Trong những năm tháng học tập ở Việt Nam, đặc biệt là từ bậc trung học phổ thông, tới bậc cao đẳng, đại học, một trong những câu mà những người trẻ phải nghe nhiều nhất, trong các môn khoa học xã hội, các môn chính trị, là “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó khăn phức tạp hơn nhiều”, được cho là của Lenin nói sau khi Cách Mạng Tháng Mười thành công ở Liên Xô.

Nếu sau khi học xong, đi làm trong các cơ quan hành chính, các công ty nhà nước, người ta sẽ tiếp tục được nghe cụm từ này được trích dẫn lại mỗi năm trong các cuộc hội họp, báo cáo thường niên, mặc kệ vấn đề mà cuộc hội họp bàn tới có phải là vấn đề chính trị không, hay chỉ đơn thuần là những vấn đề kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật…
Ngược lại, một trong những cụm từ mà những du học sinh ngành khoa học xã hội được nghe nhiều nhất, nếu họ học tập ở những nền giáo dục phát triển, là khái niệm “Trao Quyền“, “Empower” và “Empowerment”.
Từ điển Cambridge định nghĩa: “Trao Quyền” là “Trao cho ai đó Quyền Hạn Chính Thức hoặc Quyền Tự Do làm điều gì đó”.

Từ điển Wiki giải thích : “Trao Quyền” là Trao mức độ tự chủ và quyền tự quyết cho những con người và các cộng đồng. Điều này cho phép họ đại diện cho lợi ích của mình một cách có trách nhiệm và tự đưa ra quyết định, hành động theo thẩm quyền của mình. Đó là quá trình giúp họ trở nên mạnh mẽ và tự tin hơn, đặc biệt là trong việc tự hoạch định cuộc sống của mình và đòi hỏi những quyền lợi của mình. “Trao Quyền”, cũng được hiểu như một hành động bao gồm cả quá trình tự trao quyền [ của những người lãnh đạo đang nắm quyền ] và đưa ra những sự hỗ trợ chuyên môn khác đối với mọi người, giúp họ vượt qua cảm giác bất lực và cảm giác mình vẫn chưa đủ sức gây ảnh hưởng [ đến những vấn đề rộng lớn hơn ], đồng thời giúp mọi người nhận ra tiềm lực của bản thân, và biết cách sử dụng các nguồn lực của họ…

https://en.wikipedia.org/wiki/Empowerment
Một bản hướng dẫn khác của Anh Quốc đối với một cộng đồng địa phương, viết rằng:
“…Để thực sự cải thiện chất lượng cuộc sống của mọi người, chúng ta cần làm việc theo những cách thức mang ý nghĩa là mọi người và gia đình của họ được trao quyền.”
Đây là ý nghĩa của việc trao quyền đối với chúng tôi.
CHÚNG TA MUỐN ĐỀ CẬP TỚI ĐIỀU GÌ KHI CHÚNG TA NÓI “TRAO QUYỀN”?
- Trao quyền có nghĩa là mọi người có quyền lực và kiểm soát cuộc sống của chính họ. Mọi người sẽ nhận được sự hỗ trợ mà họ cần, đồng thời phù hợp với họ.
- Trao quyền có nghĩa là mọi người đều là những công dân bình đẳng. Họ được tôn trọng và cảm thấy tự tin trong cộng đồng của họ.
- Bạn không thể trao quyền cho người khác hoặc khiến ai đó được trao quyền. Trao quyền là về cách thức chúng ta sẽ làm việc và hỗ trợ ai đó, có nghĩa là giúp cho họ có thể hoạch định và chịu trách nhiệm về cuộc sống của chính mình.
- Một số người có thể cần nhiều hỗ trợ hơn những người khác – nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả mọi người đều không thể được trao quyền!
- Các quyết định thay mặt cho những người thiếu năng lực phải được đưa ra vì lợi ích tốt nhất của người đó và phải liên quan đến người đó càng nhiều càng tốt và những người biết họ thực sự rõ ràng.
- Khi mọi người được trao quyền, thì quyền lực sẽ thuộc về con người chứ không phải nằm trong tay các chuyên gia hoặc những người thực hiện các dịch vụ.
- Nếu chúng ta làm việc với mọi người theo cách họ được trao quyền, nhiều người sẽ có cuộc sống tốt hơn, và điều này sẽ ngăn một số người phải kết thúc cuộc sống của mình ở bệnh viện hoặc những nơi ở cách xa nhà một quãng đường dài.
LÀM THẾ NÀO CHÚNG TA CÓ THỂ BIẾT ĐƯỢC RẰNG MỌI NGƯỜI ĐÃ ĐƯỢC TRAO QUYỀN HAY CHƯA?
Việc trao quyền sẽ được nhận ra như thế nào?
Đây là những “thước đo” trao quyền của chúng tôi:
Quan sát một người: Nếu rõ ràng là người đó có thực quyền [ hay đã được trao quyền ] – họ sẽ tự đặt ra mục tiêu và tự quyết định những vấn đề của họ.
- Nếu mọi người cần người khác đưa ra quyết định cho họ thì điều đó sẽ được thực hiện vì lợi ích tốt nhất của người cần được giúp đỡ [ Người già, trẻ nhỏ, người dễ bị tổn thương, người khuyết tật, người yếm thế… ].
- Mọi người sẽ có tiếng nói và được đối xử như những công dân bình đẳng. Điều này có nghĩa là họ sẽ có cơ hội như mọi người để có thể sống tốt trong cộng đồng.
- Trải nghiệm và cảm xúc của mọi người sẽ được đánh giá cao, họ sẽ được lắng nghe và tôn trọng.
- Mọi người sẽ an toàn và sẽ cảm thấy an toàn trong cộng đồng và xã hội.
- Mọi người sẽ hiểu biết về các quyền của họ và họ có thể thực hiện các quyền đó.
- Mọi người sẽ có thông tin và lời khuyên họ cần để họ có thể đưa ra quyết định của riêng mình.
- Sẽ có những “cuộc vận động” vì những điều tốt cho mọi người.
- Vận động chính sách và trao quyền đi đôi với nhau vì các cuộc vận động chính là việc lên tiếng và khiến quan điểm của mọi người được lắng nghe.
- Mọi người sẽ có quyền tự do và sự hỗ trợ cần thiết để làm những việc quan trọng đối với cuộc sống của chính họ.
Có một sự khác biệt rất lớn trong những cụm từ được nhấn mạnh chữ “quyền” kể trên.
Ở bề ngoài, nó cho thấy một điều hiển nhiên:
Ở các quốc gia độc tài toàn trị, chỉ có khái niệm giành quyền, và giữ quyền, bất kể thứ quyền lực đó có đem lại lợi ích cho nhiều người trong xã hội hay không? Quyền lực đó có thực thi đúng nhiệm vụ của mình không [ Đúng nhiệm vụ có nghĩa là: Quyền lực chỉ là phương tiện để phục vụ cho mục đích cao nhất của việc xây dựng đất nước; Không đúng nhiệm vụ: Quyền lực trở thành mục đích cao nhất của những người lãnh đạo, chứ không phải là phương tiện nữa ].

Ở những tầng sâu hơn nữa của việc giành quyền và giữ quyền, hệ quả của nó đối với xã hội là điều đã có thể được nhận thấy trong nhiều năm qua:
Quyền lực trở thành đặc quyền của một tầng lớp quan chức cộng sản.
Quyền lực mang lại cho họ nhiều lợi ích to lớn, và rất ít trách nhiệm.
Với họ, giành quyền và giữ quyền là những mục tiêu quan trọng nhất mà họ không thể từ bỏ, nên quyền lực sẽ chỉ được truyền lại cho các thành viên trong gia đình của một nhóm lợi ích, theo kiểu “cha truyền cho nối”, mà không được mở rộng ra cho những người bên ngoài.

Dần dần, tất cả đám quan chức và con cháu của đám người này dựa dẫm hẳn vào những đặc quyền đặc lợi mà họ đã giành được, thiếu những đặc quyền đặc lợi này, chúng sẽ không thể sinh tồn, do đó mà bằng mọi giá, kể cả dùng các biện pháp tẩy não, nhồi sọ, vu khống, lừa gạt, khủng bố, đàn áp, thanh trừng, giết người diệt khẩu, tàn sát hàng loạt… chúng cũng sẵn lòng làm, nếu quyền lợi của chúng bị đe dọa. Quyền lực trở thành khái niệm xơ cứng, không bao hàm sự sống trong nó, chỉ còn chứa đựng những tham vọng của một tầng lớp ích kỷ, hèn nhát, tàn nhẫn.
Cuối cùng, để giành chính quyền và giữ chính quyền cho riêng đám quan chức Đảng nhà chúng, thì “Trao Quyền” hoặc những mầm mống của “Trao Quyền” sẽ phải bị loại trừ tuyệt đối, bị diệt từ “trứng nước”.
Trao quyền có nghĩa là sẽ có những tiếng nói độc lập, phản biện với những chính sách của nhà cầm quyền mà có liên quan tới đời sống của công dân. Chẳng hạn như việc tôi có phải chích vaccine hay không, chẳng hạn như tôi có quyền chọn lựa loại vaccine mà tôi chích, chẳng hạn như tôi có phải nhất thiết làm xét nghiệm không khi tôi không ra khỏi nhà trong nhiều tháng mà vẫn sống khỏe. Thẩm quyền nào cho ai đó được phép xông vào nhà cưỡng chế và bắt người đi, trong khi người ta không làm việc gì phạm pháp?

Trao quyền có nghĩa là sẽ có nhiều người ý thức hơn về thân phận “nô lệ” của mình, có nhiều người sẽ nhận ra tiềm năng của mình, sẽ muốn tự mình xây dựng cuộc đời của mình và đưa ra những quyết định cần thiết, phù hợp nhất cho bản thân. Chẳng hạn như tôi là bác sĩ thì tôi được quyền đưa ra những lời khuyên phù hợp nhất cho bệnh nhân của mình và cho cộng đồng mà tôi đang chịu trách nhiệm về những vấn đề sức khỏe của họ, chứ không phải để một ông quan Đảng nào đó chỉ biết triết học Maxist và lý luận Đảng nhảy lên đóng vai trò chỉ huy.
Trao quyền có nghĩa là một người có thể giúp nhiều người để tạo ra tiếng nói có trọng lượng trong việc quyết định những vấn đề liên quan đến sinh mệnh và tương lai của họ. Chẳng hạn như việc con cháu chúng tôi muốn có nền giáo dục và an sinh xã hội như thế nào?
Trao quyền có nghĩa là có nhiều người có thể chất vấn: Vậy đất nước này là của nhân dân hay là của Đảng độc tài? “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” thật sự có ý nghĩa như thế nào? Quyền làm chủ của người dân ở đâu, khi tất cả mọi quyết sách liên quan đến số phận cụ thể của gần một trăm triệu người dân thì buộc phải thông qua cái cơ quan khủng bố là Bộ Chính Trị, Quốc Hội với gần 500 con bù nhìn “được người dân bầu lên theo cơ chế Đảng cử dân bầu” không đóng vai trò gì trong các quyết sách này, và cũng không thấy tiếng nói của người làm chủ ở bất kỳ đâu trong những quyết sách nọ.


“Trao quyền” có nghĩa là sẽ có nhiều người dân đòi hỏi quyền được tôn trọng, được giữ gìn nhân phẩm, quyền đòi hỏi những nền giáo dục tự do, nhân bản và tiến bộ. Dân đóng thuế là để có được những quyền lợi đó, dân hiển nhiên có quyền đòi hỏi như vậy, chứ không phải là Đảng được quyền rót xuống cho dân những gì Đảng muốn, người của Đảng không được phép lộng quyền, sỉ nhục dân vì hiển nhiên đám người này nhận lương từ tiền thuế của dân.

Thêm nữa, “Trao Quyền” có nghĩa là việc phải chia sẻ những quyền lợi về vật chất, tinh thần, quyền làm người tự do, được lên tiếng nói của riêng mình, quyền được tự do ứng cử vào những vị trí quyền lực ở các cấp trong xã hội, quyền đòi được biết rõ ràng tiền thuế của mình đi về đâu, tiền bảo hiểm thất nghiệp đang được sử dụng như thế nào, quyền đòi những hỗ trợ an sinh xã hội tốt hơn, quyền hạ bệ những tượng đài ngàn tỉ trống rỗng vô hồn, quyền minh bạch quy trình sản xuất, giá cả, các con đường xuất – nhập khẩu những loại hàng hóa liên quan tới sức khỏe và sinh mệnh của người dân. Đảng không có tiền, nhà nước cũng không có tiền, tiền của Đảng đang xài là tiền thuế của dân, là tiền bán tài nguyên khoáng sản đến cạn kiệt của đất nước, là tiền đảng đi vay mượn của nước ngoài mà những thế hệ con dân trong tương lai phải trả nợ, là tiền Đảng móc túi của người dân thông qua việc buôn bán bất hợp pháp, nâng khống giá hàng chục hàng trăm lần những sản phẩm thiết yếu…
Cuối cùng, cũng hiển nhiên không kém… hệ thống cai trị độc tài toàn trị ở Việt Nam đã đổ máu để giành lấy chính quyền, đã dùng bạo lực để giữ chính quyền, đã trở thành kẻ thù của hầu hết người dân trên đất nước này, dù là công khai hay kín đáo, chúng biết chúng bị ghét bỏ, bị khinh thường, bị phỉ nhổ…. Có nghĩa là chúng cũng phải trả một cái giá nhất định để có được thứ quyền lực đó…
Vậy những người dân còn có lương tri, phẩm giá, và nhận thức, để lật ngược lại cái hệ thống giành quyền, giữ quyền, để có được một hệ thống có thể “Trao Quyền” cho chính mình, và những thế hệ tương lai của mình, lẽ tất nhiên… cũng sẽ có một cái giá tương xứng phải trả ở đây…
Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền không phải là những khái niệm có sẵn từ khi khai thiên lập địa, không phải là những điều tự nhiên từ trên trời rơi xuống, nhiều thế hệ của các quốc gia phát triển đã phải đổ máu và đánh đổi cả sinh mệnh, tài sản, thời gian, trí tuệ, hy sinh những gì mình yêu quý nhất để có được…
Sòng phẳng mà nói, những thứ càng có giá trị, càng đắt đỏ, càng đòi hy sinh lớn lao… Những thứ miễn phí, chỉ có rất ít là thực sự có giá trị… Những thứ mà người ta không cần phải mất công cũng có được… lại càng không có ý nghĩa, không đáng được trân trọng, không đáng được bảo vệ…
Những thứ đáng giá bằng mạng sống của con người… theo lẽ công bằng thì, phải đặt mạng sống của con người ra để mà đánh đổi…
Vậy nên… Chẳng có con đường nào khác để có được những thứ quý giá, mà lại không đòi hỏi sự sẵn sàng dấn thân và hy sinh… Những cách thức khác, nếu có, hẳn sẽ chứa đựng nhiều ảo tưởng hơn là hiện thực.
Thông thường, sẽ luôn có nhiều người hơn thích nghe những lời hứa hẹn to lớn, thích lựa chọn con đường dễ dàng “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, “Hãy để chúng tôi quản lý bạn và bạn không bao giờ phải lo thiếu ăn, thiếu mặc…”… Đó là những gì chủ nghĩa cộng sản đã hứa khi chiêu mộ người dân đứng vào hàng ngũ của họ…
Nếu người dân được nói là: Hãy lao động cật lực và thật có trách nhiệm đi, hãy chấp nhận thất bại lẫn thành công, rồi bạn sẽ được hưởng mọi thứ bạn làm ra, bạn phải trở thành người chủ thực sự của cuộc đời bạn, bạn phải thực sự đóng vai chính trong cuộc đời của bạn, bạn phải có trách nhiệm với những thế hệ tương lai của bạn… Nhiều người sẽ thấy nó thật nặng nề, thiếu sức hấp dẫn…
Nhưng, điều này không phải vì họ không có khả năng, mà vì họ chưa được chuẩn bị đủ, chưa có được hỗ trợ cần thiết để tự tin vào khả năng của chính bản thân mình.
Trao quyền… đòi hỏi rất nhiều dũng cảm, hy sinh… của cả người trao lẫn người nhận… Nó sẽ rất khó thực hiện được trong một thời gian ngắn, càng khó được thực hiện từ cấp trung ương tới cấp địa phương và cá nhân… Nhiều hướng dẫn ở cấp độ cộng đồng của các quốc gia phát triển, đã gợi ý cho chúng ta rằng, trao quyền nên được dạy dỗ cho trẻ nhỏ và nên được thực hành thường xuyên từ cấp độ các gia đình, rồi đến cấp cộng đồng… Những trẻ em được trao quyền sẽ trở thành người đấu tranh để được trao quyền mạnh mẽ nhất trong tương lai.
Mặt khác, “Trao Quyền” cho những thế hệ trẻ ngày hôm nay, cũng có nghĩa là sẽ có những thế hệ khác trong tương lai tiếp tục được trao quyền, sẽ có những sáng tạo, những đổi mới, những thành tựu mà những thế hệ ngày hôm nay sẽ không bao giờ có thể nhìn thấy hết được, vì sức sáng tạo của con người là hết sức phong phú, của cả một dân tộc lại càng dồi dào và không giới hạn…
Giành quyền, giữ quyền, hay trao quyền… Tất cả phụ thuộc vào suy nghĩ, vào khả năng hy sinh và dấn thân của mỗi người…
Chỉ chắc chắn một điều, sẽ không có điều ước nhiệm màu nào dành cho việc Trao Quyền. Luôn có một cái giá cần phải trả cho những điều đáng giá…
Tác Giả: Từ Liên.