Có Hai Việt Nam: Việt Nam Của Đảng Và Việt Nam Trong Con Mắt Của Người Nước Ngoài… Tác Giả: Từ Liên.

Tương lai của nền tự do Việt Nam chắc chắn có phần đáng kể phụ thuộc vào việc có thêm nhiều nguồn thông tin đa chiều trên những phương tiện thông tin chính thống ở nước ngoài như thế này…

Tại phiên khai mạc Đại Hội XIII của Đảng ngày 26/01/2021,Tổng Bí thư Đảng đã hồ hởi thông báo với đại biểu và quốc dân “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay“.

Người dân Việt thực tình là không biết ông Tổng đã quẩn quanh trong phủ của ngài bao lâu rồi, không đặt chân ra tới thế giới bên ngoài, mà đội ngũ cố vấn chân rết hùng hậu của ngài cũng không biết đã đi tới đâu mà chỉ báo cáo lại với ngài toàn những thành tựu tốt đẹp.

Nào là mọi người đều đã nhận được tiền trợ cấp trên ti vi đủ cả, không sót một ai.

Nào là cảnh sát, công an, quân đội kết hợp với nhau thành đội quân đông đảo, quần thảo ngoài đường phạt không sai một người nào, từ những người vô gia cư lang thang cơ nhỡ tới dân thường, tới người không may ốm đau bệnh tật giữa mùa dịch bệnh… Tiền thu về bỏ vào túi ai không biết nhưng chắc chắn là nhiều người vẫn phải đặt may túi 20-30 gang để mà đựng tiền cướp bóc được của dân.

Nào là các bệnh viện bác sĩ, y tá hăng say làm việc không đòi hỏi gì, không ai xin nghỉ việc, một người chăm từ cả chục tới cả trăm bệnh nhân, dù không được ngân sách chống dịch hỗ trợ gì, toàn bộ người dân ở những thành phố, từ người già hấp hối tới trẻ sơ sinh, tới những người lao động mấy tháng ngồi ở nhà không ra ngoài đường cũng đều đã được lấy mẫu xét nghiệm.

Toàn thành phố không có dân đói, không có ai bị bỏ lại phía sau, các tổ trưởng tổ dân phố đã mang gạo và đồ cứu trợ đi giáp vòng phát hết cho mọi người rồi mà vẫn còn dư, mang về nhà chất cao như núi…, hết dịch mấy năm ăn cũng không hết.

Người chết vì COVID khoảng mười sáu, gần mười bảy ngàn gì đó [ tính tới 17/09/2021 ], nhưng ăn nhằm gì so với dân số 100 triệu người.

Dù đang trong thời kỳ phong tỏa cách ly, nhưng thu ngân sách nhà nước vào cuối Tháng Tám, 2021 vẫn tăng hơn 14% so với năm ngoái, đạt mốc 1 triệu tỷ đồng.

Tiền đóng góp quỹ phòng chống COVID của dân trong nước lẫn dân hải ngoại gởi về ủng hộ đã gần chạm mốc 9.000 tỷ đồng, các quỹ bảo hiểm kết dư tới 935.000 tỉ đồng [ Báo Thanh Niên ngày 17/08/2021 ], mà dân Việt Nam người ta giàu nên không ai thèm đi xin hoặc đi đòi cứu trợ. Dân giàu nước mạnh, ai nấy hạnh phúc ngồi trong nhà chờ hết dịch…

Không biết Đảng đi điều tra nhà dân khi nào, nhưng ngày 14/09/2021, báo nhà Đảng nói dân mình giàu lắm, ước tính còn hàng triệu tỷ khác nữa trong két sắt nhà dân Việt Nam [ Vietnamnet ngày 14/09/2021 ], và còn khoảng 500 tấn vàng đang được giấu trong nhà dân [ Báo Lao Động, ngày 26/02/2018 ]. Chắc nhà Đảng lấy mức trung bình trong nhà quan đảng rồi nhân lên với trăm triệu dân từ trẻ sơ sinh tới người thọ nhất cả nước nên ước tính ra được những con số đẹp mùi mẫn như vậy.

Việt Nam sắp sửa trở thành nước công nghiệp phát triển nhanh thế giới vào năm 2025, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công nghệ 5G, 6G phủ khắp đất nước, Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 [ Tuổi Trẻ 02/09/2021 ] Việt Nam sẽ làm được những thứ mà không có nước nào khác trên địa cầu này làm được…

Tới nay, cả nước đã hoàn thành chỉ tiêu “mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố, mỗi trường học là một pháo đài chống dịch”. Đất nước trong thời chiến, xe thồ từ năm 1950s đã được phục hồi lại chạy đầy đường. Mấy ngàn binh sĩ, quân y, vũ khí, trang thiết bị, mấy triệu liều Sinopharm đã được chi viện cho Miền Nam… Mấy tuần trước, Đảng hồ hởi lắm, trận này quyết giải phóng rốt ráo Miền Nam, không thắng không về…

Quan nhà Đảng ngoài Ba Đình phối hợp với nhau ăn ý, nhịp nhàng, mẹ hát con khen hay. Khúc nào hơi lộn xộn là Đảng cho người cắt tiệt nguồn tin khỏi các trang mạng, chỗ nào lỡ ăn nói hớ hênh, Đảng sai người làm việc ngày đêm gỡ bài, thậm chí sửa ngay trên các bài báo vừa đăng còn nóng hổi… Dân tình nào bép xép tố cáo Đảng trên các trang mạng xã hội, Đảng sai dân phòng tới dằn mặt, dọa bỏ cho chết đói, khỏi kêu…

Vậy mà không hiểu bên Bộ ngoại giao làm việc thế nào với các hãng thông tấn quốc tế, các Đại Sứ Quán, Lãnh Sự Quán và các cơ quan ngoại giao. Các tòa soạn báo đều có Ban Quốc Tế, mà không hiểu giao lưu, hợp tác kiểu gì với các tòa soạn báo quốc tế mà lại sơ sểnh để người ta dò ra bao nhiêu là thông tin thâm cung bí sử mà nhà Đảng cả nửa năm nay phải tung bao nhiêu lực lượng ngoài đời lẫn trên mạng vào cuộc để bưng bít… Đảng nghĩ phóng viên nước ngoài họ không có biết tiếng Việt hay sao đó, nên chắc họ không thể viết bài về mình…

Những tòa báo này, coi bộ từ xưa tới giờ cũng không có tư thù hay oán ghét gì Việt Nam cả. Có điều là họ không đọc báo nhà Đảng, không coi ti vi nhà Đảng, mà họ cử phóng viên đi lê la ngang cùng ngõ hẻm, phỏng vấn người này người nọ, rồi họ viết những gì họ nghe, họ thấy tận mắt thôi…

Ở đây tôi tạm tổng kết nguồn tin từ ba trong số hàng chục tờ báo nước ngoài có viết về tình hình ở Việt Nam trong mùa đại dịch.

Tờ Nikkei của Nhật Bổn, tờ The Guardian của Anh Quốc, và tờ Asia Times của Hong Kong.

Phần lớn các bản tin được các phóng viên của các tờ báo đề cập là về ở Sài Gòn.

Bản tin 1: Thành Phố Hồ Chí Minh ( TP.HCM ) có tỉ lệ người chết vì COVID cao nhất khu vực, ngày 11/09/2021 của Nikkei:

https://asia.nikkei.com/Spotlight/Coronavirus/Vietnam-s-Ho-Chi-Minh-City-has-highest-COVID-death-rate-in-region

Tờ báo này liệt kê ra một số “điểm sáng” nổi bật của Thành Hồ như sau:

— TP.HCM, trung tâm thương mại phía Nam của Việt Nam, có tỷ lệ tử vong do COVID-19 là 4,95%, cao hơn mức trung bình của cả nước và các thành phố cùng quy mô ở Đông Nam Á. [ tỉ lệ của Việt Nam nói chung là 2,6%, của Campuchia là 2,38%, Thái Lan là 1,34% ] theo Our World in Data. TP.HCM cũng chiếm khoảng 78% số ca tử vong do COVID của cả nước kể từ cuối Tháng Tư. Số ca mắc tích lũy [ tại thành phố ] chiếm khoảng 48,3% tổng số ca toàn quốc. Một thành viên tại Nghiên Cứu Y tế và Sức khỏe Quốc Gia Australia, nói với Nikkei Asia rằng “Chỉ có 5% các quốc gia và khu vực trên thế giới có tỷ lệ tử vong cao như vậy”.

Ông nói thêm: “Tôi nghĩ rằng đã có sự thiếu phối hợp trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và thiếu các nguồn lực góp phần làm tăng số ca tử vong vốn đã có thể ngăn ngừa được”.

Tỷ lệ tử vong gia tăng đã khiến chính quyền phải triển khai lực lượng, bao gồm cả quân đội, tại TP.HCM kể từ ngày 23 Tháng Tám để thực thi các hạn chế nghiêm ngặt về COVID. 9 triệu cư dân của thành phố được yêu cầu “ở lại nơi họ ở” cho đến khi chính quyền kiểm soát được dịch.

Tờ báo cũng dành một đoạn mô tả lại cuộc đối thoại trực tuyến vào ngày 06/09/2021 của ông Phan Văn Mãi, trả lời các công dân đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực do tình trạng phong tỏa của thành phố. Nhiều người dân đã tỏ ra hết sức bức xúc trong sự kiện với những câu hỏi đã được đặt ra từ đầu mùa dịch như:

Các ông đã yêu cầu mọi người ở lại nơi họ đang ở, nhưng các ông lại không cung cấp thức ăn. Chúng tôi phải sống chỉ bằng cách hít thở không khí?“.

Tại sao các ca mới cứ tăng lên thay vì giảm đi? Các biện pháp hạn chế như vậy là có hiệu quả không? Nếu không, các ông sẽ làm gì?“.

Ông Mãi ơi, bao giờ mới đi làm được. Giờ tôi sắp chết đói“.

Một nguồn tin từ một quan chức cũng cho rằng: Họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc âm thầm nới lỏng các quy định, từng bước, vì những hạn chế kéo dài có thể tạo ra bất ổn xã hội. Người nghèo có thể “xuống đường”.

Trong khi đó, các doanh nghiệp, bao gồm cả các nhà sản xuất nước ngoài hoạt động tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, cho biết hoạt động của họ đã bị gián đoạn. Đại diện các công ty Hoa Kỳ, bao gồm nhà sản xuất chip Intel và công ty đồ thể thao Nike, đã bày tỏ quan ngại về khả năng duy trì hoạt động của họ tại Việt Nam tại cuộc gặp với Thủ Tướng Phạm Minh Chính ngày 04/09 tại Hà Nội. Tuy nhiên, ông Chính không có giải pháp nào mà chỉ trấn an họ: “Đây chỉ là những khó khăn tạm thời. Tôi đã giao các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng phương án khôi phục kinh tế để thích ứng an toàn với đại dịch trên tinh thần ‘sản xuất phải an toàn.’

Đối tác Châu Âu của nhóm doanh nghiệp Mỹ cũng bày tỏ lo lắng tương tự. Hôm Thứ Năm, các thành viên của EuroCham Việt Nam đã tổ chức một cuộc họp với chính phủ, Chủ Tịch Alain Cany nói với các quan chức, “Các thành viên của chúng tôi đang bị ảnh hưởng cực kỳ bởi các biện pháp phong tỏa hiện tại… đặc biệt là ở miền Nam của đất nước.” Chủ tịch Cany chỉ ra động thái dịch chuyển hoạt động của một số công ty ở Việt Nam sang nơi khác: “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy cho đến nay gần 1/5 số công ty đã chuyển một số hoạt động sản xuất ra nước ngoài, với 16% nữa sẽ cân nhắc làm như vậy trong tương lai.

Tờ báo cũng nhấn mạnh rằng, TP.HCM đóng góp gần 30% [ 27,5% ] vào ngân sách nhà nước từ năm 2011 đến năm 2019… Nếu nền kinh tế của thành phố sụp đổ, hệ lụy đối với toàn quốc hẳn là khó có thể tưởng tượng được.

Trong một bài báo khác đăng vào ngày 03/09/2021, tờ Nikkei đã xếp Việt Nam ở vị trí cuối bảng Chỉ Số Phục Hồi sau COVID gồm 121 quốc gia ở các châu lục trên khắp thế giới, ( 121/121 ), và cũng là quốc gia được dự đoán có khả năng phục hồi kém nhất ở Đông Nam Á.

https://asia.nikkei.com/Spotlight/Coronavirus/COVID-Recovery-Index-Delta-strain-and-late-jabs-hold-ASEAN-back

Bản tin 2: “Cái đói là điều chúng tôi đọc được: Phong tỏa khiến nhiều người nghèo ở Việt Nam không có thức ăn”:

https://www.theguardian.com/global-development/2021/sep/08/hunger-was-something-we-read-about-lockdown-leaves-vietnams-poor-without-food

Việc phong tỏa ở Việt Nam khiến nhiều người không thể đi làm và đã khiến hàng chục ngàn người lâm vào cảnh đói. Nhiều người cho biết hai tháng nay họ đã sống trong tình trạng luôn thiếu cơm và thức ăn, đặc biệt là gia đình của các công nhân lao động và người lao động tự do, sống trong những khu nhà trọ chật hẹp. Với dân số di cư khổng lồ của thành phố, nhiều người trong số họ chưa đăng ký hộ khẩu hoặc tạm trú, và do đó họ trở nên “vô hình” đối với chính quyền.

Nhiều lao động đã đặt câu hỏi tại sao họ không thể tiếp cận với gói cứu trợ mà chính phủ đã hứa hẹn…

Nhiều người khác cũng lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, con cái họ có thể phải bỏ học do không có thiết bị học trực tuyến, và không có đủ thức ăn. Chính phủ hứa sẽ cung cấp thức ăn cho tất cả mọi người và gia nhập quân đội để giúp cung cấp nguồn cung cấp cho những người có nhu cầu, nhưng rất nhiều người dân không nhận được gì. Tuần trước, báo chí Việt Nam đưa tin hơn 100 người dân ở một huyện đã biểu tình vì thiếu sự giúp đỡ.

Số liệu thống kê chính thức cho biết chỉ riêng tại TP.HCM đã có 3-4 triệu người rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính do đại dịch.

Các tổ chức xã hội dân sự đang bị quá tải với hàng chục nghìn yêu cầu thực phẩm mỗi ngày và không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Food Bank Vietnam, một doanh nghiệp xã hội do Nguyễn Tuấn Khôi, người cũng có công việc kinh doanh riêng, đang hỗ trợ 10.000 người mỗi ngày. Trang web và các kênh truyền thông xã hội của ông nhận được yêu cầu nhiều gấp đôi hoặc gấp ba lần.

Các con số bắt đầu tăng vào tháng trước, nhưng chúng đã tăng vọt trong hai tuần qua, Nguyễn Tuấn Khôi nói: “Đại dịch này đã ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của mọi người. Việc đóng cửa hoàn toàn đã khiến nguồn cung cấp thực phẩm bị gián đoạn. Chúng tôi và các tổ chức từ thiện khác đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận những người cần sự giúp đỡ. Nhu cầu là rất lớn”.

Tuấn cho biết là trong 20 năm làm từ thiện, anh chưa bao giờ trải qua chuyện như thế này. Ông nói: “Người Việt Nam đã trải qua những ngày khó khăn nhất trong vài tuần qua. Tôi chưa bao giờ thấy số lượng người chết và mất mát như vậy. Trước đại dịch, chúng ta có đói và nghèo, nhưng ít ra lương thực vẫn dễ dàng cho nhiều người. Tôi sinh ra sau chiến tranh, vì vậy những khó khăn xung quanh cái chết và cái đói là điều chúng tôi đã nghe và đọc trong sách. Giờ tôi mới hiểu được sự vất vả”.

Tổ chức từ thiện Saigon Children’s Charity, tổ chức giúp đỡ những thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn được học hành và đi làm, cũng bị cuốn theo nhu cầu mới này. Damien Roberts, giám đốc tổ chức từ thiện, nói: “Thông thường, chúng tôi đang xây dựng trường học, thực hiện những nhu cầu đặc biệt. Bây giờ 90% công việc của chúng tôi là cứu trợ COVID. Tình trạng đói đang rất lan rộng vào lúc này.

Tôi không biết con số nhưng chúng tôi đã giúp được 16.000 người trong tám tuần qua và chúng tôi hầu như vẫn chưa làm được gì.

Ứng dụng nhắn tin Zalo và SOSmap.net mỗi ứng dụng đưa tin hàng chục nghìn người có nhu cầu thực phẩm trên toàn thành phố.

Song song với nạn đói là hệ thống y tế trở nên quá tải. Các bệnh viện đang thiếu nhân sự, không đủ thuốc men, việc cung cấp ôxy chỉ cầm chừng. Các phương tiện truyền thông xã hội tràn ngập những câu chuyện về những người kêu cứu mà không được giúp đỡ, cũng như những hình ảnh và video đáng lo ngại về những người xếp hàng vào lò hỏa táng và những người nằm gục trên đường phố.

Bác sĩ Trần Hoàng Đăng Khoa, bác sĩ hồi sức tích cực của bệnh viện điều trị những ca COVID nặng nhất, phụ trách 14 bệnh nhân trong mỗi ca và đã kiệt sức. Ông nói, 700 giường luôn kín chỗ, mỗi ngày lại có thêm nhiều ca; một nửa trong số những người mà ông điều trị đã chết.

Ông nói: “Hệ thống y tế của chúng tôi không được chuẩn bị cho điều này. Chúng tôi thiếu mọi thứ – nhân viên, thuốc men và máy thở – nhưng tôi không biết phải đổ lỗi cho ai.

Tình hình hiện tại cũng phản ánh sự chậm trễ đối với chương trình tiêm chủng của Việt Nam, Theo Bộ Y Tế, tính đến ngày 01/09, Việt Nam đã tiếp nhận được 20 triệu liều vắc xin COVID-19. Chương trình bị điều hành bởi bộ máy hành chính cồng kềnh, dẫn đến sự chậm trễ.

Bản tin 3: Việt Nam hấp hối khi biến chủng Delta giáng một đòn mạnh…

Thời điểm này năm ngoái, Việt Nam là quốc gia đánh bại COVID-19 thế giới, đến mức nước này đã tặng khẩu trang và các thiết bị bảo vệ cá nhân ( PPE ) khác cho các quốc gia tiên tiến ở phương Tây bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Nhưng tất cả đã thay đổi vào tháng 7 năm nay khi đất nước chuyển từ câu chuyện thành công của COVID sang câu chuyện Nguy Cấp do sự gia tăng của biến thể Delta gây ra.

Phần lớn TP.HCM, trung tâm kinh tế phía Nam, đã bị đóng cửa trong nhiều tháng và người dân chỉ được phép rời khỏi nhà vì những lý do đặc biệt.

Hoạt động kinh doanh trên khắp đất nước bị đình trệ, với việc công nhân không thể đi làm và các chủ doanh nghiệp và nhà máy buộc phải tiến hành kiểm tra nhân viên thường xuyên.

Tính đến ngày 6 Tháng Chín, Việt Nam đã ghi nhận hơn 530.000 ca nhiễm, 13.385 ca tử vong và tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày tiếp tục tăng cao. Vào cuối Tháng Tám, Nikkei Asia đã xếp hạng Việt Nam ở vị trí cuối cùng, ở vị trí thứ 120 cùng với Thái Lan, trên Chỉ Số Phục Hồi COVID-19.

Phần lớn điều này càng trở nên trầm trọng hơn do tỷ lệ tiêm chủng thấp của Việt Nam, với chỉ 18% dân số được tiêm một mũi vắc xin và chỉ 2,8% được tiêm chủng đầy đủ – một trong những tỷ lệ thấp nhất ở Châu Á.

Giới quan sát đang chia rẽ về việc ai là người phải chịu trách nhiệm chính. Một số người cho rằng chính phủ đã chậm mua vắc xin vào đầu năm 2021 do chủ quan trước thành công trước đó trong việc ngăn chặn đại dịch. Cũng có những người khẳng định đó là do “Sự kết hợp giữa tinh thần phản kháng của người dân trong việc phản đối chích loại vắc xin do Trung Quốc sản xuất và mong muốn của chính phủ trong việc phát triển vắc xin sản xuất trong nước”.

Trong khi thừa nhận những sai lầm nhất định, chính phủ Việt Nam đã tìm cách đổ lỗi cho sự gia tăng đột biến mới nhất về các sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. “Các biến thể Delta đang phá hủy tất cả các thành tựu chống đại dịch,Bộ Trưởng Y Tế Việt Nam, Nguyễn Thanh Long, cho biết theo các báo cáo địa phương.

Khi tình trạng sức khỏe của nền kinh tế ngày càng xấu đi, các nhà đầu tư quốc tế lớn từ Samsung đến Nike có thể rời bỏ đất nước ra đi, các quan chức Việt Nam đã xoay chuyển, đổi từ chiến lược “không khoan nhượng” sang chiến lược “sống chung với COVID”.

Các cuộc tranh luận sôi nổi và đang diễn ra về việc làn sóng COVID đã làm xói mòn tính chính danh của Đảng Cộng Sản cầm quyền, là điều luôn khó đo lường ở một quốc gia không có khái niệm báo chí tự do là như thế nào.

Hình ảnh của Đảng xuất hiện nổi bật trong suốt năm 2020 khi thành công trong việc đưa cả quốc gia cùng nhau chống lại virus trên tinh thần đoàn kết. Tuy nhiên, bất đồng trong dân chúng nhằm chống lại chủ nghĩa độc tài của Đảng đã gia tăng trong thập kỷ qua, bao gồm cả trên mạng xã hội.

Có lẽ chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi điều tồi tệ nhất của đại dịch xảy ra ngay sau khi có sự thay đổi chính quyền trong vòng 6 năm tại đại hội toàn quốc của Đảng Cộng Sản vào Tháng Giêng. Ông Nguyễn Xuân Phúc trở thành chủ tịch nước, trong khi ông Phạm Minh Chính còn non kinh nghiệm đã lên kế vị chức thủ tướng [ inexperienced Pham Minh Chinh ].

Trong khi đó, nhiều quốc gia phát triển đã tặng Việt Nam hàng triệu liều vắc xin trong thời gian đại dịch: Các quốc gia Châu Âu trong đó có Anh, Đức, Ý và Ba Lan chỉ riêng trong Tháng Tám, đã viện trợ ít nhất 1,5 triệu vắc xin cho Việt Nam. Ngày 03/09, Đức cam kết viện trợ thêm 2,5 triệu vắc xin AstraZeneca cho Việt Nam.

Hoa Kỳ, đã cung cấp ít nhất sáu triệu vắc xin cho Việt Nam vào cuối Tháng Tám. Nhật Bản và Úc cũng đã tài trợ vắc xin cho Việt Nam. Việt Nam cũng là một trong những nước nhận liều lượng lớn hơn nhiều nước khác thông qua cơ chế COVAX, trong đó các quốc gia Hoa Kỳ và Châu Âu là nhà tài trợ chính.

Các hội hữu nghị Việt Nam và các nhóm cộng đồng địa phương – một số trong số đó do Đảng Cộng Sản Việt Nam kiểm soát – cũng đóng vai trò quan trọng trên khắp Châu Âu và Bắc Mỹ trong việc quyên góp tiền cho các nỗ lực cứu trợ.

Vậy là có hai Việt Nam… Một Việt Nam do Đảng tô vẽ lên, và một Việt Nam tự tạo nên hình ảnh của chính mình trong con mắt của cộng đồng quốc tế…

Cho dù những tờ báo trên đã đưa ra những cái nhìn trái chiều về hình ảnh của Việt Nam trong mùa đại dịch, so với báo chí chính thống Việt Nam…

Nhưng có những điểm tích cực người Việt Nam có thể tận dụng…

Chúng ta đang có nhiều cơ hội hơn để biết về thực trạng cũng như toàn cảnh của chính đất nước mình thông qua những bài báo như thế này… Dù thông tin bị kiểm duyệt trong nước, nhưng nếu chịu khó tìm kiếm, chúng ta vẫn có nhiều nguồn thông tin khác để tham chiếu.

Chúng ta cũng có nhiều cơ hội hơn để cung cấp cho thế giới những cơ hội để họ được biết về thực trạng của Việt Nam nếu chúng ta xây dựng được những cơ chế hợp tác trong khả năng của mình…

Và rõ ràng, trong thời đại ngày nay, các nguồn thông tin cho dù có bị kiểm duyệt khắc nghiệt như thế nào đi chăng nữa, thì nó không còn khả năng là nguồn thông tin độc quyền của bất cứ một bộ phận độc tài nào… Nó luôn có cách tìm được những con đường để ra thế giới bên ngoài… và xuất hiện trên những bản tin chính thống của các hãng thông tấn lớn, chứ không phải chỉ là những thông tin truyền miệng trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại…

Tương lai của nền tự do Việt Nam chắc chắn có phần đáng kể phụ thuộc vào việc có thêm nhiều nguồn thông tin đa chiều trên những phương tiện thông tin chính thống ở nước ngoài như thế này…

Có hai Việt Nam, và có một điều rất đáng để chúng ta suy ngẫm thêm…

Tác Giả: Từ Liên.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: