêu nài tại Tòa Án không xong, lên Tòa Thượng Thẩm cũng không xong, phải vào Hoàng Thành xin với Bà Vua mới yên. Ngôi đền không được cất thêm và cũng không cho cất lại!

Lê Hương.


[ 1 ] Năm 1928, tổng số Việt Kiều ở Cao Miên là 200.000 ( hai trăm ngàn ) người, riêng 2 tỉnh này có đến 80.000 ( tám mươi ngàn ).

Vụ Án Ôn Như Hầu Năm 1946.

Lời người đăng:

Việt Minh ngụy cộng sản đã ngụy tạo cái gọi là “Vụ Án Ôn Như Hầu” như là một cái cớ để tiêu diệt Việt Nam Quốc Dân Đảng và các đảng phái cũng như các nhà cách mạng kháng Pháp không cộng sản khác.

Ngày hôm nay, trên các mạng truyền thông, nếu chúng ta tìm bằng từ khóa “Ôn Như Hầu” hay “Vụ Án Ôn Như Hầu” thì các kết quả, đại đa số là từ các trang webs của ngụy cộng phỉ!

— Dĩ nhiên chúng nó vẫn tiếp tục phỉ báng và bôi nhọ những người quốc gia và các đảng phái quốc gia. Chúng nó vẫn tiếp tục ngụy tạo lịch sử nhồi sọ người trong nước.

Nội dung trong clip này được trích nguyên văn từ trang 319 đến trang 324, trong tập sách 553 trang của tác giả Hoàng Văn Đào:

Việt Nam Quốc Dân Đảng: Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại 1927-1954, nhà sách Khai Trí xuất bản ngày 04/08/1970, Sài Gòn, Việt Nam Cộng Hòa.

✿✿✿

Vụ Án Ôn Như Hầu Năm 1946.
Vụ Án Ôn Như Hầu Năm 1946.

VỤ ÔN NHƯ HẦU

Vì sao lại có vụ Ôn Như Hầu?

Nguyên từ hội nghị Fontainebleau thất bại, nửa đêm ông Hồ Chí Minh đến gõ cửa nhà Marius Moutet để ký một Tạm Ước đầu hàng Pháp; thì ở Việt Nam các đảng phái Quốc Gia càng thấy rõ bộ mặt thật của Việt Minh Cộng Sản ( VMCS ) và phản ứng mãnh liệt, nhất là Hà Nội và Hải Phòng. Các chiến sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng ( VNQDĐ ) phản kháng rất sôi nổi khi nghe Tạm Ước được ký kết một cách ám muội và nhục nhã. Họ xách động quần chúng học tập các điều khoản bán nước của Tạm Ước 15/09/1946 và chuẩn bị lực lượng chờ ngày ông Hồ Chí Minh về nước để chất vấn và phản đối.

Một cao trào chống Tạm Ước 15/09 do các đảng phái Quốc Gia lãnh đạo, nhân đấy phát động mạnh mẽ và lan tràn trong nhân dân, kể cả những người vô đảng phái. Dư luận quần chúng bắt đầu phản ứng về các lời thề long trọng của “Cụ Hồ” khi ra mắt nhân dân trước Vườn Hoa Ba Đình ngày lễ Độc Lập mồng 2 tháng 9 năm 1945.

Ngay cả trong hàng ngũ cán bộ của CS lúc ấy cũng hoang mang giao động, và mất tin tưởng ở lãnh tụ của họ không phải là ít! Thêm vào đó, khi quân đội Tàu chưa rút hết, thì Pháp đến chiếm ngay phủ Toàn Quyền, Sở Tài Chính, mà Chính Phủ Hồ Chí Minh chỉ phản đối lấy lệ bằng cách đình công bãi thị rồi thôi; nên sự công phẫn của nhân dân bộc phát dữ dội.

Trước tình trạng ấy Tổng Bộ Cộng Sản thấy cần phải đàn áp để dập tắt ngay phong trào này và ngụy tạo ra những vụ án như “Vụ Ôn Như Hầu” để:

– Lấy cớ giới nghiêm mà lùng bắt cho hết các chiến sĩ Quốc Gia hiện còn ở lại trong nước, đang xách động quần chúng phản đối họ Hồ về Tạm Ước 15/09.

– Đánh lạc hướng quần chúng nhân dân, không cho họ để tâm chú trọng vào Tạm Ước 15/09 vừa ký kết một cách nhục nhã cùng sự thất bại của phái đoàn Fontainebleau và ngày về của ông Hồ Chí Minh sắp tới.

Vì thế nên mới chọn một trụ sở của VNQDĐ ( bất cứ trụ sở nào ) có đủ điều kiện để thỏa mãn được kế hoạch ngụy tạo của họ sắp đem thi hành. Luôn thể một công đôi việc: áp đảo dư luận quần chúng và đàn áp luôn VNQDĐ.

Trước khi thực hành ý định, Võ Nguyên Giáp tìm gặp Đại Tá Crépin tạm thời làm đại diện cho Tòa Cao Ủy Pháp, để phân trần lý do phải dùng những biện pháp cứng rắn đối với những phần tử phản động, phá hoại sự hợp tác giữa Pháp và Cộng Sản Việt Nam, đồng thời Võ Nguyên Giáp còn yêu cầu Đại Tá Crépin giúp cho một số chuyên viên sử dụng trọng pháo để tấn công các chiến khu của VNQDĐ mà CS hiện thiếu số chuyên viên ấy. Lời yêu cầu của Võ Nguyên Giáp được Crépin nhiệt liệt tán thành, hứa sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi Giáp yêu cầu.

Võ Nguyên Giáp tuyên bố là có một tên công an đến mật báo với Giáp rằng: “Trong khi y bị đặc vụ VNQDĐ bắt giam tại số 9 phố Ôn Như Hầu ( Bonifacy ), y lắng tai nghe trộm được những người công tác trong cơ quan ấy bàn nhau dự định đến ngày 14 tháng 7 ( 14 Juillet ) này, nhân dịp Pháp mời Chính phủ chúng ta đến dự lễ duyệt binh, VNQDĐ sẽ đặc phái đoàn quân cảm tử đến hành thích nhân viên Chính Phủ chúng ta; và người chỉ huy trong cơ quan Ôn Như Hầu, y thường nghe thấy mọi người đều nhắc đến tên Trí.

Thế là Võ Nguyên Giáp quyết định nhằm vào trụ sở số 9 phố Ôn Như Hầu, không cần biết có sự thực hay là không?

Căn nhà số 9 phố Ôn Như Hầu lúc ấy là Trụ sở của Ban Tuyên Huấn Đệ Thất Khu Đảng bộ VNQDĐ từ Nam Ngãi mới thuyên ra đóng trên tầng lầu; lớp dưới là nơi đang mở một lớp chính trị huấn luyện cho các cán bộ từ các khu đưa về.

Nguyên biệt thự số 9 phố Ôn Như Hầu này trước kia quân đội Nhật Bản chiếm ở; đến khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, quân đội Trung Hoa lại thay quân đội Nhật ở luôn đấy; kịp khi quân đội Trung Hoa trở về nước, họ trao lại cho VNQDĐ, mới từ tháng 05/1946. Trong khi quân đội Trung Hoa ở biệt thự ấy, có một số quân nhân thuộc loại “Tầu Phù” bị chết; chết bằng đủ mọi cách: vì đương đói, nay mới được ăn no đến bội thực mà lăn ra chết, chết về bệnh phù thũng, v.v… đồng bọn cho đào hố vùi ngay bên hông hay sau những gốc chuối gần ngay cạnh biệt thự.

Nhà thầu khoán Nguyễn Duy Hợi là người được trao phó việc sửa sang lại ngôi biệt thự này trước khi được dùng làm trụ sở VNQDĐ có cho chúng tôi biết rằng vài ngày trước khi rút lui, bọn Tàu Phù còn mới vùi dập thêm ở ngoài vườn biệt thự một số quân nhân Tàu Phù mới chết nữa.

CỘNG SẢN DÀN CẢNH

Tối hôm ấy ( 12/07/1946 ), sở Quân Vụ Thành Phố Hà Nội hợp với Tư Lệnh Bộ ra lệnh giới nghiêm toàn thành; rồi lợi dụng thời gian giới nghiêm vắng người qua lại, sai Sở Công An Bắc bộ xuống nhà thương Bạch Mai và Phủ Doãn chở một số xác chết vô thừa nhận [ 1 ] đem vứt trong trụ sở Ôn Như Hầu của VNQDĐ, đồng thời cho mai phục súng ống đầy đủ xung quanh rồi bắt đầu mở cuộc đột kích vào.

Đầu tiên bên VNQDĐ chống trả mãnh liệt và không cho họ được tự tiện xâm nhập trụ sở. Cuối cùng binh sĩ CS phải dùng đến áp lực súng đạn mới ập vào được. Thế là đang đêm họ bắt tất cả những người có trách nhiệm tại đó bí mật mang đi, trong số có: Phan Kích Nam [ 2 ], Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Chữ, Phan Quán, Phạm Văn Thắng, v.v… với một số giấy tờ, trong số có một tài liệu quan trọng là chương trình kế hoạch đảo chính Chính phủ Hồ Chí Minh.

Sáng hôm sau ( 13/07 ), CS cho khai quật các xác chết ngoài vườn lên, xác chôn lâu có, xác mới chôn cũng có ( số xác mà Công An Bắc bộ mới mang tới tối hôm trước ), lập thành biên bản; rồi mời báo chí, đồng bào cũng như một số người ngoại quốc đến xem để chụp hình quay phim; rồi cho trưng bày hình ảnh tại phòng Thông Tin cho công chúng vào xem, tuyên truyền vu cáo trước dư luận rằng:

– VNQDĐ đã lập riêng nơi số 9 Ôn Như Hầu một “Hắc Điếm”, chuyên cướp của và bắt cóc giết người, thủ tiêu những thường dân vô tội, và sự thực đã chứng minh. [ 3 ]

Trong lúc bọn CS dựng đứng ngụy tạo vụ “Ôn Như Hầu” để vu khống VNQDĐ thì cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ, quyền Chủ Tịch Chính Phủ; cụ Huỳnh hoàn toàn bị bịt mắt, nên không hay biết gì cả! Đến lúc họ dàn cảnh xong, và loan truyền ra, rồi mới trình lên cụ Huỳnh, thì cụ chỉ còn biết dậm chân la trời: “Không ngờ bên Việt Quốc lại có những hành động quá tàn ác như thế!” Thế là ngày hôm sau, họ đệ lên cụ ký một bản văn của văn phòng Bộ Nội Vụ kết tội các “hành động khát máu” kể trên, và phủ Chủ Tịch cũng ban hành một quyết định “cương quyết trị tội” những kẻ đã làm việc phi pháp.

Đồng bào ở Thủ đô lúc ấy có rất nhiều người biết rõ sự thật câu chuyện vu khống này, nhưng vì áp lực chính quyền CS có ai dám hở môi! Còn những người có tên tuổi, có uy tín của phe Quốc Gia ở trong Chính Phủ Liên Hiệp thì đã xuất ngoại cùng một lúc hoặc trước khi quân đội Trung Hoa rút lui. Những kẻ chậm chân còn ở lại trong nước thì đang tìm cách lẩn tránh để khỏi bị sát hại; lấy ai đâu mà tẩy vết nhơ, để thanh minh sự vụ trước đồng bào! Trước lịch sử!

Cũng ngày 13/07/1946, Võ Nguyên Giáp hạ lệnh cho bộ đội địa phưong được phép tấn công vào các cơ sở và chiến khu của Việt Nam Quốc Dân Đảng trừ trụ sở Trung Ương Hà Nội.

Rồi thời cuộc biến chuyển nhanh chóng, đến cuối tháng 12/1946, cuộc hôn phối bất đắc dĩ giữa Pháp và Cộng Sản Việt Nam tan rã rồi bùng nổ toàn quốc kháng chiến, thế là mỗi người đi mỗi ngã; vụ Ôn Như Hầu chìm trong một nghi án của lịch sử.

Mãi về sau này khi cụ Huỳnh Thúc Kháng về ở Quảng Ngãi lãnh đạo Liên Khu V chống Pháp ( 1947 ), thỉnh thoảng cũng có đôi người bí mật tỉ tê thuật lại sự thật về vụ “Ôn Như Hầu” với cụ. Cụ Huỳnh trố mắt kinh ngạc… nhưng rồi cũng chỉ còn biết chép miệng thở dài… không nói qua một lời. Cho đến nay, đối với cái chết của cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Quảng Ngãi cũng thêm một nghi án trước lịch sử. ( 4 )


[ 1 ] Ông Nguyễn Văn Huyên khi ấy làm thư ký nhà thương Bạch Mai đã cho biết rằng đêm 12/07/1946, Công An CS đã xuống nhà thương Bạch Mai lấy đi 3 xác chết vô thừa nhận.

[ 2 ] Phan Kích Nam chính tên là Phan Xuân Thiện nguyên quán tại quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, theo đạo Tin Lành, đậu Tú Tài từ thời Pháp thuộc, không chịu ra làm công chức, sống bằng nghề dạy học tại các trường Tư Thục, để có thì giờ hoạt động cách mạng.

Khi Việt Minh đoạt được chính quyền, Phan Xuân Thiện liền ra Hà Nội, được giới thiệu gia nhập VNQDĐ. Được Trung Ương Đảng bộ ủy nhiệm làm Chủ nhiệm “Đệ Thất Khu Đảng Bộ.”

Tại trụ sở Ôn Như Hầu bị CS khủng bố, Phan Xuân Thiện tức Phan Kích Nam bị bắt giam tại Nha Công An Bắc Bộ. Sau một thời gian CS đưa sang giam tại ngục thất Hỏa Lò vào sà lim án chém. Cho mãi tới gần ngày chiến tranh Việt-Pháp ( 12/1946 ), CS đưa Phan Kích Nam lên giam vào Hầm Kín ( cachot ), tại đề lao tỉnh Phú Thọ, CS liền đem Phan Kích Nam cùng 12 người khác, trong số có Lê Khang ra bãi cỏ gần đề lao Phú Thọ thủ tiêu.

[ 3 ] Tài liệu này đã tìm thấy trong tập hồ sơ của tên Lễ, là Đại Đội trưởng CS bị cơ quan an ninh của Hội Đồng An Dân thành phố Hà Nội bắt được hồi năm 1947.

Tên Lễ đã khai: “Chính y là người được Võ Nguyên Giáp cử ra đứng điều khiển việc vào chiếm và canh gác cơ quan Ôn Như Hầu, rồi đem xác chết từ các nhà thương đến chôn xuống, dàn cảnh để khám xét, khai quật những xác chết ấy lên, vu cáo cho VNQDĐ cướp của, bắt cóc, giết người để bôi nhọ.

[ 4 ] Bổ khuyết theo tài liệu của Giáo Sư Nguyễn Văn Mùi và ông Nguyễn Chữ.

✿✿✿

Chú thích của người đăng:

Xin được chú thích thêm, trong quá trình tìm hiểu về tội ác phố Ôn Như Hầu của ngụy cộng phỉ, chúng tôi được biết là vào Tháng Chín, năm 2019, cái gọi là “Nhà Xuất Bản Khoa học xã hội” của chúng nó có cho ra lò một thứ gọi là “Việt Nam Quốc Dân Đảng Trong Lịch Sử Cách Mạng Việt Nam ( 1927 – 1954 )”, 312 trang, của “GS. TS.” Nguyễn Văn Khánh.

— Chúng nó vẫn nỗ lực bưng bít sự thật!

Clip: Tạm Ước Fontainebleau 14/9/1946: ông Hồ cấu kết với Pháp để tiêu diệt các đảng quốc gia.

Xin chân thành cảm ơn.

Có Đệ Tứ và Đệ Tam Cộng Sản, vậy Đệ Nhất và Đệ Nhị là gì?

Chúng ta nghe nói nhiều đến Đệ Tam Cộng Sản và Đệ Tứ Cộng Sản.

— Và đã có người phán rằng: cộng sản là cộng sản tại sao phải phân biệt Đệ Tứ với Đệ Tam!

Câu hỏi hiển nhiên là: nếu có Đệ Tam Cộng Sản và Đệ Tứ Cộng Sản?
Vậy có Đệ Nhất Cộng Sản và Đệ Nhị Cộng Sản không? Và tại sao
Đệ Nhất và Đệ Nhị không được nhắc đến?

Đây chỉ là tìm hiểu giản lược về sự ra đời của các cao trào
cộng sản. Không phải là một tìm hiểu chi tiết về lịch sử của
các cao trào này.

Nguồn tham khảo duy nhất là Wikipedia tiếng Anh.

  • Đệ Nhất Cộng Sản ( 1864–1876 ) — tham khảo [ 1 ]

Tiếng Anh không gọi là Đệ Nhất Cộng Sản mà gọi là International Workingmen’s Association hay Liên Đoàn Công Nhân Quốc Tế; gọi ngắn gọn là First International hay Đệ Nhất Quốc Tế.

Tập hợp quốc tế này được thành lập từ năm 1864 ở Luân Đôn, Anh Cát Lợi, hội nghị quốc tế đầu tiên của họ tổ chức ở Geneva vào năm 1866. Và tổ chức này đã được giải tán vào năm 1876.

Mục đích khởi nguyên của tập hợp là liên kết các nhóm xã hội khuynh tả, các nhóm cộng sản và những kẻ mang khuynh hướng khởi loạn tạo ra xã hội rối loạn ( — tương tự như các nhóm Black Live Matters và ANTIFA của những năm 2020, 2021. )

Thời gian này, Karl Marx đã 46 tuổi và chưa nổi danh. Ông ta cũng được mời tham gia, và ông ta đã trở thành một lý thuyết gia cột trụ của tổ chức này.

  • Đệ Nhị Cộng Sản ( 1889–1916 ) — tham khảo [ 2 ]

Tên tiếng Anh là Second International hay Đệ Nhị Quốc Tế. Được thành lập vào ngày 14/07/1889 ở Paris với 20 quốc gia tham dự.

Mục đích của Đệ Nhị Quốc Tế là tiếp tục công việc đang dang dỡ của Đệ Nhất Quốc Tế, nhưng Đệ Nhị loại bỏ đám khởi loạn và công đoàn công nhân. Nhưng trên thực tế hai tập hợp này vẫn có ảnh hưởng trong những giai đoạn nhất định của Đệ Nhị.

Hệ tư tưởng của Đệ Nhị là Chủ Nghĩa Karl Marx và Chủ Nghĩa Xã Hội. Và màu đỏ là màu đại diện.

Di sản còn lại cho đến ngày nay của Đệ Nhị là Ngày Quốc Tế Lao Động: ngày 1, Tháng Năm; và ngày Quốc Tế Phụ Nữ: ngày 8, Tháng Ba. Đệ Nhị cũng đã đấu tranh đòi được quyền làm việc tám ( 8 ) tiếng đồng hồ một ngày.

Những người đứng đầu của Đệ Nhị là những người Tây Âu và Bắc Âu. Vladimir Lenin chỉ bắt đầu làm thành viên từ năm 1905.

Vào năm 1916, Đệ Nhị xem như không còn hiệu lực. Vì các đảng phái của những quốc gia thành viên không tìm được tiếng nói chung trong việc phản đối Đệ Nhất Thế Chiến, mà họ vì tinh thần quốc gia, đã ủng hộ quốc gia của họ trong chiến tranh.

Tuy không còn hiệu lực, nhưng đại hội sau cùng của Đệ Nhị đã được tổ chức ở Geneva, vào Tháng Bảy, 1920. Trong đại hội này, các quốc gia Châu Âu không đồng ý với mô hình tái tổ chức, nên nhiều “hệ phái” khác nhau đã được hình thành.

Biểu tượng ( logo ) của Đệ Tam và Đệ Tứ Cộng Sản.
Biểu tượng ( logo ) của Đệ Tam và Đệ Tứ Cộng Sản.
  • Đệ Tam Cộng Sản ( 1919–1943 ) — tham khảo [ 2, 3, 4 ]

Sau biến cố Tháng Mười Đỏ, 1917, Liên Bang Sô Viết được hình thành. Đệ Tam Quốc Tế do những người theo chủ nghĩa xã hội được hình thành vào năm 1919. Tên chính thức của nó là Quốc Tế Cộng Sản, tiếng Anh là Communist International gọi tắt là Comintern.

Comintern do Liên Bang Sô Viết điều khiển.

Mục tiêu chính của Comintern là cộng sản hóa toàn cầu!

Tại Đại Hội Lần Thứ Nhì, Comintern khẳng định là:

Sử dụng tất cả mọi phương tiện đấu tranh, kể cả vũ trang, nhằm mục đích lật đổ các chính quyền tiểu tư sản quốc tế và thiết lập nền cộng hòa quốc tế Sô Viết với vai trò quá độ để hoàn toàn xóa khái niệm quốc gia.

( Trong Việt ngữ, hiện tượng được gọi là Thế Giới Đại Đồng Cộng Sản? )

Trong những năm sau của Đệ Nhị Thế Chiến, dưới áp lực của đồng minh Hoa Kỳ và Anh Cát Lợi, Joseph Stalin đã giải tán Comintern vào năm 1943.

Sau khi Comintern bị giải tán, thì vào năm 1947, Bộ Thông Tin Cộng Sản Và Các Đảng Phái Công Nhân, tiếng Anh là Information Bureau of the Communist and Workers’ Parties, gọi tắt là Cominform được thành lập.

Cominform có vai trò là cơ quan tối cao của Phong Trào Quốc Tế Cộng Sản ( International Communist Movement ); có vai trò điều hợp viên của các đảng cộng sản theo hệ tư tưởng Mác-Lê ( Marxist-Leninist ) ở Châu Âu trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.

Kể từ năm 1950, Cominform đã không còn hiệu lực trong nội bộ Sô Viết, và đã được giải tán vào năm 1956, trong thời kỳ Stalin bị đạp đổ.

  • Đệ Tứ Cộng Sản ( 1938 – ) — tham khảo [ 5, 6 ]

Đệ Tứ Cộng Sản do Leon Trotsky khai lập, chính thức ra mắt ở Pháp, năm 1938, sau khi Trotsky và những người ủng hộ ông đã bị trục xuất khỏi Liên Bang Sô Viết.

Leon Trotsky và Vladimir Lenin trên phương diện cá nhân và tư tưởng rất gần gũi nhau, về đường lối chính trị họ có sự khác biệt và từng tranh luận với nhau nhưng họ không phải là kẻ thù của nhau. Cả hai cùng là người gốc Do Thái.

Trotsky bị lưu đày ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 1928, sau đó ông sang Pháp, Na Uy và cuối cùng là Mễ Tây Cơ. Ông đã bị Stalin ám sát ở đây vào Tháng Tám, 1940.

Tuy chính thức ra đời vào năm 1938, nhưng sự phản kháng của Trotsky đã có từ thời Stalin lên nắm quyền ở Liên Bang Sô Viết. Và sau khi ông bị trục xuất, những thành viên Đệ Tứ chưa bị phát hiện vẫn âm thầm hoạt động trong Liên Bang Sô Viết.

Ông cho rằng Đệ Tam và các thành viên của nó là những con rối của chủ nghĩa Stalin. Và Stalin không có khả năng lãnh đạo tầng lớp công nông. Trong suy nghĩ của ông, thì Đệ Tam đã trở thành độc tài khi dân chủ tính của tầng lớp công nông chỉ tập trung vào một nhóm người rất nhỏ ( degenerated workers’ state, xem [ 7 ], có phải là “dân chủ tập trung“? )

Mục tiêu của Đệ Tứ cũng là xóa bỏ tư bản toàn cầu và thiết lập chủ nghĩa xã hội toàn cầu bằng phương pháp cách mạng toàn cầu.

Trên phương diện tổ chức, Đệ Tứ không chặc chẽ bằng Đệ Tam, vì có nhiều khuynh hướng tư tưởng bất đồng.

Đệ Tứ cũng gặp khó khăn vào thời Đệ Nhị Thế Chiến khi cả Hoa Kỳ và Anh Cát Lợi đều truy lùng những người cộng sản: bất kể họ là ai.

Liên quan đến Việt Nam, vào thập niên 1930s, cụ Tạ Thu Thâu được xem là người lãnh đạo cộng sản Trotskyist Đệ Tứ ở Việt Nam, đây là một tổ chức có thực lực, đặc biệt ở Sài Gòn.

Trong khi đó Hồ Chí Minh, tay sai của Đệ Tam đã viết rằng: bất cứ những ai theo Quốc Dân Đảng là những kẻ phản quốc và Đệ Tứ Trotskyist Việt Nam cần phải bị tiêu diệt!

Cơ quan ngôn luận của Đệ Tứ Việt Nam là tờ La Lutte hay “Đấu Tranh“, xem [ 8 ] được cho là có sức ảnh hưởng mạnh đủ lôi kéo các thành viên của Đệ Tam ở Việt Nam gia nhập Đệ Tứ.

Cụ Tạ Thu Thâu đã bị bắt và bị Việt Minh giết chết vào Tháng Chín, năm 1945. Những đồng chí của ông, sau đó, hoặc bị Việt Minh tàn sát hoặc bị thực dân Pháp tàn sát trong nỗ lực chiếm lại thuộc địa.

(
Tìm hiểu thêm về cái chết của cụ Tạ Thu Thâu, xin xem: “Tìm hiểu vụ ám sát Tạ Thu Thâu.

Hội Nghị Toàn Cầu Lần Thứ Hai của Đệ Tứ được tổ chức vào Tháng Tư, năm 1948. Và vào thời điểm này Đệ Tứ Việt Nam đã bị Đệ Tam của Hồ Chí Minh tiêu diệt hoàn toàn.

Cũng trong Hội Nghị này, Tổng Thư Ký Toàn Cầu của Đệ Tứ đã có nỗ lực đối thoại với Josip Broz Tito, Tổng Thống của Nam Tư. ( Tổng Thống Tito vẫn được xem là một nhà cách mạng cộng sản cởi mởi. ) Hành động này của Tổng Thư Ký đã bị Đảng Cộng Sản Anh phản đối kịch liệt.

Đệ Tứ tổ chức lỏng lẻo hơn Đệ Tam, vì là tập hợp của nhiều khuynh hướng tư tưởng khác nhau, họ vẫn còn tồn tại, nhưng không hợp nhất được.

Nỗ lực sau cùng để hợp nhất là vào năm 1963. Và sau đó, Đệ Tứ vẫn chưa thống nhất thành một khối hợp nhất. Năm 2003, đã có một sự thay đổi nữa.

Và đã có những người Đệ Tứ cho rằng Đệ Tứ đã bị khai tử, và họ kêu gọi thành lập một Quốc Tế Công Nhân mới hay Đệ Ngũ.

Tham Khảo:

  1. International Workingmen’s Association: https://en.wikipedia.org/wiki/International_Workingmen%27s_Association
  2. Second International: https://en.wikipedia.org/wiki/Second_International
  3. Communist International: https://en.wikipedia.org/wiki/Communist_International
  4. Cominform: https://en.wikipedia.org/wiki/Cominform
  5. Fourth International: https://en.wikipedia.org/wiki/Fourth_International
  6. Trotskyism: https://en.wikipedia.org/wiki/Trotskyism
  7. Degenerated workers’ state: https://en.wikipedia.org/wiki/Degenerated_workers%27_state
  8. La Lutte: https://en.wikipedia.org/wiki/La_Lutte_(newspaper)

20/05/2021.