Phần 3: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek. Tác Giả: Từ Liên.

Tại sao chế độ xã hội chủ nghĩa không bao giờ có thể đạt được sự thịnh vượng ở trong thế giới thực như những lý tưởng mà nó đã truyền bá.

Phần tóm tắt này, tôi sẽ dành để tóm tắt và phân tích luận điểm thứ ba của GS Friedrich von Hayek:

TẠI SAO CHẾ ĐỘ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA KHÔNG BAO GIỜ CÓ THỂ ĐẠT ĐƯỢC SỰ THỊNH VƯỢNG Ở TRONG THẾ GIỚI THỰC NHƯ NHỮNG LÝ TƯỞNG MÀ NÓ ĐÃ TRUYỀN BÁ.

Phần 1: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek. Tác giả: Từ Liên.

Phần 2: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek — Tóm Tắt. Tác Giả: Từ Liên.

Phần 4: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek. Tác Giả: Từ Liên.

Có hai thứ chủ nghĩa mà tính đối lập nhau của nó là khá rõ ràng và có thể quan sát được trong lịch sử cận hiện đại của thế giới. Chủ Nghĩa Tư Bản, được tôn vinh bởi những người tin vào chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tự do, và Chủ Nghĩa Xã Hội, được đề cao bởi những người tin vào chủ nghĩa tập thể, rồi phát triển thành chủ nghĩa toàn trị, sau đó, nó chia thành hai hoặc nhiều hơn các nhánh, trong đó có XHCN và Chủ Nghĩa Phát Xít.

“Chủ nghĩa cá nhân, có nguồn gốc từ Thiên Chúa Giáo và triết học cổ đại, vào thời Phục Hưng đã được thể hiện một cách trọn vẹn và đặt nền móng cho cái mà ngày nay chúng ta gọi là nền văn minh phương Tây. Đặc điểm chủ yếu của nó LÀ SỰ TÔN TRỌNG CÁ NHÂN CON NGƯỜI VỚI NHỮNG ĐẶC ĐIỂM RIÊNG BIỆT CỦA HỌ, nghĩa là trong sinh hoạt, dù đấy có là lĩnh vực đặc thù đến đâu, con người hoàn toàn có quyền giữ các quan điểm cũng như sở thích riêng của mình và niềm tin rằng mỗi người cần phải phát triển những năng khiếu đã được tạo hóa ban cho anh ta. Chủ nghĩa tự do cũng thường đi kèm với một giá trị quan trọng của nó, là “Khoan dung” [ Phải có sự khoan dung thì mới có chấp nhận sự khác biệt cũng như những nhu cầu khác biệt của những con người cá nhân riêng biệt ]. “Những từ này đã truyền đạt được ý nghĩa của các lí tưởng và giá trị từng ngự trị trên bầu trời suốt mấy thế kỉ qua và chỉ gần đây mới ngả dần về phía chân trời để rồi biến mất hẳn cùng với sự xuất hiện của nhà nước toàn trị” [ Trang 111-112 ].

Ở những nơi chủ nghĩa tự do phát triển, nó đồng thời cũng kéo theo “Sự nổi dậy của cá nhân chống lại cộng đồng”, biến nó thành “thứ bệnh kinh niên của phương Tây”. Tuy nhiên, việc các cá nhân có những suy nghĩ khác biệt và có những suy nghĩ vượt lên khỏi cộng đồng, lại cũng là động lực phát triển to lớn của các quốc gia Phương Tây trong suốt chiều dài lịch sử. Bất cứ xã hội nào không thể chấp nhận điều này, không tạo điều kiện cho các cá nhân kiệt xuất hơn số đông còn lại được tiến lên phía trước và tạo ra những cuộc cách mạng rực rỡ trong các lĩnh vực khác nhau, cũng có nghĩa là nó từ chối sự phát triển và thịnh vượng, cũng như từ chối quyền làm người tự do của những công dân bình thường trong xã hội.

Quá trình này đem lại kết quả ngoài mọi sự mong đợi. Ở bất cứ nơi nào, khi mà các rào cản đối với sự sáng tạo của con người được dỡ bỏ thì người ta đều có điều kiện đáp ứng các nhu cầu ngày càng gia tăng của mình… Và khi tiêu chuẩn của cuộc sống được nâng lên thì người ta lại phát hiện ra, quá trình này đã mang lại lợi ích cho tất cả các giai cấp… Thành công đã vượt mọi ước mơ ngông cuồng nhất: đến đầu thế kỉ XX người công nhân ở phương Tây đã đạt được mức độ sung túc về vật chất, sự độc lập và niềm tin vào tương lai mà một trăm năm trước tưởng như không thể nào với tới được” [ Trang 116 ].

“Nếu xem xét giai đoạn này trong một viễn cảnh lịch sử rộng lớn hơn thì phải nói rằng cảm giác hoàn toàn mới về quyền lực của con người đối với số phận và niềm tin vào khả năng cải thiện không giới hạn điều kiện sống của mình chính là kết quả có ý nghĩa nhất của tất cả các thành tựu đó” [ Trang 117 ].

Mặt khác, thành công lại sinh ra tham vọng mới, những thành tựu đã đạt được trong bước đầu này này lại đẩy con người đến tiến đến khao khát những những lý tưởng cao hơn, là có thể cải thiện điều kiện sống cho toàn thể cộng đồng lớn hơn những cộng đồng người đã đạt được những mức độ văn minh nhất định, tức vượt khỏi biên giới của các thành thị và các quốc gia Tây Âu.

Khát vọng này đã trở thành mầm mống của CNXH và CNCS bởi vì nó đã được một số những nhà tư tưởng, mơ mộng, tự tin thái quá, và dường như thiếu cái nhìn bao quát về toản cảnh của thế giới, nhồi nhét vào đầu óc của mộ bộ phận dân chúng còn kém nhận thức, rằng chỉ trong một thời gian rất ngắn, bằng việc huy động được toàn lực của cải vật chất, sức lao động và thu lại toàn bộ quyền tự do của mọi người dân, để họ quên đi bản thân họ hoàn toàn, và tập trung toàn lực cho đời sống cộng đồng, quốc gia, thì họ sẽ có khả năng biến những lý tưởng của CNXH thành hiện thực.

Khéo léo hơn, những nhà XHCN không tưởng này còn hứa hẹn với người dân của họ rằng, việc cống hiến tài sản, sức lực và quyền tự do của họ để đạt được mục tiêu thịnh vượng chung, đặt nó dưới quyền cai trị của một bộ máy độc tài toàn trị, sẽ là những gì diễn ra trong một thời gian ngắn thôi, Sau khi đã đạt được mức độ “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, vượt mọi quốc gia trong thế giới tư bản, thì “nhà nước sẽ tự tiêu vong”, trả lại quyền lực và tài sản cho người dân.

Dù phần lớn các tư tưởng mới này, trong đó có chủ nghĩa xã hội, đã đã nảy mầm từ các quốc gia Châu Âu khác bên ngoài nước Đức, “Nhưng chúng đã được trau chuốt và đạt được mức hoàn thiện trên đất Đức trong hai mươi lăm năm cuối thế kỉ XIX và hai mươi lăm năm đầu thế kỉ XX”. Điều đó giải thích việc phần nhiều trong số những nhà tư tưởng mơ mộng nhất về CNXH, là người Đức. GS Hayek giải thích rằng “Các nhà tư tưởng Đức có ảnh hưởng mạnh mẽ như thế không chỉ là vì nước Đức đã đạt được những tiến bộ to lớn trong lĩnh vực sản xuất vật chất mà còn chủ yếu là vì uy tín to lớn mà trường phái khoa học và triết học Đức đã giành được trong suốt thế kỉ qua [ Thế kỷ XVIII ], tức là sau khi Đức trở thành thành viên đầy đủ và thậm chí dẫn đầu trong nền văn minh châu Âu. Nhưng chính cái uy tín đó chẳng bao lâu sau đã giúp quảng bá cho những tư tưởng phá hoại các cơ sở của nền văn minh này” [ Trang 123-124 ].

Tuy nhiên, không cần phải chờ đến tận thế kỷ XX, ngay giữa thế kỷ XIX nhiều người đã nhìn thấy rằng, những lý tưởng của XHCN sẽ sớm tan thành mây khói vì hiển nhiên những tiềm lực và điều kiện hiện tại của con người không làm sao mà biến cái ước vọng to lớn đó thành sự thật trong chốc lát được, và lại chỉ dựa vào ý chí chủ quan của những con người mơ mộng hoặc ham muốn quyền lực, hoặc cả hai.

Cũng chính người Đức, ít nhất là những người tham gia vào việc truyền bá những tư tưởng này, chỉ sau một thời gian ngắn, đã hiểu rõ cuộc xung đột giữa những lý tưởng không tưởng của họ, với điều kiện thực tế của toàn bộ Châu Âu và toàn bộ thế giới vào cuối thế kỷ XIX. Sự lạc hậu, nghèo đói, điều kiện vệ sinh kém cỏi, dân số gia tăng nhanh so với tốc độ cải tiến kỹ thuật, giáo dục còn hạn chế đối với nhiều thành phần dân chúng trên khắp thế giới, kể cả ở nhiều phần lãnh thổ của Châu Âu, hiển nhiên đã cho thấy rằng những giấc mơ thịnh vượng mà CHXH đã hứa hẹn sẽ không bao giờ có thể thực hiện được ở bất kỳ nơi đâu trên trái đất này, nếu không có (1) khoảng thời gian dài đủ để những người trưởng thành có thể lao động cật lực để làm ra một lượng của cải vật chất vừa đủ cho nhu cầu tiêu dùng của họ trong hiện tại, lại vừa phải có dư dả để đầu tư cho tương tai, (2) để những thế hệ con cháu của họ có thể được dạy dỗ cẩn thận, có đủ kiến thức, năng lực và những điều kiện vật chất để chúng có tiến tới chỗ có thể làm chủ số phận của chúng. Mà cả hai điều này lại chỉ có thể trở thành hiện thực ở những xã hội tư bản và tôn trọng tự do cá nhân.

Thế là, niềm tin bị sụp đổ về năng lực của mình, đã khiến một bộ phận những nhà tư tưởng, những người mơ mộng, phải tìm kiếm những biện pháp cực đoan với niềm hy vọng là nó có thể níu kéo những giấc mơ của họ ở lại. Và như vậy, bản thân những tư tưởng XHCN ngay từ đầu đã buộc phải gắn với nhiều biện pháp cực đoan, và sau đó là dẫn đến việc sử sụng vũ lực cũng như dẫn đến thể chế độc tài toàn trị.

“Như vậy là chủ nghĩa xã hội đã loại bỏ được chủ nghĩa tự do và trở thành học thuyết được đa số những người tiến bộ ủng hộ, không phải là vì người ta đã quên những lời cảnh báo của các nhà tư tưởng tự do tiền bối vĩ đại về hậu quả của chủ nghĩa tập thể mà vì người ta đã thuyết phục được dân chúng rằng hậu quả sẽ hoàn toàn ngược lại.

Hiện nay ít người nhớ rằng khởi thủy chủ nghĩa xã hội đã là một phong trào độc đoán. Các nhà tư tưởng Pháp, những người đặt nền móng cho chủ nghĩa xã hội, không hề nghi ngờ gì rằng phải có một chính phủ độc tài cứng rắn thì tư tưởng của họ mới có thể trở thành hiện thực được” [ Trang 129 ].

Nếu như từ nơi ươm mầm của mình, những tư tưởng CNXH, vốn đã bắt nguồn từ niềm tin dựa trên những thành tựu phát triển kinh tế và tự do chính trị thực thụ để có thể thuyết phục người dân tin theo nó, thì khi du nhập vào những quốc gia kém phát triển hơn [ Nga, Trung Quốc, Việt Nam,… ] nó đã phải dùng những biện pháp bạo lực để có thể giành chính quyền về tay mình, chứ không phải là một hình thức thuyết phục nào khác. Và ngay từ điểm mới du nhập này, những người chủ trương sẽ sử dụng hệ tư tưởng XHCN để cai trị người dân của mình trong tương lai, đã ý thức được rằng, đã có những sự khác biệt không bao giờ có thể thể dung hòa giữa hai hệ thống tư bản chủ nghĩa và xã hội, dù họ ra sức thuyết phục dân chúng rằng CNXH chính là một bước phát triển cao hơn của chủ nghĩa tư bản, trên con đường phát triển của lịch sử nhân loại.

Các nhà lãnh đạo của chủ nghĩa tư bản đã không cần đến những cuộc cách mạng dữ dội để bắt ép những người dân phải đi theo họ, trong công cuộc xây dựng cuộc sống mà người dân mong muốn. Trong khi đó, để xây dựng một xã hội theo trật tự mà họ mong muốn, chủ nghĩa xã hội đã phải dùng vũ lực để khuất phục mọi cá nhân vẫn còn tơ tưởng đến tự do cho riêng mình trong một cái quần thể những con người bị ép phải đứng vào hàng ngũ vô sản cả về vật chất lẫn tinh thần. “Quan niệm của những người sáng lập chủ nghĩa xã hội về tự do là rất rõ ràng. Họ coi tự do tư tưởng là cội nguồn của tất cả những điều xấu xa trong xã hội thế kỉ XIX. Saint Simon, ông tổ của những người ủng hộ kế hoạch hóa thời nay, thậm chí còn dự liệu rằng những người không tuân phục các bộ phận lập kế hoạch mà ông ta đề nghị sẽ bị “đối xử như súc vật” [ Trang 130 ].

Trong một bài phát biểu vào năm 1848, Alexis de Tocqueville, nhà xã hội và chính trị học vĩ đại, đã nhận thức được rằng chế độ dân chủ và chủ nghĩa xã hội sẽ luôn dẫn đến những kết quả hoàn toàn trái ngược với nhau :

Dân chủ mở rộng không gian tự do của từng con người, trong khi chủ nghĩa xã hội hạn chế tự do. Dân chủ trao cho mỗi người tất cả các giá trị khả dĩ còn chủ nghĩa xã hội lại biến mỗi người thành một kẻ thừa hành, thành một con số tròn trĩnh. Dân chủ và chủ nghĩa xã hội chỉ có một cái chung, đấy là từ: công bằng. Nhưng xin lưu ý sự khác biệt: trong khi dân chủ tìm kiếm sự công bằng trong tự do thì chủ nghĩa xã hội tìm kiếm công bằng trong xiềng xích và nô lệ” [ Trang 131 ].

[ Tuy nhiên, trong thời kỳ hiện tại, chúng ta lại đang chứng kiến giấc mơ XHCN đang có dấu hiệu sống lại ở nhiều quốc gia tư bản có nền kinh tế và chính trị phát triển ở đỉnh cao của thế giới hiện đại ].

NHỮNG NGƯỜI THEO CHỦ NGHĨA XÃ HỘI ĐÃ LỪA MỊ NGƯỜI DÂN CỦA HỌ NHƯ THẾ NÀO?

Nhằm làm dịu bớt những mối ngờ vực của người dân đối với các điều kiện quá dễ dàng để đạt được lý tưởng XHCN, và nhằm biến khát vọng tự do, một trong những động lực mạnh mẽ nhất của những người dân lao động bần hàn, những người xã hội chủ nghĩa bắt đầu sử dụng lời hứa về một nền “tự do mới”. Họ nói rằng “Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có khả năng đưa cuộc đấu tranh vì tự do diễn ra trong nhiều thế kỉ đến thắng lợi cuối cùng”. Tuy nhiên, họ đã thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của từ “tự do”, theo nghĩa nguyên thủy của nó, là tự do làm những gì mỗi cá nhân mong muốn, tự do phát triển trọn vẹn tiềm năng của mình, miễn là không gây hại cho việc thực hành tự do cũng như lợi ích của người khác, thành một loại tự do, theo cách họ hiểu, là tự do khỏi việc sở hữu cải vật chất, tức là chiến thắng “sự áp bức của nhu cầu vật chất”, hay chính xác là phải từ bỏ mọi quyền tự do đối với những tài sản và công cụ sản xuất của mình.

Theo nghĩa này, những người dân của chế độ chủ nghĩa xã hội không cần phải lo lắng về vật chất nữa, họ sẽ dâng nộp toàn bộ của cải vật chất của họ cho nhà nước quản lý và nhà nước sẽ phân phối lại cho toàn dân theo nhu cầu của mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Dĩ nhiên, điều này thường được kèm “với lời hứa vô trách nhiệm về sự gia tăng chưa từng có của cải vật chất trong chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa” [ Trang 132 ].

Sự lừa đảo lớn nhất của những lời hứa này là, nó không đưa ra bất cứ lộ trình sự giải thích nào, hoặc biện pháp khả dĩ nào để giúp người ta đạt sự thịnh vượng về kinh tế, chiến thắng sự nghèo nàn của tự nhiên và con người. Lời hứa này chỉ có nghĩa là nó sẽ xóa bỏ đi sự chênh lệch về sở hữu của cải vật chất giữa những tầng lớp người khác nhau.

Theo cách hiểu như thế, những người nghèo, những người ít khả năng sẽ không cần phải làm gì để cải thiện hoàn cảnh sống của mình, họ chỉ cần ngồi đó nhìn nhà nước sẽ tịch thu tài sản của những người giàu hơn họ, có nhiều khả năng đóng góp cho xã hội hơn họ và chia lại cho họ.

Trong khi đó, những người giàu, những người có khả năng hơn cũng sẽ bị tước đoạt mọi công cụ, từ vật chất tới tinh thần, để cải thiện đời sống của mình. Tồi tệ hơn, họ bị buộc phải hạ mọi chuẩn mực mà họ từng sở hữu xuống ngang bằng hoặc thấp hơn những con người thiệt thòi hơn họ trước đây, bao gồm tài sản, địa vị, trí tuệ, lòng tự trọng, phẩm giá, lương tâm. Trên thực tế, Họ đã không còn được ban cho một cơ hội nào để có thể tiếp tục phát triển bản thân lẫn đóng góp nhiều hơn cho xã hội…

Kết quả hoàn toàn có thể hình dung được, Xã hội chủ nghĩa chính là nơi người nghèo, người thất học chờ được chính quyền ném cho những miếng bánh mà họ cướp lại người khác, trong khi những người có năng lực hơn cũng phải ngồi chờ chính quyền ném cho mình những mẩu nhỏ từ chính những gì chính quyền đã cướp đoạt từ sức lao động của mình. Trong khi đó, của cải vật chất không tự động xuất hiện mà không có lao động cật lực, không có những đầu tư to lớn về con người và công cụ lao động; Thịnh Vượng không thể đến mà không có những lao động trí tuệ và cải tiến kỹ thuật; Tự Do không thể đến mà lại không có đổ máu và chấp nhận hy sinh.

Toàn bộ công cụ sản xuất bị quốc hữu hóa, cơ chế thị trường bị xóa bỏ, chỉ còn lại cơ chế tem, phiếu từ trung ương áp xuống. Con người đã hoàn toàn không còn sự lựa chọn xem họ được mua gì, ăn gì, mặc gì, sở hữu thứ gì. Hệ quả là toàn bộ động lực sáng tạo của các cá nhân sẽ bị mai một, trí tuệ cá nhân sẽ không được khai thác. Sự mất mát này là một trong những lý do dẫn đến những nhân tai mà được coi là hoàn toàn có thể tránh được đối với các xã hội tự do, chẳng hạn nạn khan hiếm lương thực thực phẩm xảy ra liên miên trong những giai đoạn khác nhau ở những quốc gia có diện tích đất đai canh tác khổng lồ và giàu tài nguyên như Liên Xô, Trung Quốc, và điều khó có thể tưởng tượng đó cũng xảy ra ở cả một đất nước được xem là vựa lúa của thế giới như Việt Nam.

Mặt khác, khi cơ chế kế hoạch hóa tập trung ngăn cản các cá nhân quyền tự tìm kiếm thu nhập và sử dụng tài sản của mình cho những mục đích dù là riêng tư nhất, tất dẫn đến những tác động tiêu cực về mặt đạo đức, thái độ, lối sống và cách ứng xử của con người. Thay vì tự do và minh bạch sử dụng tài sản, sử dụng trí tuệ của mình để làm giàu chính đáng và cải thiện hoàn cảnh sống cho bản thân, thì người ta phải lén lút làm [ Ví dụ Nhiều gia đình trong thời kỳ bao cấp đã phải lén nuôi thêm mấy con gà, mấy con heo, trồng thêm một ít rau trên mảnh đất của chính gia đình mình, họ luôn đứng trước nguy cơ bị xử phạt, bị tịch thu sản phẩm ]. Kết quả là, để có thể làm được những việc chính đáng này, họ lại phải hối lộ cho những kẻ cai trị cấp thấp ở nơi họ sinh sống, để chúng làm lơ cho họ.

Nguy hiểm hơn, việc tập trung và kế hoạch hóa nền kinh tế của XHCN được áp dụng trong một thời gian dài, và được củng cố bằng những đòn trừng phạt bạo lực của bộ máy cai trị trung ương đối với những kẻ chống đối sự áp bức mà cơ chế áp đặt lên họ, đã dạy cho người ta chỉ biết phục tùng, dần dần dẫn tới con người mất khả năng tư duy độc lập và phản biện, khiến cho người ta sợ chịu trách nhiệm cá nhân, kích thích lối sống ỷ lại, dựa dẫm vào người khác; khiến cho người ta mất động lực vươn lên và thay vào đó là tư duy bình quân chủ nghĩa.

Sự trao quyền lực quá lớn vào tay một bộ phận người không có đủ năng lực và nhân tâm mà không đòi hỏi những người này giải trình trách nhiệm hay giải thích về sự hợp lý của hành động của họ, dù là thiện hay ác, cũng từ từ khiến cho xã hội người ta mất đi cảm giác phân biệt thiện – ác trong hành động, thay vào đó bất cứ việc gì người ta cũng có thể làm nhân danh cộng đồng hay sứ mệnh cao cả.

Quyền lực cho phép một bộ phận người được ban ân huệ hoặc tước đoạt những ưu ái cho những người khác trong xã hội mà không cần phải có những lý do chính đáng, không có những chuẩn mực hợp lý, không có những cân nhắc tới các nguyên tắc đạo đức, luân lý xã hội, đã dẫn đến hệ quả là nó kích thích người ta chạy theo lối sống xin xỏ, chạy chọt để hưởng đặc quyền đặc lợi, và được quyền ban ơn huệ cho người khác, v.v…

Khi những lời hứa về XHCN đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn, những người lãnh đạo của chế độ toàn trị đã không thể chấp nhận sự kém cỏi, bất tài và mơ mộng của mình. Sự bất lực đó đã được che đậy bằng việc tăng cường những biện pháp đàn áp đối với dân chúng lên tới mức tối đa, hòng bóp nghẹt tất cả mọi những tiếng nói phản biện, những đầu óc đòi tự do. Điều này lại góp phần tạo ra một hệ thống cai trị và hệ thống công an, mật vụ, ngày một phình to, nguồn lực của toàn xã hội vốn đã ít ỏi, lại bị phân bổ vào những lĩnh vực không hiệu quả, và hậu quả tất yếu là nền kinh tế của quốc gia sẽ bị suy yếu, đời sống của dân chúng bị sút kém, và bất mãn trong xã hội ngày càng gia tăng.

Bi kich vì vậy sẽ trở thành nặng nề hơn khi người ta nhận ra rằng Đường Đến Tự Do mà người ta hứa hẹn, trên thực tế lại là Đại Lộ Dẫn Về Nô Lệ” [ Trang 133 ].

VÀ NHƯ VẬY, CHỦ NGHĨA XÃ HỘI MÃI MÃI KHÔNG BAO GIỜ CÓ THỂ HOÀN THÀNH ĐƯỢC NHỮNG LỜI HỨA HẸN VÔ TRÁCH NHIỆM CỦA NÓ, NHƯ NÓ ĐÃ LỪA DỐI HÀNG TRĂM TRIỆU CON NGƯỜI TRONG HƠN MỘT THẾ KỶ QUA.

Phần 1: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek. Tác giả: Từ Liên.

Phần 2: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek — Tóm Tắt. Tác Giả: Từ Liên.

Phần 4: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek. Tác Giả: Từ Liên.

Tác Giả: Từ Liên.

4 thoughts on “Phần 3: Đường Về Nô Lệ ( The Road to Serfdom ) — Friedrich von Hayek. Tác Giả: Từ Liên.”

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: