
GORBACHEV VÀ NHỮNG DI SẢN CỦA THỜI KỲ TRƯỚC ĐÓ…
Di sản Stalin vẫn kéo dài không phải chỉ vì có lợi cho những người kế nhiệm cộng với những đồng chí thân cận và trung thành của họ. Nó tồn tại bởi vì nó đã trở thành một cơ cấu rộng lớn các đặc quyền chồng lên nhau, những quyền kiểm soát, ban thưởng, và lợi ích được ban phát. Nó kéo dài cũng còn vì quần chúng Xô Viết đông đảo mới được đô thị hóa chưa thể tiếp nhận một sự thay đổi khác, bởi vì, hàng nửa thế kỷ họ đã bị nhồi nhét quan điểm rằng, thời đại của họ tượng trưng cho một bước tiến khổng lồ của nhân loại.

Điều quan trọng hơn hết, chủ nghĩa Stalin vừa kéo dài, vừa trì trệ bởi vì NÓ LÀ MỘT HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ MÀ KHÔNG CHỨA ĐỰNG MỘT ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ THỰC SỰ. Nhà sử học Leonid Batkin đã viết trong tờ báo Nedelya số 26 năm 1988, trong dịp có những cuộc tranh luận công khai nổ ra phản ứng lại di sản của Stalin: “…Hoạt động chính trị đã biến mất khỏi đời sống xã hội chúng ta từ cuối những năm 1920s… nó đã thôi không còn là một lĩnh vực hoạt động đặc biệt của con người, trong đó chứa đựng những sự khác biệt về giai cấp và lợi ích của các nhóm đặc thù, và chúng va chạm nhau, trong đó có sự so sánh trực tiếp, công khai các lập trường và những phương pháp được đề xuất để đưa chúng đến một sự thỏa hiệp năng động nào đó. Hoạt động chính trị biến mất và thế là mọi cái đều trở thành ‘chính trị’” [ Trang 34 ].
Ngay từ những năm sau cùng của thời đại Leonid Brezhnev, một cảm giác bất an đã phát triển trong một bộ phận của tầng lớp Xô Viết ưu tú. Một nỗi lo âu về suy thoái, về sự mục nát của hệ tư tưởng, về sự cằn cỗi của văn hóa đã nảy sinh. Nó không những bắt đầu thấm vào các giới trí thức mà còn lây sang cả một số thành viên của giới lãnh đạo chính trị, những người đang ngày càng lo lắng về khoảng cách đang tăng lên về sự lạc hậu giữa Liên Xô với Mỹ, đối thủ của họ.
Cũng theo lời của sử gia nói trên, “trong khi hệ thống Stalin tiêu diệt hàng triệu con người thì những người như Niels Bohr, Norbert Wiener, James Dewey Watson và Francis Harry Compton Crick đang làm việc. Trong khi hệ thống Brezhnev đưa đất nước chúng ta đến một tình trạng kém cỏi, thì thế giới phát triển tia laser, máy tính cá nhân và chứng kiến sự bùng nổ của cuộc cách mạng hậu công nghiệp” [ Trang 34 ].
Niels Bohr, nhà nguyên tử hạt nhân Đan Mạch. Norbert Wiener, triết gia, nhà toán học Hoa Kỳ. Cha đẻ của cybernetics. James Dewey Watson, nhà sinh học phân tử, di truyền học và động vật học Hoa Kỳ. Francis Harry Compton Crick, nhà sinh học phân tử, vật lý sinh học, và thần kinh học.
Sự bi quan trong tầng lớp thượng lưu Xô Viết trái ngược sâu sắc với chủ nghĩa lạc quan khoác lác thời Khrushchev. Chỉ mới hai thập kỷ trước, bắt đầu năm 1958, Bí thư thứ nhất Nikita Khrushchev bắt đầu rêu rao công khai là Liên Xô sẽ sớm “chôn” nước Mỹ trong cuộc chạy đua kinh tế. Nhà lãnh đạo Xô Viết đã khẳng định trong nhiều dịp là đến đầu những năm 1970, “Liên Xô sẽ chiếm vị trí thứ nhất trên thế giới” về sản xuất kinh tế và điều đó “sẽ bảo đảm cho nhân dân chúng ta có những mức sống cao nhất trên thế giới”. Xã hội Xô Viết sẽ giàu hơn xã hội Mỹ, nền kinh tế của nó có hiệu quả hơn, và “tòa lâu đài tráng lệ của chủ nghĩa cộng sản” cho phép thiết lập “nguyên tắc phân phối theo nhu cầu”.
Những lời huênh hoang này còn được ghi vào cương lĩnh hành động của đảng cộng sản cầm quyền được thông qua năm 1961.
Trong thực tế, vào giữa những năm 60, những lời ba hoa đó đã chỉ đơn thuần là bức màn che giấu thực tế đáng buồn của sự trì trệ. Vào đầu thập niên 1970, kinh tế Liên Xô đã đạt tới mức bằng hơn một nửa tầm vóc kinh tế Mỹ. Nhưng trong những năm 1970, tỷ lệ tăng trưởng của kinh tế Liên Xô mất đà và kinh tế teo lại. Cái đất nước tự xem mình sẽ trở thành cường quốc kinh tế thứ nhất trên thế giới đã bị Nhật Bản vượt qua, nền kinh tế của nước này không những đã phát triển nhanh hơn Liên Xô mà về kỹ thuật còn tiến xa hơn nhiều. Thật vậy, khoảng cách bi đát về mặt kỹ thuật ngày càng mở rộng trở thành mối lo âu của những thành viên có nhận thức sâu sắc và trong cả giới thượng lưu Xô Viết. Giới thượng lưu đó nhận thấy rằng tiến bộ kỹ thuật cao đòi hỏi phải có cách tân khoa học công nghệ, và Liên Xô hiện nay hết sức lạc hậu, đặc biệt là trong việc áp dụng công nghệ vào kinh tế xã hội.
Nhiều số liệu công khai đã nói lên một thực tế bi đát. Đất nước tự khoe khoang là mũi nhọn sắc bén của sáng kiến đã lâm vào cảnh khó khăn trong những giai đoạn giữa của thời đại công nghệ hóa mà không thể vượt qua được. Dưới đây là một số dẫn chứng: Nền kinh tế Liên Xô không những tụt lại sau trong cuộc chạy đua công nghệ mà còn lãng phí lạ thường. Không có sự kích thích từ bên trong, chẳng những khu vực công nghiệp của Liên Xô mà cả những bản sao chép của nó ở Trung Âu đã trở thành những công trình bất hủ về tình trạng quan liêu, vô hiệu quả, và sự phung phí quá đáng tài nguyên mà không đem lại lợi ích gì cho sản xuất. Những điều này đã được liệt kê trong quyển sách “Điều Tra Kinh Tế, Đông và Tây” ( London, 1987 ), của nhà kinh tế học Ba Lan, giáo sư Jan Winiecki cho rằng những nền kinh tế theo kiểu Liên Xô, đã tiêu thụ năng lượng lớn hơn hai tới ba lần cho một đơn vị sản xuất so với nền kinh tế các nước phương Tây dựa trên thị trường.

Vào những năm 70, sự vô hiệu quả có tính kinh niên của hệ thống kinh tế tập trung, cùng với những điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã buộc những nhà lãnh đạo Xô Viết hàng năm phải bỏ ra hàng tỷ đô la, ngoại tệ mạnh để nhập lương thực.
Theo báo cáo hàng năm của GATT ( The General Agreement on Tariffs and Trade ), Liên Xô tụt từ vị trí thứ 11 năm 1973 xuống vị trí thứ 15 năm 1985 trong xuất khẩu hàng công nghiệp và trong những năm giữa hai thời điểm đó đã bị Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong và Thụy Sĩ vượt qua.
Xét một cách chung hơn, 40 năm sau khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc, xã hội Xô Viết vẫn còn phải thi hành một phần sự hạn chế về khẩu phần lương thực thực phẩm, và chịu đựng tình trạng thiếu liên tục hàng tiêu dùng. Đứng xếp hàng nhiều giờ hàng ngày là thường lệ đối với đại đa số các bà nội trợ ở các thành phố Liên Xô.
Nạn nghiện rượu tiếp tục lan tràn trong khi sự chăm sóc về y tế cho người dân Xô Viết bình thường nói chung xuống cấp. Tháng Ba, 1987, Bộ trưởng Bộ y tế Liên Xô mới được bổ nhiệm tiết lộ là một tỷ lệ lớn các bệnh viện Xô Viết không có nước nóng, cống rãnh không có đủ, thiếu điều kiện cải thiện vệ sinh. Không có gì lạ khi tuổi thọ của nam giới giảm rõ rệt từ 66 tuổi xuống 62 tuổi trong những năm Brezhnev cầm quyền so với 71,5 tuổi ở Mỹ, và tỷ lệ chết của trẻ em cao hơn 2,5 lần ở Mỹ, và như vậy là đặt Liên Xô vào vị trí thứ 50 trên thế giới, sau Barbados.
Nhóm duy nhất thực sự được miễn chịu đựng gian khổ đó là đám quan liêu của đảng cầm quyền, tầng lớp trên trong giới quân sự và quản lý. Được mua hàng ở những cửa hàng đặc biệt kín đáo, được chữa bệnh ở những bệnh viện tốt và ở những trung tâm nghỉ ngơi đặc biệt, lợi ích của chủ nghĩa xã hội chỉ được dành cho một giai cấp.
Một cuộc điều tra dư luận xã hội đáng chú ý được đăng trên báo “Tin tức Moskva” ngày 3/7/1988 cho thấy gần một nửa công chúng Xô Viết không nghĩ rằng họ sống trong “một xã hội công bằng”. Nỗi bất bình lớn nhất chĩa về phía những đặc quyền của đám quan liêu bao cấp. Sự bực bội tăng lên theo thứ tự những đặc quyền đó bao gồm “những kiện hàng thực phẩm, những cửa hàng riêng”, “tự do có bất cứ cuốn sách nào, hoặc dự các buổi biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim”, “những căn phòng trong các nhà cao cấp ở những khu sang trọng” và những “biệt thự của nhà nước”.
Sự bất bình xã hội đó đã tăng mạnh do thực tế là chất lượng sống của quần chúng rõ ràng là không được cải thiện trong một thời gian dài, và thậm chí còn tồi tệ hơn ở một số mặt quan trọng.
Đã đến lúc không còn có thể rêu rao và khoe khoang như vào những năm dưới thời Stalin rằng cuộc sống ở Liên Xô tốt hơn ở bất cứ nơi nào khác.
Năm 1987, một nhân vật lãnh đạo của Viện Hàn Lâm Khoa Học Liên Xô, Evgueni Afanasiev, đã giải thích “Xã hội Xô Viết sống trong một tình trạng cố ý tự cô lập về mặt trí tuệ, điều đó có nghĩa là nó không biết gì về phương Tây. Bản thân chúng ta không quan tâm gì đến Max Weber hoặc Emile Durkheim hay Sigmund Freud hoặc Arnold Joseph Toynbee, hoặc Oswald Arnold Gottfried Spengler. Đó không phải chỉ là những cái tên, mà còn có những thế giới, những hệ thống đa dạng của thế giới ở đằng sau những cái tên đó. Nếu một xã hội thiếu sự hiểu biết những thế giới đó, thì điều đơn giản là nó sẽ bị rơi khỏi thế kỷ XX, nó sẽ tự thấy mình đứng ngoài rìa những phát minh quan trọng nhất của thế kỷ” [ Trang 38 ].
Max Weber, nhà xã hội học người Đức. Emile Durkheim, nhà khoa học xã hội người Pháp. Sigmund Freud, nhà phân tâm học người Áo. Oswald Arnold Gottfried Spengler, nhà sử học và triết gia sử người Đức.
Nhận thức về sự cần thiết phải thay đổi, phải cải cách và cải tiến lớn hơn, cuối cùng đã nổi lên với một quy mô chính trị to lớn sau khi Brezhnev chết năm 1982. Trong hơn hai thập kỷ bị lãng phí. Kết quả là những di sản cần phải vượt qua đã trở thành chồng chất lên nhau và thành một cản trở vô cùng đồ sộ.
Hệ thống Xô Viết tồn tại lúc này là sản phẩm xơ cứng của ba giai đoạn tạo thành gắn bó chặt chẽ với nhau và xếp chồng lên nhau:
- Dưới thời Lenin, đó là một đảng cực quyền với mục đích xây dựng lại xã hội.
- Dưới thời Stalin, đó là một nhà nước cực quyền đã hoàn toàn khống chế xã hội.
- Dưới thời Brezhnev, đó là một nhà nước hoàn toàn trì trệ bị thống trị bởi một đảng cực quyền đã bị thoái hóa.
Muốn cải tổ chế độ hiện hành thì phải tấn công vào ba người cầm đầu lịch sử của ba thời kỳ đó. Nhưng mà, làm như vậy sẽ có nguy cơ phải đạp đổ những thể chế cơ bản của quyền lực và làm nổi dậy sự chống đối của nhiều bộ phận nhân dân Xô Viết mà về tinh thần vẫn còn tin theo Stalin. Do đó, để thành công, bất cứ cải cách nào cũng phải đi từng bước, phải lay chuyển từ tầng lớp này đến tầng lớp khác, củng cố bước tiến đã đạt được, và phải hết sức cẩn trọng để không làm cho các lợi ích chủ quan và khách quan đang tồn tại đối lập lại mình.
Tấn công vào di sản Brezhnev là dễ hơn và vì nó cho thấy rõ tình trạng đồi bại cá nhân, trì trệ xã hội, lạc hậu rõ về kinh tế ngày càng tăng.
Tấn công vào di sản Stalin khó hơn, do những lợi ích quan liêu đã được ban cấp vào, do tâm lý trung thành với đảng của những người dân Xô Viết nhiều tuổi.
Khó hơn cả là di sản của Lenin, di sản này được kết hợp kỷ niệm yêu quý về NEP ( Chính Sách Kinh Tế Mới ) với sự khẳng định vai trò lịch sử duy nhất của một đảng ưu tú, đảng đó tạo ra một giới cầm quyền ưu tú và mang tính chính đảng, tính hợp pháp.
Mikhail Gorbachev bị đẩy lên vũ đài lịch sử với một niềm hy vọng mơ hồ là làm cho hệ thống Xô Viết sống động trở lại. Điều còn ít rõ ràng hơn thế nữa là NHỮNG CẢI CÁCH CẦN THIẾT CÓ THỂ ĐI XA TỚI ĐÂU, VÀ MÔ HÌNH NÀO SẼ ĐƯỢC SỬ DỤNG NHƯ LÀ MÔ HÌNH PHÙ HỢP CHO NHỮNG CẢI CÁCH ĐÓ?
Chiến dịch Glasnost ( Công Khai ) của Gorbachev được đề xướng vào năm 1985, nó khuyến khích người ta khai báo về những sự lạm quyền đang diễn ra bởi nhà nước quan liêu, kể cả bộ máy cảnh sát cho đến thời điểm đó vẫn là bất khả xâm phạm, và về sự lãng phí và quản lý tồi trong khu vực kinh tế. Gorbachev và những cộng sự của ông mở rộng phạm vi của chiến dịch vào năm 1987 đến mức bao gồm một chương trình sửa đổi đầy tham vọng chủ yếu nhằm vào quản lý và kế hoạch hóa nền kinh tế của nhà nước.
Nhưng điều đó cũng dẫn đến câu hỏi liệu cải cách cơ bản nền kinh tế Xô Viết có thể thực hiện được không nếu nó không làm đảo lộn một cách sâu sắc hệ thống chính trị và không mở cửa một cách rộng hơn cho tự do của trí thức.
Như vậy đâu là giới hạn của cải cách là câu hỏi quan trọng chưa được giải đáp.
Gorbachev chắc chắn là cũng chưa biết được câu trả lời cụ thể. Phát biểu trong một cuộc hội nghị vào giữa Tháng Bảy, 1987, Gorbachev kêu gọi cho một “nền văn hóa chính trị” mới của Liên Xô, và việc vay mượn hai từ đó của xã hội chính trị phương Tây đã gây ấn tượng thật sâu sắc.
Gorbachev nhận định: “Chúng ta hiện nay phải trở lại trường học về dân chủ. Chúng ta phải học. Tư duy chính trị của chúng ta không còn thích hợp. Ngay cả khả năng tôn trọng quan điểm của những bạn bè, đồng chí của chúng ta cũng không còn thích hợp”. Những cách thực hành của Liên Xô đã mất tín nhiệm trên phạm vi toàn thế giới, và sẽ phải bằng cách nào đó bác bỏ hoặc sửa đổi [ Trang 44 ].
Mặt khác, để làm được điều này, không những cần phải có một cuộc cách mạng trong tư duy chính trị mà còn cả một quyết tâm bác bỏ mạnh mẽ về mặt thể chế, đối với hai nguồn gốc của tình trạng tiến thoái lưỡng nan hiện nay của Liên Xô: chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Lenin.
Trừ phi chủ nghĩa Stalin bị xóa bỏ và chủ nghĩa Lenin bị làm phai nhạt đi một cách mạnh mẽ, còn không thì nhà nước Xô Viết vẫn còn tồn tại như một quái thú không có nội dung xã hội mang tính xây dựng và không có lý tưởng hoặc quan điểm lịch sử. Nó sẽ tiếp tục xung đột với khuynh hướng trên thế giới là đề cao những quyền tự do của cá nhân, và sẽ tiếp tục thiếu hụt những điều kiện tiên quyết cần thiết cho những sự sáng tạo thực sự về xã hội và về công nghệ.
Tuy vậy, thực tế cho thấy rằng, sự phá bỏ chủ nghĩa Stalin và làm phai nhạt chủ nghĩa Lenin chỉ có thể được tiếp tục tiến hành một cách tốt nhất theo một lộ trình có từng giai đoạn, nhất là đối với truyền thống của chủ nghĩa Lenin, thì phải hết sức thận trọng. Đó là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, do nó vấp phải các quyền lợi được bao cấp của giới thượng lưu cầm quyền, chưa nói đến truyền thống kéo dài ở nước Nga trong đó quyền lực tối thượng của nhà nước trùm lên toàn xã hội.
Hơn nữa, tính chất nhiều dân tộc của nhà nước Xô Viết cũng đặt ra một tình huống phức tạp, bởi vì bất cứ một sự phi Stalin hóa thực sự nào cũng làm nổi lên các bóng ma những khát vọng dân tộc tự quyết ngày càng tăng lên của những dân tộc không phải Nga, đặc biệt là trường hợp của Trung Á, với số dân từ 45 đến 50 triệu người Hồi Giáo, đã bị buộc phải từ bỏ tôn giáo của mình để theo chủ nghĩa “vô thần” của cộng sản. Tiếng nói của quyền tự quyết dân tộc sẽ đe dọa trực tiếp sự sống còn của Liên Xô thống nhất.
Việc xử lý chủ nghĩa Lenin càng khó khăn hơn. Chủ nghĩa Lenin đóng vai trò cốt tử đối với giới thượng lưu cầm quyền về tính chính đáng lịch sử, nó giúp hợp lý hóa yêu cầu của họ về quyền lực. Bất cứ sự bác bỏ nào đều sẽ là một sự tự sát tâm lý tập thể. Sau bấy nhiêu “thập kỷ”, giới thượng lưu cộng sản Liên Xô không thể đột nhiên tự xác định lại mình như là một biến thể nào đó của nền xã hội – dân chủ phương Tây, một biến thể được làm sống lại của những người Menshevik trước đây ( mà Lenin đã từng đập tan ).
Do đó, để công bằng với Gorbachev, phải nói rằng ông ta không có gì nhiều để chọn lọc trong vấn đề hóc búa này. Từ bỏ cả chủ nghĩa Stalin lẫn chủ nghĩa Lenin có nghĩa là bác bỏ toàn bộ thời đại cộng sản.
Nó cũng đòi hỏi việc giới cầm quyền phải chấp nhận các viễn cảnh mới là phần lớn biến đổi xã hội có tính ngẫu nhiên, mơ hồ và nhiều khi tự phát, và kết quả là sự phức tạp xã hội sẽ không bao giờ có thể nhồi vào cái áo chật chội của thứ gọi là ý thức hệ [ Cộng sản ].
Để khởi đầu công cuộc Cải Tổ đầy tham vọng của mình, Gorbachev đầu tiên tập trung sự chú trọng vào việc hợp lý hóa và hiện đại hóa nền kinh tế Xô Viết. Hoặc vì thiếu thận trọng, hoặc có lẽ vì nghĩ rằng thành tựu kinh tế có thể được nâng lên một cách nhanh chóng bằng sự cải tiến trong quản lý và kế hoạch hóa kinh tế, ông ta đẩy mạnh trước hết vào việc loại trừ những vấn đề lãng phí, quản lý tồi, kiểm soát chất lượng không thích hợp, kỷ luật lao động lỏng lẻo, nạn nghiện rượu, và sự luộm thuộm nói chung. Điều này khiến người ta có cảm tưởng là ông ta đã lựa chọn cho Liên Xô mô hình Đông Đức, nơi mà hệ thống cộng sản tỏ ra có hiệu quả, có kỷ luật và phát triển về mặt công nghệ học.
Không nghi ngờ gì, ít lâu sau, ông ta thất vọng nhận thấy rằng, người Nga không phải là người Phổ ( tên cũ của người Đức ), rằng ảo tưởng ông ta xem Liên Xô như là Đông Đức rõ ràng không đúng.
Ông ta phải đối diện với thực tế là những vấn đề mà ông ta phải đương đầu có nguồn gốc sâu xa về mặt văn hóa và hệ thống. Có 10 vấn đề lớn và đan xen vào nhau được xác lập trong cuộc Cải Tổ này:
(1) Cải cách kinh tế; (2) Những ưu tiên về xã hội; (3) Dân chủ hóa chính trị; (4) Vai trò của đảng; (5) Hệ tư tưởng, tôn giáo và văn hóa; (6) Di sản của lịch sử; (7) Những vấn đề dân tộc trong nước; (8) Những lo âu trong nước về cuộc chiến tranh ở Afghanistan; (9) Chính sách đối ngoại và quốc phòng; (10) Khối Xô Viết và phong trào cộng sản thế giới.
Xét một cách tổng thể đây chính là những vấn đề đã làm rạn nứt sự thống nhất bề ngoài đã được xác lập từ lâu ở Liên Xô.
Vào Tháng Sáu, 1988 tại Hội nghị Đảng toàn quốc đặc biệt lần thứ 19. Gorbachev đã thay đổi quan điểm.
Trong bài phát biểu khai mạc, Gorbachev đã nói rằng cải cách chính trị có tầm quan trọng hơn sự xây dựng lại cơ cấu kinh tế: “Chúng ta đang phải đương đầu với nhiều vấn đề phức tạp. Vấn đề cốt yếu nhất là cải cách hệ thống chính trị của chúng ta”.
Gorbachev cũng phê phán những người chờ đợi những cải cách từ bên trên và khích lệ những người phát động việc gây áp lực từ cơ sở: “Ở nhiều địa phương khác nhau, có những người đã nói và viết rằng Cải Cách đã không đến được với họ; họ hỏi rằng đến bao giờ thì nó sẽ đến. Nhưng Cải cách không phải là từ trên trời rơi xuống, đáng lẽ không phải chờ đợi nó từ đâu đưa đến mà phải tự nhân dân ở các thành phố, làng mạc, công việc tập thể đem đến cho mình”.
Như vậy, “dân chủ hóa” chính là điều kiện cần thiết để đẩy mạnh cuộc cải cách này.
Những hồi âm đối với những lời kêu gọi của ông ta là rất thiếu đồng nhất. Nhiệt tình của những người ủng hộ ông ta, nhất là trong các Viện nghiên cứu và trong giới trí thức ở Moskva đã bị bù đắp ngược lại bởi một sự lạnh nhạt nổi bật trong đám quan liêu và số chức sắc trong đảng. Lý lẽ của họ là “Dân chủ sẽ dẫn tới hỗn loạn”. Đó là luận điệu quen thuộc của những quan chức cộng sản đang “cuống quýt lo cho những quyền lợi ích kỷ của họ”.
Để đoạn tuyệt thật sự với quá khứ và để mở ra sự sáng tạo xã hội, những di sản của quá khứ cần được xếp lại. Một số người ủng hộ Gorbachev muốn đi xa hơn, bằng cách lên án Lenin đã đàn áp những cuộc đàn áp quần chúng, xem đó như là giải pháp bản lề để có thể giải quyết trước hết là những vấn đề chính trị và sau đó là những vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, đó vẫn còn là những quan điểm lẻ loi.
Vấn đề của tương lai chính là: Liệu hệ thống Xô Viết có thể tiến hóa trở thành một cơ chế đa nguyên hơn, có tính sáng tạo lớn hơn về xã hội và kinh tế và có thể làm cho Liên Xô thực sự có khả năng cạnh tranh hơn trên vũ đài thế giới.
Hệ thống chính trị ấy qua bao nhiêu năm trời đã nhào nặn ra một xã hội bằng bạo lực, theo một bản thiết kế tư tưởng đầy tham vọng và thiếu thực tế, và sau đó, nó lại khiến cho toàn xã hội bị lệ thuộc nghiệt ngã vào nó.
Do đó muốn dần dần thoát khỏi cái chế độ đó thì nó phải thể chế hóa từng bước một để chuyển qua một khuôn khổ chính trị đa nguyên hơn, nhằm cho phép xã hội đảm nhận một vai trò tích cực hơn và đảm bảo rằng đời sống chính trị thực sự trở thành một phương diện của sự tồn tại xã hội thông thường.
Tuy nhiên, để làm được điều này, những người lãnh đạo nước Nga mới phải trả lời được hai câu hỏi:
Thứ nhất, liệu có thể làm cho kinh tế hồi sinh mà lại không phải dùng biện pháp tương ứng để xem xét lại vai trò của Đảng Cộng Sản trong việc quản lý xã hội hay không? Thứ hai, liệu có thể thực hiện việc phi tập trung hóa nền kinh tế cũng như thu hẹp vai trò cai trị chủ đạo của Đảng mà không phải trả lại quyền lực cho những người không phải là người Nga mà điều này có thể dẫn đến sự phân tán mà cũng tương đương với việc dần dần phá vỡ Liên Xô hay không?
Một số kịch bản đã được tính tới, ngoài kịch bản số I là Cải Cách thành công như mong đợi.
Kịch bản II: Rối loạn kéo dài và không có kết luận.
Kịch bản III: Ngưng trệ trở lại, vì Cuộc Cải Cách đã hụt hơi.
Kịch bản IV: Có thể xảy ra chính biến, cải cách thụt lùi, đàn áp, phản ứng lại kịch bản I và II.
Kịch bản V: Liên Xô bị vỡ tan thành từng mảnh do kết quả của một sự kết hợp nào đó các cách chọn trên.
Tóm lại, tình trạng nan giải tất yếu của chế độ cộng sản ở Liên Xô đó là: chỉ có thể có thành công kinh tế bằng cái giá là sự bất ổn của chính trị, trong khi sự ổn định chính trị của nó lại chỉ có thể duy trì bằng cái giá là sự thất bại về kinh tế.
Những người lãnh đạo chóp bu, kể cả Gorbachev, đã chưa bao giờ hình dung ra những khó khăn nghiêm trọng này, trong tình trạng loay hoay tìm một mô hình hợp pháp và hợp lý để thay thế cho mô hình Xô Viết cũ, và chịu đựng nhiều sự công kích từ nhiều phía, đã không thể làm gì để tiếp tục đưa công cuộc cải tổ này đến chỗ “thắng lợi”. Cuối cùng, Mikhail Gorbachev bị coi là người theo chủ nghĩa xét lại.
Tác Giả: Từ Liên.
5 thoughts on “Phần 5: Giới thiệu sách: “THẤT BẠI VĨ ĐẠI – Sự Ra Đời Và Cái Chết Của Chủ Nghĩa Cộng Sản Trong Thế Kỷ XX” của Zbigniew Brzeziński. Tác Giả: Từ Liên.”