CHỦ NGHĨA XÃ HỘI TRUNG QUỐC và SỰ HẤP HỐI CỦA CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN TRÊN TOÀN THẾ GIỚI
Khác với học thuyết cộng sản tương đối “thuần khiết” được áp dụng ở Liên Xô ở giai đoạn đầu, khi tới Trung Quốc, trừ một vài giai đoạn hết sức ngắn ngủi ban đầu, thứ chủ nghĩa này sau đó chỉ còn duy trì được mỗi tên gọi mà bên trong đã chứa đựng một nội dung khác xa với ý nghĩa ban đầu. Chủ nghĩa cộng sản kiểu Trung Quốc, chỉ giữ lại phần tồi tệ nhất trong học thuyết của nó [ cách cai trị tập thể, đảng độc tài nắm trong tay toàn quyền kinh tế và quyền sinh sát với dân chúng, đồng hóa áp bức toàn bộ những sắc dân sống trên lãnh thổ của mình bằng một hệ tư tưởng đầy tham vọng và giáo điều ], đã kết hợp một cách hòa bình với tư tưởng Khổng Giáo của thời phong kiến, và kết hợp khéo léo với chủ nghĩa thương mại thực dụng kiểu Trung Hoa… Sự kết hợp này, đã khiến mô hình Trung Quốc trở nên tương đối độc lập với mô hình Liên Xô.
Mặt khác, nó cũng chứa đựng trong mình nhiều vấn đề tiềm ẩn giống như Liên Xô đã phải đối mặt vào những năm cuối cùng trước khi chủ nghĩa xã hội và Đảng Cộng Sản Liên Xô lâm vào khủng hoảng và sụp đổ toàn diện. Ba trong số những vấn đề nổi bật là:
- Quyền lực độc đoán của Đảng Cộng Sản bao trùm trên một khu vực rộng lớn [ Trung Quốc có diện tích lớn thứ ba trên thế giới ], trong đó có nhiều sắc dân chung sống, và không phải sắc dân nào cũng đồng ý với sự thống trị của Trung Cộng, không phải sắc dân nào cũng thừa nhận rằng nền văn hóa của “Hán Tộc” là “cao” hơn hay “đặc sắc” hơn văn hóa của họ. Điều này khiến cho xu hướng đòi quyền dân tộc tự quyết luôn luôn chờ đợi để bùng nổ.
- Đảng độc tài toàn trị trong một thời gian dài nắm quyền, đã lan tỏa những chân rết của nó tới những hang cùng ngõ hẻm của xã hội, trong mọi lĩnh vực. Những chân rết này được nuôi dưỡng bởi những quyền lực và lợi ích nhóm do Đảng ban phát, mà đứng đầu là các thành viên cao cấp của Đảng và thân hữu của họ. Điều này khiến một nhóm nhỏ người mạnh lên nhờ bóc lột và tham nhũng, trong khi phần lớn xã hội bị chèn ép và đối xử bất công. Những tiếng nói đòi hỏi nhân quyền và dân chủ chỉ cần có môi trường và hoàn cảnh là trỗi dậy mạnh mẽ.
- Vấn đề thứ hai là: Bài toán hóc búa chưa có lời giải đáp giữa khát khao phát triển kinh tế và đòi hỏi cải tổ chính trị, điều mà Liên Xô sau vài thập niên loay hoay vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục cho chính họ.
Chủ nghĩa cộng sản kiểu Trung Quốc:
Những điều kiện của Trung Quốc và lịch sử của Trung Quốc khác xa với nước Nga, đã dẫn tới con đường xây dựng chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc không diễn ra theo cùng một cách như ở Liên Xô… Trong khi nước Nga bước lên vũ đài của chủ nghĩa cộng sản từ một xã hội tư bản nửa phong kiến vào năm 1917, thì Trung Quốc đã có thời gian tiếp nhận một vài kinh nghiệm của các cuộc cách mạng xảy ra từ đầu thế kỷ XX. Có ba nhân vật đã được ghi lại trong quá trình dò đường này của Trung Quốc: Tôn Dật Tiên, Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông. Mỗi người trong ba người đó đều mượn những tư tưởng chính trị từ thế giới bên ngoài nhằm dựng lên một phong trào và một học thuyết với mục đích khôi phục sự vĩ đại của Trung Quốc trong quá khứ.

Cuộc cách mạng mang màu sắc Cộng Hòa năm 1911 của Tôn Dật Tiên là một ý định nhằm áp dụng vào điều kiện Trung Quốc những khái niệm của phương Tây như Chế Độ Lập Hiến, Chế Độ Cộng Hòa. Chủ nghĩa dân tộc của ông ta một phần cũng chịu ảnh hưởng sự thành công của Nhật trong việc áp dụng những thành tựu của phương Tây trong công nghiệp và trong tổ chức xã hội. Việc này cũng đã gặp nhiều khó khăn và phản đối trong giai đoạn đầu tiên. Tuy nhiên, nó cũng để lại những thành tựu nhất định.

Cuộc cách mạng của Tưởng Giới Thạch cũng là một mưu toan nhằm vận dụng những khái niệm hiện đại của phương Tây vào những điều kiện hỗn loạn của Trung Quốc. Tuy nhiên, Tưởng đã chọn kết hợp Chủ Nghĩa Dân Tộc với chủ nghĩa Marx thành một tình cảm thống nhất. Bản thân Tưởng cũng được Liên Xô huấn luyện và cũng đã một thời cộng tác với những người cộng sản Trung Quốc trong cuộc đấu tranh cho một nước Trung Hoa mới.
Sự hợp tác đó chấm dứt năm 1927 với sự thất bại của cái gọi là Mặt Trận Thống Nhất, mở đầu cho gần hai mươi năm liên tục đấu tranh với những người cộng sản.

Sự thất bại của Tưởng ở Đại Lục mở đường cho một lực lượng khác nổi lên thay thế. Phong trào mới này đã động viên được dân chúng đông đảo ở Đại Lục nhờ vào việc họ có thể kết hợp một cách khéo léo những thất vọng, cả về mặt dân tộc lẫn xã hội của nước Trung Hoa cận đại. Phong trào đó được xác định rõ ràng hơn về mặt học thuyết, và được xây dựng trên cơ sở một tổ chức chính trị có kỷ luật và hiệu quả hơn. Đó là phong trào được cộng sản và Hồng Quân đứng đầu là nhà Marxist Mao Trạch Đông lãnh đạo, từ giữa những năm 1930s với tên gọi cuộc Vạn Lý Trường Chinh.

Khi Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc Lần Thứ 7 diễn ra ở tổng hành dinh Hồng Quân tại Diên An cuối mùa xuân năm 1945, khoảng 4 năm trước khi cộng sản Trung Quốc giành được thắng lợi cuối cùng, sự đóng góp về hệ tư tưởng của Mao đã được hoan nghênh như là “tư tưởng Mao Trạch Đông” và được nâng lên tầm cỡ những nguyên tắc chỉ đạo Đảng và được coi là sự phát triển tiếp theo của chủ nghĩa Marx-Lenin-Stalin. Hành động đó biểu lộ không những tính kiêu ngạo to lớn về mặt tri thức của Mao mà còn là sự tự tin về mặt chính trị của những người cộng sản thế hệ đầu của Trung Quốc.
Điểm khác biệt giữa những nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản ở Nga và ở Trung Quốc thể hiện ở một số điểm sau:
Những người đi tìm sự đổi mới cho Trung Quốc là những người thấm nhuần lịch sử của đất nước, và đặc biệt là tư tưởng Khổng Giáo, trong đó nhấn mạnh kỷ luật và sự cai trị thường trực bởi một giai cấp quan lại vượt trội hơn hẳn về mặt đạo đức và tinh thần, đối với toàn bộ dân chúng trên lãnh thổ Trung Hoa [ Trong khi đó, điều này không được thừa nhận rõ ràng ở Liên Xô ].
Điều quan trọng hơn là, với tư cách những người thừa kế nền văn minh cổ với vài ngàn năm của Trung Quốc, họ có lòng tự tin về tri thức và văn hóa để tạo ra kinh nghiệm cách mạng của chính họ và vạch ra chiến lược của chính họ. Họ đã thực hiện một cuộc tiến công cách mạng và đã giành được thắng lợi hoàn toàn vào năm 1949.
Đây là một sự trái ngược hoàn toàn với kinh nghiệm của những người lãnh đạo Liên Xô cũng như những người đồng chí Đông Âu phụ thuộc vào Liên Xô. Phần lớn những người Đông Âu xem sự thống trị của Nga như là một sự thụt lùi về mặt văn hóa.
Những điều này được kết hợp một cách vá víu với học thuyết cộng sản và kinh nghiệm trước đây của cộng sản Liên Xô, đã tạo ra bước khởi đầu cho những cố gắng đầu tiên nhằm xây dựng lại Trung Quốc. Tuy nhiên, sau ba cuộc thử nghiệm to lớn của Mao ( trong đó cái giá phải trả cho hai cuộc thử nghiệm là hết sức đắt ) để đưa Trung Quốc đi theo mô hình của Liên Xô nhưng không thành công. Thêm vào đó, sự nhận thức dần dần về thất bại của mô hình cộng sản chính thống, những người kế nhiệm Mao đã “thức tỉnh” và quyết tâm lớn hơn trong việc tạo ra một học thuyết cộng sản riêng kiểu Trung Quốc nhằm lấp bỏ khoảng cách lịch sử rộng lớn và đầy bất lợi cho Trung Quốc trong bối cảnh mới của thế giới. Hình ảnh tiêu biểu khởi xướng cho sự thức tỉnh này là Đặng Tiểu Bình.

Điểm then chốt tạo ra sự khác biệt trong mô hình riêng này của Trung Quốc được tìm thấy trong truyền thống văn hóa lịch sử của họ. Nền văn hóa phong kiến lâu đời của Trung Hoa với những phiên bản Nho Giáo khác nhau làm trụ cột, đã chia sẻ những điểm chung quan trọng với học thuyết của chủ nghĩa cộng sản. Tư tưởng nhà nước với một vị hoàng đế tối cao thống trị, và được thờ phụng tương đương với những vị thần linh, cộng với việc coi người dân như những thần dân được cai trị trực tiếp bởi một bộ máy quan lại quan liêu và hách dịch là điều đã được chấp nhận hàng ngàn năm trong lịch sử Trung Hoa. Trái với Đông Âu bác bỏ một cách tự nhiên chủ nghĩa cộng sản, Trung Quốc chấp nhận một cách tự nhiên chủ nghĩa cộng sản do những truyền thống và giá trị lâu đời của đất nước đã hun đúc.
Cũng khác với những đồng chí trong khối Xô Viết, sự hấp dẫn về hệ tư tưởng cộng sản kết hợp với Khổng Giáo của Trung Quốc đã hấp dẫn dân chúng của họ không phải chỉ vì họ đã đánh trúng vào tâm lý của quần chúng nông dân đang khao khát về ruộng đất và những công nhân đang bất mãn với sự bóc lột của giới chủ công nghiệp trong giai đoạn đầu tiên của nền công nghiệp, mà còn do họ biết khoét sâu vào những tình cảm sâu sắc về lòng yêu nước đã bị xúc phạm và rằng Trung Quốc đã bị làm nhục bởi những đế quốc phương Tây trong hàng trăm năm, rồi lại tiếp tục với việc Nhật xâm lược Trung Quốc. Những điều đó đã kích thích nhiều người Trung Quốc vốn tự hào về nền văn hóa của mình có những tình cảm bất bình mãnh liệt với cả những người nước ngoài đáng ghét và những người lãnh đạo của họ đầy quyền uy nhưng thoái hóa và bất lực.
Sự tài tình của Chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc là họ đã có thể pha trộn hai cái đó thành một công thức, trong đó chủ nghĩa yêu nước tự giác và chủ nghĩa cộng sản không phải là những mệnh đề loại trừ lẫn nhau. Như vậy là, đối với nhiều người Trung Quốc, thắng lợi của cộng sản cũng đồng thời tiêu biểu cho sự giải phóng dân tộc khỏi sự thống trị đáng căm ghét của ngoại bang. Trong khi đó, ở Đông Âu do Liên Xô thống trị, nơi mà đối với nhiều người, chủ nghĩa cộng sản lại có nghĩa là họ phải phục tùng quyền lực của “nước ngoài”.
Điều đó đã dẫn tới thực tế: Trong mỗi giai đoạn tiếp nối nhau, chính sách của cộng sản Trung Quốc ngày càng ít bị chi phối bởi những giáo huấn hệ tư tưởng chung các nước xã hội chủ nghĩa khác, đặc biệt là của Liên Xô, và ngày càng chịu ảnh hưởng nhiều hơn của ý đồ vận dụng học thuyết đó vào những điều kiện riêng biệt của Trung Quốc, đặc trên nền tảng của những truyền thống đã có, và những nhu cầu của dân tộc đã được xác định một cách thực dụng.
Ít người phương Tây có thể đánh giá được đầy đủ khoảng cách đã phát triển trong thế kỷ XIX giữa một bên là cảm nhận của người Trung Quốc về nền văn minh độc đáo, cao hơn hẳn về mặt văn hóa ( họ cho là như vậy ) và bên kia là ý thức của người Trung Quốc về sự yếu kém của họ khi đối diện với những sự làm nhục mà những cường quốc nước ngoài đã cố ý gây ra cho họ.
Đại Nhảy Vọt Đại Nhảy Vọt
Giai đoạn Trung Quốc bắt chước Liên Xô như vậy là rất ngắn ngủi. Trong những năm đầu sau thắng lợi của cách mạng, Trung Quốc cũng bắt chước công cuộc công nghiệp hóa đầu tiên của Liên Xô do Nhà Nước chỉ đạo ( Đại Nhảy Vọt ). Đất nước lao vào một chương trình công nghiệp hóa đầy tham vọng với một lòng tin được đơn giản hóa đến cao độ về những lợi ích kỳ diệu về mặt xã hội của công nghiệp nặng. Để đạt được mục đích đó, viện trợ và kỹ thuật của Liên Xô đã được nhập khẩu càng nhanh càng tốt, y như kế hoạch 5 năm lần đầu tiên thời Stalin. Cố vấn Liên Xô tràn ngập đất nước, sinh viên Trung Quốc lũ lượt kéo sang các trường đại học Xô Viết, và những thành tựu của Liên Xô được tán dương trên báo chí Trung Quốc. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, kinh nghiệm của Liên Xô đã bị thừa nhận là đã phá sản tại Trung Quốc, trong Hội Nghị Trung Ương Bất Thường Lần Thứ Hai của Đại Hội Đảng Lần Thứ 8 vào Tháng Năm, 1958.
Để biện minh cho sự thất bại đó, Mao cần đến một giải pháp tạm thời khác. Tháng Chín, 1956, những người lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc tuyên bố một cách tùy tiện tại Hội Nghị Trung Ương Lần Thứ Nhất của Đại Hội Đảng Lần Thứ 8, rằng Trung Quốc đã hoàn thành những mục tiêu vĩ đại của Đại Nhảy Vọt, và đã bước vào “giai đoạn phát triển” trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những cố gắng cuồng nhiệt và tàn bạo nhằm cấu trúc lại nông dân Trung Quốc thành cái gọi là CÔNG XÃ NHÂN DÂN đã tạo ra một tai họa với quy mô to lớn. Hàng triệu nông dân, ước chừng là 27 triệu, đã chết do phải di chuyển nơi ở, do bị đàn áp bởi bạo lực và nạn đói.
Đến cuối những năm 1950, khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô rạn nứt mọi viện trợ của Liên Xô đã chấm dứt, chuyên gia Liên Xô đột ngột rút về nước, những phụ tùng thay thế của Liên Xô không có nữa, Trung Quốc đột nhiên ý thức được mình phải hoàn toàn dựa vào bản thân mình.
Từ giữa những năm 1960, trước sự chỉ trích từ bên ngoài của Liên Xô và một số mầm mống nổi dậy đã xuất hiện ở trong nước, Mao đã tiến hành một công cuộc “thanh lọc” bị gọi chệch đi là Cách Mạng Văn Hóa. Bạo lực bao trùm lên toàn bộ Trung Quốc. Mao già nua và bất lực thúc giục những người dưới quyền tiêu diệt lẫn nhau trong một quá trình có ngụ ý là “thay máu” cách mạng, là những cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng nhằm chống lại bọn quan liêu cầm quyền và những truyền thống của quá khứ. Kinh nghiệm Liên Xô lúc này bị tố cáo thẳng thừng và bị coi là chủ nghĩa xét lại phản cách mạng.
Mao Cách Mạng Văn Hóa. Mao Cách Mạng Văn Hóa.
Kết quả là, từ 1966 đến giữa những năm 1970, Trung Quốc đã trải qua một loạt các cuộc thanh trừng tàn bạo, giết hại hàng trăm nghìn cán bộ Đảng và những chỉ huy quân sự ( trong đó có một số nhân vật của cuộc trường chinh và của cách mạng Trung Quốc ) rất được kính trọng, bắt giam và đưa đi đày ở các trại lao động cưỡng bức hàng triệu người. Tuy rằng số liệu chính xác về sử dụng bạo lực đó không bao giờ biết được, thời kỳ đó về nhiều mặt có thể so sánh với những năm tồi tệ trong thời kỳ khủng bố và thanh trừng của Stalin. Bạo lực tuy được Mao và một số người cộng sự chủ chốt khuyến khích, nhưng cũng còn được nuôi dưỡng bởi những cuộc đấu tranh không ngừng tăng lên nhằm giành quyền kế tục chính trị, y như truyền thống trong những triều đại phong kiến Trung Quốc xưa kia.
Phải mất nhiều năm với hoạt động kiên nhẫn của những người cộng sản Trung Quốc, trong đó có Chu Ân Lai, người ta mới thấy lại sự khôi phục cho những người lãnh đạo chóp bu trước đây còn sống sót, như Đặng Tiểu Bình, và sự phá hoại khủng khiếp của cuộc Cách Mạng Văn Hóa mới được chế ngự. Và phải đến cái chết của Mao vào Tháng Chín, 1976, quá trình bình thường hóa xã hội mới quay trở lại.

Vào Đại Hội Đảng Lần Thứ 12 ( Tháng Chín, 1982 ), Đặng chính thức đưa ra một cách tiếp cận mới nhằm tìm ra mục tiêu khôi phục dân tộc và uy tín quốc tế cho Trung Quốc. Được công bố vào cuối những năm 1970 và được miêu tả như là “bốn hiện đại hóa” ( hiện đại hóa nông nghiệp, hiện đại hóa công nghiệp, hiện đại hóa khoa học kỹ thuật, hiện đại hóa quốc phòng ), chương trình đó hướng tới sự mở cửa thực dụng với toàn thể ra thế giới phương Tây và làm nảy sinh nguy cơ xáo trộn tính chính thống của hệ tư tưởng ở trong nước. Quá trình mới đó cũng bao gồm việc xây dựng vị trí quốc tế của Trung Quốc: Khôi phục toàn bộ các quan hệ với Mỹ cuối năm 1978, phục hồi quan hệ về kinh tế, chính trị thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản, cũng đồng thời được coi là sự chia sẻ lo sợ chung về chủ nghĩa bành trướng của Liên Xô.
Trong các cuộc họp Đảng, Đặng luôn ra vẻ trung thành với những lời dạy của Mao. Năm 1979, ông ta nói rằng bất cứ người công dân Trung Quốc nào cũng đều phải tuân theo “bốn nguyên tắc”; đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, chuyên chính vô sản dưới sự lãnh đạo của Đảng, chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, trên thực tế, dưới chiêu bài tiếp tục đường lối của Mao, Đặng đã chủ tâm xét lại đường lối đã định của Đảng, và trong quá trình đó, ông ta phải vượt qua một loạt các trở ngại to lớn về chính trị, về cả mặt học thuyết lẫn bộ máy cai trị quan liêu.
Đặng đã tỏ ra rất thận trọng và nhẫn nại trong việc tìm cách loại bỏ từ từ những lãnh đạo lớn tuổi thuộc thế hệ cũ, nặng lòng sùng bái Mao và hệ tư tưởng Marxist. Trong một chừng mực nào đó, ông ta đã làm nảy sinh các mầm mống của phong trào dân chủ nổi lên trong giới sinh viên và thanh niên. Tuy nhiên, cứ mỗi khi ông ta gặp sự phản kháng của các lãnh đạo thế hệ cũ và tầng lớp vẫn đang hưởng lợi từ việc duy trì trật tự cũ, ông ta lại sẵn lòng hy sinh những nhóm người khởi xướng những phong trào dân chủ này để làm hài lòng bộ máy của mình, để đảm bảo những làn sóng giận dữ của họ không trào dâng và xô đổ bức tường đổi mới mà ông ta đang xây dựng.
Ngay từ đầu năm 1978, hoạt động đó đã thể hiện qua những cuộc biểu tình của quần chúng và qua những người dán báo đại tự trên “bức tường dân chủ” nổi tiếng, không xa cấm thành ở Bắc Kinh. Một khẩu hiệu được dán bởi một người lãnh đạo sinh viên là Ngụy Kinh Sinh đã nói lên được ý muốn quan trọng của những người chống đối: “Không có dân chủ, không có hiện đại hóa”. Đặng đã ban cho Ngụy Kinh Sinh được hưởng 15 năm tù vì mong muốn có được “hiện đại hóa thứ năm” ( tức là đòi dân chủ hóa ). Đối với Đặng, cải cách không có nghĩa là ông ta hoặc Đảng Cộng Sản phải từ bỏ quyền lực.

Công cuộc cải cách của Đặng đòi hỏi không những phải trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo, mà còn cả sự kế tục bản thân Đặng một cách có trật tự. Để bảo đảm cho một sự quá độ như vậy thì những người lãnh đạo cao nhất trước hết phải củng cố quyền lực của họ, gạt bỏ mọi đối thủ hiện có hoặc tiềm năng, nắm chắc tình hình cũng như chỉ định và hỗ trợ cho người kế nhiệm. Đó là trung tâm chương trình hành động của Đặng từ đầu những năm 1980. Nhờ sự khéo léo đó, ông ta dọn đường chuẩn bị cho những người kế nhiệm mình leo lên những vị trí cao nhất, trong đó có Hồ Diệu Bang.

Cũng như Gorbachev, Hồ Diệu Bang đã úp mở quan điểm cho rằng những thay đổi chính trị cơ bản là cần thiết và chúng phải được tiến hành song song với những thay đổi về kinh tế “bốn hiện đại hóa”. Bởi vì chương trình kinh tế hướng về sự mở rộng phi tập trung hóa, thì sự thay đổi về chính trị có thể dẫn tới một sự phân tán quyền lực chính trị. Tuy vậy, khi cuộc thảo luận đi đến vấn đề vai trò của Đảng, thì tác động phối hợp của lợi ích chính trị to lớn, của hệ tư tưởng giáo điều, kết hợp với thiên hướng đặc biệt của tất cả các nhà lãnh đạo cộng sản tự cho mình là những người duy nhất nhận thức được đúng đắn thực tế phức tạp xung quanh mình, lại làm xuất hiện trở lại sự khẳng định dứt khoát là vai trò lãnh đạo của Đảng cần được tiếp tục, có nghĩa là “dân chủ tập trung”, một thuật ngữ mà Lenin cố ý dùng sai để nói về sự phục tùng ngu đần [ Trang 162 ].
Điều đó, đến lượt nó, lại đặt ra câu hỏi về giới hạn của sự thay đổi, vấn đề đâu là ranh giới đích thực giữa cải cách kinh tế và cải cách chính trị, vẫn chưa được giải quyết. Gặp phải nhiều sự chống đống của những quan chức Đảng trung thành với tư tưởng cũ, Hồ Diệu Bang bị ép phải từ chức vào năm 1987.
Là một người khôn ngoan, Đặng đã tìm ra một yếu tố mới để thêm vào công thức “Đổi Mới” của mình, ông ta đã kết hợp thêm truyền thống “thương mại thực dụng” của các thương nhân Trung Quốc vào công thức của mình, do đó đã lái được sự chú ý của nhiều người qua vấn đề kinh tế. Trong đó phải kể đến công cuộc việc phi tập thể hóa và giải thể hóa công xã dần dần trong nền nông nghiệp Trung Quốc đã đẩy nhanh năng suất lao động ở khu vực nông thôn một cách bất ngờ. Quả vậy, qua vài năm, Trung Quốc đã biến từ một nước thuần túy nhập lương thực thành một nước có thể xuất khẩu lương thực – hoàn toàn trái với nước cộng sản láng giềng Liên Xô. Điều này đã khiến cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc có lý do để hài lòng và tin tưởng vào tiến trình hành động của mình.
Nhưng sự cải cách này cũng đem lại một vài hậu quả sâu xa về ý thức hệ. Khi nhiều người Trung Quốc đã thoát dần ra khỏi cái khuôn khổ chủ nghĩa cộng sản được nhào nặn bằng sự phát triển ý thức hệ và bắt đầu quan tâm đến việc bán sản phẩm tự do trên thị trường mở rộng với giá cả được quyết định bởi quy luật cung cầu, nó tạo ra nguy cơ làm suy yếu sự kiểm soát trực tiếp của Đảng đối với một dân tộc quá đông – dù rằng có thuận lợi lớn cho nền kinh tế Trung Quốc. Nguy cơ này, lại cảnh tỉnh những người cộng sản, khiến họ phải xây dựng những hệ thống tường rào khác để bảo vệ cho quyền lợi của mình.
Đến năm 1984, chính quyền của Đặng lại mở cửa cho những xí nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, nhất là trong lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu. Một khi đã tạo ra việc mở cửa này thì khuynh hướng văn hóa của xã hội Trung Quốc đối với sáng kiến của người phụ trách xí nghiệp nhanh chóng được thể hiện. Theo một báo cáo của CIA đệ trình lên Quốc hội Mỹ vào Tháng Tư, 1988 thì 300.000 xí nghiệp như thế, cũng như thêm 20 triệu cơ sở kinh doanh một người hay một gia đình, đã ra đời năm 1987.
Vào đầu những năm 1980, Trung Quốc đã lập nhiều cái gọi là đặc khu kinh tế trong các vùng duyên hải Trung Quốc, đặc biệt là Thẩm Quyến, Sán Đầu, Chu Hải và Hạ Môn để thu hút đầu tư nước ngoài. Sự có mặt của nước ngoài và hoạt động kinh tế trong các vùng này thực tế là tạo ra một loạt ốc đảo tư bản chủ nghĩa bên trong nền kinh tế Trung Quốc.
Năm 1987, xuất khẩu của Trung Quốc tăng vụt lên 25% và ngoại thương Trung Quốc đạt đến mức đáng kính nể là 80 tỷ, gấp 4 lần mức năm 1978.
Đồng thời, Trung Quốc đã gởi số tương đối lớn những sinh viên có khả năng – và trong nhiều trường hợp, có những liên hệ thân thích về phương diện chính trị – ra nước ngoài học tập. Kết quả là một sự tổn thất không tránh khỏi trong việc kiểm soát trực tiếp ý thức hệ đã được thừa nhận – dù rằng với đôi chút miễn cưỡng chính thức và có lúc căng thẳng – nhằm thu được lợi ích từ các nước phương Tây tiên tiến hơn về công nghệ và khoa học. Nổi bật nhất về phương diện này là việc rất nhiều sinh viên như thế đã được gửi sang Hoa Kỳ, kẻ thù tư tưởng của Trung Quốc trong thời gian trước kia. Người ta đã ước lượng rằng vào năm 1987 có khoảng 27 nghìn sinh viên Trung Quốc đang học tập tại các trường đại học Mỹ, so với số ít ỏi sinh viên từ Liên Xô. Năm 1988, trường Đại Học Harvard cho biết rằng trường Đại Học Bắc Kinh đã trở thành một trong 10 trường đứng hàng đầu thế giới về cung cấp sinh viên đối với các chương trình đào tạo của trường Harvard [ Trang 168 ].
Tuy nhiên, những cải cách như thế không phải là không đau đớn. Khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc tăng nhanh do việc thâu tóm đất đai nông nghiệp. Quan trọng hơn, phần lớn những người được trao quyền để mở rộng làm ăn trong những lĩnh vực mới và trên quy mô lớn cũng đều là người của các quan chức Đảng và bà con họ hàng của họ. Điều này càng củng cố sự ưu việt và tính hợp pháp của Đảng, khiến cho bất kỳ một nỗ lực cải tổ nào cũng trở nên khó khăn, do sự đụng chạm quyền và lợi ích quá lớn lao. Cuối cùng thì, những sự phát triển của các thành phần được gọi là “tư bản đỏ” này lại trở thành một cánh tay nối dài cho quyền lực của Đảng. Nó đưa thêm vào nhiều lý do khiến xu hướng tập trung quyền lực của Đảng lại càng trở nên cần thiết đối với một bộ phận lớn đảng viên và những người bà con thân thích của họ.
Tham nhũng cũng trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Những bài tường thuật của báo chí Trung Quốc đã kể lại những vụ quan chức ăn cắp hàng triệu tới hàng tỷ đô la của nhà nước thông qua việc buôn lậu, lừa gạt và lợi dụng công khai trắng trợn. Ăn hối lộ để nhận được những hàng hóa hay vật tư khan hiếm, kể cả ở những người sản xuất và người tiêu dùng, đã trở thành một vấn đề lan tràn khắp nơi. Lạm dụng quyền lực chính trị và thiên vị trong phân phối tài nguyên kinh tế, chẳng hạn như chất đốt, xảy ra ở mọi nơi. Tháng Giêng, 1986, các lãnh đạo Đảng đã phát động một chiến dịch nhằm “chỉnh đốn Đảng”. Nhưng chừng nào các tài nguyên còn được phân phối không theo thị trường mà bằng ý chí của bộ máy Nhà Nước và Đảng thì các loại tham nhũng này vẫn còn tiếp tục diễn ra như thế.
Thêm vào đó, việc cùng tồn tại một nền kinh tế dựa trên việc hoạch định giá cả do trung ương đề ra một cách độc đoán với một nền kinh tế do thị trường điều khiển đã tạo ra một sự hỗn loạn lớn lao đối với những người làm kế hoạch Trung Quốc. Đối với những nhà quản lý ngày càng độc lập trong các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh; đối với các nhà kinh doanh tư nhân mới đang nổi lên và đối với các thương gia nước ngoài. Sự hỗn loạn trong hệ thống giá cả là nguồn gốc của những đình trệ trong nền kinh tế, và nó cũng góp phần vào những áp lực lạm phát nguy hiểm tiềm tàng. Làm thế nào giải quyết vấn đề này vẫn là đề tài nan giản, về mặt kinh tế cũng như về mặt học thuyết, mà có khả năng dẫn đến sự chia rẽ dữ dội giữa những nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Chủ nghĩa cộng sản thương mại có thể thoái hóa thành chủ nghĩa cộng sản tham nhũng, mà sự tham nhũng trước hết lây lan và làm suy đồi tầng lớp quan chức trong Đảng, rồi sau cùng đưa nhanh đến một cuộc đàn áp và phản ứng tập trung về chính trị. Trong khi đó, chủ nghĩa đa nguyên kinh tế ngày càng nổi lên có thể sinh ra sự bất ổn trong dân chúng ngày càng lớn, và xuất hiện ngày càng nhiều những yêu cầu đòi dân chủ hơn.
Những vấn đề chính trị cũng được đặt ra, khi tình trạng khó xử không thể tránh được của việc phi tập trung hóa kinh tế lại được thiết lập trong một cái khung chính trị tập trung. Kinh tế phát triển chắc chắn xung đột với chính trị độc quyền. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải lựa chọn giữa thỏa hiệp về phi tập trung hóa hay nhượng bộ về kiểm soát chính trị. Nhượng bộ trên mặt trận chính trị rõ ràng có nghĩa là thu hẹp hơn nữa vai trò quản lý hành chính của Đảng. Trong khi đó, sự giới hạn hơn nữa vai trò của Đảng lại càng mở rộng cửa cho sự bất đồng quan điểm chính trị công khai.
Sự kiện Thiên An Môn. Sự kiện Thiên An Môn.
Nét nổi bật của vấn đề này càng rõ ràng do sự xuất hiện các bất đồng như thế trong giới sinh viên và trí thức. Đối với các lãnh tụ của Đảng, những yêu cầu quá đáng về tự do hóa chính trị hơn nữa – được đẩy mạnh vào cuối những năm 1980, đã khiến họ phải xuống tay để bảo vệ quyền lợi mà họ chưa chuẩn bị để nới lỏng của mình – mà sự kiện Thiên An Môn là một trong những hậu quả đau buồn nhất và thể hiện sự bất lực trước bài toán kinh tế và chính trị hóc búa mà họ chưa thể giải đáp.
Mặc cho những điều kiện lịch sử – văn hóa đặc thù đã khiến cho Trung Quốc trở thành một trường hợp độc đáo khác xa với Liên Xô, giúp họ tận dụng được hoàn cảnh quốc tế, và vượt qua những khủng hoảng ban đầu, nhưng khi câu hỏi lớn nhất không có lời giản đáp lại quay trở lại với cùng một mệnh đề như ở Liên Xô và các quốc gia cộng sản Đông Âu, thì những nguyên nhân đã dẫn đến cuộc khủng hoảng và sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô… sẽ đặt chân lên ngưỡng cửa Trung Hoa, có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian…
SỰ HẤP HỐI CỦA CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN
Chủ nghĩa cộng sản xuất hiện ở Liên Xô, bị bác bỏ ở Đông Âu, và ngày càng trở thành thương mại hóa ở Trung Quốc, đã trở thành một hệ tư tưởng mất uy tín trên toàn thế giới. Chủ nghĩa Marxist-Leninist – sự thống nhất lý thuyết và hành động – đã không còn được tôn trọng ngay cả trong các đảng viên như là một sự chỉ dẫn có giá trị phổ quát cho việc kiến thiết lại xã hội trong thực tiễn.
Khắp thế giới, ngày nay, người ta cho chủ nghĩa cộng sản theo kiểu Xô Viết là đồng nghĩa với sự phát triển bị kìm hãm. Quan điểm này ngự trị ở cả hai phần của Châu Âu, ở Viễn Đông, ở Đông Nam Á và ở Bắc Mỹ. Nó cũng đang bắt đầu ảnh hưởng quan điểm của những người lãnh đạo dư luận ở Châu Mỹ Latin và Châu Phi.
Trong khi ở những phần phát triển hơn của thế giới, có rất ít người tìm thấy ở chủ nghĩa cộng sản một chương trình thích hợp cho tương lai, thì trong các quốc gia đang phát triển, những nhược điểm của mô hình phát triển Xô Viết được chứng minh hùng hồn bởi số phận của nhiều nước đã chọn đi theo nó.
Tình trạng nhất trí mới của thế giới nói lên một sự thay đổi có tính chất thời đại và kéo theo những hậu quả chính trị tai hại đối với chủ nghĩa cộng sản thế giới. Chủ nghĩa cộng sản đã từng có sức hấp dẫn trước hết đối với những người bất mãn do điều kiện không được ưu đãi hay do sự áp bức dân tộc, họ nhìn thấy ở đây một lối thoát đi đến quyền lực chính trị. Tình trạng nghèo khổ, lạc hậu và sự thù địch dân tộc tạo ra cơ sở thuận tiện nhất cho sức thu hút của nó. Tuy nhiên, thế giới đã thay đổi…
Sự suy sút về tầm quan trọng tư tưởng và về nhiệt tình chính trị của chủ nghĩa cộng sản có thể được nhìn thấy qua một cuộc họp tập hợp 93 Đảng Cộng Sản ở Praha vào giữa Tháng Tư, 1988 để chuẩn bị lần kỷ niệm thứ 30 cơ quan cộng sản quốc tế cuối cùng còn sót lại do Liên Xô nâng đỡ là tờ World Marxist Review ( tức tờ “Những Vấn Đề Hòa Bình Và Chủ Nghĩa Xã Hội” ). Cuộc họp gần như đã hoàn toàn rơi ra khỏi tầm chú ý của của thế giới, và chỉ được đăng với một vài nhận xét ngắn gọn và qua loa trong báo chí cộng sản.
Trong khi thế giới xích lại gần nhau và tiến hành hàng loạt những chương trình hợp tác, thì trong nội bộ các nước cộng sản lại diễn ra những cuộc đấu tranh liên miên với nhau. Sự sụp đổ về kỷ luật, sự sa sút về kinh tế, và sự phai nhạt về đạo đức, vốn gắn liền trực tiếp với sự xói mòn sức thu hút của Liên Xô, với tư cách một mẫu mực của chủ nghĩa xã hội đã là minh chứng hùng hồn cho việc lý thuyết cộng sản bị tan vỡ, thực tiễn cộng sản hiện nay bị xem là một thất bại trên khắp thế giới. Tất cả những điều này báo trước sự kết thúc sắp đến của chủ nghĩa cộng sản với tính cách một hiện tượng thế giới quan trọng vào đầu thế kỷ XX.
Xét về mặt lý thuyết, lẽ ra chủ nghĩa cộng sản phải thắng lợi nhiều nhất ở thế giới đã phát triển. Theo học thuyết kinh điển của Marx thì cách mạng xã hội chủ nghĩa lẽ ra phải xảy ra ở các nước phát triển như là hậu quả lịch sử tất yếu của cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản ở trong xã hội công nghiệp hóa. Vào năm 1961, Đảng Cộng Sản Liên Xô tuyên bố, trong cương lĩnh mới được thông qua của nó rằng “quá trình giải thể tất yếu đã trùm lên chủ nghĩa tư bản từ trên xuống dưới” và “cuộc tổng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản” đang diễn ra [ Trang 200 ].
Không những sự “chẩn đoán” này là sai lầm, mà vào khoảng cuối thế kỷ XX, một mệnh đề còn mạnh mẽ hơn nảy sinh: xã hội càng tiến lên thì Đảng Cộng Sản của nó càng trở thành ít cần thiết về mặt chính trị. Điều này làm đảo lộn cả học thuyết của chủ nghĩa cộng sản, trong khi nó thất bại ở nơi nó có hy vọng thành công, thì nó lại có vẻ thành công ở nơi mà theo học thuyết, các điều kiện xem ra là quá sớm về mặt lịch sử cho sự thành công của nó.
Điều ngược đời này cuối cùng dùng đã làm cho chủ nghĩa cộng sản mất luận điểm trung tâm của nó: Nó vẫn tự cho rằng nó đang đứng ở điểm cao nhất của lịch sử, rằng nó đại diện cho tương lai, và sự thắng lợi tất yếu của nó là biểu hiện sự tiến bộ của loài người. Lối đơn giản hóa quá đáng của nó đã không thể nào bao quát được tất cả những tình trạng phức tạp của cấu trúc xã hội của xã hội tiên tiến. Quan điểm mà Marx đưa ra về địa vị trung tâm của giai cấp vô sản công nghiệp cũng không trở thành hiện thực.
Học thuyết này cũng không thể cung cấp một sự hướng dẫn có ý nghĩa nào tới các chính sách xã hội mà mặc nhiên là cần phải tiếp thu những sự cải tiến sáng tạo của các khoa học mới và kỹ thuật cao. Toàn bộ khu vực cộng sản đã trở nên tụt hậu về kinh tế, lạc hậu về xã hội so với những phần khác của thế giới. Học thuyết của nó hoàn toàn không có tính sống động và không có khả năng thích nghi khi hoàn cảnh thay đổi. Đối diện với nền dân chủ của phương Tây là nơi những sự lựa chọn được tiến hành trên cơ sở tranh luận công khai, chủ nghĩa cộng sản đã không thể đối phó lại, và nó đã tự phơi bày sự không thích nghi rõ rệt của nó đối với thời hiện đại.
Sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản, xét đến cùng là về mặt trí tuệ. Nó đã bắt nguồn từ một nhận thức sai về lịch sử và về bản chất con người, nó không coi trọng nguyện vọng cơ bản của con người là tự do cá nhân, để tự biểu hiện về mặt nghệ thuật và trí tuệ. Và trong thời đại của trí thức và thông tin đại chúng, con người ngày càng muốn có sự tự do lựa chọn về chính trị. Nó cũng coi nhẹ mối quan hệ hữu cơ giữa một bên là hiệu quả kinh tế với sáng kiến đổi mới và một bên khác là sự khao khát của cá nhân về phúc lợi vật chất. Như vậy chủ nghĩa cộng sản đã bóp nghẹt sự sáng tạo xã hội ngay cả khi họ tự nhận mình là chế độ xã hội sáng tạo và đổi mới nhất.
Nó đã đánh giá thấp vai trò các dân tộc và chủ nghĩa dân tộc, do đó mà đã bị choáng trước những cuộc xung đột dân tộc trong các nước xã hội cộng sản. Nó cũng không thấy được sự hấp dẫn của tôn giáo nên nó đã bị bất ngờ về sự chống đối ở Ba Lan dựa trên đạo Thiên Chúa và sự hồi sinh của Hồi Giáo ở ngay chính Liên Xô. Điều cuối cùng và cũng là quan trọng nhất, trong khi cuộc cách mạng kỹ thuật điện tử đã làm thay đổi bản chất sự phân phối quyền lực và cơ cấu xã hội ở các nước tư bản phát triển, thì những người theo chủ nghĩa Marx-Lenin vẫn còn bám lấy những khái niệm lỗi thời trong những giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp.
Thế kỷ XX như vậy đã không trở thành thế kỷ của chế độ cộng sản như những người cộng sản đã tuyên bố. Không những vậy, vào cuối thế kỷ XX, chủ nghĩa cộng sản ở khắp mọi nơi trên thế giới, không những lạc hậu với tư cách một cương lĩnh xã hội mà còn không cần thiết về mặt chính trị.
Một thứ chủ nghĩa thiếu sức sống, thiếu khả năng thích nghi, ích kỷ, và không còn cần thiết như vậy, khi gặp những biến động lớn từ bên ngoài ập tới hoặc từ bên trong trỗi dậy, thường rất có rất ít khả năng tự giải quyết hoặc chuyển hóa những khó khăn của mình thành cơ hội… Nó có thể khuyến khích tham vọng của những người đang được hưởng lợi ích to lớn từ hệ thống để những kẻ này dùng bạo lực đàn áp số đông còn lại trong một khoảng thời gian nào đó… Nhưng điều này chắc chắn là không thể kéo dài mãi mãi… Trong một thế giới liên tục đổi thay, chủ nghĩa cộng sản và những kẻ trục lợi từ hệ thống cai trị của chúng không thể trục lợi mãi dựa trên một thứ lý thuyết đã mục ruỗng và hấp hối…, trong khi đại bộ phận dân chúng ngoài kia đã và đang sống bằng những chất liệu của cuộc đời thực sống động, sáng tạo và không ngừng đổi thay… Vấn đề còn lại sẽ chỉ là thời gian, và việc con người có thể tận dụng được bao nhiêu những điều kiện của hiện tại để rút ngắn khoảng cách có thể tạo ra những đổi thay lớn lao này…
Tuy nhiên, một kịch bản đổi thay dẫn đến việc đưa chủ nghĩa cộng sản trở thành một di sản đáng buồn của lịch sử, sẽ khó có thể xảy ra nếu người ta dùng khoảng thời gian đó chỉ để chờ đợi. Khoảng thời gian đó cần phải dùng vào việc chuẩn bị cho một bộ phận lớn dân chúng sẵn sàng về mặt tri thức, hành động và những ý tưởng kiến tạo xã hội mới trên các lĩnh vực khác nhau… để có thể trong một chừng mực nào đó, lấp vào những khoảng trống cần thiết gồm nhiều những cái hố sâu đầy nguy hiểm mà chủ nghĩa cộng sản đã để lại trong suốt một thời gian dài.
Sự gặp gỡ đầy thảm họa của nhân loại với chủ nghĩa cộng sản trong thế kỷ XX đã cho chúng ta một bài học đau đớn nhưng cực kỳ quan trọng: Đó là sự xây dựng xã hội một cách ảo tưởng về căn bản đã xung đột với tính phức tạp của điều kiện con người, và sự sáng tạo xã hội chỉ nảy nở tốt nhất khi quyền lực chính trị bị thu hẹp. Bài học cơ bản đó cho thấy chính là nền dân chủ, chứ không phải chủ nghĩa cộng sản sẽ thống trị trong thế kỷ XXI [ Trang 258 ].
Tác Giả: Từ Liên.
5 thoughts on “Phần 6/6: Giới thiệu sách: “THẤT BẠI VĨ ĐẠI – Sự Ra Đời Và Cái Chết Của Chủ Nghĩa Cộng Sản Trong Thế Kỷ XX” của Zbigniew Brzeziński. Tác Giả: Từ Liên.”