Phần 2: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek — Tóm Tắt. Tác Giả: Từ Liên.
Phần 3: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek. Tác Giả: Từ Liên.
Phần 4: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek. Tác Giả: Từ Liên.
Có những người sau khi đọc xong bài viết này có thể sẽ ước rằng: Ước chi tôi biết cuốn sách sớm hơn, ước chi tôi được học và đọc về nó sớm hơn! Nếu được như vậy, biết đâu tôi sẽ không chọn đi trên một con đường mà cái đích đến là biến tôi thành nô lệ, biến con, cháu tôi thành nô lệ, và biến cả dân tộc tôi thành nô lệ.
Đường Về Nô Lệ, hay chính xác tên tiếng Anh dịch ra là “Con đường đến với chế độ nông nô” [ Là chế độ được xác lập ở Châu Âu trong Thời Kỳ Trung Cổ, những nô lệ của thời kỳ cổ đại được chuyển thân phận thành tầng lớp nông nô. Họ có một phần tự do thân thể, nhưng không có quyền sở hữu đất đai và những công cụ lao động quan trọng, họ làm việc trên đất của chủ nô, và bị nhiều tầng bóc lột cũng không thua gì nô lệ, phải trả tô, thuế, làm sưu, lao dịch cho chủ nô dưới nhiều hình thức khác nhau. Họ không có quyền học hành hoặc quyền được tham dự vào các sự kiện quan trọng của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ].
Cuốn sách được viết vào khoảng thời gian những năm giữa cuộc chiến tranh thế giới thứ hai ( 1940-1943 ) bởi triết gia và kinh tế gia người Anh gốc Áo Friedrich Von Hayek, người từng được nhận giải Nobel Kinh tế năm 1974. Nó được xuất bản lần đầu vào năm 1944, thời điểm chủ nghĩa phát xít đang trên đà suy yếu không thể cứu vãn, để rồi khi chủ nghĩa phát xít sụp đổ, nó ngay lập tức được kế nhiệm bằng sự bạo tàn không kém của chủ nghĩa xã hội trên một phần lớn của Châu Âu và Châu Á. Trong lịch sử tồn tại hơn 100 năm của mình cho tới nay, chủ nghĩa xã hội đã gây ra cái chết cho ít nhất là trên một trăm triệu người, thuộc nhiều dân tộc từ Đông qua Tây, lớn hơn bất kỳ cuộc chiến tranh nào trên thế giới này từ cổ chí kim có thể gây ra, lớn hơn bất cứ chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hay chế độ diệt chủng nào có thể làm với nhân loại. Cho tới thời hiện tại, nó có lẽ vẫn tiếp tục là một cỗ máy giết người [ nhân danh những mục tiêu cao cả ] vô cảm và tàn nhẫn nhất mà con người có thể phát minh ra [ diệt chủng có tập trung và có mục đích, về cả thể xác lẫn tinh thần con người ].
Mặt khác, sự tồn tại dai dẳng của nó được lý giải bởi sự gộp lại của rất nhiều nguyên nhân, mà phần lớn những nguyên nhân quan trọng nhất đã được tác giả Hayek chỉ ra và phân tích ngay từ thời điểm khi thứ chủ nghĩa này mới chỉ là mầm mống yếu ớt ở Việt Nam. Là một người có kinh nghiệm sống phong phú ở một trong những thời kỳ khốc liệt nhất của lịch sử Châu Âu, được quan sát và tham dự vào những biến cố lớn của Châu Âu, được theo dõi và chứng kiến sự vận hành và phát triển của cả hai phong trào XHCN và chủ nghĩa phát xít, tác giả đã có những đúc kết xác đáng và sắc bén tới độ, gần 80 năm sau khi cuốn sách ra đời, nhiều độc giả vẫn có lẽ phải trầm trồ thán phục trước những quan sát tinh tế, những lý giải sâu sắc, những dự đoán chính xác của tác giả.
Đường Về Nô Lệ được coi là một cuốn sách kén độc giả, tuy vậy, tính cho tới nay, hơn hai triệu bản in chính thức đã được bán ra trên khắp trên thế giới, các bản in lậu và những bản in điện tử chưa thể thống kê.
Ở Việt Nam, cuốn sách này đã được dịch giả Phạm Nguyên Trường dịch, NXB Tri Thức phát hành năm 2009 với một số lượng bản hạn chế. Tuy nhiên, sau đó không bao lâu, cuốn sách này âm thầm biến mất ở thị trường Việt Nam, và cùng với cuốn Trại Súc vật, những người liên quan tới việc xuất bản chúng cũng đã bị kỷ luật và khép vào một trong những tội nghiêm trọng là tội phát hành các tài liệu tuyên truyền “chống Đảng Cộng Sản”.
Luận điểm chủ yếu của tác giả trong cuốn sách được coi là “Tuyên ngôn của chủ nghĩa tự do cá nhân” này, tập trung vào một số những vấn đề sau:
- Sự từ bỏ chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tự do cổ điển, TẤT YẾU sẽ dẫn đến tới sự tước đoạt tự do, sự hình thành một xã hội áp bức, sự bạo ngược của nền độc tài và sự nô dịch cá nhân.
- Trong hoàn cảnh nào chủ nghĩa độc tài toàn trị có thể soán ngôi chủ nghĩa tự do?
- Tại sao trong nền độc tài toàn trị, những kẻ xấu xa nhất lại là những kẻ dễ đạt được những vị trí cao trong bộ máy lãnh đạo?
- Chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa xã hội ĐỀU CÓ CHUNG GỐC RỄ là nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và sự tăng cường quyền lực nhà nước lên mọi cá nhân.
- Chủ nghĩa xã hội đã và vẫn có thể tồn tại dai dẳng vì trong học thuyết của nó có chứa rất nhiều những liều “thuốc phiện” phù hợp với nhiều người, từ bình dân tới những trí thức, và những kẻ cơ hội, tham vọng.
Vì cuốn sách được viết theo phong cách kinh điển và có nhiều chương bàn đến những vấn đề lý luận rất sâu, tôi không có tham vọng tóm tắt cho các độc giả nội dung hoàn hảo và toàn diện của cuốn sách. Trong khả năng của mình, tôi xin phép chia nhỏ nội dung cuốn sách thành một số phần, để tóm lược lại một số những ý chính, hy vọng các độc giả có thể hiểu được phần nào đó những lập luận mà tác giả truyền tải trong tác phẩm quan trọng này. Những điều tôi tóm tắt sẽ tập trung vào những điểm có liên quan trực tiếp tới hiện thực tình hình của Việt Nam, là những sự thật thấm thía, sâu sắc, đau đớn, mà có thể nhiều người Việt Nam hiện nay có thể cảm nhận được khá rõ.
Mục đích xa của tôi là khuyến khích nhiều người hơn nữa tìm đọc các tác phẩm kinh điển mà có lý giải những vấn đề liên quan trực tiếp tới số phận của dân tộc mình. Chúng ta đã lạc hậu hơn nhiều những dân tộc khác trên thế giới, có lẽ rằng có phần lỗi của chúng ta là đã khinh thường, đã bỏ qua, đã tham khảo quá ít những kinh nghiệm được rút tỉa ra từ lịch sử phong phú của toàn bộ những dân tộc trên thế giới này để lại cho chúng ta.
Con đường đã đi qua chúng ta không thể rút ngắn lại, nhưng tôi luôn tin rằng chúng ta có thể góp phần để các thế hệ con cháu của chúng ta, những thế hệ không may mắn đã sanh ra và lớn lên giữa chặng đường Nô lệ này, có thể được rẽ ngang qua một con đường sáng sủa và dẫn tới tương lai thịnh vượng hơn.
Tôi rất biết ơn những độc giả dành thời gian đọc bản tóm tắt thô thiển này, và tôi càng kính trọng và biết ơn hơn nữa đối với những độc giả nhờ vào những giới thiệu ít ỏi của tôi, sẽ tìm đọc toàn văn của tác phẩm, cũng như chia sẻ những hiểu biết của mình cho những người quan tâm đến hành trình tìm kiếm tự do, không chỉ cho bản thân họ, mà còn cho con cháu họ, những người thân yêu của họ, và cả dân tộc của họ.
Cũng vì lý do cuốn sách có nhiều phần đi vào chiều sâu của các lý thuyết kinh tế-chính trị-xã hội, nên tôi sẽ không giới thiệu cuốn sách này theo thứ tự các chương mục. Tôi sẽ trình bày những phần có liên hệ trực tiếp với hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam trước, rồi sẽ quay lại để giới thiệu những nhận định của tác giả đã đưa ra trong những chương đầu tiên.
Tôi sẽ bắt đầu việc lựa chọn thứ tự các chương mà tôi sẽ giới thiệu chính bằng câu hỏi mà tôi được nghe nhiều người Việt Nam thắc mắc và bàn luận cùng nhau nhiều nhất: Tại sao tuyệt đại đa số những quan chức trong bộ máy cầm quyền của các chính quyền cộng sản lại là những kẻ tham ô, tham nhũng, hủ bại, ích kỷ, tham lam, thiếu sáng suốt, phi logic, vô cảm và tàn nhẫn với những người dân của họ như vậy?
Câu hỏi này đã dẫn tôi tới chương X của cuốn sách: VÌ SAO NHỮNG KẺ XẤU XA NHẤT LẠI CÓ KHẢ NĂNG LEO LÊN ĐỊA VỊ CAO NHẤT? Ở chương này, tác giả sẽ đưa ra những gợi ý sắc sảo để chúng ta thấy rằng: “Có đầy đủ lí do để tin rằng, những đặc điểm xấu xa nhất của các hệ thống toàn trị hiện nay không phải là sản phẩm phụ ngẫu nhiên, mà là những hiện tượng mà chế độ toàn trị trước sau gì cũng sẽ tạo ra”.
Vì tác giả viết điều này khi ông đang là công dân của một nước đã có truyền thống dân chủ và nền độc lập lâu đời, nên ông không so sánh CNXH với chủ nghĩa phong kiến như ở Việt Nam, Liên Xô cũ hay Trung Quốc, mà ông sẽ dùng chính chế độ dân chủ ở nước mình để làm tấm gương đối chiếu với chế độ độc tài toàn trị.
Ở đầu chương X, tác giả Hayek đưa ra một ví dụ để dẫn giải tại sao những người “xấu” lại là một lựa chọn thích hợp để làm lãnh đạo trong các thể chế độc tài toàn trị:
“Khi một chính khách dân chủ quyết định lập kế hoạch cho toàn bộ các hoạt động kinh tế, thì chẳng mấy chốc ông ta sẽ phải đối mặt với một trong hai lựa họn: Chấp nhận chế độ độc tài hay từ bỏ các dự định của mình, còn nhà lãnh đạo toàn trị thì phải giẫm lên đạo đức truyền thống nếu không muốn thất bại. ĐÓ CHÍNH LÀ LÝ DO MÀ VÌ SAO TRONG CÁC XÃ HỘI CÓ KHUYNH HƯỚNG TOÀN TRỊ, NHỮNG KẺ VÔ LIÊM SỈ THƯỜNG DỄ THÀNH CÔNG HƠN. Không hiểu điều đó là không hiểu được khoảng cách mênh mông, có thể nói là một trời một vực, giữa chế độ toàn trị và chế độ tự do, không hiểu điều đó là không hiểu được rằng đạo đức tập thể không thể đội trời chung với những giá trị nền tảng của nghĩa cá nhân của nền văn minh Phương Tây” [ Trích, Đường về Nô lệ, chương X ].
VẬY BẰNG CÁCH NÀO MÀ CÁC NHÀ ĐỘC TÀI TOÀN TRỊ ĐÃ CÓ THỂ SOÁN NGÔI NHỮNG NHÀ DÂN CHỦ-TỰ DO?
Những vận động tự nhiên của bất kỳ một xã hội nào cũng có khuynh hướng làm nảy sinh những mâu thuẫn ở những mức độ khác nhau trong lòng xã hội đó. Những mâu thuẫn này, có đôi khi dẫn tới sự chia rẽ và phân hóa dân chúng trong một xã hội thành những tầng lớp dân chúng với những hiểu biết, quan điểm và nhu cầu khác nhau. Khi khuynh hướng này lớn dần lên, sẽ từ từ xuất hiện những người cầm đầu đại diện cho mỗi nhóm quan điểm. Những người này sẽ tập hợp xung quanh mình một nhóm nhỏ có cùng niềm tin để đề xuất những quan điểm, đường lối, cương lĩnh, tiêu chuẩn, và sau đó chính thức bước vào cuộc chạy đua với các nhóm chính trị khác để giành quyền thống trị.
Cũng như những chế độ cai trị khác, khi những mầm mống của một chế độ cai trị tập thể ( XHCN ) mới chỉ manh nha xuất hiện, những kẻ độc tài dẫn đầu sẽ nhìn thấy tầm quan trọng của việc phải xác lập một số những tiêu chuẩn cơ bản của hình thức cai trị đó, để có thể thống nhất trong việc dạy dỗ dân chúng và tuyên truyền cho tính ưu việt của mình về sau này. Trước tiên là về mặt đạo đức. Những tông đồ của học thuyết XHCN đã đưa ra một danh sách dài những giá trị đạo đức mà những người tuyên thệ làm đảng viên phải thề thốt noi theo. Những giá trị này gộp tất cả những tinh hoa đạo đức từ cổ chí kim trên khắp thế giới này gộp lại, từ đạo đức của con người cá nhân đến đạo đức của con người xã hội, nó yêu cầu người đứng vào hàng ngũ tinh hoa của CNXH phải là các thánh nhân như Khổng Tử, Đức Phật, Chúa Jesus, Triết gia Plato…, những người mà sức thu hút đối với một bộ phận đông đảo dân chúng là đương nhiên và không cần nhọc công chứng minh nữa.
“Tuy nhiên, trong thực tế, quan điểm đạo đức ngự trị này sẽ phụ thuộc vào những phẩm chất có thể dẫn các cá nhân tới chỗ thành công trong hệ thống toàn trị hay hệ thống cai trị tập thể, và phụ thuộc một phần vào đòi hỏi của bộ máy toàn trị”.
Thông thường thì những yêu cầu về phẩm chất [ theo quan điểm của của GS Hayek là yêu cầu về phẩm chất của bộ máy toàn trị trên thực tế, vào thời điểm cụ thể ] này sẽ được lộ ra bởi những xáo trộn xã hội vào “đêm trước” của những cuộc cách mạng XHCN. Đó là lúc toàn dân cảm thấy bất mãn với chính quyền hiện hành [ Tác giả chỉ đề cập tới tình hình thực tế ở Phương Tây ], người dân cảm thấy bực bội trước những phản ứng chậm chạp của chính quyền, mà do những thủ tục rắc rối của nền dân chủ gây nên [ ví dụ như đòi hỏi phải thông qua bỏ phiếu, giải trình, tranh luận, mà những việc này thì tốn thời gian, trong khi những hoàn cảnh ngoài kia của dân chúng là những đòi hỏi cấp bách ].
Vào những lúc như thế này, người dân thường dễ cảm thấy mến mộ và dễ bị lôi cuốn bởi các chính khách hoặc đảng phái tỏ ra mạnh mẽ, sẵn sàng hành động vì người dân, những người có khả năng tạo cho người dân một cái cảm giác giả tạo nhưng vô cùng hấp dẫn rằng ông ta / đảng của ông ta sẽ thực hiện được ngay lập tức những điều mà người dân mong đợi.
“Thế là một Đảng kiểu mới, được tổ chức theo lối nhà binh, sẽ được đám dân cuồng nộ, thiếu kiên nhẫn, mơ mộng, nhưng lại thiếu lý tính và thiếu tầm nhìn xa, đưa lên vũ đài chính trị”.
Sau khi chiếm được quyền lực chính trị rồi, những tổ chức này sẽ tìm mọi cách quản lí đời sống riêng tư của tất cả các thành viên của nó. Để chiếm được thứ quyền lực không hạn chế thì nó phải biết tổ chức bộ máy của nó chặt chẽ từ trung ương tới những địa phương nhỏ nhất. Nó không cần dùng đến những lá phiếu của người dân thông qua bầu cử mà nó phải có khả năng tập hợp xung quanh những người lãnh đạo tối cao của nó một bè nhóm những kẻ biết phục tùng cái kỷ luật toàn trị mà nó sẽ dùng vũ lực áp đặt lên toàn bộ nhân dân.
“MÀ ĐỂ LÀM ĐƯỢC ĐIỀU NÀY, CHỈ CÓ NHỮNG KẺ TÀN NHẪN NHẤT, NHỮNG KẺ SẴN SÀNG BƯỚC QUA MỌI RÀO CẢN VỀ ĐẠO ĐỨC MỚI CÓ THỂ THỰC HIỆN ĐƯỢC” [ Những người sáng suốt, thông thái, có lí trí, tình cảm, đạo đức nhân văn, có trách nhiệm, có năng lực tự thân, thường sẽ không chọn đứng trong hàng ngũ những người phục tùng vũ lực, sức mạnh, hoặc chịu làm nô lệ cho những lời hứa vật chất phù phiếm, những mục tiêu hảo huyền, họ cũng thường không thích thống trị ai và cũng không thích ai thống trị họ. Kết quả là “những người này thường không có tính tàn nhẫn cần thiết để thực thi những nhiệm vụ mà họ được giao phó bởi bộ máy cầm quyền” ].
Vì vậy mà chủ nghĩa xã hội chỉ có thể được đưa vào thực tiễn bằng những biện pháp mà đa số những người XHCN trên lý thuyết sẽ phản đối. Hệ quả là những quyết định của nó đưa ra sẽ không cần phải dựa trên đa số, mà dựa trên các thành viên của một nhóm nhỏ lãnh đạo. Cái nhóm này chẳng mấy chốc sẽ thâu tóm toàn bộ xã hội trong bàn tay sắt của nó và chăn dắt người dân của chúng như chăn dắt một đám súc vật.
“Có ba lí do vì sao cái nhóm đông và mạnh, với những thành viên có quan điểm giống nhau, lại không được hình thành từ những người tử tế nhất, mà thường là từ những phần tử xấu xa nhất của xã hội. Một nhóm như thế, chỉ có hình thành trên những nguyên lí hoàn toàn mang tính tiêu cực”:
“Thứ nhất, những người có trình độ học vấn và tri thức càng cao thì thị hiếu và quan điểm của họ càng phân hóa, họ khó có thể thống nhất về bất cứ thang giá trị nào” [ Vì mỗi người dựa trên những nghiên cứu riêng, hiểu biết riêng và trải nghiệm riêng của họ, họ tin rằng họ là những bản thể riêng biệt chứ không phải những phải sao giống nhau ]. Kết quả là, họ rất khó đồng thuận và chịu đứng chung vào hàng ngũ đông đảo những người khác.
“Như vậy có nghĩa là nếu chúng ta muốn tìm một sự thống nhất cao về quan điểm thì chúng ta phải tìm trong những tầng lớp xã hội với tiêu chuẩn đạo đức và tri thức không cao, với thị hiếu và bản năng nguyên thủy và thô lậu”. Tuy nhiên, ở đây, tác giả cũng nhấn mạnh rằng “Điều đó không có nghĩa rằng đa số dân chúng có tiêu chuẩn đạo đức thấp”. Điều này chỉ có nghĩa là cái nhóm gồm nhiều thành viên với những chuẩn mực, giá trị có vẻ giống nhau đó là NHỮNG NGƯỜI KHÔNG TỎ RA KHẮT KHE VÀ KHÔNG CÓ CHÍNH KIẾN RIÊNG MẠNH MẼ VỀ NHỮNG GIÁ TRỊ, TIÊU CHUẨN ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI NÓI CHUNG.
“Có thể nói chính cái mẫu số chung này đã liên kết rất nhiều người lại với nhau. Nếu chúng ta cần một nhóm tương đối đông đủ mạnh, để buộc những người khác phải chấp nhận các quan điểm và giá trị của nhóm mình, thì không bao giờ chúng ta lại tìm đến những người có thị hiếu cao và có chính kiến rõ ràng khác biệt. Chúng ta sẽ tìm đến với “quần chúng” – theo ý nghĩa tiêu cực của từ này – tìm đến những người kém độc đáo và ít độc lập nhất, những người có thể lấy số lượng làm bệ đỡ cho lí tưởng của họ”.
Nhưng nếu nhà độc tài tương lai muốn nắm chặt quyền lực trong tay hắn, thì chỉ những người như thế này không đủ sức thực hiện những nhiệm vụ hắn đặt ra, hắn còn phải tăng thêm số thành viên của mình bằng cách kết nạp thật nhiều người vào cùng cái tín điều của hắn nữa [ Đảng viên trung kiên ].
Vì vậy, tiêu chuẩn thứ hai cũng tiêu cực không kém: Nhà độc tài PHẢI TÌM ĐƯỢC SỰ ỦNG HỘ CỦA NHỮNG KẺ DỄ BẢO VÀ CẢ TIN, những kẻ không có niềm tin riêng mà sẵn sàng chấp nhận các hệ thống giá trị sẵn có, miễn là điều đó được rót vào tai [ tuyên truyền, nhắc nhở ] họ liên tục. “Chính những kẻ với các tư tưởng mù mờ và được hình thành một cách dở dang, những kẻ dễ dàng dao động, những kẻ mà tình cảm và niềm đam mê sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào sẽ là thành phần đông nhất trong các đảng viên của đảng toàn trị”.
Tiêu chuẩn thứ ba, “và có lẽ là quan trọng và cần thiết nhất, mà một kẻ độc tài mị dân lão luyện có thể tập hợp chung quanh mình một nhóm cố kết những người ủng hộ. Đó là, bản chất của con người là dễ dàng đồng thuận trên cơ sở một cương lĩnh mang tính tiêu cực – Ý CHÍ CĂM THÙ GIẶC, LÒNG GHEN TỨC VỚI NHỮNG KẺ KHÁ GIẢ HƠN MÌNH – hơn là trên cơ sở một nhiệm vụ mang tính tích cực”.
Sự tương phản giữa “CHÚNG TA” và “CHÚNG NÓ” [CNTB-CNXH, GIAI CẤP TƯ SẢN – GIAI CẤP VÔ SẢN], cuộc chiến đấu chống lại những kẻ “nằm bên ngoài tổ chức” – the outsiders – chính là chất keo kết dính trong mọi giáo lí, chính nó sẽ gắn chặt những người khác nhau thành một nhóm chiến đấu cho những lý tưởng chung.
“Ở đây, những kẻ cầm đầu muốn săn tìm không chỉ sự ủng hộ về mặt chính trị, mà còn săn tìm lòng trung thành vô điều kiện của quần chúng, đã cố lợi dụng cái phần tiêu cực đó trong bản chất con người để sử dụng cho mục đích cai trị của chúng”. Khích lệ phần bản chất tiêu cực này trong con người sẽ cho đám lãnh đạo quyền tự do hành động bất chấp mọi đạo đức, pháp luật, luân lý hơn bất cứ cương lĩnh tích cực nào. Đây chính là một trong những lý do người Do Thái trở thành mục tiêu tàn sát của Đức Quốc Xã, người Kulak [ nông dân tự do hữu sản ở Nga ] trở thành mục tiêu của các nhà cộng sản vô sản Nga. Khi đem những con người thành công trong nhiều lĩnh vực trên thế giới [ người Do Thái ] và những con người nông dân tự do có sở hữu ruộng đất ra [ Kulak ] để tố cáo và cường điệu hóa quá mức sự thành đạt của họ trước những đám dân vô sản và kém thành công hơn, sẽ khiến cho hố sâu căm thù giữa bọn họ càng trở nên khủng khiếp hơn. LÒNG CĂM THÙ NÀY ĐƯỢC CỐ Ý NHẮC NHỞ THƯỜNG XUYÊN, MỘT CÁCH CÓ MỤC ĐÍCH, sẽ tạo ra những vết thương không bao giờ có khả năng lành lặn trong những tầng lớp nhân dân lao động nghèo khổ, có như vậy nó mới khiến họ sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng dâng hiến tất cả sức lực, tài lực, vật lực của họ mà chiến đấu cho mục tiêu của các nhà độc tài.
Để hoàn thành mục tiêu này, nhà độc tài lúc này sẽ huy động cái đội ngũ trung thành tuyệt đối vô điều kiện mà ông ta đã tuyển mộ từ trước [ những người cảm tình đảng, những đảng viên trung kiên, mù quáng, tận tụy ]. Ông ta giục giã, thúc ép bè lũ này đi làm cái việc “nhắc nhở” những quần chúng của họ về sự khác biệt,về lòng căm thù cần phải giữ vững giữa CHÚNG TA VÀ KẺ THÙ CỦA CHÚNG TA, nhằm đảm bảo rằng những vết thương của quần chúng nhân dân về sự khác biệt này không bao giờ ngừng rỉ máu.
Tuy nhiên, để đổi lấy lòng trung thành của họ, các nhà độc tài sẽ phải chia cho họ các lợi ích tương xứng với khả năng của họ. Những lợi ích này, cả về quyền lợi vật chất lẫn quyền lợi chính trị, từ từ sẽ dẫn đến việc CNXH không bao giờ còn có khả năng theo đuổi những điều nó đã hứa với người dân nữa [ hạnh phúc, của cải cho toàn dân ], mà nó chỉ còn có khả năng dồn mọi thực lực của nó để tạo lập và củng cố các nhóm trung thành với nó, và từ một thứ chủ nghĩa to lớn đầy hứa hẹn, nó teo tóp lại thành những nhóm lợi ích nhỏ, bỏ đám đông quần chúng nhân dân với những lời hứa to lớn, đầy hão huyền cho họ ở lại phía sau.
Phần 2: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek — Tóm Tắt. Tác Giả: Từ Liên.
Phần 3: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek. Tác Giả: Từ Liên.
Phần 4: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek. Tác Giả: Từ Liên.
Tác giả: Từ Liên.
4 thoughts on “Phần 1: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek. Tác giả: Từ Liên.”