Trong quá trình tóm tắt cuốn sách, chúng tôi đã gặp bức thư này… Bức thư nằm ở phần cuối trong phần “Những di sản của Stalin“…
GULAG hay “Quần Đảo Ngục Tù” thời Stalin. Tù nhân dưới thời Stalin.
Lý do mà chúng tôi muốn giới thiệu bức thư này, như là một phần riêng biệt… bởi những gì mà nội dung của bức thư đã thể hiện…
Chúng tôi nghĩ rằng, có không ít người, đã từng là tù nhân chính trị trong nhà tù của chế độ cộng sản, đã mãn hạn, và còn có rất nhiều người khác, vẫn còn đang bị giam cầm không biết tới ngày nào, tính cho tới thời kỳ hiện tại.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hơn là, phần lớn những người tù đáng kính này, không phải chỉ có thanh xuân của họ bị hủy hoại, không phải chỉ có cuộc đời của họ bị tàn phá, mà còn có cuộc đời của những người khác, mà những trớ trêu của số phận đã đem họ đến với nhau, và ràng buộc họ lại với nhau theo những cách thức khó chia lìa nhất, nhưng cũng đều bị tan vỡ theo những cách tàn nhẫn khác nhau, theo độ dài của những năm tháng tù đày… Trong số đó có cha mẹ của họ, có những người vợ, và những người con của họ…
Người phụ nữ viết bức thư này, có lẽ cũng giống như bao nhiêu người phụ nữ khác, có người thân phải chịu án tù đày dưới chế độ cộng sản, đã rất dũng cảm và kiên cường. Bà đã đấu tranh nhiều năm không ngừng nghỉ, để tìm kiếm, dù chỉ là một chút công lý cho người chồng của bà… Hành trình tìm kiếm ấy, thật phi thường, và có thể sẽ chạm tới trái tim của nhiều người…
Điều mà người phụ nữ này mong muốn, không phải là những nhà cầm quyền, sẽ bù đắp cho những tù nhân chính trị, những tù nhân lương tâm đã mãn hạn tù, những người đã đánh đổi hầu hết những năm tháng trong cuộc đời để giữ vững niềm tin của họ, bằng những sự giúp đỡ vật chất mà họ lẽ ra đã được hưởng… Quan trọng hơn, bà kêu gọi, những người đang sống trong xã hội vào thời điểm hiện tại, cần phải thức tỉnh, cần phải ý thức về việc mình nên làm gì đó, để giúp đỡ những người mà chúng ta còn đang có thể giúp, trước khi mọi chuyện trở thành quá muộn. Mỗi người nên trang bị cho mình một nhận thức rõ ràng rằng, những việc làm trái pháp luật, phi nhân tính, bóp nghẹt tự do, dân chủ, đi ngược lại với mong muốn của hầu hết thế giới như thế này, sẽ không được phép xảy ra với những thế hệ của tương lai nữa.
Cuối cùng, khi sự phơi bày chủ nghĩa Stalin đã mạnh lên trong năm 1987, báo chí Xô Viết tràn ngập những sự hồi tưởng và hồi ức của các cá nhân. Hồi tưởng sau đây là của một phụ nữ được đăng trên tờ Literaturnaia Gazeta ngày 23/12/1987, tờ báo còn ghi chú là họ đã nhận được khoảng 10.000 bức thư tương tự. Bức thư này chỉ là một trong những điển hình về kinh nghiệm đau đớn của hàng triệu người khác trên khắp nước Nga và khu vực Đông Âu rộng lớn.

Toàn văn bức thư:
“Tôi là một bạn đọc quan tâm đến tờ báo của các đồng chí. Tôi đã thích thú đọc tờ báo trong suốt một thời gian dài. Gần đây, có nhiều điều đã được viết ra từ những câu chuyện đã bị lãng quên. Tôi đọc một số bài và trái tim tôi rỉ máu. Tôi nhớ lại cuộc đời của tôi và của chồng tôi.
Thế hệ chúng tôi sống thời kỳ khó khăn của những năm 30 [ 1930s ], sau đó là những năm chiến tranh, rồi tới những năm khó khăn sau chiến tranh.
Ngày nay, những cái chết của Kirov, Tukhachevskiy, Yakir và những nạn nhân vô tội khác đã được viết ra một cách công khai. Điều đó có thể hiểu được: số phận của những người nổi tiếng thường được dư luận công khai chú ý.
Nhưng nếu như ngay cả những người có danh tiếng như vậy cũng không tồn tại được, thì làm sao chúng ta có thể nói gì về số phận của những con người bình thường.
Chồng tôi, A. I. Bogomolov chính là một người bình thường như thế. Ông bị bắt sau cuộc chiến tranh với Phần Lan, bị kết án tử hình, sau đó giảm xuống 10 năm tù, cộng với 5 năm bị tước mất quyền công dân. Ông đã sống 4 năm trong một trại giam ở miền Bắc trong những điều kiện thật kinh khủng. Rồi ông lại vướng vào một vụ giữ bắt khác, một sự kết tội khác với 15 tháng tù giam của tridsadka ( Tờ báo chú thích là không rõ ý tác giả của bức thư ở chỗ này ) trong một xà lim ngầm. Trong cả hai trường hợp, ông ấy đều đã không chịu ký vào biên bản buộc tội. Ông đã ở trong tù tại miền Bắc, tất cả là 12 năm. Sức khỏe của ông vĩnh viễn bị tàn phá, phổi ông bị đông cứng. Sau khi mãn hạn tù, ông sống ở Syktyvkar.
Tôi gặp chồng tôi sau 42 năm xa cách, lần cuối cùng tôi gặp ông là vào năm 1940, khi tôi ẵm đứa con mới sanh đến thăm ông tại nhà tù chuyển tiếp ở Leningrad. Chúng tôi gặp nhau… Cảm tưởng của tôi thật là kinh khủng, nhưng chúng tôi quyết định không chia tay: cảm giác của tôi lúc đó giống như là “Vậy là người được gọi là VỢ của người đàn ông này đã chết rồi”, “Người được tôi gọi là CHỒNG cũng đã chết”, và rồi con cái chúng tôi cũng đã trưởng thành.
Như vậy là trong 5 năm, tôi đã là bác sĩ, y tá, người nuôi dưỡng, là người bạn của anh ấy [ Chúng tôi như đã không còn là vợ chồng nữa ]. Sức khỏe của chồng tôi hoàn toàn bị tàn phá, ông ấy làm việc cho đến khi ông ấy 74 tuổi. Chúng tôi sống trong căn phòng của tôi ở khu tập thể. Bên cạnh phòng chúng tôi, có một người bị bệnh tâm thần. Có những cuộc cãi nhau ầm ĩ, la hét dữ dội và người đàn bà ở phòng bên cạnh chúng tôi đã sử dụng đến nắm đấm để đánh nhau. Chúng tôi không được nhận một căn hộ riêng. Chúng tôi chỉ có hơn 6 mét cho mỗi người.
Nhưng đây là điều tôi muốn nói với ông. Năm 1955, chồng tôi được “phục hồi” [ danh dự ]. Đây là lần thứ hai, lần thứ nhất ông ấy được phục hồi là năm 1940. Khi tôi theo đuổi vụ kiện, và tòa án quân sự khu vực Leningrad đã xem xét lại trường hợp năm 1940 của chồng tôi. Họ đồng ý hủy bỏ bản án vì “thiếu tội danh phạm pháp rõ ràng”. Sau khi được phục hồi, chồng tôi chỉ được lãnh 270 rúp – tức là 2 tháng lương mà ông đã được hưởng đối với chức vụ của mình trước khi xảy ra cuộc chiến tranh với Phần Lan.
Sau 12 năm ở các trại trên miền Bắc, sau các cuộc tra khảo, và công việc kiệt sức ở các hầm mỏ và khu khai thác gỗ, tất cả được trả bằng 270 rúp! Bất cứ lần nào tôi khiếu nại cũng được trả lời rằng họ đã làm điều đó theo luật của năm 1955.
Những quyền lợi của chồng tôi với tư cách một người đã tham gia chiến tranh chỉ được trả lại sau lần phục hồi vừa qua. Hiện nay, ông là thương binh loại 1, bị mù mắt. Tôi đọc cho ông nghe những bài báo và ông ấy khóc. Ông được trợ cấp hưu trí là 113 rúp, trong đó có 15 rúp được cấp cho loại thương binh “được nuôi dưỡng”.
Nhưng tôi đã viết và tôi sẽ còn viết cho các cơ quan chính quyền, vì tôi nghĩ rằng tất cả những cái đó là bất công. Chừng nào tôi còn sống và còn sức khỏe, tôi sẽ còn viết về những người như chồng tôi, đã không được hưởng sự đền bù gì, dù là rất ít, cho tất cả những đau khổ của họ. Họ đã không làm hại gì cho đất nước, nhưng cuộc sống của họ đã bị phá hủy, cuộc sống của gia đình họ đã bị tan vỡ, họ đã bị tước mất sự kính trọng của xã hội, và họ đã không được có quyền chiến đấu, không thể trở thành những thương binh được kính trọng, hoặc những cựu chiến binh đáng tự hào, để được nhận những lời chúc tụng trong những ngày lễ hội kỷ niệm.
Tôi không yêu cầu các đồng chí giúp tôi có được căn hộ. Chúng tôi là những người đã già, và ngay cả khi đồng chí giúp chúng tôi có căn hộ riêng thì cũng là quá muộn đối với chúng tôi. Chồng tôi đã 82 tuổi, gần đây ông ấy hay phải chịu đựng những cơn đau bất thình lình ập đến.
Nhưng tôi yêu cầu đồng chí giúp đỡ tất cả những người vô tội đã đau khổ và đã không thể tự bảo vệ được mình khi họ ‘không được kháng án’.
Ngày nay, người ta đưa lên trên đài phát thanh bài thơ của Tvardovsky ‘Quyền Tưởng Niệm’ [ Right of Rememberance / Right of Memory ]. Tôi nghe mà bàng hoàng, và những dòng nước mắt cũng tuôn ra từ đôi mắt mù lòa của chồng tôi. Trong suốt cuộc đời, ông ấy bao giờ cũng là một công nhân, một đoàn viên thanh niên cộng sản, ông làm việc ở Kuznetskroy, vùng Balkhsh, và bàn tay luôn luôn chai sạn. Ngày nay, tất nhiên ông ấy không thể làm được gì nữa, nhưng ông nhận thức được thời đại mới đã đến và ông tin rằng đó mới chính là một thời đại cách mạng thật sự. Ngày nay, có nhiều điều đã đổi thay, và sẽ là bất công nếu những người đã phải chịu đựng những đau khổ khủng khiếp như vậy lại không còn nữa, trong khi lại có sự quan tâm lớn đến những chiến sĩ lão thành trong chiến tranh và lao động.
Tại sao không xem xét lại đạo luật năm 1955? Tại sao những người đã phải đau khổ vì bị lăng nhục và phải chịu đựng vô số những đau buồn lại không được hưởng bất cứ một sự bù đắp nào, vật chất hoặc tinh thần?
Phải chăng họ đáng trách vì trên thực tế họ đã không có cách nào để tìm kiếm được những bù đắp đó? Tôi yêu cầu đồng chí giúp đỡ tôi và những người còn cần được giúp đỡ.
Ngay cả trong thời kỳ hiện nay, thỉnh thoảng đồng chí lại vẫn nghe thấy người dân nói đến người này hoặc người kia đã là kẻ thù của nhân dân, và đâu có phải là điều vô cớ mà họ lại phải đứng sau những chấn song sắt của nhà tù. Vấn đề ở đây không phải là tiền bồi thường. Vấn đề là xã hội phải có ý thức về bổn phận đối với những người đó…”
Valentina Zinovievna Gromova, Leningrad…
Tác Giả: Từ Liên.
5 thoughts on “Phần 2: Thư của Vợ Tù Nhân Oan: “THẤT BẠI VĨ ĐẠI – Sự Ra Đời Và Cái Chết Của Chủ Nghĩa Cộng Sản Trong Thế Kỷ XX”. Tác Giả: Từ Liên.”