Phần 1: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek. Tác giả: Từ Liên.
Phần 3: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek. Tác Giả: Từ Liên.
Phần 4: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek. Tác Giả: Từ Liên.
NHỮNG HỆ QUẢ XẢY RA NGÀY HÔM NAY TRONG CÁC XÃ HỘI ĐỘC TÀI LÀ CÓ PHẦN LỖI CỦA CHÍNH NGƯỜI DÂN Ở NHỮNG XỨ SỞ NÀY.
Trong phần tóm tắt trước, tôi đã tóm tắt những nhận xét của tác giả Hayek liên quan tới sự ra đời của loại hình chủ nghĩa độc tài toàn trị / cai trị tập thể, cũng như những đặc điểm của hoàn cảnh và bản chất chế độ này đã thúc đẩy những người xấu xa leo lên nắm được những vị trí quyền lực chủ chốt ra sao.
Trong phần này, tôi sẽ tiếp tục tóm tắt, và phân tích một số những lập luận chủ chốt của tác giả liên quan đến những nguyên nhân mà chế độ độc tài toàn trị vẫn có thể tồn tại trên thế giới này, ở những nơi có số lượng dân cư rất đáng kể. Chỉ một nhúm nhỏ chiếm khoảng 5% dân chúng, lại không phải là thành phần tinh hoa, sáng suốt, đã có khả năng biến cả một xã hội đông đúc, gồm nhiều thành phần khác nhau, thành một đàn cừu khổng lồ nằm dưới sự cai trị của chúng. Điều này y như những gì nhà viết kịch Ted Tally đã ngụ ý trong tác phẩm “Sự Im Lặng Của Bầy Cừu” [ The Silence of the Lambs ], đã được chuyển thể thành phim điện ảnh vào năm 1991.
Tuy nhiên, khác với nhiều học giả khác, vốn có chỉ tập trung vào đổ lỗi MỘT CHIỀU cho những kẻ tham vọng đã sử dụng mọi mưu mẹo và các biện pháp thiếu chính đáng để nhảy lên vũ đài chính trị nắm quyền, Hayek đã chỉ rằng, những đau khổ mà người dân của những xứ độc tài toàn trị đang phải chịu đựng CŨNG LÀ KẾT QUẢ CỦA CHÍNH NHỮNG MƠ MỘNG THIẾU CHÍNH ĐÁNG CỦA HỌ, VÀ SỰ IM LẶNG CỦA HỌ TRƯỚC SỰ PHÁT TRIỂN LIÊN TỤC CỦA NHỮNG MẦM MỐNG XẤU XA. Ông viết:
“Trong quá trình phát triển, khi nền văn minh bỗng làm một cú rẽ ngoặt bất ngờ, khi đáng lẽ phải là tiến bộ thì ta lại phát hiện thấy những mối đe dọa từ tất cả các hướng, dường như đang đưa ta trở về thời kì mông muội, thế là chúng ta sẵn sàng kết án tất cả mọi thứ, TRỪ CHÍNH CHÚNG TA”.
Chúng ta chẳng đã lao động hết mình với những lí tưởng trong sáng nhất đó sao? Để cải tạo thế giới, những con người thông thái nhất chẳng đã suy nghĩ nát óc đó sao? Chúng ta chẳng đã từng mơ ước và hi vọng có nhiều tự do hơn, nhiều công bằng hơn và sung túc hơn đó sao? Và nếu kết quả khác xa với mục tiêu – nếu thay cho tự do và thịnh vượng lại là cảnh nô lệ và bần hàn – thì đấy có phải là sự can thiệp của những lực lượng đen tối, làm hỏng các dự định của chúng ta, có phải là chúng ta đã trở thành nạn nhân của một thế lực độc ác nào đó, phải đánh bại nó thì mới mong trở lại được con đường dẫn tới hạnh phúc hay không?
Ai có lỗi? Dù câu trả lời có là gì đi chăng nữa, dù đấy có thể là tên tư sản độc ác, dù đấy có thể là bản tính xấu xa của một dân tộc nào đó, dù đấy có thể là sự ngu dốt của các thế hệ cha anh hay dù đấy là hệ thống xã hội vẫn chưa được lột xác hoàn toàn, dù chúng ta đã đấu tranh chống lại suốt nửa thế kỉ qua – thì tất cả chúng ta đều tin tưởng tuyệt đối một điều ( ít nhất là cho đến tận thời gian gần đây chúng ta vẫn tin như thế ): Các tư tưởng chính yếu, được công nhận rộng rãi trong thế hệ vừa qua và hiện vẫn được những người tử tế dùng làm kim chỉ nam trong tiến trình cải tạo xã hội, KHÔNG THỂ LÀ NHỮNG TƯ TƯỞNG SAI LẦM.
Chúng ta sẵn sàng chấp nhận mọi lời giải thích cho cuộc khủng hoảng hiện nay của nền văn minh của chúng ta trừ một nguyên nhân: CUỘC KHỦNG HOẢNG NÀY CHÍNH LÀ HẬU QUẢ CỦA MỘT SAI LẦM MANG TÍNH NGUYÊN TẮC, ĐẤY CHÍNH LÀ VIỆC THEO ĐUỔI MỘT VÀI LÝ TƯỞNG YÊU QUÝ CỦA CHÚNG TA ĐÃ ĐƯA ĐẾN NHỮNG KẾT QUẢ KHÁC XA NHỮNG ĐIỀU CHÚNG TA KỲ VỌNG. [ Đường Về Nô Lệ, Chương I ].
Điều này, là điều dường như đã được nhiều độc giả nhìn thấy ở những mức độ khác nhau trong những xứ độc tài toàn trị, Trung Quốc, Nga, Belarus, Venezuela, Cuba, Campuchia, Triều Tiên, và dĩ nhiên là Việt Nam.
Chân thành mà nói, không phải người dân của những xứ sở này đã không nhìn thấy những tấm gương phản chiếu những hệ quả đáng ghê tởm của những gì mà các lãnh đạo toàn trị này đã làm với dân chúng của mình, trong suốt một thế kỷ qua: Những cuộc diệt chủng không gớm tay của Stalin, của Mao Trạch Đông, của Đặng Tiểu Bình, đối với chính dân tộc của mình, trong đó có cả những thành phần hết sức tinh hoa, lỗi lạc, mà sự góp sức của họ có thể làm thay đổi hoàn toàn số phận của dân tộc, đối với chính đồng đội kề vai sát cánh của mình trong thời kỳ tiến hành cách mạng, đối với những dân tộc thiểu số yếu ớt, và đối với những dân tộc láng giềng “môi hở răng lạnh”…
Số liệu của một số nghiên cứu trên thế giới, trong đó có trường College Mount Holyoke [ https://www.mtholyoke.edu/acad/intrel/pol116/genocides.htm ], đưa ra, có thể khiến người ta giật mình. Chẳng hạn như, Riêng Trung Cộng, trong các giai đoạn 1958-1961; 1966-1969 [ ở Trung quốc ]; ở Tây Tạng [ 1949-1950 ]: Có khoảng từ 49,000,000-78,000,000 những người bị tra tấn dã man, bị bỏ tù cho tới chết, bị giết chết trong các cuộc thanh trừng, trong cuộc Đại Nhảy Vọt [ Great Leap Forward ], và trong Cách Mạng Văn Hóa [ Cultural Revolution ]. Hậu quả để lại cho cả tình trạng kinh tế lẫn tinh thần của người dân là hết sức khốc liệt, mà cho tới giờ này vẫn còn tiếp diễn.
Ở Liên Bang Xô Viết, [ USSR ], từ 1932-1939, có khoảng 23,000,000 người chết trong các cuộc thanh trừng cũng như chết vì nạn đói do thiếu hụt thực phẩm ở Ukraine.
20th Century Genocides and Mass Atrocities Những Cuộc Diệt Chủng và Những Hành Động Bạo Tàn Kinh Khủng trong Thế Kỷ Thứ 20. Nguồn: https://www.mtholyoke.edu/acad/intrel/pol116/genocides.htm Rate of deaths in genocides, 1900-2008 – Pinker (2011) Tỷ lệ tử vong trong các cuộc diệt chủng, 1900-2009 – Pinker (2011) Nguồn: https://ourworldindata.org/genocides
Ở Đức, từ năm 1939-1945 có khoảng 12,000,000 dân thường cũng như người Do Thái và các dân tộc khác ở Đức bị bắt giam và chết trong các trại tập trung của Đức Quốc Xã.
Ở Miền Bắc Việt Nam, mặc dù các lãnh tụ Đảng Cộng Sản đã nhìn thấy phần nào hệ quả tàn nhẫn của của cải cách ruộng đất ở Trung Cộng, và những chương trình cải cách tương tự ở Liên Xô, nhưng họ vẫn bắt tay với các cố vấn Trung Cộng để tiến hành với dân tộc mình. Chỉ riêng ba năm cải cách ruộng đất ( 1953-1955 ), các số liệu khác nhau đã dẫn từ dưới một chục ngàn tới vài chục ngàn những người bị quy là địa chủ bị xử tử. Trong khi đó, theo bài viết “Phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất, Tạp chí Xưa&Nay, Hà Nội, số 297, 2007, trang 10-15”, “tổng số người bị quy là địa chủ trong Cải cách ruộng đất đã được thống kê là 172,008 người; trong đó số người bị quy sai là 123,266 người, chiếm tỷ lệ 71.66%”.
Không biết dựa trên những cơ sở nào mà những người tổ chức cải cách ruộng đất đã đề xuất rằng mỗi địa phương phải tìm ra một chỉ tiêu là 5% địa chủ để kết án, quy tội, chẳng khác gì họ tìm cách diệt chủng người dân của mình bằng những biện pháp nghe có vẻ hợp lý đối với một bộ phận dân chúng.
Không biết ngoài các chế độ độc tài cộng sản, thì có chế độ nào khác trên địa cầu này tin rằng phải giết hết những người giàu, những người giỏi đi [ Trí, Phú, Địa, Hào ] thì những người nghèo, ít học và thiệt thòi sẽ được hưởng sung sướng??? Tôi hồ nghi rằng trong thế giới sơ khai của các loài động vật chúng cũng không hành động như vậy.
Mà đó là mới chỉ riêng số địa chủ bị quy sai, chưa kể những tù nhân chính trị bị ép vào các tội chống lại Đảng Cộng Sản, các trí thức thích phát minh, sáng kiến, các văn nghệ sĩ yêu tự do, các tiểu thương, người giàu có từ việc làm ăn chân chính, và thậm chí đã dành nhiều sự giúp đỡ to lớn cho chính quyền Việt Cộng.
Tàn nhẫn hơn, đằng sau họ là còn những người vợ, những ông bố, bà mẹ, những đứa con, các bằng hữu, thân hữu, và kể cả cộng đồng của họ, cũng phải gánh chịu hậu quả của cuộc cải cách này, nhưng hầu như đã không được tính tới. Thật khó mà hình dung “phần dưới của tảng băng”, tức con số tổng cộng những nạn nhân trực tiếp và gián tiếp của các công cuộc cải cách kiểu như thế này đã gây ra. Tất cả những gì chúng ta có thể thấy cho tới giờ phút này vẫn chỉ là “phần nổi của tảng băng”.
Người dân của những xứ này họ thấy hết những hậu quả thảm khốc và tang thương của các cuộc cải cách này đó chứ, thế nhưng họ vẫn đồng tình với chính quyền và tiếp tục tin rằng, CHÍNH QUYỀN DO CHÚNG TÔI ỦNG HỘ THÌ KHÔNG BAO GIỜ LẠI CÓ THỂ SAI ĐƯỢC.
Và chúng ta thấy rằng mới đây thôi, trong các cuộc chặn bắt dân chúng ra đường trong thời kỳ phong tỏa, các phường đã “ra chỉ tiêu” số người dân phải bị chặn bắt để nộp phạt trong ngày cho lực lượng dân phòng, cảnh sát để họ thi hành chặn bắt người dân. 70 năm đã qua rồi mà “chỉ tiêu” và “kế hoạch” là điều chưa bao giờ bị xóa bỏ trong những đầu óc xơ cứng của tà quyền cộng sản.
Ngoạn mục hơn, trong cải cách ruộng đất, người dân của cái xứ độc tài này còn được tham gia vào một vở bi kịch bỉ ổi nhất do Đảng Cộng Sản đạo diễn, vở kịch có tên “Tố cáo những thành phần phản động, đối lập với Đảng”.
Trong vở bi kịch vĩ đại và đẫm máu này, một bộ phận to lớn dân ở miền Bắc đã đồng ý để cho một nhúm người cộng sản từ rừng rú tiến xuống, chỉ biết vài chữ bẻ đôi, và mấy thứ học thuyết sáo rỗng, đạp lên vài ngàn năm văn hóa văn vật của họ một cách không thương tiếc. Mấy ngàn năm được học về Lạc Long Quân và Âu Cơ, học về “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, học về “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, học rằng “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, học về Tam tòng tứ đức, Học về đạo cha con, vợ chồng, về tình huynh đệ, trong một phút chốc, bị đạp nát vụn vỡ. Giờ thì con tố cha, mẹ, vợ tố chồng, bạn bè tố nhau, để tranh công trước đảng. Bao nhiêu luân thường đạo lý của tổ tiên đã gầy dựng, gìn giữ, gắng sức truyền lại cho con cháu mình trong cả ngàn năm, phút chốc tan theo mây khói.
Không biết có nỗi đau nào trong tất cả những nỗi đau của những dân tộc bị cai trị bởi bè lũ độc tài lại có thể gây tổn thương hơn, đau đớn hơn những bi kịch này không? Không biết có sự đổ vỡ nào trong nền văn hóa của bất kỳ một dân tộc nào lại có thể để lại những vết thương sâu sắc và khó lành lặn như những vết thương mà sự sụp đổ của nền luân thường đạo lý gây ra không? Không biết có sự thiệt hại nào đối với bất kỳ quốc gia, dân tộc nào lại có thể lớn hơn sự thiệt hại đến từ việc diệt chủng một bộ phận tinh hoa, có khả năng mở mang đầu óc cho phần lớn dân chúng nữa hay không?
Không biết có ai trong số những người đang đọc bài viết này lại muốn đến đời của con cháu mình, để giữ được sinh mạng nô lệ của mình trong một hoàn cảnh nào đó, bọn con cháu bị tẩy não và nhồi sọ đó sẽ sẵn sàng đối xử với chúng ta theo cái cách đã diễn ra trong thời cải cách ruộng đất không?
Cộng sản không phải là con người, mà có lẽ cũng chẳng được là con vật bình thường. Chẳng phải người ta thường nói, “Hổ dữ không ăn thịt con đó sao”?
Có cái giống loài gì mà không thương yêu con cái và gia đình mình, nó lại có thể thương yêu con cái của kẻ khác, những giống loài khác được chăng?
Không có luân thường đạo lý, liệu đời sống của con người có hơn đời sống của các loài động vật thấp kém nhất không?
Người dân của những xứ này có nhìn thấy bài học lịch sử bi tráng và đẫm lệ này không ?
Họ có đấy, nhưng họ vẫn nhắm mắt làm ngơ.
Mùa dịch bệnh năm 2021 này, tà quyền cộng sản vẫn ra chiến dịch tố giác người bị nhiễm bệnh mà không khai báo đó thôi, bất chấp người đó là ai đi chăng nữa? Và nó vẫn thu lại kết quả đấy thôi. Người ta vẫn hoan hỉ vì tố cáo được nhau.
Để đưa mình lên cao, người ta không cần phải nỗ lực và lao động, người ta nhất thiết phải dùng biện pháp hạ người khác xuống, dù là những biện pháp đê tiện nhất.
Sau năm 1975, sau khi hai miền bị thống nhất làm một, người dân của cái xứ sở này, người ta đã chứng kiến những cuộc bắt bớ, thanh trừng, những cuộc cải tạo trên quy mô lớn để “tẩy não” những người đã sống nhiều năm dưới chế độ tư bản, tự do ở Miền Nam. Hệ quả của những biện pháp tàn nhẫn, máy móc, và vô cảm này là hàng triệu con người đã chấp nhận đối mặt với cái chết để bỏ xứ sở ra đi. Cuộc tháo chạy khỏi chế độ cộng sản ở Miền Nam cũng đưa lại nhiều kết quả bi thương và thảm khốc cho đến giờ vẫn chưa thể tổng kết lại được, nhưng ít nhất, người Miền Nam VẪN CAN ĐẢM HƠN người Bắc Cộng rất nhiều, vì họ đã không chấp nhận việc phải chà đạp lên luân thường đạo lý của họ để mà giữ lại cái sinh mệnh nhỏ nhoi của mình.
Dân Việt Nam có thấy điều đó không? Họ thấy rõ như ban ngày.
Nhưng sự mơ mộng của họ đối với những viễn tưởng mà tà quyền cộng sản vẽ ra cho họ như “cơm no áo ấm, thịnh vượng, hùng cường, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, chấn động năm châu, vang dội địa cầu”, là quá có sức hấp dẫn. Họ tin rằng họ chẳng cần phải làm gì cả, chỉ phải trao toàn bộ tài sản của họ cho nhà nước quản lí. Họ tin rằng họ chỉ phải trao toàn bộ quyền tự do của họ vào tay tà quyền độc tài, và chấp nhận để bộ máy của tà quyền giải quyết tất cả mọi việc thì họ sẽ được ăn ngon, ngủ yên.
Họ tin rằng chẳng phải lao động chăm chỉ và chẳng cần nuôi dưỡng lòng khát khao tìm kiếm tri thức, họ tin rằng chẳng phải nhọc óc suy nghĩ hay phải chấp nhận những khó khăn thách thức, thậm chí phải đổ máu, thì mới có thể kiến tạo nên con đường dẫn tới thịnh vượng,
Họ tin rằng chẳng phải học hành, chẳng phải đọc sách, chẳng phải dạy dỗ con cái về tình yêu đối với sự thật, chẳng phải trải qua những kinh nghiệm đau đớn, chẳng phải vun bồi lòng tự trọng, thì con người vẫn có thể trở nên văn minh và nhân bản được …
Kết quả là, những gì đồi bại nhất và kém cỏi nhất mà xã hội ngày hôm nay bộc lộ ra chính là hệ quả của những giấc mơ địa đàng của một bộ phận đông đảo dân chúng, [ Giấc mơ địa đàng là từ đã được Hayek sử dụng làm tựa đề chương số II của Đường Về Nô Lệ ], không phải chỉ là hệ quả của tầng lớp tà quyền thống trị họ. Điều này nhiều lần được Hayek nhận xét trong suốt tác phẩm của ông, là, NÓ THẬT KHÓ ĐỂ CHẤP NHẬN VỚI BẤT KỲ AI, VÌ PHẦN LỚN CHÚNG TA KHÔNG CHỊU ĐỰNG ĐƯỢC VIỆC CHÍNH MÌNH LÀ NGƯỜI CÓ LỖI HAY LÀ NGƯỜI THẤT BẠI.
Hậu quả là vào thập niên XX của thế kỷ XXI, người dân nhập cư từ miền đất của những người chiến thắng Miền Nam, chứ không phải dân Miền Nam, hay là người dân Sài Gòn, lại tiếp tục phải tháo chạy về quê của họ, để trốn chạy những hậu quả mà chế độ độc tài cộng sản đã gây ra cho họ ở Miền Nam trong thời kỳ hiện tại. Kế hoạch biến Sài Gòn từ một Hòn Ngọc Viễn Đông thành một trại tập trung cải tạo của cộng sản hình như đã thu được thành quả.
Nhiều người nói rằng, Miền Nam thua thì hãy chịu thua đi, để cho bên thắng cuộc người ta cai trị. Bao nhiêu năm rồi tại sao không chấp nhận mình là người thua cuộc???
Dạ vâng, Sài Gòn thua, Miền Nam thua, điều này đâu thể chối cãi nữa.
Nhưng xin quý vị cũng đừng quên rằng các nhà nước Ai Cập, Lưỡng Hà, Hy Lạp, La Mã hết sức văn minh và rực rỡ trong các nền văn minh cổ đại cũng đã sụp đổ vì các cuộc xâm lược của BỌN MAN TỘC, bởi những dân tộc KÉM VĂN MINH, GIÀU BẠO LỰC. Và sự tàn phá của những bộ lạc man tộc này đối với lịch sử Châu Âu là khủng khiếp và tàn nhẫn đến nỗi cả 10 thế kỷ sau, sau bao gian nan và nỗ lực, họ mới có thể gầy dựng để phục hưng trở lại [ Từ thế kỷ V đến thế kỷ XV ].
Xa hơn nữa, người dân Việt Nam có nhìn thấy, đọc thấy trên các phương tiện truyền thông, Internet về những gì xảy ra ở những nhà nước toàn trị trên khắp thế giới này không?
Ở Liên Xô, ở Trung Quốc, ở Iraq, ở Campuchia, ở Cuba, ở Bắc Triều Tiên…
Họ đã thấy Liên Xô hùng cường, thành trì vững chắc của CNCS sụp đổ, hàng ngàn các dân tộc bước ra từ đó, đã cảm thấy chói mắt trước ánh sáng mặt trời của thế giới tự do, mọi người đã nhìn thấy người Đông Đức mạo hiểm mạng sống bỏ chạy qua Tây Đức, bức tường Berlin sụp đổ, mọi người đã thấy sự thịnh vượng của Nam Hàn đối lập với sự nghèo khổ, lạc hậu, tù túng của Bắc Triều Tiên. Mọi người cũng được nhìn thấy cảnh thu hoạch nội tạng của những người tập Pháp Luân Công, những cuộc đàn áp đối với người Duy Ngô Nhĩ, những cuộc xâm chiếm đất đai của người Tây Tạng, những công cuộc hủy diệt văn hóa đối với người Nội Mông, và gần hơn, những cuộc đàn áp tự do đẫm máu ở Hong Kong.
Nhưng mọi người vẫn nuôi hy vọng rằng: Ồ, những chuyện đó xảy ra ở đâu đó chứ không phải là ở xứ của mình, không phải là xảy ra đối với mình, và con cháu mình.
Thậm chí ngay cả khi có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy rằng, người Việt Nam đang phải ăn nhiều thực phẩm có dư lượng chất độc cao, và tỷ lệ bệnh tật liên quan tới đường tiêu hóa [ Ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư trực tràng ] và đường thở của người Việt Nam [ ung thư phổi, ung thư khí quản ] cao lên một cách đáng báo động, thì tà quyền Việt Cộng vẫn mở rộng biên giới cho người láng giềng bốn tốt và mười sáu chữ vàng mang từ thực phẩm, hàng hóa, tới cả các loại thuốc trị bệnh vào để tàn sát dân mình.
Và nhiều người Việt Nam vẫn hân hoan đón nhận, cảm ơn Đảng, cảm ơn Nhà Nước, cảm ơn Trung Cộng. Phóng viên Lã Nghĩa Hiếu viết bài cho báo Thanh Niên bữa ngày 01/08/2021, đề rằng “Hàng vạn người Quảng Ninh vui mừng được tiêm vắc xin Sinopharm”, sau khi bài báo bị phản đối dữ dội, và đánh một ( 1 ) sao, thì anh ta bỏ đi chữ vui mừng, sửa lại thành “Hàng vạn người dân tại Quảng Ninh, đặc biệt là cư dân biên giới đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19, loại Vero Cell của hãng Sinopharm”.
Người dân Việt Nam có nhìn thấy các cuộc đấu tranh của người dân ở các xứ sở độc tài không? Từ Nga, tới Beralus, Venezuela, Hong Kong, mới đây là Myanmar, Cuba, Thái Lan…
Họ thấy chứ, nhưng họ nói: Nhìn xem, mấy người đó có làm được gì đâu? Họ đều thất bại và bị trấn áp hết rồi?
Có ai tự hỏi rằng, sự thất bại của những con người yêu tự do đó, có phần góp sức to lớn của những người ĐỜI ĐỜI MUỐN LÀM NÔ LỆ?
Coi mấy cái videos mà các dư luận viên của tà quyền cộng sản làm trên YouTube về Cuba vào giữa Tháng Bảy, 2021, tôi đọc thấy hàng chục ngàn người Việt Nam đã vào đó hô hào thề thốt rằng họ sẵn sàng đổ máu để giúp Cuba giữ lại cái chế độ thối nát của mình. Họ ra vẻ là họ không sợ đổ máu, không sợ chiến tranh. Hàng ngàn người ca ngợi Trung Quốc là người anh cả vĩ đại, sắp vượt Âu, Mỹ và thống trị toàn thế giới. Nghe có vẻ như người Việt Nam hiểu biết nhiều lắm, dũng cảm anh hùng lắm.
Phải chi nhiêu đó con người biết nói như vậy trên cái xứ sở Việt Cộng này thì có lẽ tình hình đã khác.
Phải chi nhiêu đó con người ráng học hành cho đàng hoàng, hiểu biết cho tường tận, dạy dỗ con cái cho tử tế, thì cái xứ sở này đã xinh đẹp và đáng sống biết bao nhiêu.
Như các nhà lãnh đạo độc tài của họ, họ chỉ giỏi chém gió mấy chuyện xảy ra ở xứ người đã được định hướng bởi bọn dư luận viên ăn lương cộng sản. Họ không nhìn sâu vào để thấy số phận thảm khốc của những dân tộc đó, cũng chính là số phận của con cháu họ trong tương lai: Bị tước mất văn hóa, lịch sử, quyền làm người, bị thu hoạch nội tạng, bị tẩy não, phải sống đời sống như những con súc vật, phải bới rác ngoài thùng rác của quan chức cộng sản.
Số phận của mỗi dân tộc còn là lựa chọn của mỗi người dân ở xứ đó nữa …
Thật khó để không đồng ý với ông tác giả Hayek rằng, chừng nào người dân của các xứ sở độc tài vẫn chưa thôi chìm đắm trong những giấc mơ địa đàng, vẫn chưa thôi bám vào những lí do này, lí do khác để biện minh cho hiện tình của dân tộc mình, thì ngày đó, chế độ tà quyền, độc tài vẫn còn yên tâm về vị trí thống trị của chúng.
Các quốc gia Châu Âu phát triển, Nhật Bản, Hàn quốc hưng thịnh, chẳng phải vì những lãnh đạo của họ đã luôn phải xin lỗi dân chúng và nhận trách nhiệm về mình trước những chính sách sai lầm của họ đó sao?
Không lẽ người Việt Nam lại giàu tự trọng hơn những người đó, hơn những cái dân tộc đó, để không thể nhận phần trách nhiệm của mình đối với số phận của mình và con cháu mình sao?
Hồi Tháng Năm, 2017, ông Bộ Trưởng Mai Tiến Dũng, người phát ngôn của chính phủ Việt Cộng, đã nói trong buổi họp về báo về vụ việc Đồng Tâm, “Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Câu nói cho thấy đảng của ông ta có quyền lực vượt lên mọi pháp luật, mọi hiến pháp, mọi Hiến Chương Nhân Quyền.
Liệu có ai nghe những câu phát biểu như thế này mà lại không chạnh lòng, mà không có cảm giác lo lắng cho số phận của các thế hệ con cháu chúng ta trong tương lai chăng?
Phần 1: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek. Tác giả: Từ Liên.
Phần 3: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek. Tác Giả: Từ Liên.
Phần 4: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek. Tác Giả: Từ Liên.
Tác giả: Từ Liên.
4 thoughts on “Phần 2: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek — Tóm Tắt. Tác Giả: Từ Liên.”