Khi Nhà là Nhà Tù. Tác Giả: Từ Liên.

Nói thiệt chớ có ví Sài Gòn là viên ngọc đẹp, là cô gái đẹp, nên tự “lấy trôn nuôi miệng” đi thì cũng chả có “trôn” nào mà chịu đựng nổi để nuôi bằng ấy cái miệng ăn. Mà họ biểu lấy “trôn nuôi miệng” đi, nhưng tay họ lại lần mò lấy hết tiền của cô gái đó mỗi đêm, họ không cho cô gái đẹp còn đủ tiền mà mua đủ đồ ăn cho có da có thịt, mà mua đồ trang sức, trang điểm cho dễ thương, giữ mình cho sạch sẽ thơm tho để thu hút khách làng chơi, thì không hiểu cô gái bán trôn cho ai?

Nguồn hình: thuongtruong.com.vn & haiquanonline.com.vn

Cái xứ Đông Lào quả là có rất nhiều chuyện lạ.

Từ khi thành phố lớn nhất, năng động nhất cả nước là Sài Gòn lockdown từng phần, rồi sau đó là toàn phần, theo sau nữa là những tỉnh thành Miền Tây, rồi miền Trung, rồi tới Hà Nội, người ta hình như đang được chứng kiến những câu chuyện chưa bao giờ được kể trong lịch sử của cái xứ sở này.

Nếu ai đó chịu khó mở facebook, coi tivi, lướt qua các phương tiện truyền thông có đề cập tới tình hình của xứ sở này trong những tuần lễ gần đây, người ta có thể nhìn thấy một số những câu chuyện rất ấn tượng.

  1. Những lệnh cấm liên quan tới cuộc sống của hàng chục triệu con người, thậm chí mạng sống của hàng chục hàng trăm ngàn con người [ những người đang kẹt trong nhà thương, trong cách khu cách li, những người đang có bệnh, những người có hoàn cảnh sống hết sức bấp bênh ] được ban ra theo kiểu như úp sọt người dân, chỉ được ban hành một thời gian rất ngắn trước khi có hiệu lực, thường là trong 1 ngày, nhiều người dân không kịp trở tay.

Hệ quả: Người ta chứng kiến tiểu thương, nông dân, các cơ sở sản xuất, phải đổ bỏ sản phẩm trong khi hàng triệu những người khác không thể mua được sản phẩm, hoặc lâm vào cảnh thiếu đói, chết đói vì không có tiền mua lương thực, thực phẩm, phải lê lết tới các cơ sở nấu cơm từ thiện. Nhiều người bệnh không thể đến hoặc ra khỏi bệnh viện trong thời gian bệnh viện phong tỏa, nhiều người thiếu điều kiện chữa trị nên nằm chờ chết ở nhà.

  1. Toàn bộ bộ máy công quyền tỏ ra lúng túng, thiếu thống nhất từ cấp cơ sở tới cấp Trung ương, khiến cho cuộc sống của người dân bị tắc nghẹn. Cùng trên 1 đoạn đường, chỗ này đòi giấy tờ này, chỗ kia đòi giấy tờ kia, chỗ này đòi xét nghiệm này, chỗ kia đòi xét nghiệm khác, chỗ này nói hàng hóa này là thiết yếu, chỗ kia nói khác. Người dân hỏi thì mỗi nơi trả lời mỗi kiểu… cuối cùng thì người dân phải móc tiền túi ra chịu phạt trong phẫn uất mà hầu hết các trường hợp họ cũng không biết vì sao.

Lúc này, có nhiều người mới mạnh dạn mà nói với nhau, vậy mà trước tới giờ tôi cứ nghĩ cái Đảng này nó thống nhất, toàn diện, tài năng, lãnh đạo sáng suốt, tài tình lắm chứ, hóa ra nó chỉ có nói thôi, lúc đụng chuyện mới thấy cách nó xử lí, chẳng có vẻ gì là nó sáng suốt hay thống nhất cả.

Trong lúc này, những người sáng suốt thậm chí có thể nhìn thấy sự mục ruỗng của nó từ bên trong. Vậy là bao nhiêu cuộc họp quốc hội tốn hàng chục tỉ đồng mỗi cuộc họp, bao nhiêu cuộc họp ở các cấp Bộ, sở, ban, ngành khác cũng ngốn hàng tỉ đồng họ bàn về cái gì? Bệnh dịch đã bắt đầu từ một năm rưỡi qua mà họ đã làm gì để chuẩn bị cho nó. Họ rút kinh nghiệm gì từ những quốc gia xung quanh họ? Họ chuẩn bị gì cho người dân nước họ để đối phó trong tình huống bệnh dịch lan rộng?

Câu trả lời là rõ ràng họ chẳng chuẩn bị gì cả, họ vẫn tiếp tục ngồi tự sướng với nhau, ca ngợi những thành tựu của đảng cầm quyền, họ vẫn tập trung toàn lực vào tổ chức bầu cử, lùng bắt những nhà hoạt động dân chủ yêu tự do, tiếp tục chửi rủa các quốc gia phương Tây, đứng đầu là Mỹ, dù đây là quốc gia đã viện trợ cho họ tới 5 triệu những liều vaxin tốt nhất, và họ tiếp tục tìm cách làm sao để thu nhiều thuế hơn, kể cả đánh thuế tiền thưởng của những người ở gần tầng đáy xã hội là đội ngũ xe ôm, shipper ngày ngày mạo hiểm mạng sống của mình trong mùa dịch bệnh để sinh tồn, rồi làm sao tăng giá xăng, giá điện, và cao cơ hơn, họ nỗ lực loại bỏ kinh tế tư nhân và kinh tế tiểu thương ra khỏi cuộc cạnh tranh vốn dĩ đã không công bằng với kinh tế độc quyền nhà nước, và như chúng ta đang thấy, tiểu thương và kinh tế tư nhân đã bị thương trầm trọng trong cuộc sát phạt này.

  1. Mùa dịch này, có lẽ đầu tiên trong lịch sử từ sau khi Sài Gòn bị đổi tên, Sài Gòn và cả nước chứng kiến những cuộc di tản khổng lồ, của hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn những con người mỗi ngày, từ Sài Gòn tháo chạy về quê của họ. Ở Hà Nội cũng có một số cuộc di tản nhưng với quy mô và tần suất nhỏ hơn Sài Gòn nhiều lần. Gần như không có những cuộc tháo chạy từ phía Hà Nội mà vào đến quá chân Đèo Ngang. Lúc này người ta mới nhìn rõ được là, trong nhiều năm qua, Sài Gòn đã trở thành nơi ôm ấp, cư trú của biết bao nhiêu những con người từ mọi miền đất nước. Nhìn các cuộc di tản với quy mô và tần suất khủng khiếp đó người ta mới thấy phẫn nộ thay cho Sài Gòn, làm ra nhiều tiền như vậy, mở rộng cơ hội cho nhiều con người tới như vậy, mà chỉ có 18% ngân sách để chi cho thành phố mỗi năm, số tiền đó sau khi trừ hết những chi phí cho những bàn tay đại tham nhũng, nó còn lại bao nhiêu cho Sài Gòn để duy trì hiện trạng chứ đừng nói phát triển …

Sài Gòn có muốn đuổi những con người khốn khổ phải tha hương đó về quê của họ vào lúc này không? Dĩ nhiên là không? Những người đó cũng cần cho Sài Gòn và giúp kinh tế của Sài Gòn phát triển. Chính vì vậy mà ngay khi Sài Gòn mới phong tỏa một phần lần thứ nhất, nhiều người dân của Sài Gòn đã tự giác chung tay giúp đỡ họ, nhiều chủ nhà giảm tiền trọ, nhiều bếp ăn cộng đồng được mở ra khắp mọi nơi để người lao động thất nghiệp, người vô gia cư, người lang thang cơ nhỡ có thể tìm được một bữa ăn mà sinh sống qua ngày. Những người làm những việc này, tuyệt đại đa số là thường dân, mà đời sống của họ cũng chỉ khấm khá hơn những người lao động kia một chút thôi, mà nhờ vào lòng tốt và sự rộng lượng của họ, hàng ngàn con người đã được cứu sống khỏi cảnh đói, khát, cảnh phải hạ thấp nhân phẩm vì sự nghèo khổ càng ngày càng khó che dấu của họ.

Sài Gòn có muốn cưu mang những con người đó không? Dĩ nhiên Sài Gòn muốn, bởi vì lịch sử của Đất Phương Nam từ xưa tới giờ là như vậy. Nhưng nếu muốn Sài Gòn lo cho bằng ấy con người, mà chỉ chừa cho Sài Gòn một phần bánh ngân sách đủ sống qua ngày thôi, thì chẳng khác nào biểu Sài Gòn tay không đi đánh giặc, chẳng khác nào biểu Sài Gòn chiến thắng đại dịch bằng khẩu hiệu đi, biểu trẻ em ở cái xứ sở này ngắm tượng đài đi cho nó no.

Nói thiệt chớ có ví Sài Gòn là viên ngọc đẹp, là cô gái đẹp, nên tự “lấy trôn nuôi miệng” đi thì cũng chả có “trôn” nào mà chịu đựng nổi để nuôi bằng ấy cái miệng ăn. Mà họ biểu lấy “trôn nuôi miệng” đi, nhưng tay họ lại lần mò lấy hết tiền của cô gái đó mỗi đêm, họ không cho cô gái đẹp còn đủ tiền mà mua đủ đồ ăn cho có da có thịt, mà mua đồ trang sức, trang điểm cho dễ thương, giữ mình cho sạch sẽ thơm tho để thu hút khách làng chơi, thì không hiểu cô gái bán trôn cho ai?

Vào những ngày này, mở tivi của cộng sản ra, lúc nào người ta cũng được nghe các đại biểu hứa hẹn chuyện tương lai xán lạn, ngày nào cũng nghe đài báo kêu gọi nhân dân đừng nghe lời bọn phản động, xã hội chủ nghĩa sẽ bền vững đời đời, sẽ có nhiều gói tài trợ, nhiều loại vaxin chích cho toàn dân. Rồi ở nước này, nước kia, người dân ủng hộ chính phủ chống dịch, người dân tôn trọng pháp luật.

Thì ở ngoài đường kia, hàng ngàn các cuộc chặn bắt dân mỗi ngày, tỉnh thành cỡ như Đồng Nai mà trong vài ngày thu được trên 5 tỉ tiền phạt dân [ baodongnai.com ], mà hình như trong số đó chẳng có anh chị đảng viên nào, chẳng có mấy anh, chị công chức nào, toàn là dân đen trên răng, dưới củ cải. Lên báo điện tử của chính quyền Đông Lào đọc thì toàn là nói người dân vô ý thức, cố tình vi phạm pháp luật, nhiều bình luận ở bên dưới chắc phần lớn cũng của các anh chị công chức, đảng viên, những người ngồi ở nhà vẫn lãnh lương nhà nước theo quy định, chỉ trích dân ra ngoài đường.

Có ai đó tự hỏi rằng người dân thường có muốn ra ngoài đường vào lúc dầu sôi lửa bỏng như thế này không, trừ một số rất ít những anh chị rảnh rang phá luật đi tập thể dục với dắt chó đi dạo thì không nói làm gì, còn với những người lao động khác thì: Quán xá không có bán gì mà mua đồ, vé số bán không ai mua, nguy cơ dính virus tàu cộng cao, dễ bị đưa đi cách li, phải đóng tiền cách li, tiền test virus các loại, lẫn tiền phạt, thử hỏi ai lại muốn ra đường???

Nếu không phải vì lý do sinh tồn, nếu không vì đằng sau lưng mỗi người còn có cả một đại gia đình phải lo toan, có ai lại muốn ra ngoài đường?

Nếu họ có đủ thực phẩm cho mỗi ngày, có đủ thuốc trị bệnh cho họ, có đủ sữa cho con họ, có ai lại muốn mạo hiểm mạng sống của mình như vậy? để người ta bắt được mình, ngoài việc đóng phạt, người ta còn xỉ vả mình và đưa tên tuổi mình lên báo đài như những kẻ phạm tội?

Còn có nhiều người khác nữa, mùa này lên mạng xã hội, lên Facebook kêu thèm đủ thứ, thèm ra ngoài chơi, thèm đồ ăn, thèm gặp bạn bè, thèm du lịch … Thôi, thèm những thứ đó cũng là những nhu cầu cơ bản của con người bình thường thôi. Nhiều người lần đầu tiên biết cảnh cầm tù là như thế nào, dù điều kiện cầm tù của họ vẫn rất tốt, có chăn êm nệm ấm và có đồ ăn đàng hoàng. Vậy mà họ đã kêu là họ đang bị tình trạng giống như ở trong tù.

Nhưng đâu đó hình như vẫn có rất nhiều người cũng chưa nhìn thấy rằng, đã từ lâu rồi, họ đâu có phải chỉ bị cầm tù trong nhà của họ vào thời gian lockdown này. Gần một thế kỷ đối với miền Bắc và gần nửa thế kỷ đối với miền Nam, phần lớn người Việt Nam vẫn sống trong một cái nhà tù lớn hơn cái nhà của họ rất nhiều, nhà tù của chế độ CS.

Tôi gặp những bạn du học ở các nước phát triển, tất cả đều tỏ ra đăm chiêu khi tôi hỏi họ có muốn về nước làm việc không? Và có rất nhiều câu trả lời là không, chưa muốn. Tôi hỏi lý do, họ có rất nhiều lý do khác nhau, nhưng tựu chung lại là “Khi nào đất nước khá hơn họ sẽ nghĩ tới chuyện về”. Tôi hỏi kỹ hơn, họ nói “Quen với tự do bên này rồi”. Tôi vặn hỏi tiếp, họ nói “Thì tự do bày tỏ quan điểm, tự do lựa chọn tôn giáo, tự do chọn lựa hình thức học hành cho con cái, tự do viết và xuất bản, tự do nghiên cứu, chỉ cần chấp hành luật pháp của nước sở tại thì ra đường không sợ bị bắt nạt, không phải lo cầm tiền hối lộ theo, cứ lao động chăm chỉ, cần mẫn, trung thực thì không sợ thất nghiệp, không phải dùng tiền đi mua việc, rồi lại phải làm cái việc bất nhân trở lại là ép nhân viên dưới quyền hoặc làm những việc luồn lách pháp luật để thu hồi lại vốn”.

Tôi có chút băn khoăn, nhưng cũng được khích lệ ở chỗ, như vậy là phần lớn các bạn ấy muốn sống cuộc đời lương thiện, tuân thủ pháp luật, không làm những việc xấu xa, không muốn con cháu mình lớn lên phải chịu cảnh luồn cúi, cảnh làm nô lệ, cảnh nhồi sọ. Họ muốn chúng hạnh phúc, tự do phát triển.

Vậy là trước đến nay, các bạn này
sống trong một cái nhà tù cực lớn,
nhưng các bạn không nhận ra, mà
chỉ khi có cơ hội đi ra khỏi cái
nhà tù ấy rồi mới thấy rằng mình
đã sống trong cái tù ấy quá lâu, đầu óc của mình gần như chai cứng, ngu muội, và lạc hậu với thế giới văn minh. Cũng như ếch sống dưới đáy giếng hẳn là phải rất khác với con ếch sống ở ven các con suối, con sông lớn.

Đây cũng là một trong những lí do mà những nhà hoạt động dân chủ trong xứ Đông Lào thường gặp khó khăn trong việc giải thích cho người dân hiểu thế nào là quyền của họ, quyền của một con người tự do. Họ rất khó hiểu những thứ họ chưa từng trải nghiệm, chưa từng sở hữu hoặc được ngó qua. Một người sống trong tù từ nhỏ không thể hiểu được ngoài bốn bức tường còn có nhiều thứ sống động, đẹp đẽ khác ở thế giới ngoài kia.

Kết quả là, với đại bộ phận dân chúng xứ Đông Lào, nhà tù chỉ có một đám cai ngục là có quyền sanh sát, còn lại tù nhân thì như nhau. Họ sẽ ngoan ngoãn chấp hành án tù tới hết cuộc đời họ, nếu như không có gì đột nhiên xảy đến làm gián đoạn cuộc sống tù đày của họ.

Tháng 1 năm 2021, chính phủ Việt Nam tổng kết tạm thời ở Việt Nam có 799 tờ báo các loại [ vietnamplus.vn ]. Nhưng không biết có ai để ý rằng trong số những tờ báo đó có một tờ báo tư nhân nào không. Tất cả các ngành học liên quan tới báo chí, truyền thông ở xứ sở này đều không được phép giao cho các trường tư hoặc các bộ phận tư nhân quản lí. Nhà nước Đông Lào quản lí tất cả những thông tin của dân chúng, và tự ý lèo lái dân chúng theo cách nào đó có ích nhất cho đảng của họ.

Từ vài thế kỷ trước, nhiều nhà tư tưởng đã nhận ra rằng báo chí – truyền thông là một trong những công cụ quyền lực lớn và hữu hiệu nhất của chính phủ trong việc cai trị dân chúng ( thường được gọi là quyền lực thứ ba, thứ tư, quyền lực mềm ). Đảng phái nào quản lí thông tin truyền thông hữu hiệu hơn, đảng có khả năng tác động tới người dân của họ lớn hơn. Một trong những lý do Ông cựu TT Mỹ Donald Trump thất cử được các nhà phân tích nói rằng ông làm mếch lòng tới quá nhiều báo chí của nước ông, mặc dù Mỹ nổi tiếng là có nền báo chí tư nhân tự do.

Nói gì tới xứ Đông Lào,

Người ta nói người dân Đông Lào có nhiều tự do lắm. Báo chí có tới cả trăm tờ để đọc mỗi ngày, nhưng cả trăm tờ đó chỉ có một nguồn tin duy nhất, đã được định hướng cẩn thận. Tất cả các ông tổng biên tập, giám đốc các công ty truyền thông đều phải là đảng viên ưu tú, có các bằng từ trung cấp tới cao cấp chính trị Mác-Lê và thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông nhà báo hay ông tổng biên tập nào muốn bày tỏ ý kiến khác với đảng của ông thì đảng lập tức đuổi ông ra, mời ông vô tù [ nhà tù thứ hai ], tịch thu tài sản của ông liền, có khi còn làm cho ông biến mất mãi mãi bằng những lý do hợp lý nữa. Dân cần nghe những tiếng nói phản biện thì hầu như tìm không ra một chương trình nào cho đàng hoàng.

Có người nói có mà, người ta vẫn cho một số người dân lên lập kênh phản biện với chính phủ đó thôi, như ông Dũng Vô Va hay bà Thùy Dương [*] đó. Cái này mới đúng là ngoạn mục nè, Đảng tài tình thảy ra hoặc làm ngơ cho một con cá thiệt to được chui ra khỏi cửa nhà tù ve vẩy đuôi, rồi rao rằng đảng thả cá phóng sanh. Cá to cá nhỏ bu đầy vào các diễn đàn để xả tức giận, Đảng và các AK47 ngồi chăm chú theo dõi coi bao nhiêu con cá bị lừa vào bẫy phóng sanh, khi nào diễn đàn mập lên, họ kéo cái lưới đã giăng sẵn hốt một mẻ bự, đánh sập luôn diễn đàn, bắt một mớ cá mới trưởng thành lên tiếng đòi tự do. Cuối cùng thì chỉ còn những con cá can đảm nhất, chấp nhận mỗi một ngày sống đều là ngày cuối cùng trong cuộc đời họ rồi, bất luận ngày mai có như thế nào họ phải dùng ngày đó để dạy dỗ lũ cá con, được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, họ thừa biết đảng phóng sanh họ nhằm mục đích gì, thì họ vẫn còn tồn tại, nhưng sự tồn tại của họ luôn rất mong manh.

Người ta nói xứ Đông Lào được tự do về internet, nhưng tự do là tự do các trang báo lá cải, nơi những người mẫu khoe cơ thể, các trang web đen đầy rẫy và cực kỳ dễ truy cập, từ web sex tới web cờ bạc, bán hàng đa cấp. Việt Nam đã có hẳn một ông cục trưởng cục phòng chống tội phạm công nghệ cao, đứng đầu đường dây đánh bạc qua mạng. Quả là cục trưởng cục phòng chống tội phạm công nghệ cao mà còn được mở sòng bạc công khai thì làm gì có nước nào tự do hơn thế nữa. Việt Nam muôn năm!!!

Người ta kêu xứ Đông Lào có một đội ngũ lãnh đạo tài năng sáng suốt. Các lãnh tụ thương dân như thương con, làm công bộc cho dân. Bởi vậy mới có hẳn một anh việt cộng làm bộ trưởng Truyền thông thông tin là anh Trương Minh Tuấn, anh này có học vị Tiến sĩ đàng hoàng, chủ biên một cuốn sách mà anh mang vào tận các nhà tù để tặng cho các tù nhân để các tù nhân học cảm tình đảng, cuốn sách “Phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa [ trong đảng ]” năm 2016. Anh này sau đó do ăn chia không đều hay sao đó, bị đảng của anh ta truy tố về 2 tội danh “Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”. Mà ảnh nhận có bao nhiêu đâu, có 3,2 triệu đô la Mỹ thôi à. Ai cũng hiểu là người ta nói ảnh nhận có nhiêu đó, nhưng anh tuồn đi đâu đó dưới các hình thức khác thì chắc cũng phải gấp nhiều lần. Tiền triệu đô mà ảnh hóa phép hay vậy thì rõ ràng ảnh tài năng quá rồi, còn có ai chê được gì nữa? Mà đó là ảnh xui lắm mới bị khui ra thôi, chớ mấy anh khác ăn chia đồng đều chút thì vẫn yên ổn sống và hút máu dân đều đều, no nê.

Mới đây, giữa lúc bệnh dịch hoành hoành tan hoang đất nước, Bộ Y Tế Việt cộng còn trơ tráo hơn, ra công văn quy định 12 loại thuốc y học cổ truyền là thuốc hỗ trợ chống COVID. Trong hai ngày, những loại này được bán sạch bách ở các nhà thuốc, no rồi, với lại bị phản đối dữ quá, họ thu hồi công văn lại. Nhưng họ hút máu hàng chục triệu dân trong hai ngày thì cũng ăn đủ cả năm rồi.

Trong bối cảnh đó, dân giàu, được học hành, có đầu óc, thì ráng đẩy con đi ra các xứ tự do hết…

Dân nghèo hết máu còn trơ da với xương, lo miếng ăn còn không đủ, thời gian đâu mà còn lo đấu tranh đòi tự do hay cải thiện hoàn cảnh sống, kể cả việc lo cho con cái học hành để mà thoát khỏi cái nhà tù đó họ cũng không có khả năng làm.

Vậy nên, dù đó không phải thời kỳ lockdown do dịch virus Tàu cộng, dù người dân Đông Lào có ở trong hoàn cảnh sống nào đi chăng nữa, thì tất cả cùng chia sẻ với nhau hoàn cảnh ở trong cái nhà tù lớn cả thôi. Trong nhà tù, có những tù nhân may mắn, không phải chịu cảnh chạy ăn từng bữa, nhưng đầu óc thì vẫn là đầu óc bị cầm tù, muốn nói gì khác biệt không dám nói, muốn đem cái tài năng ra mà phụng sự dân tộc thì không có chỗ nào nó thèm xài, tiếng nói của họ cô đơn, lạc lõng, không ai lắng nghe, suy cho cùng thì cũng chỉ hơn những tù nhân khác ở chỗ họ không phải chạy ăn từng bữa thôi, nhưng họ phải làm vô số những việc khác không đúng nhân tâm, lương tâm, năng lực, mong đợi của họ mỗi ngày.

Đánh đuổi Trung Quốc để khẳng định tên gọi của dân tộc.

Mang gươm đi mở cõi, chịu bao nhiêu cực nhọc để mở rộng đất đai tới mũi Cà Mau, vẽ lên cái bản đồ hình chữ S xinh đẹp.

Đánh thắng Pháp, Mỹ, vang dội năm châu, chấn động địa cầu …

Rồi vẫn làm nô lệ cho Liên Xô, tay sai cho Tàu cộng, và giờ thì làm tù nhân ngay trên chính mảnh đất quê hương của mình.

Thương lắm dân Đông Lào ơi!

Tác Giả: Từ Liên.

[*] Thùy Dương: bà người Thủ Thiêm, năm nào phản đối cưỡng chiếm đất, bà đã quăng giày vào mặt một quan bà Việt cộng ( Chú thích này đã được tác giả xác nhận. )

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: