Phần 3: Giới thiệu sách: “THẤT BẠI VĨ ĐẠI – Sự Ra Đời Và Cái Chết Của Chủ Nghĩa Cộng Sản Trong Thế Kỷ XX” của Zbigniew Brzeziński. Tác Giả: Từ Liên.

“Định nghĩa khoa học về chuyên chính là: Một quyền lực không bị hạn chế bởi bất cứ pháp luật nào, không bị ràng buộc bởi bất cứ quy tắc nào và trực tiếp dựa vào sức mạnh”.

Nguyên nhân đẩy nhanh sự hấp hối của chủ nghĩa cộng sản là sự thất bại của kinh nghiệm Liên Xô. Thật vậy, khi chúng ta tiến gần đến cuối thế kỷ XX, hình như càng ngày càng khó mà thuyết phục mọi người tin rằng mô hình Xô Viết đã một thời được xem là hấp dẫn và đáng được noi theo. Đây chính là thước đo cho biết kinh nghiệm của Liên Xô đã xuống thấp đến mức nào trong thiện cảm của công chúng ở nhiều nơi trên thế giới. Do đó, một câu hỏi thích hợp được đặt ra là: VẬY THÌ CÓ CÁI GÌ ĐÃ KHÔNG ĐÚNG VÀ TẠI SAO?

Điều này có lẽ sẽ được suy xét thỏa đáng hơn, khi chúng ta có thể tóm tắt một cách ngắn gọn toàn bộ chiều dài con đường lịch sử của kinh nghiệm Marxist ở nước Nga. Quả là một sự phát triển kỳ lạ khi một học thuyết của Tây Âu, do một trí thức Do Thái Đức lưu vong ( Karl Marx ) đã xây dựng nhờ vào những kiến thức thu thập được trong các thư viện của nước Anh, rồi lại được cấy ghép vào cái truyền thống chuyên chế gần như Đông phương của một đế quốc nửa Âu nửa Á [ Nước Nga ], vẫn còn trong thời kỳ lạc hậu, bởi một nhà cách mạng Nga làm nghề viết sách là Lenin. Có lẽ Lenin đã trở thành “bà đỡ của lịch sử” không những của nước Nga mà của một phần lớn thế giới nữa, theo cái cách có thể chính ông ta cũng không ngờ trước đó.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, vào lúc diễn ra cuộc cách mạng Nga, chủ nghĩa Marx đã không còn là lý thuyết của một thủ thư tầm thường. Nó đã là một phong trào chính trị xã hội có tầm quan trọng ở Châu Âu, và có một diện mạo chính trị cụ thể. Nó được thể hiện như là một sự dấn thân vào xã hội, mà thường được những người theo chủ nghĩa Marxist gọi một cách mĩ miều là “Xã hội dân chủ”. Chủ nghĩa xã hội, đã được khéo léo và mập mờ, được nhập vào khái niệm “xã hội dân chủ”, và từ đó chủ nghĩa Marx [ hiểu theo nghĩa chung nhất ] như vậy, đã được phương Tây xem chủ yếu là mang tinh thần dân chủ.

Mặt khác, vào thời điểm Thế Chiến Thứ Nhất, đã có một chi nhánh Marxist nhỏ hơn tích cực đề cao quan niệm về một “cuộc cách mạng bạo lực nhằm dẫn tới sự áp đặt chuyên chính vô sản”. Những ai lo sợ sự nổi lên của chủ nghĩa xã hội dưới bất cứ chiêu bài nào đều run sợ khi nhớ lại những sự kiện đẫm máu của Công xã Paris năm 1871. Đối với nhiều người, từ “cộng sản” đã được xem là ĐỐI LẬP với từ “dân chủ”. Sự sụp đổ của chế độ Sa Hoàng như vậy là đã gợi lên những phản ứng trái chiều ở phương Tây đi từ phấn khởi hy vọng đầu tiên về nền dân chủ đến sự lo sợ lường trước về một nền độc tài cộng sản.

Kiev Thời Báo: Trong vùng Donetsk do nhóm ly khai chiếm, tượng của Lenin bị giật xuống.
Kiev Thời Báo: Trong vùng Donetsk do nhóm ly khai chiếm, tượng của Lenin bị giật xuống.

DI SẢN LENIN

Những gì đã diễn ra ở nước Nga sau cuộc cách mạng Bolshevik không làm cho những ai đã đọc kỹ Vladimir Ilyich Lenin phải ngạc nhiên. Nhà lãnh đạo Bolshevik của phái triệt để nhất trong số những người Marxist Nga đã không giấu giếm gì về những ý định của ông ta. Hết bài bút chiến này đến bài bút chiến khác, hết bài diễn văn này đến bài diễn văn khác, ông khinh miệt thẳng thừng những người bạn Marxist tán thành quá trình dân chủ. Ông nói không úp mở là theo ông, nước Nga chưa chín muồi cho một nền dân chủ xã hội và chủ nghĩa xã hội sẽ được xây dựng ở nước Nga “từ bên trên”, bởi chuyên chính vô sản [ Trang 17 ]. [ Theo các cơ quan tuyên truyền của Việt Nam: chuyên chính vô sản là một lý thuyết của chủ nghĩa Marx và là một bộ phận quan trọng của chủ nghĩa cộng sản khoa học, theo đó, nó chỉ việc giai cấp công nhân sẽ là giai cấp nắm quyền lực nhà nước và sử dụng quyền lực nhà nước để trấn áp, tiêu diệt giai cấp tư sản, các phần tử thù địch, chống lại nhân dân, để tiến hành xây dựng một xã hội không giai cấp. Tiếng Anh của cụm từ này là: dictatorship of the proletariat, có thể hiểu là Chế độ độc tài toàn trị của giai cấp vô sản ].

Sự “chuyên chính” đó, đến lượt nó phải được thực hiện bởi giai cấp vô sản, nhưng điều này đã không xảy ra trên thực tế, mà chỉ có trên danh nghĩa. Theo Lenin, giai cấp cầm quyền mới này cũng chưa sẵn sàng về mặt chính trị để cầm quyền cũng như bản thân nước Nga chưa chín muồi về mặt lịch sử cho chủ nghĩa xã hội được thực thi. Như vậy, nền chuyên chính mới yêu cầu phải có một đại diện có ý thức về mục đích và về mặt lịch sử để hành động nhân danh giai cấp vô sản. Cụ thể là, do những điều kiện lạc hậu của nước Nga, cả xã hội, cũng như cả giai cấp công nhân công nghiệp tương đối ốm yếu đều được xem là chưa sẵn sàng cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lịch sử do đó được đẩy nhanh bởi một đảng “tiền phong” của những người cách mạng được tổ chức thành đội ngũ đại diện cho những người “đã hiểu biết chắc chắn sứ mệnh lịch sử là gì” và được chuẩn bị trở thành những người tự nguyện bảo vệ sứ mệnh lịch sử đó. Khái niệm của Lenin về đảng tiền phong là câu trả lời “sáng tạo” cho những vấn đề tiến thoái lưỡng nan về một học thuyết chưa vững vàng ở nước Nga. Nhưng, mặt khác, nó cũng cho người ta thấy rằng, vậy là ngay từ buổi đầu của chủ nghĩa xã hội, những người nhân danh lãnh đạo đảng “tiền phong” đã lợi dụng sự hiểu biết non nớt của giai cấp công nhân vừa mới ra đời, ngập tràn bất mãn, và nhiệt thành với những khát vọng về một xã hội phi giai cấp. Một mặt những người này cho rằng, giai cấp công nhân là những người có những động cơ hợp lý nhất để lật đổ giai cấp tư sản đang thống trị họ, nhưng mặt khác, những người lãnh đạo đảng này lại coi công nhân là những người “chưa sẵn sàng về mặt chính trị để có thể nắm quyền”. Cuối cùng là họ, sử dụng những người công nhân này làm bàn đạp cho những tham vọng chính trị của họ, họ dùng sự yếu ớt, thiếu hiểu biết của giai cấp công nhân để biện minh cho việc nhảy lên vũ đài chính trị và nắm quyền thống trị toàn dân, xây dựng nhà nước theo những nguyên lý phi khoa học của họ… và do đó, việc viện dẫn đến tên gọi của chủ nghĩa xã hội trong mối quan hệ giữa Lenin và những người theo ông ta là điều cần được đặt câu hỏi nghi ngờ.

Lenin và những người ủng hộ ông tự xem mình là những người Marxist, những người tiến trên con đường trước hết là đi tới chủ nghĩa xã hội, sau đó là chủ nghĩa cộng sản, và, trong chừng mực nào đó, những người cầm quyền Bolshevik đã tự đồng nhất họ và ý chí chủ quan của họ với học thuyết “chủ nghĩa xã hội”. Sự đồng nhất đó, dù là có phần thực tế, hoặc chỉ là chiến thuật của họ, thì có điều chắc chắn là cơ hội cho những người đề xuất học thuyết này. Nó thu hút trí tưởng tượng của nhiều người ở phương Tây vẫn hy vọng vào thắng lợi của chủ nghĩa xã hội dân chủ [ Democratic socialism: Chủ chương cải tổ xã hội thông qua những cuộc cải tổ hòa bình, không dùng tới một hình thức bạo lực cách mạng nào, mục đích là đạt đến xã hội có nền chính trị dân chủ đi kèm với quyền sở hữu xã hội đối với các phương tiện sản xuất, nó cũng nhấn mạnh khả năng tự quản lý của người lao động và các mô hình quản lý theo hình thức dân chủ của các tổ chức kinh tế trong một nền kinh tế thị trường ]. Mặc dù màn kịch này còn có nhiều chỗ vụng về, nhưng ngôi sao đỏ trên điện Kremlin, xem ra vẫn tiêu biểu cho buổi bình minh của chủ nghĩa xã hội, ngay cả trong hình thức không hoàn hảo ban đầu của nó.

Thời đại Lenin được đánh dấu bằng việc, ngay từ đầu nó đã bắt tay xóa bỏ tàn bạo mọi chống đối, thời đại này ( còn được kéo dài thêm vài năm sau khi Lenin mất năm 1924 ) đã chứng kiến một sự thử nghiệm lớn về xã hội và văn hóa. Sự năng động về trí tuệ diễn ra song song với các kế hoạch kinh tế – xã hội to lớn của Lenin, nó cũng bao trùm luôn cả các lĩnh vực nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa, và xét một cách chung hơn là trong đời sống trí tuệ, nét nổi bật là sự cách tân, tạo những tín ngưỡng mới, và mở ra những chân trời khoa học mới. Chính sách kinh tế mới ( New Economic Policy hay NEP ) nổi tiếng mà về thực chất là dựa trên cơ chế thị trường và sáng kiến cá nhân nhằm kích thích khôi phục nền kinh tế là một hành động thích ứng với lịch sử, hoãn lại việc xây dựng tức khắc chủ nghĩa xã hội bởi nền chuyên chính vô sản mới. Nhưng, ngay cả điều này, trong thực tế đã có sự lý tưởng hóa quá mức quá khứ của nước Nga những năm 1920, phần lớn những nguyên nhân dẫn đến thái độ này là do phản ứng lại lịch sử khắc nghiệt dưới thời Stalin sau đó.

Quan trọng hơn, có một sự lừa dối khủng khiếp bao trùm trong hiện tượng “đổi mới xã hội và văn hóa” thể hiện nổi bật trên bề mặt cuộc sống ở Moskva, Leningrad và một vài thành phố lớn khác. Nói cách khác, quá trình đổi mới này cũng chính là quá trình củng cố chế độ một đảng lãnh đạo mới trên quy mô toàn quốc, sự thể chế hóa bạo lực trên quy mô lớn, sự áp đặt một học thuyết còn đang mơ hồ thành học thuyết chính thống, và sự duy trì việc sử dụng những phương tiện chính trị theo những cách thức tàn bạo nhất. Hai nét nổi bật nhất trong cái di sản tai hại của Lenin là tập trung quyền lực chính trị chỉ vào tay một số người và hành động dựa trên khủng bố [ Trang 19 ]. Cái thứ nhất là kết quả của sự tập trung mọi quyền lực chính trị vào một nhóm đảng viên tiên phong ngày càng bị quan liêu hóa nhằm kiểm soát toàn bộ cơ cấu xã hội, tức là một hệ thống kiểm soát chính trị chặt chẽ có cấp bậc từ trên xuống dưới đối với mọi chức vụ. Sự sẵn sàng sử dụng khủng bố đối với những người chống đối có thật, hoặc tưởng tượng bao gồm cả sự cố ý tạo ra những màn kịch để quy cho những người khác vào việc “phạm tội tập thể” của Lenin nhằm bào chữa cho việc đàn áp xã hội trên quy mô lớn; những cái đó làm cho bạo lực có tổ chức trở thành những phương tiện phổ biến và hợp pháp để giải quyết trước hết là các vấn đề chính trị, rồi đến kinh tế và cuối cùng là những vấn đề xã hội hoặc văn hóa. Sự dựa vào khủng bố cũng thúc đẩy sự cộng sinh nhanh chóng giữa đảng cầm quyền và lực lượng công an mật vụ ( mà Lenin đã thành lập gần như tức thời sau khi cầm quyền ).

Viktor Mikhailovich Chebrikov.
Viktor Mikhailovich Chebrikov – Giám Đốc KGB trong sáu ( 6 ) năm.

Không phải ngẫu nhiên mà hơn 60 năm sau khi Lenin mất, Viktor M. Chebrikov, người cầm đầu bộ máy công an mật của Liên Xô, trong bài phát biểu Tháng Chín, 1987, đã viện dẫn Lenin để bào chữa cho sự khủng bố nông dân Nga bằng cách kết tội họ rằng “bọn Kulak [ nông dân tự do hữu sản ở Nga ] đã rất khinh miệt chính quyền Xô Viết và chuẩn bị bóp chết, giết hại hàng trăm nghìn công nhân” [ Trang 19 ]. Cả trước và sau khi nắm chính quyền, Lenin và những người theo ông, đã nghĩ ra nhiều cách thức phong phú để biện hộ cho việc sử dụng bạo lực và khủng bố hàng loạt nhằm đạt tới mục đích. Từ năm 1901, ông ta nói: “Về nguyên tắc, chúng ta chưa bao giờ từ bỏ khủng bố và không thể từ bỏ nó”.

Ngay sau khi nắm chính quyền, Lenin đã không lãng phí thời gian trong việc biến những quan điểm của ông thành sự thực. Trước đó từ lâu, ông ta dựa vào việc sử dụng bừa bãi bạo lực không những để khủng bố toàn thể xã hội mà còn để loại trừ những phiền hà nhỏ nhất mà chính quyền của ông gặp phải, chính tệ nạn quan liêu mà đảng của ông tạo ra.

Khi sắp nổ ra cuộc cách mạng Bolshevik, Lenin viết trong tác phẩm “Nhà Nước và Cách Mạng” rằng khi ông ta gọi là dân chủ thì từ đó có nghĩa là “việc sử dụng sức mạnh có hệ thống của một giai cấp này chống lại giai cấp khác, của một bộ phận nhân dân này chống lại một bộ phận nhân dân khác”. Ông ta tuyên bố công khai “Định nghĩa khoa học về chuyên chính là: Một quyền lực không bị hạn chế bởi bất cứ pháp luật nào, không bị ràng buộc bởi bất cứ quy tắc nào và trực tiếp dựa vào sức mạnh”.

Trong một sắc lệnh ban hành Tháng Giêng, 1918 nhằm tìm cách xác định một chính sách đối xử với những người chống lại chính quyền Xô Viết, chế độ của Lenin kêu gọi các cơ quan nhà nước “Làm sạch đất nước Nga bằng cách diệt trừ các sâu bọ độc hại”.

Alexander Kerensky.
Alexander Fyodorovich Kerensky là Thủ Tướng của Chính Phủ Lâm Thời Nga La Tư từ Tháng Ba đến Tháng Mười, năm 1917.

Bản thân Lenin thúc giục những người lãnh đạo đảng ở một quận tiến hành “Một cuộc khủng bố rộng lớn tàn nhẫn chống bọn Kulak, thầy tu và Bạch Vệ” và “giam giữ mọi phần tử khả nghi trong một trại tập trung ở ngoài thành phố” [ Bạch Vệ Nga: Belaya Armiya, là tập hợp các chính trị gia đối lập với Lenin phải lưu vong ở nước ngoài sau cách mạng Tháng Mười 1917. Ở đó, họ đã lập nên chính phủ lưu vong do Alexander Kerensky đứng đầu. Bạch Vệ là tên gọi chung của các lực lượng chính trị và quân sự khác nhau, theo các khuynh hướng chính trị khác nhau, lực lượng này chống lại những người Bolshevik và Hồng Quân trong Nội Chiến Nga từ năm 1917 đến năm 1923 ] Lenin không tha thứ bất cứ sự chống đối chính trị nào. Ông lập luận rằng “việc tranh luận bằng súng đạn tốt hơn nhiều so với tranh luận với những luận điểm chống đối.” [ Trang 20 ].

Khủng bố hàng loạt như vậy sớm trở thành phương sách hành chính để giải quyết mọi vấn đề. Đối với những công nhân lười biếng, Lenin chủ trương “bắn ngay tại chỗ một trong số mười người phạm tội chây lười”. Đối với những công nhân ngang ngạnh, ông ta nói: “Những kẻ phá rối kỷ luật đó phải bị bắn”. Đối với một việc liên lạc viên trực điện thoại không tốt, ông ta chỉ thị cho Stalin: “Đe dọa bắn tên ngu xuẩn có trách nhiệm về liên lạc điện thoại mà không biết làm thế nào để cho anh một máy khuếch đại tốt hơn và không biết chắp nối một cuộc liên lạc điện thoại”. Đối với bất cứ sự không tuân lệnh nào, dù là nhỏ, trong đám nông dân, chế độ của Lenin ra nghị quyết là “phải bắt con tin trong nông dân để nếu như tuyết không được cào sạch, họ sẽ bị bắn.” [ Trang 20 ].

Cách nhìn hoang tưởng đó đã sản sinh ra một chế độ cai trị hầu như tách hẳn ra ngoài đời sống dân sự thường tình của xã hội, nó chỉ còn là một sự câu kết giữa các thành phần trong chính quyền độc tài khủng bố. Tuy nhiên, điều điên rồ nhất là cái hệ thống chính trị đó của Lenin đã ở vào tư thế sẵn sàng về tâm lý và chính trị cho một cuộc đối đầu toàn diện với xã hội để thực hiện những tham vọng cũng điên rồ của họ. Những người cầm quyền mới chỉ có thể tự biện hộ về mặt lịch sử bằng cách tấn công trực diện vào xã hội, giết chết, xóa bỏ, thủ tiêu hoàn toàn những cái cũ, nhằm tái tạo nó theo hình ảnh của hệ thống chính trị mới mà bản thân họ là đại diện. Một hệ thống chính trị kiểu Lenin dĩ nhiên, không thể chung sống mãi với một xã hội vốn đa dạng về mặt con người cũng như xã hội có đời sống sống động. Một cuộc chung sống như thế hoặc là sẽ làm mục ruỗng chế độ chính trị, hoặc là sẽ thúc đẩy một số đụng độ giữa hai bên.

Mikhail Sergeyevich Gorbachev.
Mikhail Sergeyevich Gorbachev Lãnh đạo tối cao Thứ Tám và Cuối Cùng của Liên Bang Sô Viết.

Giải pháp duy nhất của Lenin là sáng lập ra một đảng tối cao được phú cho quyền lực nhằm thúc đẩy sự tiêu vong không phải của nhà nước mà là của toàn xã hội, đảng của ông ta được xem như một thực thể tự trị – xã hội. Phương châm hoạt động của nó là: Toàn bộ Xã hội phải bị chà đạp thảm khốc nếu nó không chịu hợp tác với Đảng, không tự làm mình bị hòa tan đi cùng với đảng, và tiếp nhận sự thống trị chính trị toàn diện của quyền lực cộng sản. Logic của Lenin và Đảng của ông ta chính là: để hoàn thành việc làm tan rã hoàn toàn những quan hệ xã hội truyền thống, thì sự tập trung quyền lực của nhà nước phải được đề cao, nhằm biến nhà nước thành công cụ thi hành sứ mạng lịch sử. Nhiều thập kỷ sau, năm 1987 trong những cuộc thảo luận do Gorbachev đưa ra trong cải tổ, một trí thức Xô Viết giữ vai trò lãnh đạo đã công khai đặt câu hỏi: “Có phải Stalin đã tạo ra hệ thống của ông ta hay là chính hệ thống đã tạo ra Stalin?Nhưng nếu là chế độ đã sinh ra Stalin, như câu hỏi ngụ ý, vậy thì chế độ đó là của ai? Đó là Lenin đã tạo ra chế độ và chế độ đó đã tạo ra Stalin và rồi sau đó Stalin lại tạo ra chế độ làm cho những tội ác của Stalin có thể diễn ra.

Hơn nữa, không những Lenin chỉ “tạo ra” kẻ sát nhân khủng khiếp Stalin, mà chủ nghĩa giáo điều về tư tưởng của Lenin và sự không khoan dung chính trị của ông ta đã ngăn cản, ở một mức độ rộng lớn, mọi khả năng sáng tạo khác có thể xuất hiện. Về thực chất, di sản kéo dài của chủ nghĩa Lenin là chủ nghĩa Stalin, và đó là sự lên án lịch sử mạnh mẽ nhất về vai trò của Lenin trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga.

Tác Giả: Từ Liên.

5 thoughts on “Phần 3: Giới thiệu sách: “THẤT BẠI VĨ ĐẠI – Sự Ra Đời Và Cái Chết Của Chủ Nghĩa Cộng Sản Trong Thế Kỷ XX” của Zbigniew Brzeziński. Tác Giả: Từ Liên.”

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: