Phần 4: Giới thiệu sách: “THẤT BẠI VĨ ĐẠI – Sự Ra Đời Và Cái Chết Của Chủ Nghĩa Cộng Sản Trong Thế Kỷ XX” của Zbigniew Brzeziński. Tác Giả: Từ Liên.

Chính dưới thời Stalin, việc đề cao nhà nước và việc sử dụng bạo lực nhà nước như một công cụ xây dựng lại chủ nghĩa xã hội đã đạt tới tột đỉnh.

THẢM HỌA CỦA STALIN

Thiên tài của Stalin là ông ta có thể hiểu sâu sắc ý nghĩa di sản của Lenin.

Đối thủ chính của ông ta, Leon Trotsky đã phạm sai lầm cơ bản là tấn công vào những điểm yếu kém đã bắt đầu lan tràn ở Liên Xô từ những năm 1920, cũng như dám tấn công trực diện vào con người Stalin.

Lev Davidovich Trotsky.
Lev Davidovich Trotsky tên được biết đến là Leon Trotsky.

[ Lev Davidovich Trotsky là một trong những lãnh đạo của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, với vị trí chỉ đứng sau Lenin. Ông cũng là một trong những thành viên đầu tiên của Bộ Chính Trị. Sau khi lãnh đạo một cuộc đấu tranh thất bại của Cánh Tả Đối Lập chống lại các chính sách, sự quan liêu, và sự thăng tiến của Joseph Stalin trong thập niên 1920, Trotsky bị khai trừ khỏi Đảng Cộng Sản và bị trục xuất khỏi Liên Xô, cuối cùng bị ám sát tại Mexico bởi một người được cho là điệp viên của Liên Xô. Các ý tưởng của Trotsky vẫn thuộc trường phái Marxist chính thống dù nó đối lập với các lý thuyết của Chủ nghĩa Stalin ].

Sự chống đối này của Trotsky đã làm tổn thương đến bản năng tự vệ của tầng lớp quan chức quan liêu trong đảng, những kẻ không sẵn sàng hy sinh tất cả quyền lợi của họ cho bất kỳ một cuộc cách mạng nào có thể dẫn tới sự thay đổi trật tự xã hội mà họ đang là những người được hưởng lợi.

Trái lại, Stalin lại biết khai thác thứ bản năng này của các quan chức cộng sản, ông ta liền phát động một cuộc cách mạng trong nước nhằm ngăn chặn nguy cơ nhìn thấy chế độ cộng sản đã bắt đầu có dấu hiệu chết chìm, do tính sống động của xã hội không ngừng tăng lên. Như vậy là, ông ta đã thỏa mãn nhiệt tình tư tưởng của họ, đồng thời cũng đáp ứng được lợi ích của bản thân họ.

Cuộc cách mạng của Stalin đưa ra một mệnh đề then chốt, “Chủ nghĩa xã hội trong một nước” [ Socialism in one country ], sau này đã trở thành học thuyết Stalin, nhằm thực hiện một sự tàn phá mang tính hủy diệt xã hội chưa từng thấy, nhờ một bộ máy nhà nước khủng bố tập trung cao độ. Một nhóm lãnh đạo có những âm mưu và tư tưởng đen tối [ theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, vì họ làm việc vào ban đêm đầy bí mật, trong một số phòng ở điện Kremlin ], tự đảm nhận nhiệm vụ mà họ gọi là “xây dựng lại xã hội“, tiêu diệt phần lớn giai cấp nông dân và giai cấp trung lưu, cưỡng bức di dân hàng triệu người, và nhờ vào quá trình đó, họ đã mở rộng phạm vi quyền lực của nhà nước đến một mức độ xưa nay chưa có nơi nào trên thế giới này so sánh nổi.

Chủ nghĩa xã hội trong một nước” do đó có nghĩa là “MỘT QUỐC GIA HOÀN TOÀN PHỤ THUỘC VÀO QUYỀN LỰC CỦA MỘT NHÀ NƯỚC / MỘT ĐẢNG TỐI CAO”.

Chính dưới thời Stalin, việc đề cao nhà nước và việc sử dụng bạo lực nhà nước như một công cụ xây dựng lại chủ nghĩa xã hội đã đạt tới tột đỉnh.

Mọi hoạt động của xã hội và người dân đều phụ thuộc vào một cá nhân độc tài và nhà nước mà ông ta là người chỉ huy. Được tán dương trong thơ ca, hoan hô trong âm nhạc, được tôn sùng với hàng nghìn những bức tượng, Stalin có mặt khắp nơi, và ông ta đã thống trị mọi điều. Là một người bạo ngược chuyên quyền ít có đối thủ nào có thể sánh ngang trong lịch sử, Stalin đã thực hiện quyền lực của mình thông qua một cơ cấu nhà nước đầy uy quyền và phức tạp, cả hai mặt quan liêu hóa và thể chế hóa đều ở mức độ cao. Toàn bộ xã hội bị đảo lộn theo mục đích của Stalin, bộ máy nhà nước vụt lớn lên về địa vị, về giàu có, về quyền lực và đặc quyền.

Cái tháp của quyền lực được đặt trên cơ sở một chế độ khủng bố mà không bảo đảm an ninh cho bất cứ ai, kể cả những người đồng chí thân cận nhất của Stalin. Không ai có thể tránh khỏi tính khí thất thường của Stalin. Một ủy viên bộ chính trị được Stalin sủng ái một ngày nào đó đều có thể trở thành nạn nhân của một vụ xét xử và bị bắn vào một ngày khác. Và đó là số phận của N. A. Voznesensky, vốn được nhiều người xem như là được Stalin chuẩn bị cho giữ chức vụ cao nhất trong chính phủ” [ Trang 23 ].

Nikolai Alekseevich Voznesensky.
Nikolai Alekseevich Voznesensky.

Trong khi đó, đối với những người luôn bày tỏ lòng trung thành hoàn toàn với Stalin, đồng lõa hăng hái vào những tội ác của Stalin… cũng ít có cơ hội tránh khỏi nạn bị khủng bố hoặc bị sỉ nhục vào bất cứ lúc nào. V. Molotov và M. I. Kalinin, cả hai đều tham gia vào việc lập danh sách các đồng chí của mình để đem đi giết, đã tham dự vào những cuộc họp bàn tròn của bộ chính trị, trong khi đó thì vợ của họ bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức theo lệnh của Stalin.

Như vậy là, quyền lực tối cao đối với sự sống và cái chết ở nhà nước Xô Viết, trong khoảng một phần tư thế kỷ, đã được đặt trong tay một nhóm nhỏ những kẻ đầy âm mưu và hết sức tàn nhẫn. Đối với đám người này, việc buộc tội chết cho hàng nghìn, hàng vạn con người, những người vô tội bị gán cho cái tội hết sức mơ hồ là “kẻ thù của nhân dân”, chỉ có ý nghĩa như là một hành động quan liêu nhỏ bé. Dù cho một ngày nào đó, những kho lưu trữ Xô Viết hoàn toàn được mở ra ( tờ tạp chí chống đối Glasnost ở Moskva, Tháng Tám, 1987 cho biết là để che đậy quá khứ, cơ quan an ninh KGB đã hủy hồ sơ các nạn nhân từ những năm 1930 đến những năm 1940 với tỷ lệ 5.000 hồ sơ mỗi tháng ), thì người ta vẫn sẽ không bao giờ biết hoàn toàn quy mô những vụ diệt chủng trên quy mô khủng khiếp của Stalin.

Hình thức tàn sát trực tiếp bằng cách giết chết ngay lập tức hoặc bằng cái chết kéo dài, ĐÓ LÀ SỐ PHẬN CỦA TẤT CẢ CÁC LOẠI NGƯỜI TRONG SỐ NHÂN DÂN CỦA HỌ, KHÔNG TRỪ MỘT AI: Những đối thủ chính trị, những đối thủ về hệ tư tưởng, những đảng viên bị nghi ngờ về lòng trung thành, những sĩ quan quân đội bị buộc tội, những nông dân tự do Kulak, những thành viên của các giai cấp đã bị hạ bệ [ chủ yếu là tư sản, địa chủ, trí thức ], những quý tộc trước đây, những nhóm dân tộc bị nghi ngờ là không thần phục Đảng, những nhóm dân tộc bị xem là chống đối, những người truyền giáo cũng như những người có lòng sùng đạo, và đến cả họ hàng, ( và trong nhiều trường hợp ) còn gồm toàn thể gia đình của những nạn nhân kể trên [ Trang 23 ].

Thật không lời nào nói được quy mô toàn bộ sự đau khổ của cá nhân và tập thể con người mà Stalin đã gây nên – nhân danh chủ nghĩa xã hội, hàng triệu gia đình nông dân đã bị đi đày với những điều kiện thiếu thốn cổ xưa nhất, và đối những người vẫn còn sống sót khi di cư đến vùng Siberia khắc nghiệt, xa xôi.

Stalin cũng phải chịu trách nhiệm về nạn chết đói của hàng triệu nông dân Ukraina trong nạn đói lớn đầu những năm 1930, những nạn đói đã được khai thác một cách cố ý, để đẩy nhanh quá trình tập thể hóa, và ở một góc độ khác, nạn đói đó đã được sinh ra do chính bản thân công cuộc tập thể hóa tàn bạo được khởi xướng trước đó.

Qua những cuộc thanh trừng, bản thân Đảng cũng bị tiêu hao nhiều: phần lớn những người lãnh đạo cấp cao bị giết và gia đình họ bị khủng bố tàn bạo. Những vụ bắt bớ và giết hại hủy hoại toàn bộ xã hội Xô Viết và lên tới hàng triệu người [ Đảng viên ].

Theo những số liệu của chính Liên Xô công bố, chỉ riêng trong khu vực quân sự, ít nhất là 37.000 sĩ quan lục quân và 3.000 sĩ quan hải quân đã bị bắn trong những năm 1937-1938, nhiều hơn con số người thực tế đã hy sinh trong hai năm đầu của cuộc chiến tranh Xô-Đức.

Các trại tập trung Gulag cứ phình lên dưới thời Stalin. Những vụ bắt bớ cá nhân và từng nhóm là chuyện xảy ra ồ ạt và liên tục. Có những nhóm dân tộc mà toàn bộ người của họ đã trở thành mục tiêu cho những cuộc diệt chủng: Ngay trước khi nổ ra cuộc chiến tranh năm 1939, toàn thể nhân dân Ba Lan sống ở Liên Xô trong vùng biên giới Liên Xô – Ba Lan, đông tới hàng chục vạn người, đột nhiên biến mất, chỉ còn lại phụ nữ và trẻ em được di cư đến Kazakhstan. Đàn ông đã chết hết. Trong những giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, những người Tatar ở Crimea, và những người Chechen-Ingush ở miền bắc Caucasus đông tới hàng chục vạn người đã bị “nhổ bật” khỏi những nơi đó, và bị đưa đi đày đến Siberia.

Bản đồ vùng Caucasus.
Bản đồ vùng Caucasus.

Sau chiến tranh, mặc dầu đã có sự tiết lộ về vụ Nazi ( Đức Quốc Xã ) đã đưa vào lò thiêu hàng triệu những người Do Thái, dòng người Do Thái ở Moskva và Leningrad lại đột nhiên biến thành mục tiêu và những người lãnh đạo cộng đồng của họ lần lượt bị tiêu diệt. Năm 1949, hàng chục vạn người dân vùng Ban Tích bị đày đi Siberia. Theo sự tính toán chi tiết của Liên Xô do đài phát thanh Vilnius trích dẫn ngày 22/9/1988, chỉ riêng nạn nhân người Lithuania đã là 108.362 [ Trang 24 ].

Cho đến ngay trước khi Stalin chết, người ta thấy đã có sự chuẩn bị để đưa ra những vụ xét xử mới về “âm mưu của những bác sĩ Do Thái”, những nạn nhân bị buộc tội là có âm mưu giết hại những người lãnh đạo tối cao ở điện Kremlin.

Như vậy, theo đúng nghĩa của nó, hàng chục triệu cuộc sống tốt đẹp đã bị làm tiêu tan. Nỗi đau khổ đã được chia đều cho cả những tầng lớp dưới cũng như tầng lớp trên trong xã hội.

Tuy rằng tổng số nạn nhân của Stalin có thể không bao giờ được biết hết, nhưng có thể hoàn toàn chắc chắn để ước lượng ít nhất là 20 triệu và có lẽ cao nhất là 40 triệu.

Trong quyển sách “Cuộc Đại Khủng Bố” xuất bản năm 1968, nhà sử học Anh Robert Conquest tổng hợp những bản ước lượng đầy đủ và đáng tin nhất, và những sự tính toán cẩn thận của ông ta đưa đến con số ở mức độ cao như đã nêu ở trên. Xét tổng thể, Stalin chắc chắn là kẻ giết nhiều người nhất trong lịch sử nhân loại, về thống kê vượt xa ngay cả Hitler.

Mỉa mai thay, những vụ giết người hàng loạt đó là một bộ phận, một phần của công cuộc xây dựng hệ thống Xô Viết. Hệ thống đó đã nổi lên, dần dần phát triển về mặt thể chế, để rồi bị xơ cứng trong cơ chế quan liêu hóa mà nó đã tạo ra, và nó bộc lộ bản chất của chính nó khi những vụ giết người hàng loạt được tiến hành. Nhưng khía cạnh đáng chú ý của quá trình đó là mặc dù chính là người đã ra lệnh tiến hành tất cả những hành động tàn bạo đó, Stalin lại đã thành công trong việc tạo nên một nhận thức sai lệch về thành tựu trong não bộ của những người dân thuộc tầng lớp thượng lưu Xô Viết, và trong phần lớn cư dân mới ở thành thị Xô Viết.

Ông ta đã làm như vậy bằng cách đồng nhất hóa các chính sách của ông ta và bản thân ông ta với việc xây dựng lại xã hội Xô Viết trong đó bao gồm công nghiệp hóa trên quy mô lớn và đô thị hóa, tất cả đều được dán nhãn hiệu “nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Vậy là, đối với nhiều công dân Xô Viết, thời đại Stalin là thời đại đạt được một số tiến bộ xã hội, một bước đại tiến vọt lịch sử, và có thể bao gồm cả một tình cảm tự hào chính đáng về thành tựu của lòng yêu nước. Thứ nhận thức này đã củng cố cho một tư tưởng “sùng bái cá nhân Stalin” được đẩy lên tới mức cực điểm.

Những người này, là những người đã tiếp nhận và làm lan tỏa tư tưởng bài ngoại điển hình của người Nga, từ việc cho rằng kẻ thù của nước Nga sẽ lợi dụng bất cứ sự sơ hở nào của nước Nga để lợi dụng công kích, nói xấu nước Nga, đến chỗ luôn luôn khẳng định rằng thời đại Stalin là một thành tựu vĩ đại và không ai được phép bôi nhọ nó.

Một số “công dân“, trong những bức thư gửi các báo như Pravda hoặc Izvestia vào năm 1987, đã chống lại cuộc khôi phục cho những nạn nhân của Stalin với lý lẽ là điều đó là bất công với quá khứ và làm tổn hại đến uy tín của Liên Xô.

Làm sao lại có thể bôi nhọ giá trị của sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước, tập thể hóa nông nghiệp, cách mạng văn hóa, cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại, và sự khôi phục nền kinh tế quốc dân sau chiến tranh NHƯ LÀ những sai lầm, hiện tượng tiêu cực, tội ác, phạm pháp? Và lòng nhiệt thành của chúng ta, thanh niên của chúng ta, nhiều bài hát của chúng ta? Chẳng lẽ chúng cũng bị vứt bỏ cả sao?” [ Trang 28 ].

Thời đại Stalin như vậy là đã được nhận xét một cách rộng rãi như là một thời đại thay đổi lớn về xã hội, về sự biến đổi cơ bản từ một nền kinh tế nông thôn thành một nền kinh tế thành thị. Và đối với một số lĩnh vực, trong một chừng mực nhất định, đó là sự thật. Dưới thời Stalin, Liên Xô đã trở thành một cường quốc về công nghiệp.

Dân số Liên Xô đã di chuyển từ nông thôn. Toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa được chỉ huy từ trung tâm đã được thể chế hóa. Nền kinh tế Xô Viết đã duy trì được một tỷ lệ tăng trưởng tương đối cao.

Theo những thống kê chính thức, tổng thu nhập quốc dân của Liên Xô tăng gấp bốn lần trong những kế hoạch năm năm đầu tiên, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm lên tới gần 15%. Điều đó đòi hỏi một sự di chuyển lớn lao của dân cư, với số dân sống ở khu vực thành thị tăng gấp đôi trong vòng 13 năm.

Từ năm 1928 đến năm 1940 sản lượng điện, thép, máy công cụ, xe cơ giới đều tăng mạnh.

Ngay trước cuộc Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, công nghiệp đã chiếm 84,7% nền kinh tế Xô Viết. Cho dù số liệu có được thổi phồng trong các báo cáo chính thứ, thì đó vẫn là những thành tựu lớn không thể phủ nhận [ Trang 28 ].

Đà kinh tế lớn mạnh trong những năm đầu của Stalin giải thích một phần sự ngạc nhiên của một số ít người ở phương Tây trước cường độ của chiến dịch chống Stalin ở Liên Xô đã nổi lên một cách dữ dội chỉ ba năm sau khi tên bạo chúa qua đời.

Những chiến dịch này đã làm hé mở những tâm trạng thất vọng, những thực tế của cuộc sống không ổn định, những sự đau khổ vô hạn của con người, sự đổ máu vô nghĩa, tất cả những cái đó dường như đều không thể hiểu được khi nó tồn tại ngay trong lòng những chiến dịch “thắng lợi” vẻ vang của Stalin.

Nikita Khrushchev.
Nikita Khrushchev.

Bài diễn văn nổi tiếng của Khrushchev năm 1956, và sau đó những tư liệu đầy đủ hơn được cung cấp bởi những bài diễn văn chống Stalin trong đợt hai tại Đại Hội Đảng lần thứ XXII vào năm 1961 đã đưa ra bản án kết tội làm choáng váng toàn xã hội Liên Xô, về cái giá mà nó đã phải trả cho cái gọi là “kinh nghiệm Stalin“.

Bất chấp nhịp độ tiến triển của quá trình công nghiệp hóa, cái giá xã hội phải trả trong thời đại Stalin không thể đơn giản chỉ được biện minh bằng những thành tựu của công cuộc hiện đại hóa, chưa kể tới sự sai lầm về mặt đạo đức, những biện minh này cũng không thể đứng vững trong thực tế, trong so sánh giữa các quốc gia trên toàn thế giới.

Trong phạm vi có thể so sánh, điều hiển nhiên là Nhật Bản đã làm tốt hơn cả sau cuộc phục hưng của Minh Trị Thiên Hoàng trong thế kỷ XIX và cả sau Thế Chiến Thứ Hai mà lại không đòi hỏi một sự tổn thất về con người đến như thế.

Cũng như vậy, thành tựu toàn diện của Ý trong công cuộc hiện đại hóa ở thế kỷ này, mà Ý và Nga nói chung là gần nhau xét theo những chỉ tiêu kinh tế – xã hội thời kỳ bắt đầu của thế kỷ này, cũng tốt hơn Liên Xô một cách đáng kể.

Cuối cùng, chính nước Nga Sa Hoàng cũng đã duy trì được một tỷ lệ tăng trưởng cao từ 1890 đến 1914, hơn là Stalin đã đạt được với một cái giá về tổn thất con người là không thể tưởng tượng được.

Cyril E. Black, một sử gia của trường đại học Princeton đã kết luận trong bài viết của ông có tựa đề: “Xã hội Xô Viết: một cách nhìn so sánh”. Bài viết đó đã đưa ra một nhận định sáng suốt về quá trình công nghiệp hóa Xô Viết:

Trong viễn cảnh của 50 năm, sự so sánh trong việc xếp hạng Liên Xô về những chỉ số kết hợp kinh tế – xã hội tính theo đầu người chắc chắn là không có sự thay đổi đáng kể. Nhiều bằng chứng khá hiển nhiên cho thấy rằng Liên Xô cũng chưa vượt trội hơn bất cứ nước nào từ năm 1917 tính theo đầu người…, và 19 hoặc 20 nước xếp hạng cao hơn nước Nga ngày nay, về mặt này thì cũng đứng trên nước Nga vào những năm 1900 và năm 1919“.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều người thuộc giới nghiên cứu khoa học ở phương Tây đã chịu ảnh hưởng của quan điểm cho rằng chủ nghĩa Stalin là một “hình thái” tất yếu của lịch sử, được tạo nên do những nhu cầu cấp bách về công cuộc công nghiệp hóa nhằm chuẩn bị cho trận chiến với Hitler. Tuy nhiên, những chiến dịch vạch trần được Khrushchev ủng hộ đã trưng ra nhiều bằng chứng để phá tan cái viễn cảnh đó. Sự kiện được xem là cái đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài huyền thoại về Stalin đã được thực hiện bởi Alexander Solzhenitsyn với tác phẩm “Các Trại Tập Trung” mà ông gọi là “Quần Đảo Gulag” ( The Gulag Archipelago ). Tất cả những nỗ lực này, cùng với nhiều những tiếng nói từ những dân tộc khác đã phải chịu đựng nhiều đau khổ dưới triều đại Stalin, đã đem đến kết quả là ngay cả những đảng cộng sản phương Tây cũng phải thừa nhận rằng chủ nghĩa Stalin là một tội ác man rợ mà lịch sử không cần thiết phải có. Như vậy là chủ nghĩa Stalin đã được quan niệm như là một sai lầm quái đản của kinh nghiệm cộng sản, một sự lầm lạc đáng tiếc và không được phép xảy ra.

Nguồn gốc của những di sản thảm họa mà Stalin đem lại chính là Lenin. Lenin đã để lại hai di sản là những con quái vật kếch xù: đảng cộng sản giáo điều và bộ máy cảnh sát bí mật khủng bố. Một khi những con quái vật đó bắt tay xây dựng lại xã hội thì quyền lực của Nhà Nước phát triển méo mó và bành trướng không thể ngăn chặn nổi. Di sản của Stalin là sự tâng bốc đến tận mây xanh các hành động bạo lực đáng ghê tởm, mà đã được chính Nhà Nước đỡ đầu, nhằm chống lại chính người dân nó. Nhìn cận cảnh, đó là một nhà nước cảnh sát bóp nghẹt sự sáng tạo xã hội, nó bóp chết từ trong trứng nước bất cứ biểu hiện nào của sự manh nha đổi mới trí tuệ, nó thiết lập một hệ thống đặc quyền theo đẳng cấp, và tất cả đều đặt dưới sự kiểm soát chính trị tập trung. Tai hại hơn, phần lớn di sản đó đã không thể kết thúc cùng với cái chết của Stalin, mà nó còn tồn tại dai dẳng ngay cả trong những cuộc tấn công dữ dội do Khrushchev phát động.

Kết quả là nó không chỉ làm cho mô hình Xô Viết mất tín nhiệm trên phạm vi rộng lớn của thế giới, mà sau thời Khrushchev, nước Nga lại tiếp tục hai mươi năm trì trệ tiếp theo về chính trị và xã hội của thời Leonid Brezhnev.

Leonid Brezhnev.
Leonid Brezhnev.

Di sản này, thậm chí vẫn tiếp tục cho tới khi Gorbachev lên nắm quyền. Sức hấp dẫn khó cưỡng chế của thứ quyền lực tuyệt đối cũng như những lợi ích mà nó mang lại, đã khiến một bộ phận lớn những người đang tiếp tục được hưởng hào quang từ trong quá khứ, đã từ chối mọi thay đổi. Thêm vào đó, việc thiếu một bộ máy đáng tin cậy, có thể tập hợp những thành viên có lòng nhiệt thành với đất nước, và có tầm nhìn xa với tương lai của dân tộc, để làm việc cùng nhau, nhằm thiết kế một con đường cải cách toàn diện, với những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, tổng thể và chi tiết, cho toàn bộ “nước Nga mới“, đã khiến những giấc mơ của Gorbachev tan vỡ… nước Nga tiếp tục bị chia rẽ thành một bức tranh có nhiều nhiều mảng màu khác biệt tương phản nhau, thậm chí không dung nạp nhau…

Tác Giả: Từ Liên.

5 thoughts on “Phần 4: Giới thiệu sách: “THẤT BẠI VĨ ĐẠI – Sự Ra Đời Và Cái Chết Của Chủ Nghĩa Cộng Sản Trong Thế Kỷ XX” của Zbigniew Brzeziński. Tác Giả: Từ Liên.”

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: