Bản tiếng Anh: “THE GRAND FAILURE: The Birth and Death of Communism in the Twentieth Century”, New York: Charles Scribner’s Sons, 1989; 278 pages.
Các độc giả Việt Nam, chắc cũng có những người đã từng biết tới tác giả Zbigniew Brzeziński ( 1928 – 2017 ), nhà ngoại giao và nhà khoa học chính trị người Mỹ gốc Ba Lan, qua tác phẩm “Bàn Cờ Lớn – Nền Chính Trị Của Các Siêu Cường” [ The Grand Chessboard, American Primacy and Its Geostrategic Imperatives ], được dịch và xuất bản lần đầu ở Việt Nam vào khoảng đầu những năm 2000, và được tái bản lần thứ hai vào năm 2020. Tuy nhiên, có một cuốn sách khác cũng nổi tiếng không kém của tác giả Zbigniew Brzeziński, được giới thiệu lần đầu ở Hoa Kỳ vào năm 1989, trước cuốn “Bàn Cờ Lớn” gần một chục năm, mà hầu như đã chưa bao giờ được dịch và giới thiệu rộng rãi tới công chúng ở Việt Nam, do những lý do kiểm duyệt nghặt nghèo của chính quyền cộng sản. Tác phẩm “SỰ THẤT BẠI VĨ ĐẠI – Sự Ra Đời Và Cái Chết Của Chủ Nghĩa Cộng Sản Trong Thế Kỷ XX“, trình bày những nghiên cứu và quan điểm của tác giả, về những biểu hiện đã bộc lộ rõ ràng, khó có thể che đậy, ở những quốc gia theo hệ thống xã hội chủ nghĩa, những quốc gia, mà trong đó, có chính quê hương Ba Lan của ông, đang phải vận lộn với những khó khăn bủa vây từ khắp mọi hướng, từ kinh tế, xã hội, giáo dục, tới đối nội và đối ngoại.
Sự tích tụ của những khó khăn này đã tạo ra cái mà tác giả Brzeziński gọi là “cuộc khủng hoảng cuối cùng” của chủ nghĩa cộng sản. Cuốn sách đã mô tả và phân tích sự suy sụp dần dần, và cuối cùng là sự khủng hoảng toàn diện của chủ nghĩa cộng sản về cả hai mặt: Hệ thống lý luận và thực tiễn triển khai. Tác giả đã đi đến kết luận rằng, vào thế kỷ tiếp theo [ Từ năm 2000 ], sự suy tàn mang tính lịch sử của chủ nghĩa cộng sản là không thể đảo ngược được, và điều này sẽ làm cho tính thực tế và hệ thống lý thuyết giáo điều của nó sẽ không còn phù hợp và không còn có thể được chấp nhận một cách rộng rãi với những điều kiện thực tại của con người.
Ở những nơi mà ngày nay người ta nhìn thấy thứ chủ nghĩa này vẫn còn có thể thể bám trụ lại được, thì thực chất là chính quyền ở đó đã vứt bỏ hầu hết những gì được coi là bản chất nội tại của lý thuyết này [ chẳng hạn như những khẩu hiệu “Giai cấp công nhân – nông dân đại diện cho lực lượng sản xuất tiến bộ nhất của xã hội“, “liên minh công-nông là liên minh đóng vai trò cách mạng trong việc xây dựng và bảo vệ nhà nước“, “giai cấp vô sản và quá trình vô sản hóa toàn dân chính là những điều kiện đảm bảo cho một xã hội tự do và bình đẳng“…, hoặc là những lời hứa “nhà nước của dân, do dân, vì dân“, hoặc là “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu“, “công bằng, bình đẳng chỉ có thể nhờ vào quản lý tập thể“, hay là, nỗ lực xóa sổ chủ nghĩa tư bản hoàn toàn, thay bằng chế độ sở hữu toàn dân, vv ],… dù cho nó có thể giữ lại một vài sự thể hiện ở bề ngoài, mà giờ chỉ còn là tên gọi và những khẩu hiện sáo rỗng.
Theo tác giả của cuốn sách này, bước qua thế kỷ mới [ thế kỷ XXI ], chủ nghĩa cộng sản sẽ chỉ còn được nhớ lại như một sự lầm lạc quái đản và tệ hại nhất về chính trị và trí tuệ của thế kỷ XX.
Lập luận của cuốn sách được phát triển trong sáu phần chính.
Trong phần I, tác giả chứng minh những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tấn bi kịch lịch sử của chủ nghĩa cộng sản, đến chủ yếu từ sự thất bại về mặt chính trị và hệ thống kinh tế – xã hội của Liên Bang Xô Viết [ The Grand Failure ].
Phần II đi sâu vào phân tích những dự tính của Liên Xô nhằm cải cách và tăng thêm sức sống cho hệ thống đó, nhưng kết quả lại chỉ làm tăng thêm tình trạng không ổn định và khích động những xung đột chính trị [ The Soviet Disunion ].
Phần III tác giả xem xét những hậu quả của sự áp đặt chủ nghĩa cộng sản đối với các nước Đông Âu và nhấn mạnh phong trào tự giải phóng của xã hội Ba Lan, đã khởi đầu cho một quá trình bác bỏ quyết liệt hệ thống áp đặt đó [ Organic Objection ].
Phần IV tác giả dành riêng để xem xét về kinh nghiệm của Trung Quốc và kết luận là Trung Quốc có những cơ may kéo dài sự áp đặt của mình, khi những người lãnh đạo đất nước này đã tìm ra một vài cách để loại bỏ, hoặc điều chỉnh những giáo điều cổ hủ đã được xác lập từ rất lâu [ Thực chất là họ lèo lái dư luận, và họ tiến hành những chuyển đổi tinh vi hình thức áp đặt này, qua một hình thức áp đặt và khủng bố kiểu khác ] [ Commercial Communism ].
Phần V, tác giả vạch rõ sự sa sút về mặt hệ tư tưởng và chính trị, cũng như việc suy giảm sức hấp dẫn của chủ nghĩa cộng sản ở tầm quốc tế [ Discredisted Praxis ].
Phần VI, phần cuối cùng xem xét một cách khái quát sự Hấp hối của chủ nghĩa cộng sản và hiện tượng Hậu cộng sản [ The Agony of Communism ].
Cũng như nhiều cuốn sách khác viết về chủ đề này trước đây, việc chuyển ngữ cuốn sách vốn đã khó, mà việc tóm tắt lại những tư tưởng chính của cuốn sách, trong một vài trang, lại còn nhiều thách thức hơn nữa… Tuy nhiên, nhận thấy nội dung của cuốn sách có thể vẫn còn phù hợp đối với các độc giả quan tâm tới hiện tình, và tương lai của đất nước, nhưng lại chưa có nhiều thời gian và cơ hội tiếp xúc với những bài viết, những tác phẩm, đã được những học giả lớn trên thế giới, kỳ công nghiên cứu, phân tích, từ nhiều góc độ khác nhau, chúng tôi mạn phép tóm tắt lại tác phẩm này, bằng thể loại ngôn ngữ bình dân hơn, nhưng vẫn cố đảm bảo theo sát với ý nghĩa của bản gốc… Với những thiếu sót còn lại, vốn là điều không thể tránh khỏi trong quá trình tóm tắt lại tác phẩm trong một bài viết ngắn, chúng tôi kính mong được các độc giả độ lượng…
Sự thống trị của chủ nghĩa cộng sản trong phần lớn lịch sử của thế kỷ XX có gốc rễ từ việc nó đã bắt đầu đề cao một quan điểm mà bị xem là “một sự đơn giản hóa cao độ” tất cả những hiện tượng, đời sống xã hội của con người.
Con người vốn dĩ sanh ra đã là những thực thể phức tạp, nhiều con người tạo thành xã hội thì tính phức tạp càng tăng lên. Trong đó, mỗi con người không chỉ có những nhu cầu cơ bản như ăn, ở, mặc, hít thở hay có công ăn việc làm, có niềm vui thưởng ngoạn nghệ thuật, có khát vọng sáng tạo, mà họ còn có hàng trăm hàng ngàn những nhu cầu mà đã không được thể hiện ra dưới dạng “hữu hình”. Ngoài ra, họ cũng còn có hàng trăm hàng ngàn những mối quan hệ thân hữu, cộng đồng, xã hội, kinh tế, tôn giáo, tạo thành một mạng lưới chằng chịt, mà không một thang đo nào có thể sắp xếp chúng cho ổn thỏa, không có hệ thống đo lường nào có thể đánh giá chúng cho tường tận…
Tuy nhiên, mọi sự vận động phức tạp đó, đã hoàn toàn “biến mất”, hay bị đè nén, bị dồn ép lại một cách méo mó, bị đơn giản hóa tới mức cực đại trong các học thuyết của chủ nghĩa cộng sản… Chủ nghĩa cộng sản cho rằng nguồn gốc của mọi cái xấu đơn giản chỉ là SỰ THIẾT LẬP QUYỀN TƯ HỮU TÀI SẢN. Họ tin rằng, nếu xóa bỏ cái TÍNH TƯ HỮU / SỰ TƯ HỮU đó đi thì tự nhiên xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn, con người có thể đạt tới sự công bằng thật sự và có những cơ hội để hoàn thiện những bản chất tốt đẹp nhất của con người.
Mặt khác, cũng có một sự thật là điều đó lại đã hấp dẫn và tạo ra niềm hy vọng cho hàng trăm triệu con người. Gần như chính xác rằng, sự tuyên truyền như vậy, về mặt tâm lý, nó phù hợp với tình cảm của những khối quần chúng [ phần đông là những người nghèo khổ, không được tiếp cận giáo dục ], mới giác ngộ về mặt chính trị [ Chính xác là những người chưa bao giờ thật sự được học hành nghiêm túc về chính trị, những người chưa thể hiểu chính trị là gì, nhưng lại được gọi là đã “giác ngộ chính trị” ].
Theo ý nghĩa đó, sự hấp dẫn của chủ nghĩa cộng sản có những điểm giống với sự hấp dẫn của các tôn giáo lớn, mỗi tôn giáo đó cung cấp một cách giải thích huyền diệu về cuộc đời. Chính là nhờ sự giải thích vừa mang tính tổng thể, bao quát những vấn đề to lớn, nhưng lại đồng thời được giải thích theo cách rất đơn giản như đã nói ở trên, đã làm nó trở nên vô cùng hấp dẫn, thuyết phục, và nó nhanh chóng trở thành ngọn đuốc dẫn đường cho những hành động nhiệt thành cách mạng…
Thêm vào đó, cũng giống như những tôn giáo lớn, học thuyết cộng sản lại cũng có khả năng cung cấp nhiều mức độ phân tích, từ cách giải thích đơn giản nhất, đến những khái niệm mang tính triết học phức tạp hơn, tùy theo đối tượng mà nó muốn thu hút. Đối với người ít học, chỉ cần học được rằng mọi cuộc đời đều được quy định bởi đấu tranh giai cấp và trạng thái hạnh phúc xã hội sẽ chỉ có thể được hoàn thành bởi xã hội cộng sản.
Đặc biệt là theo quan điểm tâm lý của những “người bị thiệt thòi“, hành động nhiệt thành chính trị để tiêu diệt những người có tài sản, hay những người chỉ cần có đầu óc tư hữu, thực chất là để biện minh cho vấn đề buộc phải sử dụng bạo lực tàn tệ để khuất phục “những kẻ thù của nhân dân”, những kẻ trước đây đã được hưởng thụ vật chất cao hơn thì đến giờ sẽ phải chịu bị sỉ nhục, áp bức và tiêu diệt. Nhưng chủ nghĩa cộng sản còn là một bậc ngụy trang tài tình, khéo léo đến mức tinh tế mà hoàn toàn không dễ có thể nhận ra, đối với ngay cả những người tự cho rằng mình có hiểu biết hơn những người bình dân trong xã hội…
Nó không chỉ thể hiện sự hưởng ứng nồng nhiệt đối với những nỗi lo âu sâu sắc của bộ phận dân chúng ở tầng lớp đáy của xã hội, nó cũng không chỉ thể hiện rằng nó đã làm điều đúng đắn đối với sự căm ghét cái xã hội bất công [ mà do chính nó tiêm nhiễm vào đầu óc dân chúng ]. Nó cũng còn tỏ ra là một hệ thống tư tưởng hiểu biết, sẵn sàng cung cấp một cách nhìn thấu triệt tương lai, cũng như quá khứ, để thỏa mãn lòng khao khát của những bộ phận xã hội mới biết đọc, nhưng lại khao khát hiểu biết mọi thứ về thế giới quanh mình, và cả những người đã có học cao hơn, nhưng vẫn đang loay hoay tìm kiếm một sự giải thích toàn diện về thế giới, nhưng lại không tìm được những giải thích thỏa đáng…
Nếu như đây là KHÔNG PHẢI là những con người đang sống trong một xã hội tự do và rộng mở, có điều kiện tiếp cận với nhiều luồng tư tưởng khác, mà chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là học thuyết Marx-Lenin, thì đối với họ, học thuyết này sẽ cung cấp cho họ: Một chìa khóa cho việc hiểu biết lịch sử nhân loại, một công cụ phân tích để nhận định sự năng động của những thay đổi chính trị và xã hội, một sự lý giải tinh vi về đời sống kinh tế, và một loạt những cách nhìn sâu sắc về động cơ thúc đẩy xã hội [ Trang 2 ].
“Nó làm cho những người theo chủ nghĩa cộng sản tự cảm thấy mình đúng đắn và đồng thời tự tin… Nó tự xem mình vừa là một hệ thống triết học toàn diện, vừa là khoa học của mọi khoa học. Nó sẵn sàng trao tặng những lời hứa, những sự giải thích phù hợp với mọi đối tượng mà nó muốn thuyết phục. Dù ở mức độ cá nhân hay về mặt tri thức…, nó cung cấp kịp thời sự hướng dẫn, sự khuyên giải mang tính bài học lịch sử, và trên hết, sự đơn giản hóa đến cao độ những cái mà nó cho rằng có thể hoàn thành thông qua hành động chính trị trực tiếp“. Hơn nữa, bằng cách liên kết những cảm xúc nồng nhiệt của con người với với phần lý trí còn non nớt, học thuyết cộng sản nhấn mạnh rằng: “Nhiệt tình chính trị có thể chuyển biến thành quyền lực chính trị to lớn“… “Cùng nhau xây dựng xã hội là điểm xuất phát để nắm được quyền lực chính trị” [ Nắm được quyền lực rồi để làm gì thì họ không giải thích rõ ràng… ].
“Nhưng rõ ràng là, cùng với nhau, sự kết hợp này đã sản sinh ra tính tàn ác của quyền lực nhà nước tập trung, là cái trở thành đặc trưng nổi bật nhất của chủ nghĩa cộng sản” [ Trang 3 ].
“Sự xuất hiện chủ nghĩa cộng sản như là một biểu hiện chính trị lớn của thế kỷ XX cần được xem xét đồng thời với sự nổi lên của chủ nghĩa phát-xít và chủ nghĩa Nazi. Trên thực tế, giữa chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa phát-xít và chủ nghĩa Nazi đã có mối quan hệ rõ ràng về loại hình nhà nước, về lịch sử và sự tương đồng về mặt chính trị”.
Cả hai đều là những phản ứng đối với những chấn thương của thời đại công nghiệp hóa, của những bất công trong thời kỳ đầu của chủ nghĩa tư bản, của sự xuất hiện hàng triệu người tự nhiên bị “mất gốc” [ Mất đi những công việc truyền thống, mất đi thị trường truyền thống, mất đi thứ “quyền lực” có tính truyền thống mà những đặc điểm của những xã hội trước đó trao tặng cho họ ].
Những người này đại diện cho thế hệ đầu tiên của những người công nhân công nghiệp, của sự căm ghét giai cấp do những “tổn hại” mà họ phải chịu đựng khi xã hội đột nhiên thay đổi đem lại. Thế Chiến Thứ Nhất dẫn đến sự sụp đổ của những giá trị đương thời và trật tự chính trị ở nước Nga sa hoàng và nước Đức đế chế. Nó tạo nên những sự căng thẳng gay gắt về mặt xã hội ở một đất nước vừa mới bắt đầu bước vào thời kỳ công nghiệp hóa.
Tất cả những điều đó làm nổi lên những phong trào mà ngay từ đầu đã bị lèo lái, bị ràng buộc một cách sai lầm với khái niệm về công bằng xã hội xung quanh [ Thay vì chỉ đấu tranh để đòi được cải thiện điều kiện sống sao cho xứng đáng với sức lao động mà họ đã bỏ ra ], thì họ kêu gọi lòng căm thù xã hội, và tuyên bố bạo lực xã hội cần phải được tiến hành như là một công cụ quan trọng nhất của công cuộc cứu rỗi xã hội.
Cuộc chiến tranh khốc liệt về sau giữa nước Đức Nazi của Hitler với nước Nga Xô Viết của Stalin đã làm cho người ta quên đi đó là một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn giữa hai thành phần của cùng một niềm tin. Dù rằng, một bên thì tuyên bố kiên quyết chống chủ nghĩa Marx và chủ trương một sự CĂM THÙ CHỦNG TỘC chưa từng thấy, còn một bên thì tự xem mình là con đẻ duy nhất của chủ nghĩa Marx bằng cách chủ trương CĂM THÙ GIAI CẤP chưa từng thấy. Nhưng cả hai đều nâng nhà nước lên thành cơ quan cao nhất của hành động tập thể, cả hai đều sử dụng khủng bố tàn bạo như là phương tiện để khiến cả xã hội phải quy phục, và cả hai đều tiến hành những cuộc giết người hàng loạt không có gì so sánh nổi trong lịch sử loài người. Cả hai cũng tổ chức kiểm soát xã hội bằng những cách giống nhau, từ những nhóm thanh niên cuồng nhiệt đến những tên chỉ điểm láng giềng và [ lèo lái ] những phương tiện thông tin đại chúng tập trung đã hoàn toàn bị kiểm duyệt. Và cuối cùng, cả hai đều nhận định rằng họ dấn mình vào sự nghiệp xây dựng những nhà nước đầy quyền uy “xã hội chủ nghĩa”.
Cần ghi nhận ở đây rằng Hitler là một kẻ học trò khao khát học những cách thực hành chính trị do Lenin và Mussolini khởi xướng. Cả hai người đó đều là những người báo trước cho những hành động của Hitler, đặc biệt là về mặt sử dụng những phương tiện thông tin đại chúng mới nhằm kích động, và sau đó động viên những đám quần chúng mới thức tỉnh về mặt chính trị. Nhưng cả ba đều là những người tiên phong trong việc đi tìm quyền lực tuyệt đối… Về mặt triết học, cả Lenin và Hitler đều biện minh cho những hệ tư tưởng kêu gọi xây dựng xã hội trên quy mô tập trung, đều tự cho họ vai trò là những người nắm toàn quyền chân lý, đều làm cho xã hội phụ thuộc vào đạo đức của một hệ tư tưởng, đạo đức duy nhất, mà đối với Lenin là dựa trên cơ sở đấu tranh giai cấp, còn đối với Hitler là sự bá chủ về chủng tộc, để rồi từ đó, biện minh cho sự lựa chọn mọi hành động của họ… Về mặt thể chế, Hitler học ở Lenin cách xây dựng nhà nước dựa trên sự khủng bố, hoàn thiện nó với bộ máy cảnh sát bí mật, với những bản án chỉ có trên hình thức mà thực chất là nội dung đã được dàn dựng.
“Trên thực tế, không có gì quá đáng để nói rằng Hitler là một phần tử Leninist cũng như Stalin là một phần tử Nazi. Cả hai bạo chúa đều biện minh cho việc áp đặt hoàn toàn sự kiểm soát của Nhà Nước bằng cách tuyên bố công khai những mục tiêu xây dựng lại xã hội từ gốc đến ngọn với một khái niệm vừa giáo điều vừa mơ hồ về một trật tự xã hội không tưởng mới. Việc xây dựng này lại chỉ có thể hoàn thành thông qua việc sử dụng trực tiếp quyền lực nhà nước, tiêu diệt các hình thái xã hội truyền thống và loại trừ mọi biểu hiện của các phong trào tự phát xã hội.” [ Trang 7-8 ].
[ Cần nói thêm rằng, tất cả những quan điểm này cũng hoàn toàn tương đồng với những gì học giả Hayek đã chỉ ra trong cuốn “Đường Về Nô Lệ”, xuất bản từ năm 1944 ].
Chế độ cộng sản cho đến năm 1917 chỉ thu hẹp ở một phần của đế chế của Sa Hoàng thì sau đó đã lan qua hầu hết Trung Âu. Trung Quốc đã tuyên bố trung thành với mô hình Xô Viết từ năm 1949. Tiếp đó, chế độ cộng sản xuất hiện ở một nửa nước Triều Tiên năm 1945 và ở một nửa nước Việt Nam năm 1954. Trong vòng một thập kỷ sau khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc, hơn một tỷ người sống dưới chế độ cộng sản… Trong những thập kỷ sau đó, thế giới chứng kiến ở hầu khắp những nơi này, khuynh hướng dựa trên hành động độc tài chuyên quyền của nhà nước để đối phó với tình trạng tồi tệ về kinh tế và xã hội trở nên thắng thế. Trong những năm 1950 và 1960, phần lớn thế giới thứ ba đều hoan nghênh không chút phê phán mô hình Xô Viết, xem nó như là con đường tốt nhất và nhanh nhất dẫn đến hiện đại hóa và công bằng xã hội.
Những nhà lãnh đạo Xô Viết, trong những chuyến đi ra nước ngoài, được tắm mình trong sự nịnh hót và họ thoải mái khuyến cáo một cách vô trách nhiệm, việc làm cách nào tốt nhất để đi đến chủ nghĩa xã hội như những gì mà Liên Xô đã làm.
Tình trạng tương tự như vậy chắc chắn là không thể xảy ra ở những xã hội có truyền thống dân chủ mạnh mẽ. Những quốc gia dân chủ đã luôn tiến hành những cố gắng đặc biệt để nhằm ngăn chặn một sự tập trung quá đáng quyền lực trong tay các cá nhân, cũng như giảm thiểu việc cá nhân hoặc các nhóm lợi ích lạm dụng quyền lực chính trị. Sự tự do lựa chọn của các cá nhân đã luôn được bảo vệ.
Sự mê hoặc đầu tiên được tạo ra bởi những cố gắng phi thường của Liên Xô nhằm xây dựng một xã hội mới trong những năm 1930, lại tăng lên mạnh mẽ với sự kiện Stalin đánh bại Hitler. Những thành tựu của hệ thống Xô Viết cũng như những lời hứa hẹn là đưa thế kỷ XX vào một thời đại được thống trị của chủ nghĩa cộng sản đã trở nên có sức hấp dẫn đặc biệt… Tuy nhiên, chỉ chưa đầy một thế kỷ kể từ sự khởi đầu của nó, chủ nghĩa cộng sản đã trượt dài trên con đường tàn lụi: Những tư tưởng và thực tế gắn bó với chủ nghĩa cộng sản đã hoàn toàn mất uy tín, trong nội bộ chủ nghĩa cộng sản thế giới cũng như bên ngoài nó.
Alexandre Yakovlev. Stanislaw Ciosek. Hồ Khởi Lập / Hu Qili / 胡启立.
Vào cuối những năm 1980, để thúc đẩy nền kinh tế đã hoàn toàn trì trệ của họ lê lết đến chỗ đạt được năng suất cao hơn, và để động viên công nhân của họ có những cố gắng lớn hơn, những nhà lãnh đạo cộng sản ở Liên Xô, Trung Quốc và Đông Âu, đã không thể làm gì, ngoài việc gián tiếp hay trực tiếp thừa nhận sự sai lầm có hệ thống của họ… Theo báo Sự Thật [ Pravda ], Liên Xô ngày 11/8/1988, công nhân Xô Viết được nghe Alexandre Yakovlev, thành viên của Bộ Chính Trị tuyên bố rằng ngày nay “tư tưởng hữu sản phải được đề cao”, “nhận thức về quyền sở hữu là một điều tốt, vì khi người công nhân có lợi ích ở một cái gì đó thì người ta sẽ làm cả việc dời núi, nếu không có lợi ích đó, người ta sẽ thờ ơ”. Ở Ba Lan, một ủy viên bộ chính trị, Stanislaw Ciosek nói rằng: “Không thể cải thiện được đời sống theo một mức độ như nhau đối với mọi người”. “Chắc chắn rằng ai phục vụ nền kinh tế của đất nước tốt thì sẽ được trả công khá hơn”. Ciosek nói thêm: “Đó là những quy luật cứng rắn của kinh tế”. Và chỉ một vài tháng trước đó, ở tận cùng viễn đông của thế giới cộng sản, công nhân Trung Quốc được Hồ Khởi Lập, một ủy viên mới của Bộ Chính Trị mở mắt cho về mặt hệ tư tưởng. Ông ta nói: “Cái gì có lợi cho sự phát triển của lực lượng sản xuất là cần thiết và được chủ nghĩa xã hội cho phép” [ Trang 11 ].
Rõ ràng, cho tới thời điểm nói trên, chủ nghĩa cộng sản đã gần như không thể chối bỏ rằng, họ không thể tồn tại được nếu như không có những “bệ đỡ” tối quan trọng mà chủ nghĩa tư bản đã xây dựng: Quyền tư hữu cá nhân, tự do sáng tạo của các cá nhân, và hệ thống kinh tế thị trường tự do cạnh tranh.. Vào đêm trước thập kỷ cuối cùng của thế kỷ, hầu hết mọi hệ thống cộng sản đều tiến hành cải cách mà trên thực tế là có giá trị tương đương với sự bác bỏ kinh nghiệm Marx-Lenin.
Điều quan trọng nhất là chúng cũng bác bỏ về mặt triết học những tiền đề nguồn gốc của chủ nghĩa cộng sản. Ở khắp mọi nơi trong các nước xã hội chủ nghĩa ngày nay, việc ca tụng Nhà Nước đã dần dần phải nhường chỗ cho việc phục hồi nhân quyền, sáng kiến cá nhân và ngay cả kinh doanh tư nhân. Sự rút lui của chủ nghĩa độc tài toàn trị, sự ưu tiên ngày càng tăng lên đối với quyền con người và sự chuyển sang chủ nghĩa thực dụng kinh tế, đặc biệt là ở khu vực Đông Âu, nơi còn lưu giữ những kết nối lịch sử gần gũi với truyền thống tự do của Phương Tây cổ đại, chính là những biểu hiện tiêu biểu cho một cuộc cách mạng to lớn về thái độ và về triết lý cơ bản đối với cuộc sống của con người.
Nhìn xa hơn, đó chính là một bước ngoặt mà chắc chắn là sẽ đem lại những kết quả có tác động lâu dài. Nó sẽ tạo ra những ảnh hưởng cả về kinh tế và chính trị trên quy mô toàn thế giới. Và càng ngày người ta càng thấy rõ ràng, nó báo trước khả năng là vào ngày đầu tiên của kỷ nguyên mới, học thuyết cộng sản, lần này đã được chứng minh một cách xác thực, rằng nó chỉ còn giữ một tầm quan trọng vô cùng nhỏ bé đối với tương lai của nhân loại trong thế kỷ XXI.
Tuy nhiên, trong xã hội loài người, mọi việc lại cũng sẽ không chỉ kết thúc đơn giản như vậy. Cuộc khủng hoảng cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản hiện đại sẽ đưa đến những câu hỏi về ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA TIẾP THEO, đối với những học thuyết của nó, cũng như những thực tiễn triển khai đã diễn ra trong thế kỷ này.
Mặt khác, việc xem xét một cách nghiêm túc về những học thuyết vĩ đại, mơ hồ, nhưng có sức hút to lớn của chủ nghĩa cộng sản, thứ mà đã đem lại những niềm hy vọng, cũng như những sự thất vọng to lớn, những thất bại khổng lồ, trong cả giới lãnh đạo lẫn dân chúng, và đặc biệt là những tội ác khủng khiếp, tích tụ lại qua nhiều năm tháng, đã làm mất tín nhiệm hoàn toàn một hệ tư tưởng, một phong trào chính trị, là điều vẫn còn cần thiết, và phải làm. Nó có thể dẫn chúng ta đến với một chìa khóa để hiểu biết sâu sắc, khoa học, và có hệ thống… về nhiều vấn đề khác nhau mà có liên quan tới cuộc sống của hàng tỷ con người trong thời kỳ hiện tại, và tương lai…
Cuối cùng, việc phân tích về những mô hình đã được thực nghiệm và đã thất bại của những xã hội cộng sản này liệu có thể được xem như là một cánh cửa dẫn tới con đường cứu vớt [ đối với các quốc gia, với những nhóm người đã, đang, và vẫn còn cảm tình với chế độ cộng sản ] chăng? [ Trang 12 ].
Tác Giả: Từ Liên.
5 thoughts on “Phần 1: Giới thiệu sách: “THẤT BẠI VĨ ĐẠI – Sự Ra Đời Và Cái Chết Của Chủ Nghĩa Cộng Sản Trong Thế Kỷ XX” của Zbigniew Brzeziński. Tác Giả: Từ Liên.”