Kẻ Nào Phá Tanh Banh “y” và “i”?

Nam+ Nguyễn Thị Bình phá tanh banh “y” và “i”!

Trong buổi nói chuyện ngày 14, Tháng Mười Một, 2021 với kênh YouTube Leftard ở Mỹ, học giả đất Phù Tang Đỗ Thông Minh cho biết, khoảng 30 ( ba mươi ) năm trước Nam Kỳ Nguyễn Thị Bình ra “nghị định” đổi “y” thành “i” — khi:

  1. Đứng một mình — thí dụ: “í kiến”.
  2. Đứng sau một phụ âm — thí dụ: “”.
  3. Còn trong trường hợp đứng sau một nguyên âm vẫn giữ nguyên. Thí dụ: “tai”, “tay”, “thúy”.

Ông không cho biết tại sao bà ta lại ra một cái “nghị định” như vậy.

❀❀❀

Trong các sách do Văn Nghệ ở Hoa Kỳ xuất bản, học giả Nguyễn Hiến Lê cũng sử dụng “i” theo nghị định của bà Bình! Tôi không nhớ là đã được đọc giải thích của cụ.

“Hồi Kí”, Nguyễn Hiến Lê, Văn Nghệ xuất bản, California, U.S.A, 1990.
“Hồi Kí”, Nguyễn Hiến Lê, Văn Nghệ xuất bản, California, U.S.A, 1990.

Cá nhân, tôi thấy đây là một sự phá phách nhiều hơn là một sự “cải cách”!

Nhìn chữ “”, “í kiến” v.v… thấy thô tục!

“Hồi Kí” của cụ Nguyễn Hiến Lê, Văn Nghệ xuất bản, California, U.S.A, 1990.

Tình hình xã hội Miền Nam Việt Nam sau 5 ( năm ) năm bị ngụy+ sản cai trị: 1975-1980.

Chương XXXI KẾT QUẢ SAU 5 NĂM; trang 89 – 117

[
Chú thích của hoangkyblog:

Sau 5 ( năm ) sống với Việt+, đến 1980, cụ nhận xét về chúng, và những thất bại của chúng.

Những vị ai đã sống qua giai đoạn này, chắc tìm lại được một phần của mình trong đó. Đối với riêng chúng tôi: 40 năm sau, nó chỉ tệ hại hơn sau 5 năm của cụ. Đọc chương này của cụ, và theo dõi tình hình Việt Nam bây giờ, chúng tôi có cảm giác như là mình đang đi ngược lại lại thời gian 1980: nhưng phải nhân những cái xấu xa của Việt+ lên mười lần!

Cũng xin được chú thích thêm, trên http://www.talawas.org/ xưa có một bài viết của một vị độc giả ở Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, ngụy+ sản cho “xuất bản” bộ hồi ký này đến 6 ( sáu ) lần: không lần nào chính xác so với bản của Văn Nghệ — chúng sửa lại theo ý chúng!
]

THẤT BẠI TRONG HÒA BÌNH

Mấy tháng đầu sau ngày 30-4-75, các bạn kháng chiến, già cũng như trẻ, nhất là trẻ, đều có tâm lí chung là hăm hở hưởng thụ sau mấy chục năm gian khổ sống chui, sống nhủi trong rừng, trong bụi, dưới hố dưới hầm. Đành rằng phải bắt tay ngay vào việc kiến thiết, nhưng đã có đường lối sẵn rồi, có kinh nghiệm hai chục năm ở Bắc thì không có gì khó; vả lại đã thắng được Mĩ, thành cường quốc thứ ba trên thế giới, sau Nga và Trung hoa thì có việc gì mà làm không được, chỉ trong 5 năm sẽ tiến bộ, hai chục năm sẽ đuổi kịp Nhật bản về kinh tế.

Muốn kiến thiết thì trước hết phải san phẳng chế độ cũ đã, không để lại một dấu viết nào cả. Phải đuổi hết các nhân viên cũ, để anh em cách mạng chia nhau tất cả các chức vụ lớn nhỏ. Phải diệt bọn tư bản, chiếm nhà cửa, tài sản như núi của họ, chia nhau mỗi người một chút. “Đó là quyền của mình mà!”

Tóm lại, ai cũng “hồ hởi”, tin tưởng. Chỉ có thủ tướng Phạm văn Đồng là tỏ vẻ ưu tư một chút. Trong một cuộc hội hợp ở Sài Gòn, ông bảo các đồng chí: “Nous avons gagné la guerre, il ne faut pas perdre la paix” ( Chúng ta đã thắng trong chiến tranh, đừng để thất bại trong hòa bình ). Ông thấy rằng thắng được địch rồi mới là khởi sự bắt tay vào việc, chưa thể nghỉ ngơi, hưởng thụ được; mà công việc kiến thiết trong thời bình còn khó khăn gấp bội công việc diệt địch. Thời chiến hễ nung được lòng yêu nước của quốc dân rồi, giữ cho lòng đó đừng giảm, quốc dân kiên trì chịu đưng được tới phút chót thì không còn vấn đề gì nữa: thiếu cái gì đã có Nga, Trung hoa cung cấp cho; trái lại trong thời bình mới phải đương đầu với nhiều vấn đề nội bộ, ngoại giao, kinh tế, nhất là kinh tế. Nước ta nghèo, thiếu vốn đầu tư, thiếu kĩ thuật gia, khó phát triển kinh tế mau được. Thất bại về kinh tế thì sự nghiệp của cách mạng sụp đổ.

Bây giờ 5 năm sau ngày 30-4-75, hết kế hoạch ngũ niên đầu tiên rồi, chúng ta mới thấy cơ hồ chẳng tiến bộ về một phương diện nào hết mà còn thụt lùi nữa, và ai lạc quan tới mấy cũng phải nhận chúng ta đã bỏ phí 5 năm, và không biết phải mấy năm nữa mới bắt lại được thời gian đã mất đó. Trong khi ấy thì thế giới cứ vùn vụt tiến tới.

— Thất bại lớn nhất, theo tôi, là “KHÔNG ĐOÀN KẾT ĐƯỢC QUỐC DÂN”. Tháng 5-1975, có ít nhất 90% người miền Nam hướng về miền Bắc, mang ơn miền Bắc đã đuổi được Mĩ đi, lập lại hòa bình, và ai cũng có thiện chí tận lực làm việc để xây dựng lại quốc gia. Nhưng chỉ sáu bảy tháng sau, cuối 1975 đã có đa số người Nam chán chế độ ngoài Bắc, chán đồng bào Bắc. Tôi nhớ như ở phần trên tôi đã nói năm 1976, trong một cuộc hội nghị ở Sài Gòn, bàn về vấn đề thống nhất quốc gia, một học giả lão thành miền Bắc, ông Đào Duy Anh ( đã có hồi sống ở miền Nam nhiều năm, có nhiều bạn thân ở Nam ) khi được mời phát biểu ý kiến, chỉ nói mỗi một câu đại ý là thống nhất cái gì cũng dễ; quan trọng nhất là phải thống nhất nhân tâm đã. Cả hội trường sửng sốt và làm thinh.

Ông Anh đã nhận xét đúng và dám nói. Quả thực là lúc đó có sự chia rẽ nặng giữa người Nam và người Bắc, Nam đã không muốn thống nhất với Bắc rồi. Từ đó, tinh thần chia rẽ cứ mỗi ngày mỗi tăng, năm nay ( 1980 ) có thể nói 90% người miền Nam hay hơn nữa, muốn tách khỏi miền Bắc.

Có nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân chính theo tôi là người miền Bắc vơ đũa cả nắm, coi người Nam là “ngụy” hết, trụy lạc, bị nhiễm độc nặng của Mĩ. Ngay hạng trí thức miền Bắc như ông Đào Duy Anh cũng có thành kiến rằng dân Sài Gòn hư hỏng quá rồi. Họ chỉ nhìn bề ngoài, chỉ thấy một số thanh niên híp pi, lêu bêu ở ngoài đường; tôi phải giảng cho họ hiểu rằng đó chỉ là thiểu số, chứ đại đa số người trong này ghét Mĩ, ghét văn minh Mĩ, có thể nói gia đình nào cũng có người có cảm tình với kháng chiến, giúp kháng chiến cách này hay cách khác, nếu không vậy thì làm sao kháng chiến thành công được. Chỉ nội một việc biết người nào đó là kháng chiến mà không tố cáo cũng đủ có công với kháng chiến, chứ đừng nói là còn che chở, giúp tiền bạc, tiếp tay cho nữa. Chỉ trừ một số phản quốc, giúp tiền bạc, theo Mĩ, Thiệu triệt để vì quyền lợi, còn thì không có gia đình nào trong Nam là ngụy cả. Một số người yêu nước, có tư cách, mới đầu gia nhập kháng chiến, sau vì lập trường chính trị, phải rời hàng ngũ, về thành, mà không ưa Pháp, Mĩ, hạng đó không nên coi người ta là ngụy. Bọn thanh niên hư hỏng chỉ ở Sài Gòn mới có nhiều, mà tỉ số không cao so với những thanh niên đứng đắn.

Người Bắc coi người Nam là ngụy, đối xử với người Nam như thực dân da trắng đối với dân “bản xứ”, tự cao tự đại, tự cho rằng về điểm nào cũng giỏi hơn người Nam, đã thắng được Mĩ thì cái gì cũng làm được. Chỉ cho họ chỗ sai lầm trong công việc thì họ bịt miệng người ta bằng câu: “Tôi là kháng chiến, anh là ngụy thì tôi mới có lí, anh đừng nói nữa”.

Chẳng bao lâu người Nam thấy đa số những kẻ tự xưng là kháng chiến, cách mạng đó, được Hồ chủ tịch dạy dỗ trong mấy chục năm đó, chẳng những dốt về văn hóa, kĩ thuật — điều này không có gì đáng chê, vì chiến tranh, họ không được học — thèm khát hưởng lạc, ăn cắp, hối lộ, nói xấu lẫn nhau, chài bẩy nhau… Từ đó người Nam chẳng những có tâm trạng khinh kháng chiến mà còn tự hào mình là ngụy nữa, vì ngụy có tư cách hơn kháng chiến. Và người ta đâm ra thất vọng khi thấy chân diện mục của một số anh em cách mạng đó, thấy vài nét của xã hội miền Bắc: bạn bè, hàng xóm tố cáo lẫn nhau, con cái không dám nhận cha mẹ, học trò cấp II đêm tới đón đường cô giáo để bóp vú…

Thì ra: “Nhìn xa ngỡ tượng tô vàng…”

Ngay giữa các đồng chí cũng không có tinh thần đoàn kết: địa phương nào chỉ làm lợi cho địa phương đó, không nghĩ tới quốc gia; cơ quan nào cũng chỉ làm lợi cho cơ quan mình mà không giúp đỡ cho cơ quan bạn; ai nấy chỉ lo cho bản thân mình thôi mà không nghĩ tới đoàn thể. Một ông bạn tôi ở Hà nội vào Sài Gòn để đòi số tiền vài cơ quan khác thiếu của cơ quan ông. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Đâu phải là xí nghiệp tư mà giữ tiền lại để làm lợi cho mình. Điều là của công hết mà, hễ thu được tiền thì tự nhiên họ trả lại cho cơ quan anh, sao phải vào tận đây để đòi?” Anh bạn ấy đáp: “Nếu bạn nghĩ như anh thì còn nói gì?”.

Trong mỗi cơ quan ở Sài Gòn cũng có sự chia rẽ. Cùng là công nhân viên cả, mà bọn ở Bắc vô không ưa bọn Liên khu 5; hai hạng đó đều khinh bọn ở bưng trong Nam về; bọn này lại không chơi với bọn trước kia tập kết ra Bắc, nay trở vô Nam; bọn “nằm vùng” cũng không ưa bọn tập kết về đó; bị khinh nhất là bọn ngụy được tạm dùng lại, mà bọn này thạo việc hơn hết. Chính vì thiếu đoàn kết cho nên trong cuộc hội họp nào người ta cũng hô hào “Đoàn kết, đại đoàn kết”. Còn ở trong phòng họp thì ai cũng hoan hô tinh thần đoàn kết, ra khỏi phòng rồi thì đoàn kết hết. Người ta chỉ đoàn kết với nhau vì quyền lợi thôi; do đó mà có tinh thần bè phái, gia đình trị, và ở Bắc có câu này: Nhất thân, nhì thế, tam quyền, tứ chế.

Hễ thân với nhau thì giúp đỡ nhau, công việc gì cũng dễ dàng chứ cứ áp dụng đúng qui chế thì khó khăn nhất, chậm trễ nhất; người ta lè phè, tà tà, không làm cho mình đâu, nhắc nhở hoài chỉ làm cho người ta thêm ghét. Còn đâu là tinh thần tập thể nữa?

— Điểm thứ nhì làm cho chúng ta thất vọng là xã hội còn BẤT CÔNG hơn thời trước nhiều.

Marx và Lénine muốn tạo một xã hội không có giai cấp, công bằng, bình đẳng. Nhưng Staline cho sự bình đẳng là “không xứng” ( indique ) với một xã hội theo chủ nghĩa xã hội ( 1 ), và ở Nga, theo nhà bác học Sakharov ( trong một bài báo đã dẫn ) thì năm 1972 xã hội đã bất bình đẳng mà còn bất công. Không còn tình trạng tư bản bốc lột thợ thuyền, nhưng giai cấp lãnh đạo được hưởng rất nhiều quyền lợi còn giai cấp công nhân thì sống thiếu thốn. Cây quạt lương bổng ( eventail des salairs ) vẫn mở rộng, có phần còn hơn ở các nước tư bản; nói cách khác, lương giữa một viên giám đốc với một thợ không chuyên môn còn cách biệt nhau rất xa, hơn ở phương Tây. Kravchenko trong sách đã dẫn cũng phàn nàn rằng các đồng chí “bự” ( grosses légumes ) sống như ông hoàng, có phòng ăn riêng, thức ăn riêng, tiệm mua dược phẩm riêng, thợ hớt tóc riêng, nhà thương riêng, cầu tiêu riêng… cái gì cũng riêng, và ông ta chua xót thấy cách bóc lột thời ông bất lương hơn cách thời Nga hoàng ( trang 525, 105 ).

Ở nước mình cũng như Nga, không còn cái tệ tư bản bốc lột thợ thuyền; chế độ lương của mình còn hơn Nga là không có sự cách biệt rất xa giữa cấp cao và cấp thấp: công nhân viên mới vô được khoảng 40 đồng một tháng, kĩ sư mới ra trường được khoảng 55 đồng, giám đốc khoảng 150 đồng, bộ trưởng 200 đồng; nhưng các cán bộ cao cấp cũng được hưởng rất nhiều quyền lợi, tha hồ mua thức ăn, đồ dùng đủ thứ với giá chính thức; nghe nói có trường hợp vợ họ mua về bán chợ đen; và một người Nga hay Đức đã phải bảo lương những cán bộ tuy chỉ có 200 đồng mà sự thực họ được hưởng ít nhất là 2.000 đồng. Thủ tướng Phạm văn Đồng có lần đề nghị sửa đổi chế độ lương bổng: tăng lương cho những cấp trên, nhưng sự phân phối nhu yếu phẩm thì đồng đều; đề nghị đó bị đảng bác bỏ.

Có người nói một số “ông lớn” đi đâu cũng có người hầu xách bình nước sâm Cao li để ông lớn uống thay trà; một ông nọ luôn luôn có một bác sĩ ở bên và một thiếu nữ quạt hầu vì ông không chịu được quạt máy. Tôi không biết những tin đó đúng hay không, chỉ biết những tin đó do “anh em cách mạng” đưa ra cả.

Một ông bạn tôi bảo có vô nhà thương mới thấy có cả chục ( sic ) giai cấp bệnh nhân, tùy giai cấp mà được ở phòng nào, khám bệnh ra sao, trị bệnh ra sao, cấp thứ thuốc nào v.v…

Người chết cũng phân biệt giai cấp khi đăng cáo phó: cán bộ thường thì được mấy phân trên cột báo, cán bộ bự thì được mười mấy phân; lời cáo phó cũng theo những tiêu chuẩn riêng. Đúng là đường lối Staline.

Sài Gòn được giải phóng vài năm thì ta thấy xuất hiện ngay một hạng giàu sang mới nổi, thay thế bọn giàu sang thời Thiệu, và cũng thích những xa xí phẩm áo hàng thêu, hột xoàn, máy điều hòa không khí v.v… ) của thời Thiệu. Tiền đâu mà họ mua những thứ đó nhỉ?

Sự bất công chướng nhất, tàn nhẫn nhất là lương công nhân viên từ 1975 cứ đứng yên trong khi sự phân phối nhu yếu phẩm giảm đi gần hết, chỉ còn gạo, bo bo là tạm đủ, nhất là trong khi mãi lực của đồng bạc năm 1980 chỉ còn bằng 1/10 năm 1975; thành thử lương một công nhân viên chỉ đủ để mua củi chụm, lương một bác sĩ mới ra trường chỉ đủ để mua rau muống ăn. Khắp thế giới không đâu có chế độ lương bổng kì cục như vậy ( 2 ). Người nào cũng phải bán đồ đi mà xài, nhờ cha mẹ giúp đỡ, nếu không thì phải xoay xở mọi cách, làm sao sống được thì làm, chính phủ không biết tới. Một cán bộ ở Hà nội đã phàn nàn: “Người ta có rất nhiều quyền hành mà không có một chút tinh thần trách nhiệm nào cả. Thật lạ lùng!” Kravchenko ( trang 185 ) nói chính phủ Nga bắt dân đói để biết phép chính phủ mà phải răm rắp tuân lệnh. Ở nước ta không đến nỗi như vậy, có áp dụng chính sách đó thì chỉ áp dụng cho những kẻ thù của chết độ thôi tức bọn ngụy quân ngụy quyền còn ở trong một số trại cải tạo.

— Không ai có trách nhiệm mà tinh thần bè phái quá nặng, nên KHÔNG CÓ KỈ LUẬT, dưới không tuân trên, loạn.

Chương trên tôi đã nói tới cái tệ mỗi tỉnh là một tiểu quốc, địa phương tự do tới mức không tuân lệnh trung ương ( ngay xã cũng không tuân lệnh tỉnh huyện ), lấy lẽ rằng chỉ địa phương mới hiểu tình trạng của địa phương, cấp trên không nên xen vào; cái tệ nhân viên được lệnh đi công tác mà không đi, nằm ỳ ở nhà, một tuần sau trở lại sở, trả sự vụ lệnh mà không bị khiển trách; cái tệ nhân viên muốn bỏ sở về giờ nào thì về lấy cớ là phải kiếm gạo, chủ nhiệm đành làm thinh, chứ không biết đáp sao.

Tôi kể thêm một trường hợp nữa. Ông giám đốc một cơ quan nọ đến tuổi về hưu, bảo người giúp việc: “Tôi sẽ không về, về thì mất hết quyền lợi: xe hơi, ‘bìa’ ( sổ đặc biệt để mua nhu yếu phẩm ), nhà ở v.v…, mà còn bị xã ấp nó ăn hiếp, hoạch họe cái này, cái khác; không, tôi không về”. Một ông giám đốc mà sợ công an ấp vì công an có quyền bắt ai thì bắt, giam ai thì giam. Một viên công an bảo: “Tôi làm việc bốn năm năm rồi, mà bây giờ mới biết quyền hạn của tôi, từ trước tôi muốn làm gì thì làm”.

Vì mất kỉ luật, cho nên thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự: ở miền Nam trốn tới 90%, có nơi cả 100% mà vẫn sống yên ổn. Bắt được họ, đưa họ ra trận, họ lại trốn nữa. Không thể giam hoài họ được, gạo đâu mà nuôi? Họ sống yên ổn ngay ở làng vì chỉ cần đút lót cho công an là êm. Còn nạn đào ngũ thì toàn quốc tới 25%. Trước kia người ta hi sinh để giành độc lập; bây giờ độc lập rồi lại đánh nhau với nước anh em, người ta không hăng hái nữa.

Nghe nói ở một tỉnh nọ, viên giám đốc sở tài chánh kiêm giám đốc ngân hàng ( ? ) ôm 60 lượng vàng cùng với 30 viên công an xuống một chiếc tàu của chính phủ, mang theo đầy đủ khí giới ( và không biết bao nhiêu lượng vàng nữa ) để vượt biên. Tin đó chưa lấy gì làm chắc nhưng chuyện công an — cây cột chống đỡ chế độ — ôm vàng vượt biên thì mấy năm nay nghe thường quá rồi.

Tinh thần vô kỉ luật đó, không biết một phần có phải do chính sách giáo dục trẻ em không. Người ta cấm đánh trẻ — điều đó có thể hiểu được — cấm nghiêm khắc với trẻ, chúng nghỉ học thì lại nhà mời chúng đi học; chúng làm biếng thì không bị phạt mà cô giáo bị trách là dạy dở. Kì tựu trường có nơi còn tổ chức múa lân đốt pháo để dụ trẻ em đi học nữa. Cô giáo nào mời được ít trẻ thì bị rầy. Riết rồi cô giáo ngán dạy quá, cứ tự ý nghỉ bừa, hiệu trưởng phải tới nhà năn nỉ, nếu không thì lỗi ở hiệu trưởng chứ không phải ở cô giáo. Và người ta ngán luôn cả nghề sư phạm: dốt hoặc muốn tránh nghĩa vụ quân sự mới phải thi vô sư phạm.

Kỉ luật như vậy, trẻ em càng được thể lười biếng, sức học rất kém, mà tính ngỗ nghịch ( bóp vú cô giáo như trên đã nói ) thì quá sức tưởng tượng. Một số can bộ già ở Bắc vô nhận rằng trẻ em trong này ngoan ngoãn, lễ phép. Nhưng tôi sợ rằng ít năm nữa, chúng đuổi kịp bạn chúng ở Bắc mất.

— Sự thất bại hiển nhiên nhất của chế độ là sự SUY SỤP CỦA KINH TẾ mà tôi đã trình bày sơ lược ở trên. Hậu quả là Việt nam trước thế chiến tự hào là “tiền rừng bạc bể”, có những đồng lúa, đồn điền cao su mênh mông ở miền Nam, những mỏ than, mỏ phốt phát phong phú ở miền Bắc mà bây giờ thành một trong vài nước nghèo nhất thế giới.

Từ ngày 30-4-75, do những đồng bào ở Bắc vào, chúng ta ở Nam mới lần lần biết cảnh điêu đứng của dân tình ngoài đó sau hai chục năm sống dưới chế độ mới. Từ trên xuống dưới ai cũng phải ăn độn có khi 60-70% ( 3 ); có hồi gạo quí tới nỗi người ta cất vào trong những cái thố, cái liễn, trân trọng như nhân sâm, chỉ khi nào đau ốm mới lấy ra một nhúm để nấu cháo; ngày tết mà có đủ gạo nấu cơm cúng ôm bà là mừng lắm; khi nào được ăn một bữa cơm không độn với nước mắm thôi thì coi như được dự một bữa tiệc. Nước mắm rất hiếm, có người ở Nghệ an hay Hà tĩnh mấy năm không có nước mắm ăn, gặp người trong Nam ra đem theo nước mắm, xin một vài muỗng rồi cầm nuốt ực ngay hết, không đợi đem về nhà.

Bát ăn mỗi người mỗi năm chỉ được một cái, hễ vỡ thì phải ăn bằng sọ dừa. Vải mỗi năm chỉ được phát một hai thước đủ để vá áo. ( Ở miền Nam năm 1980, có nơi mỗi người chỉ được 6 tấc. )

Nhiều người vào Sài Gòn thăm bà con, khi ra vơ vét đủ thứ, từ cây đinh, khúc dây chì, lon sữa bò, ve chai… đem ra, vì ở ngoài đó thường cần dùng tới mà không kiếm đâu ra. Họ cho miền Nam này là thiên đường.

Nhưng một người Ba lan trong Ủy ban kiểm soát quốc tế năm 1975 bảo chỉ trong 5 năm, miền Nam sẽ “đuổi kịp miền Bắc”, nghĩa là nghèo như miền Bắc. Lời đó đúng, rất sáng suốt. Nếu không nhờ mấy trăm ngàn kiều bào ở ngoại quốc gởi tiền, thuốc men, thực phẩm, quần áo… về giúp bà con ở đây thì chúng ta hiện nay cũng điêu đứng như anh em miền Bắc rồi.

Dân miền Nam từ xưa chưa bao giờ biết đói, phải ăn độn thì năm 1979 đã phải ăn độn 70-80%, có những gia đình phải ăn bữa cơm bữa cháo, có cô giáo và học sinh đói quá, tới lớp té xỉu.

Nhà nào cũng bán đồ cũ để ăn; nhiều giáo viên nhà đã trống rỗng, không còn bàn ghế nữa, ăn ngủ trên sàn. Ai cũng chỉ lo sao có cái gì nuốt cho đầy bao tử, chứ không dám nghĩ tới miếng ngon. Tết Canh Thân vừa rồi, ở Long xuyên, nhà một giáo viên hồi hưu, trên bàn thờ ông bà chỉ bày một đĩa có mấy chiếc bánh phồng và bánh gai, không có một đòn bánh tét, một quả dưa hấu.

Khổ nhất là bọn đi kinh tế mới, thất bại, tiêu tan hết vốn liếng, về Sài Gòn, sống cảnh màn trời chiếu đất, ăn xin, moi các đống rác hôi thối, lượm một miếng giấy vụn, một túi ni lông, một miếng sắc rỉ, một quai dép mủ… để bán cho “ve chai”. Trông thấy đống túi ni lông được rửa qua loa trong nước dơ rồi phơi ở lề đường để bán cho tiểu thương đựng hàng, tôi ghê tởm quá.

Ở Bắc tình hình hiện nay điêu đứng hơn những năm kháng Mĩ. Nghe nói ngoài đó đã xuất hiện câu ca dao ( 4 ):

Anh Đồng, anh Duẩn, anh Trinh,
Ba anh có biết dân tình cho không?
Rau muống nửa bó một đồng
Con ăn bố nhịn, đau lòng thằng dân.

Ở Nam có nơi hai tháng nhân viên chưa được lãnh lương, chắc nhiều gia đình không đủ tiền mua rau muống cho con nữa. Một bạn tôi phải ăn nước mắm kho khô.

Không có tiền mua rau thì làm gì có tiền mua thịt. Muốn lâu lâu có thịt thì phải nuôi heo, gà, cho nên nhiều cơ quan ngay khi mới thành lập đã nghĩ ngay đến việc hùn tiền ( hay lấy trong quĩ? ) mua heo con, phân công nhau nuôi tại khu ở tập thể, như vậy đến lễ, tết mới có thịt liên hoan. Người ta thèm thịt quá, cho nên liên hoan lu bù, bất kì một dịp gì cũng liên hoan được: một bạn đồng nghiệp được ban khen, ngày tựu trường, bãi trường, họp bạn để học tập, ban hành hiến pháp mới, làm xong một công tác, mỗi ngày lễ, tết… mỗi năm liên hoan cả chục lần là ít.

Cơ quan nào cũng có đủ nhà bếp, chén dĩa, xoong chảo, người làm bếp ( lựa trong nhân viên ) để nấu ăn làm tiệc… Và khi ngồi vào bàn tiệc thì chẳng ai mời ai, đợi ai, mạnh ai nấy gắp, ăn cho thật mau ( tới nỗi có người bảo cứ nuốt trước rồi sẽ nhai sau! ), tệ gấp 10 thói ăn uống ở đình làng mà Ngô Tất Tố đã mạt sát trong cuốn “Việc làng”.

Nghèo thì sinh ra bẩn. Ngay trong khu tập thể một trường Đại học Hà nội, phòng một giáo sư ở Pháp về cũng dơ dáy, từ sàn gạch đến tường đều đầy vết bẩn. Hỏi như vậy làm sao chịu được, ông ta nhún vai đáp: “Lâu rồi quen đi”. Không nên trách ông ta. Dù muốn sống sạch cũng không thể được: đâu có vôi để quét tường? Đâu có xà bông để rửa sàn? Đâu có giẻ để lau? Nước thì có nhưng phải xuống dưới sân để hứng rồi xách lên 5-6 chục bực thang, ai mà không ngại?

Phải, lâu rồi thì quen đi. Nếu tình trạng không thay đổi thì chỉ mươi năm nữa, toàn dân sẽ quen đi, không thấy gì là bẩn nữa. Hiện nay ở trong Nam đã nhiều nhà để bụi đóng đầy bàn ghế — mà trước kia họ sống rất sạch — mạng nhện giăng đầy trần, còn dân thị xã thì đã quen với cảnh bốn năm người cùi nằm trên đường đưa tới chợ, lăn ở giữa chợ để xin ăn.

Câu “nghèo cho sạch, rách cho thơm” của ông cha, chúng ta không giữ được vì chúng ta nghèo tới mức không thể ở sạch được.

❀❀❀

XÃ HỘI SA ĐỌA

Điều đáng ngại nhất là sa đọa về tinh thần, tới mất nhân phẩm.

— Ở tỉnh nào cũng có một số cán bộ THAM NHŨNG cấu kết với nhau thành một tổ chức ăn đút ăn lót một cách trắng trợn, không cần phải lén lút. Có giá biểu đàng hoàng: xin vô hộ khẩu một thành phố lớn thì bao nhiêu tiền, một thị xã nhỏ thì bao nhiêu, một ấp thì bao nhiêu. Muốn mua một vé máy bay, vé xe lửa thì bao nhiêu. Muốn được một chân công nhân viên, phải nộp bao nhiêu… Cái tệ đó còn lớn hơn tất cả các thời trước.

Nếu một cán bộ nào bị dân tố cáo nhiều quá thì người ta cũng điều tra, đưa cán bộ đó tới một cơ quan khác ( có khi còn dễ kiếm ăn hơn cơ quan cũ ), đem người khác ( cũng tham nhũng nữa ) lại thay. Ít tháng sau dân chúng nguôi ngoai rồi, người ta lại đưa kẻ có tội về chỗ cũ. Người ta bênh vực nhau ( cũng là đảng viên cả mà ) vì ăn chịu với nhau rồi. Dân thấy vậy, chán, không phí sức tố cáo nữa. Có người còn bảo: “Chống chúng làm gì? Nên khuyến khích chúng sa đọa thêm chứ để chúng mau sụp đổ”.

Có những ông trưởng ti uống mỗi ngày một ve Whisky ( tôi không biết giá mấy trăm đồng ), hút hai ba gói thuốc thơm 555 ( 30 đồng một gói ). Bọn đàn em của họ cũng hút thuốc thơm, điểm tâm một tô phở 6 đồng, một li cà phê sữa 4 đồng, sáng nào như sáng nấy mà lương chỉ có 60-70 đồng một tháng.

— Như vậy thì tất phải có những vụ ăn cắp của công ( Kho một trung tâm điện lực nọ cứ bốn năm tháng lại mất trộm một lần mà không tra ra thủ phạm; rất nhiều bồn xăng bị rút cả ngàn lít xăng rồi thay bằng nước… ), thụt két, ôm vàng trong ngân hàng đề vượt biên, có khi lại tạo ra những vụ kho bị cướp, bị cháy v.v… Y tá ăn bớt thuốc của bệnh nhân rồi tố cáo lẫn nhau, giám đốc biết mà không làm gì được. Lớn ăn cắp lớn, nhỏ ăn cắp nhỏ. Ăn cắp nhỏ thì chỉ bị đuổi chớ không bị tội, vì “họ nghèo nên phải ăn cắp”, mà nhốt khám họ thì chỉ tốn gạo nuôi. Vì vậy chúng càng hoành hành, ăn cắp, ăn cướp giữa chợ, cảnh sát làm lơ, còn dân chúng thì không dám la, sợ bọn chúng hành hung. Ăn cắp lớn, không thể im được thì phải điều tra, bắt giam ít lâu, rồi nhân một lễ lớn nào đó, ân xá; không xin ân xá cho họ được thì đồng đảng tổ chức cho vượt ngục rồi cùng với gia đình vượt biên yên ồn.

— Nạn “phe phẩy” ( buôn lậu, làm chợ đen ) còn bành trướng hơn nữa. Có thể nói một phần ba dân miền Nam ( ở Bắc chắc ít hơn ) làm nghề đó. Họ móc nối với những nhân viên kiểm soát, với giới xe đò; và cứ năm chuyến bị tịch thu một chuyến thì họ vẫn còn sống được. Chỉ có nghề đó là đủ ăn, đôi khi phè phỡn nữa, còn làm nghề gì khác cũng sạt nghiệp. Bọn “lơ xe” bán vé cho bọn buôn lậu đó, giấu hàng cho họ, kiếm mỗi ngày được 200 đồng, bằng lương tháng một bộ trưởng. Dĩ nhiên họ cũng phải chia một phần cho công an, kiếm soát viên. Họ hút toàn thuốc thơm, uống toàn cà phê fin ( filtre: lọc ), ăn một tô phở 6 đồng ( giá 1980 ), bận toàn đồ Mĩ. Người ta gọi họ là các “ông lơ”. Một đứa cháu của tôi học lớp 9, vào hạng tiên tiến, thấy họ sống sung sướng như vậy, muốn bỏ học để học làm lơ xe, cũng bắt đầu hút thuốc lá, uống cà phê rồi.

Ngoài Bắc không có gạo ăn mà miền Tây trong Nam làng nào cũng có cả chục lò — nghe nói có làng cả 100 lò — nấu rượu lậu để đưa lên Cao miên và tiêu thụ ngay trong miền. Người ta pha vào trong rượu một chất hóa học gì đó — thuốc trừ sâu — cho nồng độ của rượu cao; uống rất có hại.

Người ta nói đã có những vụ buôn lậu thuốc phiện; nếu có thì cũng nhỏ thôi, kém xa thời Mĩ, Thiệu. Nhưng đồ lậu như vải, thuốc thơm, thuốc tây — thì khoảng một năm nay lan tràn thị trường: tàu Thái lan đậu ngoài khơi, ghe tàu của mình từ bờ băng ra, đưa vàng ra đổi các thứ đó, cả đồng hồ điện tử từ Singapore hay Nhật bản nữa.

Lại thêm dọc biên giới Việt-Miên, Miên-Thái có nhiều đường buôn lậu từ Thái qua Miên rồi qua Việt. Không biết vàng Việt nam mỗi năm chạy ra nước ngoài bao nhiêu.

Có đồ buôn lậu thì luôn luôn có đồ giả. Bọn tàu Chợ lớn cái gì cũng làm giả được, từ rượu tới thuốc hút, dầu thơm… nhiều nhất là dược phẩm Tây phương, vì thứ này vừa hiếm vừa đắt. Một bác sĩ khuyên tôi đừng mua Ampicilline, B12, Vitamine C ( chích ), Syncortyl ở chợ trời. Chị hốt rác trong khu tôi ở một buổi sáng thấy trong một thùng rác một bọc lớn đầy ống Vitamine C để chích. Có tới 200 ống, mỗi ống 2cc, mà chỉ bán cho người ta có 6 đồng. Chỉ khổ dân quê. Thế nào cũng có y sĩ, y tá chích cho họ thứ đó và chém 5 hay 3 đồng một mũi.

Nạn cờ bạc không công khai như trước, nhưng nạn “sổ xố đuôi” thì công khai rồi; người ta bàn nhau nên đánh số nào, số nào ở ngay giữa chợ. Xưa mỗi tuần chỉ xổ số một lần, nay mỗi tuần bảy tám lần vì tỉnh nào cũng sổ xố, tự trị mà! Người dân chỉ ngong ngóng chờ giờ xổ số để dò số mà bỏ bê công việc. Nhiều người sạt nghiệp, nhưng cũng có nhiều người nhờ đó kiếm được miếng ăn; thầy giáo hồi hưu, đại úy đi cải tạo về, ngồi bán giấy số ở chợ, kiếm được mươi đồng một ngày.

Nạn cho vai nặng lãi cũng kinh khủng. Một cán bộ giáo dục, đảng viên, cho bạn trong sở vay 100 đồng, mỗi tuần trả lời 20 đồng, tính ra mỗi năm 1.000 đồng, vốn được nhân lên gấp 10. Bạn hàng ở chợ không chơi hụi tháng như xưa nữa, mà chơi hụi tuần, hụi ngày!

Nạn đĩ điếm đã hết đâu. Ngay cuối 1975, một cán bộ cách mạng đã bảo các bạn kháng chiến ở bưng về mắc bệnh hoa liễu hết rồi; một số cán bộ rất nghiêm trang đạo mạo — có kẻ ngoài 70 tuổi — từ Hà nội vào, năn nỉ các bạn trong Nam chỉ chỗ cho họ hưởng thú mê li đó một lần cho biết mùi. Chỉ khác là bây giờ người ta làm nghề đó một cách không lộ liễu quá như trước. Họ rất thích sách khiêu dâm, và loại sách này với loại truyện chưởng lan ra Bắc từ mấy năm nay rồi.

Tóm lại bao nhiêu cái xấu xa thời trước vẫn còn đủ mà có phần còn tởm hơn nữa.

❀❀❀

CON NGƯỜI MẤT NHÂN PHẨM

Trong một xã hội như vậy, con người dễ mất hết nhân phẩm, hóa ra đê tiện, tham lam, bất lương, nói láo, không còn tình người gì cả.

Năm 1975 đa số các cán bộ, công nhân viên ở Bắc vào thăm gia đình, họ hàng ở trong Nam, còn giữ chút thể diện “cách mạng”, bà con trong này tặng họ gì thì họ nhận, chứ không đòi; về sau họ không giữ kẽ nữa, tặng họ một thì họ xin hai, không tặng họ cũng đòi, khiến một ông bạn tôi bực mình, nhất định đóng cửa không tiếp một người bà con, bạn bè nào ở Bắc vào nữa.

Gởi họ mang ra giùm một cuốn sách tặng một người ở Hà nội, họ giữ lại 5-6 tháng, vợ chồng con cái, bạn bè coi cho hết lượt, sách nhàu rồi, họ mới đem lại cho người nhận sách; có khi họ lấy luôn, nhắc họ, họ bảo thất lạc, để kiếm. Mà ba người nhận được sách thì chỉ có một người cảm ơn tôi.

Một nhà văn đất Bắc làm cho một tờ báo nọ nhờ một nhà văn trong Nam viết bài, hứa sẽ trả bao nhiêu đó. Viết rồi, đưa họ, họ đăng, nhưng kí tên của họ rồi đưa cho nhà văn trong Nam nửa số tiền nhuận bút thôi, còn họ giữ lại một nửa. Vừa ăn cắp văn, vừa ăn chận tiền. Chưa bao giờ miền Nam có bọn cầm bút bẩn thỉu như vậy. Một bạn học giả của tôi ở Bắc khuyên tôi đừng giao bản thảo của tôi cho ai hết, không tin ai được cả, họ sẽ đạo văn.

Thời Pháp thuộc, không bao giờ nhân viên bưu chính ăn cắp đồ trong các bưu kiện. Thời Nguyễn văn Thiệu thỉnh thoảng có một vụ ăn cắp nhưng nhỏ thôi. Từ bốn năm nay ở khắp miền Nam, cứ 10 bưu kiện ở ngoại quốc gởi về thì có 6-7 bưu kiện bị ăn cắp hoặc đánh tráo vài ba món, thường là dược liệu và vải. Kêu nài thì nhân viên bưu chính bảo: “Không nhận thì thôi; có muốn khiếu nại thì cứ làm đơn đi”. Không ai buồn khiếu nại cả vì cả năm chưa có kết quả, mà nếu có thì số bồi thường không bõ. Cho nên chúng tha hồ ăn cắp, ăn cướp một cách trắng trợn. Trắng trợn nhất là chúng lấy trộm tất cả bưu kiện trong một kho, như ở Long xuyên năm 1981; nếu là kho lớn thì chúng đốt kho như ở Tân sơn nhất hai năm trước.

Nhơ nhớp nhất là vụ một cán bộ vào hàng phó giám đốc, mưu mô với vợ, làm bộ tổ chức vượt biên cho vợ chồng con cái một đứa cháu ruột, bác sĩ ở Sài Gòn, nhận mấy chục lượng vàng của cháu ( và sáu chục lượng vàng của gia đình bên vợ đứa cháu đó nữa vì họ cũng muốn vượt biên ), rồi lừa gạt người ta, tố cáo với công an bắt hết cả nhóm trên mười người khi họ ra Vũng tàu chờ ghe đưa ra khơi. Đa số cán bộ ở Nam đã tư bản hóa rồi, một xã hội chủ nghĩa xã hội mà như vậy thì chủ nghĩa đó chỉ còn cái tên thôi.

Sống dưới chế độ cộng sản; con người hóa ra có hai mặt như Sakharov đã nói: chỉ giữa người thân mới để lộ mặt thật, còn thì phải đeo mặt nạ; luôn luôn phải đề phòng bạn bè, láng giềng, có khi cả người trong nhà nữa. Người ta tính cứ 5 người thì có 1 người kiểm soát từng ngôn ngữ, hành vi của 4 người kia. Ngay một phó viện trưởng cũng làm việc điểm chỉ đó mà bạn trong viện không hay. Dĩ nhiên kẻ kiểm soát đó lại bị người khác kiểm soát lại. Ở Nga thời Staline như vậy, ở Bắc những năm 1954-1960 cũng gần như vậy; ở Nam đỡ hơn vì đa số người trong này không chịu làm thứ mật thám chìm đó.

Nạn làm tiền, tống tiền lan tràn khắp các ngành, cả trong ngành cứu nhân độ thế và ngành tống táng. Để cho bác sĩ ngụy đủ sống mà khỏi vượt biên, chính phủ năm 1980 cho phép họ ngoài giờ làm việc được khám thêm bệnh ở nhà và định cho họ số tiền thù lao là 1 đồng ở Sài Gòn, 0,8 đồng ở tỉnh ( 5 ). Nhưng ở Long xuyên bác sĩ nào cũng thu của bệnh nhân 10 đồng. Có kẻ ra một cái toa cần 9 thứ thuốc toàn thứ đắc tiền, trị đủ các bệnh: tim, phổi, gan, thận, bao tử… cho một bà lão suy nhược, rồi bảo lại mua của một tên buôn lậu đồng lõa với họ. Tính ra toa đó mua cho đủ thì mất cả triệu đồng cũ 1 ( 2.000 đồng mới ). Một số bác sĩ không làm tiền cách đó, không ra toa mà bắt bệnh nhân mỗi ngày lại để các ông ấy cho thuốc và chích cho, và phải trả các ông ấy từ 60 đồng đến 100 đồng mỗi lần. Năm 1981, tiền thù lao từ 10 đồng đã hạ xuống còn 5 đồng, có lẽ vì bác sĩ làm riêng khá đông, cạnh tranh nhau. Và tháng 7-1981 có lệnh không cho bác sĩ công làm tư tại nhà nữa, mà muốn làm tư thì lại dưỡng đường làm ngoài giờ làm việc. Chưa thấy ai theo.

Bệnh nhân lỡ mà chết thì bị hàng xăng tống tiền: quốc doanh định 45 đồng kể cả một bịch thuốc lá và 4 sthước vải thô, nhưng tang gia phải trả 400 đồng thì xăng mới được ghép lại kĩ, khỏi trống hổng trống hoảng với 8 cây đinh đóng hờ. Rồi tới nhà đòn cũng đầu cơ: hạ huyệt xong, phủ qua một lớp đất cho bằng mặt, muốn có cái mồ cho ra mồ thì phải đưa thêm vài trăm đồng nữa. Nếu đem thiêu mà cứ nộp đúng lệ thì xương ống xương hông bị ném riêng vào một chỗ, chứ không thiêu hết. Ai nỡ để cha mẹ mình què!

Tất cả chỉ tại cái lệ chính phủ định giá, định lương rẻ quá không cho dân đủ sống, dân phải xoay xở lấy, bóc lột lẫn nhau. Cổ kim chưa một xã hội nào phi lí như vậy. Vì biết mình phi lí nên có nơi chính quyền làm ngơ cho bác sĩ làm ăn, cho phép các giáo viên ngụy dạy thêm tại nhà.

Nói cho ngay, thời nào trong xã hội cũng có một số người lương thiện. Và ông Phạm văn Đồng đã nhận rằng thời này hạng đó thiệt thòi nhất. Tôi được biết một hai cán bộ trung cấp liêm khiết, chịu nghèo, nuôi heo thêm, chứ không tham nhũng. Gia đình họ phải ăn rau muống; quần áo thì vá đụp; có thể nói họ nghèo như các nông dân nghèo nhất thời xưa.

Tóm lại sau 5 năm chúng ta không thấy chút tiến bộ nào cả mà chỉ thấy sự chia rẽ trong xã hội, sự tan rã trong gia đình, sự sa đọa của con người, sự suy sụp của kinh tế.

Ông Hồ Chí Minh có lần nói: “Muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa thì phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Con người vẫn là quan trọng hơn cả. Có chế độ tốt, chính sách tốt mà không có con người tốt thì cũng hỏng hết. Ai cũng phải nhận rằng tinh thần, tư cách đại đa số cán bộ càng ngày càng sa sút, hủ hóa mà xã hội chủ nghĩa mỗi ngày một lùi xa. Ông Hồ đã thấy trước cái mòi suy vi đó khi ông thốt ra lời trên chăng?

❀❀❀

PHONG TRÀO VƯỢT BIÊN

Tôi không biết trước giờ giải phóng, từ Bến hải trở vào, trong số trên 20 triệu dân có bao nhiêu người vội vã di cư để trốn cộng sản. Dăm bảy ngàn hay vài chục ngàn? Người nào cũng có tâm trạng não nề: bỏ quê cha đất tổ, bỏ thân thích bạn bè, bỏ cả sản nghiệp ( có người mới mua được ngôi nhà vài ba chục triệu — hồi đó khoảng 100.000 đồng cũ một lượng vàng — chưa ở được 5-6 tháng đã phải bỏ lại ) để qua nước người ăn nhờ ở đậu, làm thứ công dân “da màu”, một thứ công dân hạng hai, và bắt đầu xây dựng lại từ đầu; như vậy mà ai vui cho được? Những người đi đó hoặc là quân nhân, công chức trong các chính phủ trước, hoặc đã có thời sống với cộng sản ở Bắc, sợ chế độ ngoài đó, đã di cư một lần nay lại di cư lần thứ hai. Những người ở lại, xét chung, đều sẵn sàng chấp nhận chế độ mới, dù chưa biết rõ nó ra sao; một số đông còn hăng hái tiếp tay với chính quyền mới để xây dựng một xã hội tốt đẹp cho tương lai nữa.

Nhưng chẳng bao lâu nhiều người thất vọng, qua năm 1976, đã có lác đác một số thanh niên vượt biên. Họ không có tổ chức, không chuẩn bị kĩ, lên miền cao nguyên ở Trung rồi kiếm đường qua Lào, từ Lào sẽ qua Thái lan. Họ bị bắt hoặc thấy nguy phải quay về.

Từ năm 1977, người ta dùng đường biển, phong trào vượt biên phát triển rất mạnh tới mức một bà già nông dân miền Tây phải nói: “Cây cột đèn nếu đi được thì cũng đi”. Dù phải gian lao cực khổ tới nước nào, hễ ra khỏi được nước là sướng rồi, làm mồi cho cá mập vẫn còn hơn ở lại trong nước mà chết lần chết mòn, người ta nghĩ vậy. Cha mẹ già chỉ có mỗi một người con mà cũng khuyên nó vượt biên; chồng đi “cải tạo” — nghĩa là bị giam trong những trại tập thể chưa biết bao giờ mới được về vì là “ngụy hạng nặng”, phải cải tạo tư tưởng, đời sống — cũng nhắn vợ con vượt biên được thì cứ vượt, dắt con theo. Một thanh niên vượt biên thoát mới tới Thái lan đánh điện về cho cha mẹ: “Ba má nhớ hôm nay là ngày sinh nhật của con không?” và cha mẹ mỉm cười, hiểu.

Có ba cách vượt biên.

Cách CHÍNH THỨC, sướng nhất là có người thân, cha mẹ, vợ chồng hay con cái ở ngoại quốc xin cho được đoàn tụ gia đình. Trường hợp đó được chính phủ cho phép, được Ủy hội quốc tế tị nạn ( Haut commissariat des réfugiés: H.C.R. ) giúp đỡ. Đơn gởi rồi, sáu tháng hay một hai năm sau được đi. Sớm muộn là tùy mình biết “phải trái” hay không. Đi thì gia sản để lại hết, chỉ được mang theo ít tư trang với ít tiền ăn đường.

Cách BÁN CHÍNH THỨC, theo nguyên tắc, cho người Việt gốc Hoa, nhưng người gốc Việt mà muốn thành gốc Hoa thì cũng không khó. Có tiền là được hết.

Một người đứng ra tổ chức, nộp đơn xin cho cả nhóm người — khoảng vài trăm — vượt biên kèm theo hồ ssơ của từng người, và nộp cho chính phủ 4 lượng vàng. Chính phủ cho phép rồi, bọn người đó tập trung lại một nơi, hùn nhau đóng thuyền đóng xong, chính phủ sẽ cho công an xuống xét thuyền, xét lí lịch, hành lí từng người ( mỗi người cũng chỉ được mang theo ít tiền thôi ), rồi cho phép nhổ neo ra khơi, chính phủ bảo đảm an ninh cho tới khi ra hết hải phận quốc gia, rồi từ đó thuyền muốn đi đâu thì đi, chính phủ không biết tới. Rất ít nước chịu tiếp thu bọn đó, và xét kĩ từng người rồi mới cho lên bờ.

Có thuyền chở khẳm quá, thuyền đóng cho 200 người thì chở tới 300, lại thêm chính quyền địa phương “gởi” một hai trăm người nữa, ngồi chen chúc nhau như cá hộp, không nhúc chích được, như vậy ba bốn ngày, ăn uống, đi tiểu rất bất tiện mà cũng rán chịu. Có chiếc vừa ra khơi được vài chục hải lí, gặp cơn dông, chìm, xác chết tấp vào bờ, ngổn ngang trên bãi cát.

Có trường hợp chính phủ đã nhận đủ vàng, thuyền đóng chưa xong thì có lệnh trên hoãn các cuộc vượt biên chính thức lại; hoãn cả năm rồi và hiện nay ( 1980 ) còn rất nhiều người phải ở chỗ đóng thuyền, vì họ làm khai sinh giả, nhà đã bị tịch thu, chỗ đâu mà về. Họ xin chính phủ trả lại số vàng, chính phủ chỉ trả một phần ba, hoặc trả tất cả theo giá vàng chính phủ định không bằng 1/5 giá vàng trên thị trường. Họ lêu bêu, thành một bọn vô gia cư, vô nghề nghiệp, sống cực điêu đứng.

Cách thứ ba là ĐI CHUI, nghĩa là đi lậu. Một người đứng ra tổ chức, một nhóm từ 20 đến 4-5 chục người, hùn nhau từ 4 đến 7-8 lượng vàng đóng thuyền, kiểu thuyền đánh cá, mua một bãi biển, nghĩa là đút lót cho công an, chính quyền ở làng có bãi biển, đút lót cho cả công an vài nơi chung quanh để người vượt biên khỏi bị xét hỏi, thuyền yên ổn được rời bến ban đêm. Công an những nơi có bãi biển đó nhờ vậy làm giàu rất mau, có kẻ chỉ một hai năm được vài chục lượng vàng và ôm vàng vượt biên. Do đó mà trong dân gian xuất hiện truyện tiếu lâm dưới đây.

“Một hôm nọ, người canh lăng bác Hồ bổng thấy xác ướp của bác biến đâu mất, hoảng hốt đi tìm khắp nơi, tìm ở nhà sàn của bác không thấy, về quê hương bác ở Nghệ an cũng không thấy, nghi rằng bác vào chơi thành phố của bác, liền vào Sài Gòn kiếm, sau cùng một đêm, thấy bác ngồi một mình, rầu rĩ ở bến Sáu kho, thành phố Hồ Chí Minh, hỏi bác, sao lại ra ngồi đấy, bác đáp: ‘Bác không muốn ở nước này nữa, muốn qua phương Tây đây, mà tụi công an đòi bác sáu cây, bác có cây đâu mà nộp cho chung’” — “Cây” là “cây hai lá rưỡi” nói tắt, tực một lượng vàng vì mỗi lượng có hai lá rưỡi vàng”.

Thường là thoát được, ít khi gặp tàu tuần; nhưng nhiều khi gặp bão, thuyền chìm, làm mồi cho cá mập, hoặc gặp bọn cướp biển Thái lan. Chúng vơ vét hết, chỉ chừa cho mỗi người một cái quần cụt, và có thiếu phụ bị chúng hiếp dâm tới 19 lần ( 6 ). Sau cùng may phước tới được bờ biển Thái lan hay là một đảo Mã lai — sướng nhất là được một tàu Tây phương vớt — lúc đó mới kể là còn sống.

Có một trường hợp xui lạ lùng. Một đoàn người lên được một đảo Mã lai, ở được ít lâu rồi một hôm chính quyền trong đảo lùa họ xuống hết thuyền của họ, bảo để đưa đến một đảo khác; nhưng ra khơi, chúng cắt đỏi cho thuyền trôi đâu thì trôi ( máy móc bị chúng gỡ rồi ) và ít ngày sau, thuyền giạt vào bờ biển Cà mau, bị bắt giam hết, người thì 5-6 tháng, người thì 3 năm.

Mặc dầu nguy hiểm như vậy, người ta vẫn không sợ, thua keo này bày keo khác. Có người tới lần thứ tư mới thoát, lại có người lần thứ 10 vẫn chưa thoát, mà sản nghiệp tiêu tan hết, không biết sống bằng gì.

Có người mạo hiểm dám băng ra khơi bằng một chiếc tắc-ráng ( bo-bo ): loại xuồng nhỏ, chở được độ mươi người, chạy bằng xăng, lướt trên nước rất mau. Vậy mà thoát được.

Từ cuối 1979 thêm một cách vượt biên nữa bằng đường bộ, ngã Cao miên. Hoặc theo xe nhà binh, hoặc theo người Miên đi buôn lậu, lên tới Nam vang rồi tới Battambang, Sisophon. Phải mang theo vàng để đóng thuế mãi lộ. Tới biên giới Thái lan, nếu biết tiếng Anh, tiếng Pháp thì sẽ được Ủy hội quốc tế tị nạn giúp đỡ. Nghe nói cách đó chỉ tốn 2-3 lượng, mỗi chuyến đi chỉ được vài ba người ăn bận như bọn luôn lậu. Cũng nguy hiểm như vượt biển. Một đứa cháu nhà tôi trong túi chỉ có 100 đồng, không biết tiếng Miên, không quen ai ở Miên mà cũng vượt biên cách đó.

Người nào vượt biên được một nước nào tiếp thu rồi, được trợ cấp hay kiếm được việc làm rồi, cũng gởi ngay về cho thân nhân một gói thực phẩm, thuốc uống, quần áo… bán được một hai ngàn đồng. Họ làm lụng cực khổ, ( rửa chén trong quán ăn… ) nhịn hút thuốc để giúp gia đình vì biết rằng người ở lại thiếu thốn gấp mười họ. Chính nhờ họ mà nhiều gia đình miền Nam mới sống nổi, nhờ họ một phần mà dân miền Nam có thuốc tây để uống, có vải may quần áo, không đến nỗi rách rưới quá. Trong hoạn nạn tình cha mẹ, con cái, vợ chồng lúc này lại đằm thắm hơn xưa. Cái củi thành cái may.

Về vật chất họ được đầy đủ, nhưng về tinh thần họ rất đau khổ. Nhớ bà con họ hàng, nhớ quê hương xứ sở, nhớ day dứt, da diết. Họ khóc thương thân phận anh hay em ở trong các trại cải tạo mỗi bữa chỉ được một nắm bo bo; thân phận cha mẹ chú bác phải đấy chiếc xe bán củi, bán chuối dưới mưa, dưới nắng, đau ốm không có thuốc uống; thân phận con cháu quanh năm không được một li sữa, một cục đường. Ở một xứ gần như trời luôn luôn u ám, họ ước ao được nhìn thấy một tia nắng, một nền trời xanh, và khi trời xanh, ánh nắng hiện lên thì họ càng nhớ quê hơn nữa; họ muốn được vuốt ve thân cây chuối nhẵn bóng và mát rượi; được nhìn ánh vàng nhảy múa trên những tàu dừa phe phẩy dưới gió nồm; nhìn hoài những con đường thênh thang trải nhựa, họ chán ngấy, mơ tưởng được đi chân không trên những con đường đất ở giữa hai bờ cỏ, dưới bóng lưa thưa của hàng so đũa, ven một cánh đồng lúa xanh: mặt đất ấm hơn mặt đường nhựa biết bao mà có gì thơm mát bằng mùi lúa xanh, sau mấy năm ngửi mùa xăng nhớt.

Có những thiếu phụ thay đổi hẳn tính tình: ở nước nhà thì thích trang điểm, đi dạo phố, họp bạn; qua nước người thì suốt ngày ở trong phòng lau chùi, quét tướt, nấu ăn cho chồng con, không chịu ra đường, chồng con lôi kéo cũng không đi; một ngày kia họ sẽ loạn tinh thần mất. Khổ nhất là những bà 50-60 tuổi,không biết ngoại ngữ, không sao thích ứng được với đời sống Tây phương, mới xa quê được một năm đã đòi về, ngày nào cũng ngóng tin nhà, và được thư thì đọc đi đọc lại tới thuộc lòng. Ngày đêm họ cho quay băng “Sài Gòn ơi, li biệt” của Thanh Thúy, băng “Ta chẳng lẽ suốt đời lưu vong” của Phạm Duy mà khóc mướt. Giọng ảo não không kém bài hát của dân tộc Do thái khi bị đày ở Babylon hồi xưa.

❀❀❀

Trong số những người ở lại, đáng thương nhất là những cặp vợ chồng già không có con cái, bị chính phủ chặn lương hưu trí, rán sống lây lất vài năm, bán hết đồ đạc để ăn rồi tự tử.

Rồi tới những người sản nghiệp tiêu tan vì đi kinh tế mới hoặc vì vượt biên mấy lần mà thất bại, sống cầu bơ cầu bất ở vỉa hè các thành phố lớn nhỏ như bọn ăn mày.

Rồi những cô giáo, cô kí chồng đi cải tạo 5 năm đằng đẵng, ở nhà xoay xở đủ cách, làm việc đêm ngày, nhịn ăn nhịn mặc để nuôi bốn năm đứa con, vài tháng lại tiếp tế cho chồng một lần. Họ vì hoàn cảnh mà hóa đảm đang, tư cách lại cao lên, không chịu nhân sự giúp đỡ của họ hàng, bạn bè.

Rồi những thiếu nữ học hết Đại học sư phạm hay Luật mà không muốn làm công nhân viên vì lương thấp quá, kiếm một cái sạp nhỏ nửa thước vuông bán thuốc rời hay quần áo cũ, thuốc tây ở lề đường, vất vả nhưng kiếm được 10-15 đồng mỗi ngày, đủ cơm cháo cho cha mẹ và em. Họ lễ phép, chăm chỉ, dễ thương.

Tất cả những người đó và còn nhiều hạng người khác nữa đáng tự hào là ngụy. Ngụy mà như vậy còn đáng quí gấp trăm bọn tự xưng là “cách mạng” mà tư cách đê tiện.

Có ai chép Ba đào kí cho thời đại này không nhỉ? Trong tập kí đó dày ít gì cũng vài ngàn trang, truyện buồn rất nhiều mà truyện vui cũng không thiếu, truyện nào cũng cảm động, đánh dấu một thời và làm bài học cho đời sau được.

❀❀❀

NGƯỜI TA ĐÃ NHẬN ĐỊNH SAI

Vậy dù có lạc quan tới mấy cũng phải nhận rằng công việc xã hội hóa miền Nam này tới nay đã thất bại. Chỉ mới dựng được cái sườn thôi mà đã có nhiều dấu hiệu tỏ rằng sườn đó đã nghiêng ngả: rất nhiều cán bộ đã hủ hóa, hùng hục làm giàu bằng mọi cách, thành một bọn tư sản rồi, tinh thần quân đội đã sa sút, hợp tác xã nông nghiệp đã thất bại, chính sách kinh tế mới phải bãi bỏ; một vài địa phương đã rụt rè lập lại chế độ tư bản: cho dân mặc sức kiếm lợi, cho chợ trời tha hồ phát triển, cho tăng giá xe đò, cho mua xăng và dầu lửa tự do, giá gấp mấy chục lần giá chính thức. Xí nghiệp đánh cá Côn sơn dùng chính sách chia lời; hễ nộp đủ số cá cho chính phủ rồi thì làm thêm được bao nhiêu, được chia nhau hưởng. Chỉ trong một hai năm, xí nghiệp phát triển rất mạnh, mua thêm được mấy chục chiếc tàu mới, thuyền trưởng được chia 2.000 đồng một tháng, thủy thủ 1.500 đồng ( lương bộ trưởng chỉ khoảng 200 đồng ); chính phủ thấy vậy buộc họ chỉ được tiêu một phần ba số đó còn thì phải gửi ngân hàng, nhưng không biết họ có tuân không.

Ngành nào cũng kẹt, kẹt cứng, chính quyền không biết xoay xở ra sao, vá chỗ này thì toạc chỗ khác, càng dùng những biện pháp nhất thời thì càng lúng túng. Ngay các cán bộ trung kiên cũng phải nhận rằng tình hình mấy năm sắp tới con nguy kịch hơn, chỉ còn trông cậy vào việc tìm mỏ dầu ở ngoài khơi Vũng tàu. Nếu trong ba năm nữa không tìm được mỏ nào có thể khai thác mà có lợi, không sản xuất được dầu thô thì tương lai dân tộc sẽ ra sao? Mà nếu tìm được thì lại phải chịu cái nguy khác: rất có thể Việt nam thành nơi tranh chấp về dầu giữa các cường quốc. Thật bi đát.

Chỉ tại người ta đã tính lầm. Thắng được Mĩ rồi, người ta tin rằng sẽ làm bá chủ bán đảo Đông dương, không nhận định được đúng tình tình thế giới.

Người ta nhận định sai tài năng, đạo đức, tinh thần hi sinh của cán bộ, tưởng rằng cao lắm và có thể dễ dàng kiến thiết miền Nam thành một xã hội xã hội chủ nghĩa, không ngờ cán bộ tuy rất đông mà rất kém cỏi về mọi mặt, mà tối đại đa số không ưa xã hội chủ nghĩa, thích đời sống miền Nam hơn.

Người ta nhận định sai về tình trạng miền Nam. Trước ngày 30-4-1975, miền Nam rất chia rẽ: nhiều giáo phái, đảng phái nhưng tiến bộ hơn miền Bắc nhiều về mức sống, kĩ thuật, nghệ thuật, văn hóa; nhờ ngôn luận được tương đối tự do, nhờ được đọc sách báo ngoại quốc, biết tin tức thế giới, du lịch ngoại quốc, tiếp xúc với người ngoại quốc…; cả về đạo đức nữa: vì đủ ăn, người ta ít thèm khát mọi thứ, ít gian tham ( tôi nói số đông ), ít chịu làm cái việc bỉ ổi là tố cáo người hàng xóm ( 7 ) chứ đừng nói là người thân, nói chung là không có hành động nhơ nhớp như nhiều cán bộ ở Bắc tôi đã kể ở trên. Tôi còn nhận thấy vì người Nam bị coi là ngụy hết, nên càng đoàn kết với nhau, thương nhau: cùng là ngụy với nhau mà!

Như vậy mà đưa cán bộ Bắc vào cai trị họ, dạy chính trị họ thì làm sao không thất bại? Bọn đó quê mùa, ngu dốt, nghèo khổ, vụng về, tự cao tự đại, bị người Nam khinh ra mặt, mỉa mai; lớp dạy chính trị cho dân chúng mỗi ngày một vắng, hiện nay cả năm không họp một lần.

Một thất bại nặng nề của cách giáo hóa đó là báo Nhân dân không ai đọc, người ta mua về để bán “ve chai”, ngay cả bộ Lénine toàn tập cũng vậy.

Sau 5 năm, cả triệu cán bộ và thường dân Bắc vào Nam mà Bắc Nam miễn cưỡng sống với nhau, lơ là với nhau, Nam coi Bắc là bọn thực dân, tự coi mình là bị trị. Làm gì có sự hợp tác?

Ông Hồ Chí Minh rất sáng suốt, từ 1962 đã thấy sự thống nhất Việt nam không có lợi mà gây rất nhiều vấn đề khó khăn, chỉ tạo gánh nặng cho Bắc ( coi lại cuối chương XXI ). Nếu 1975 ông còn sống thì chắc ông để cho miền Nam trung lập ( đúng như lời tuyên bố của Mặt trận giải phóng khi mới vô Sài Gòn ), làm một cửa sổ ngó ra thế giới bên ngoài, mà sẽ mau thịnh vượng lợi chẳng những cho Nam mà cả cho Bắc nữa. Những người nối nghiệp ông tự cho là khôn hơn ông.


Tài liệu và chú thích của cụ Nguyễn Hiến Lê:

( 1 ) Kravchenko, J’ai choisi la liberté. Trang 114 (Seft-1948).

( 2 ) Tháng 7 năm 1981, lương đã được tăng gấp hai, nhưng chính phủ cho tay này thì lấy lại bằng tay khác: giá nhu yếu phẩm, vé xe đò, tem gởi thư… cũng tăng lên như vậy, có thứ tăng gấp 10 nữa.

( 3 ) Tháng 8-1980, một cán bộ giáo dục ở Hà nội vào bảo tôi bây giờ họ phải ăn độn 90%, cực khổ hơn những năm 1973-1974 nhiều lắm, mà tình trạng đó còn kéo dài lâu. Thân phận không bằng con heo ở trong Nam.

( 4 ) Thời này nước mình xuất nhiều ca dao và truyện tiếu lâm, hơn thời cuối Lê nữa; trong một đoạn ở sau về Phong trào vượt biên, tôi sẽ chép một truyện tiếu lâm. Nghe nói đã có người thu nhập những ca dao và truyện tiếu lâm đó để lưu lại.

( 5 ) Do đó mà có câu mỉa mai này: vá ruột xe máy thì được 3 đồng mà vá ruột người chỉ được 8 hào.

( 6 ) Coi phụ lục “Kinh hoàng trên đảo Kokra” ở cuối bộ.

( 7 ) Một thím làm tổ phó lo về đời sống, được công an phường gọi đi học tập. Mới hết buổi đầu, thấy công an chỉ dạy cách dò xét, tố cáo đồng bào (ăn uống ra sao, chỉ trích chính phủ không, khách khứa là hạng người nào…), thím ta xin thôi liền, về nói với bạn: “Tôi không làm công việc thất đức đó được!” Lớp học đó bỏ luôn.

Ai đổi tên Sài Gòn thành Thành Phố Hồ Chí Minh?

Cái đám Cộng Sản Đệ Tam của Nam Kỳ đã đổi tên Sài Gòn thành tên cái xác thối.

Sau ngày 30/04/1975, với khí thế tưng bừng và đề nghị của đám cách mạng lão thành, ông Võ Văn Kiệt xin quốc hội và chính phủ trung ương đổi tên thành phố Sài Gòn Gia Định thành Thành Phố Hồ Chí Minh. Quan điểm của chủ tịch Quốc Hội lúc bấy giờ là Trường Chinh không tán thành, nhưng rồi sau cuộc họp ngày 02/07/1976, Quốc Hội cũng đã thông qua!

Thực ra ý tưởng đổi tên đã có từ lâu, người khởi xướng là bác sĩ Trần Hữu Nghiệp.

Tháng Ba năm 1946, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được lãnh đạo Khu 8 và tỉnh ủy Bến Tre cử ra Bắc báo cáo với trung ương, tham gia vào đoàn vượt biển còn có bà Nguyễn Thị Định, giáo sư Ca Văn Thỉnh, ông Nguyễn Văn Khước. Ông Nghiệp được giữ lại Hà Nội tiếp tục công tác đến năm 1947.

Ngày 25/8/1946, Phòng Nam bộ Trung ương nhóm họp tại đường Gia Định, nay là đường Trần Nhật Duật. Tại cuộc họp đó, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đưa ra ý tưởng lấy tên Hồ Chí Minh đặt cho Sài Gòn-Gia Định. Ý tưởng nhanh chóng được hưởng ứng. Một ngày sau, 57 người miền Nam đang tham gia cách mạng gửi một bản quyết nghị lên Quốc Hội và Chính Phủ.

“Xin Quốc hội và Chính phủ đổi ngay tên thành phố Sài Gòn lại là tên thành phố Hồ Chí Minh để tượng trưng sự chiến đấu, hy sinh và cương quyết trở về với Tổ Quốc của dân Nam Bộ” – bản quyết nghị viết.

57 người ký tên, trong đó có Cục Trưởng Quân Y Trần Hữu Nghiệp, vị bác sĩ giàu có từng sở hữu bệnh viện tư ở Mỹ Tho, bỏ danh vọng đi theo cách mạng; Trần Công Tường ( luật sư ) sau này làm Thứ Trưởng Tư Pháp; Nguyễn Tấn Gi Trọng ( Phó Cục Trưởng Quân Y ) người giữ ghế đại biểu Quốc Hội Việt Nam 7 khóa sau đó.

( Nguồn tổng hợp )

Nguồn ( không còn tồn tại ):

Vu Ngo Vinhhttps://www.facebook.com/groups/1051752364862874/permalink/4525289527509123/

❀❀❀

Phụ chú của hoangkyblog:

Khoảng thời gian trong bài báo là khi Hồ C Minh sang Paris ký “Thỏa Hiệp Án Fontainebleau”, bán đứng Việt Nam cho Pháp, để Pháp trở lại Việt Nam, sử dụng tình hình rối ren để tiêu diệt cách đảng phái quốc không cộng sản!

Thằng Hồ C Minh là tội đồ của dân tộc Việt Nam.

Thỏa Hiệp Án Fontainebleau 14/09/1946: ông Hồ cấu kết với Pháp để tiêu diệt các đảng quốc gia. Tác Giả: Hứa Hoành.


Lý do, ông Hồ tạm hòa với Pháp, để tiêu diệt người cùng đoàn kết với mình trong chính phủ liên hiệp. Ðó là ý đồ thầm kín của ông Hồ và thực dân Pháp.

[
Bài viết này có lẽ được tác giả Hứa Hoành hoàn tất vào ngày 26/09/2002. Được Dân Chủ dot Net đăng lại, trang web này nay không còn nữa. Trang http://www.geocities.ws/xoathantuong/hh_14946.htm đã đăng lại.
]

Kéo rốc sang Pháp làm gì?

Lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đến nay, còn nhiều bí ẩn chưa được giải tỏa. Người bàng quan, các thế hệ sau, sẽ không thấy được những âm mưu thầm kín của ông Hồ đã tiêu diệt người quốc gia, nếu như chúng ta không phát hiện được những bí mật lịch sử đó. Chúng tôi may mắn được nhà sử học Chính Ðạo, tức tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu, cho phép sử dụng nhiều tài liệu quý giá mà ông sao lục từ các văn khố, thư viện của bộ Thuộc Ðịa, bộ Ngoại Giao Pháp… để làm sáng tỏ nhiều uẩn khúc lịch sử, vốn bị cộng sản che giấu, nhiễu loạn từ hơn nửa thế kỷ qua. Chúng tôi chân thành cảm tạ tiến sĩ Chiêu. Trong loạt bài nầy, chúng tôi sẽ trưng bằng chứng về những hành vi phản bội quyền lợi dân tộc của ông Hồ. Nổi thao thức của ông Hồ lúc nầy là Việt Minh phải mắm chính quyền, không chia xẻ, nhượng bộ cho bất cứ đảng phái nào. Ðó là đường lối nhất quán, trước sau như một của đảng cộng sản. Ðây cũng là dự mưu, từ khi ngoài rừng núi Tân Trào kéo về Hà Nội. “Căn cứ vào kết quả của cuộc thảo luận của ông Hồ cùng các cán bộ, thấy rằng công cuộc phát triển cách mạng của họ sẽ dẫn đến 2 trường hợp:

  1. Một là đủ sức cướp chính quyền, bản thân họ có đủ điều kiện để đàm phán bình đẳng các vấn đề với các nước Ðồng Minh…
  2. Hai là lực lượng bản thân ( Việt Minh ) còn yếu kém… Việt Minh phải suy nghĩ đến việc cùng với nước Pháp tiến hành đàm phán, để tranh thủ một số quyền lợi và tự do dân chủ. Sau đó sẽ dùng những quyền lợi nầy làm vốn liếng để tuyên truyền, rồi tiến thêm một bước, đẩy tới cuộc vận động cách mạng, để tiếp tục đấu tranh với Pháp…”.

Tưởng Vĩnh Kính, Hồ Chí Minh Tại Trung Quốc, Thượng Huyền dịch, trang 339.

Hiểu rõ chiến lược của ông Hồ, cho nên chúng ta không lấy làm lạ khi đối với kẻ thù chính là Pháp, thì ông Hồ tiếp tục nhân nhượng từ quyền lợi nầy đến quyền lợi khác. Ðang tuyên bố là một quốc gia độc lập, tự do ( 02/09/1945 ), vài tháng sau, ông Hồ xin làm một “quốc gia tự do trong Liên Hiệp Pháp” ( tức đế quốc trá hình ), và cho Pháp mọi quyền lợi đầy đủ tại Việt Nam như thời thuộc địa. ( Xem nội dung Thỏa Hiệp Án 14/09/1946 ). Chủ trương của ông Hồ lúc nầy ( 1946 ) là dựa vào Pháp, cấu kết với Pháp để tiêu diệt các đảng quốc gia anh em, đang chia xẻ quyền hành với ông trong “chính phủ liên hiệp”, mà ông đã vật vã van nài. Cấu kết với Pháp để tiêu diệt người quốc gia tức là chủ trương “liên kết với A đánh B”. “Ông Hồ thà nhường cho Pháp thống trị Việt Nam thêm một thời gian nữa, chứ không muốn các đảng phái quốc gia đứng ra lãnh đạo một nước Việt Nam độc lập”, hoặc chỉ tham gia với Việt Minh để “đoàn kết chống Pháp” như ông đã hùng hổ kêu gọi.

Tất cả hành động của ông Hồ đều trước sau như một, nhằm giành lấy sự độc quyền lãnh đạo đất nước, đặng mấy năm sau tiến hành cuộc cách mạng vô sản, đưa toàn dân vào quỹ đạo cộng sản quốc tế. Vấn đề Việt Nam có sớm được độc lập hay không chỉ là thứ yếu. Quyền lợi dân tộc cũng chỉ là bình phong để ông Hồ thực hiện âm mưu nắm chặt chính quyền. Người quốc gia có thể nhìn thấy thủ đoạn của ông Hồ, hoặc nóng lòng vì độc lập tự do, nên đã “đoàn kết trong mặt trận Việt Minh”, để rồi tất cả chịu chung số phận oan nghiệt.

Sau ngày 02/09/1945. Việt Nam trở thành quốc gia độc lập thật sự, mà kẻ thù chính là thực dân Pháp còn ở xa. Với Hiệp Ước Sơ Bộ ( 06/03/1946 ), ông Hồ mời quân Pháp vào chiếm đóng Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc.

Ðó là một trọng tội trong lịch sử. Ông cần rảnh tay để đối phó với các đảng theo chủ nghĩa quốc gia dân tộc. Ðể che giấu chủ trương bắt tay với kẻ thù, ông Hồ tuyên bố chính sách “văn hóa Pháp Việt đề huề” ( Điều 3 Thỏa Hiệp Án ), ca tụng “nước Pháp mới” ( nước Pháp của thực dân ) và Liên Hiệp Pháp, tức đế quốc trá hình. Nổi thao thức của ông Hồ lúc này ( 1946 ) là không muốn bất cứ một tổ chức hay cá nhân nào ngoài Việt Minh nắm quyền, hay chia xẻ quyền hành với Việt Minh. Hiểu như thế nên chúng ta mới không ngạc nhiên khi đối với kẻ thù chính là Pháp, thì ông ta đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác. Vừa mới tuyên bố độc lập, ông Hồ lại chịu nép mình trong khuôn khổ Liên Hiệp Pháp, và cho Pháp có đầy đủ quyền lợi như thời thuộc địa. Thái độ của ông Hồ lúc nầy là dựa hẳn vào Pháp, cấu kết với Pháp, để tiêu diệt các đảng phái quốc gia. Nếu thực tâm yêu nước và chiến đấu vì quyền lợi quốc gia dân tộc, ông Hồ và mặt trận Việt Minh đã tích cực chuẩn bị kháng chiến khi Pháp chưa trở lại Việt Nam. Ông đã bỏ phí thời gian ( 15 tháng, năm 1945-1946 ) mà còn phá nát thế đoàn kết chiến đấu của những đảng quốc gia đang “liên hiệp” với ông trong cái chính phủ do ông làm chủ tịch. Ðiều này có nghĩa vì sự độc quyền lãnh đạo của Việt Minh, mà ông Hồ đã phá nát thế đoàn kết kháng chiến chống Pháp, làm cho thế lực Việt Nam yếu đi, nhưng ông vẫn làm, vì sự độc quyền lãnh đạo của Việt Minh.

Giữa lúc tình thế đất nước rối ren, chính cá nhân ông Hồ cùng mấy chục bộ trưởng dân biểu không thuộc cộng sản, kéo rốc sang Pháp để tham quan, để thăm thiện chí, mà thực sự tình thế nước Pháp cũng lâm cảnh tang gia bối rối ( chính phủ Gouin vừa mới đổ, còn chính phủ mới Bidault chưa thành lập ), lại phải đón tiếp một vị khách bất đắc dĩ trong khi tình thế nội bộ chưa ổn định. Phái đoàn thiện chí của Hà Nội gồm 10 vị, do Phạm Văn Ðồng cầm đầu, gồm có: Phạm Văn Ðồng, ( Bộ Trưởng ) Trần Ngọc Danh ( Dân Biểu Cần Thơ do cộng sản chỉ định ), Ðỗ Ðức Dục ( Bộ Trưởng ), Nguyễn Mạnh Hà ( Bộ Trưởng ), Nguyễn Văn Luân ( Dân Biểu ), Trình Quốc Quang, Tôn Ðức Thắng, Huỳnh Văn Tiểng, Hoàng Tích Chu, Nguyễn Tấn Di-Trọng. Rồi phái đoàn tham dự hội nghị Fontainebleau gồm trên 20 vị vừa bộ trưởng, vừa dân biểu. Giữa lúc đó, Pháp đã đưa quân vào Hà Nội, kéo đi chiếm đóng Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hải Dương, tích cực chuẩn bị đè bẹp kháng chiến. Tình hình kháng chiến Nam Bộ gần như bị đè bẹp hoàn toàn. Ðầu Tháng Hai, năm 1946, Pháp kiểm soát hoàn toàn tất cả 21 tỉnh Nam Bộ và mấy tỉnh Nam Trung Bộ. Cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhà Nho nổi tiếng yêu nước, ngay thật, không biết thủ đoạn chính trị, được ông Hồ cử làm quyền chủ tịch nước, chỉ để tượng trưng. Mọi việc đều được trung ương đảng gồm Trường Chinh, Trần Ðăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Kháng… cùng với Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, cứ theo kế hoạch bí mật của ông Hồ mà thi hành. Chính Trung Ương Đảng thảo kế hoạch bí mật để khủng bố, tàn sát đẫm máu các đảng quốc gia, mới “liên hiệp” với Việt Minh.

Có người binh vực cho rằng khi ông Hồ sang Pháp, không chịu trách nhiệm về tình hình xảy ra tại quê nhà. Lý luận như thế là sai lầm. Ông Hồ ra chỉ thị mật, nhận báo cáo của Trung Ương Đảng hàng đêm. Ðây là bí mật lịch sử tới nay ít ai biết. Pierre Celérier viết trong “Menace sur le Vietnam” ( 1950 ): “Phái đoàn Việt Nam đi dự hội nghị Fontainebleau có đem theo chuyên viên vô tuyến điện, để đánh tin và bắt tin từ Việt Nam. Nhà chức trách tại Paris biết được bằng cớ về sự chuyển tin và báo tin, nhưng không thể phá vỡ được trên đất Pháp”. Hơn nữa, người Pháp biết ông Hồ chỉ khủng bố người quốc gia, chớ không tấn công quân Pháp, nên làm ngơ, vui mừng là khác. Ngày 01/06/1946 ông Hồ nhận tin Việt Minh tấn công quân Ðồng Minh Hội tại Phủ Lạng Thương, Ðồng Mỏ, Lạng Sơn.

Hạ tuần Tháng Sáu, năm 1946, các cơ sở Quốc Dân Ðảng tại Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phú Thọ, ( Xem thêm Hoàng Tường, Việt Nam Ðấu Tranh, từ trang 89-101 ), bị tập kích với lực lượng đông gấp 10 lần, bị Việt Minh bao vây, tuyệt lương, rồi tỉa dần từng toán nhỏ. Quá tuyệt vọng, các ông Nguyễn Tường Tam ( Bộ Trưởng Ngoại Giao ), Nguyễn Hải Thần ( Phó Chủ Tịch Chính Phủ ), Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ Tịch Quân Ủy Hội đều bôn đào sang Trung Hoa lần nữa. Các đơn vị do Vũ Hồng Khanh, bị tập kích từ Lào Cay, Phong Thổ, khiến cho khoảng 600 quân Việt Nam Quốc Dân Ðảng tan rã, cuối cùng, rút theo ngả Vân Nam. Ðó là “thế đoàn kết”, “liên hiệp” với Việt Minh, một kinh nghiệm máu xương trong lịch sử. Ngoài ra, hàng ngày, tại Hà Nội, Việt Minh khủng bố, bắt cóc, thủ tiêu đối lập như đảng mafia: Hoàng Ngọc Bách, Nguyễn Bạch Vân, Trần Quốc Lạc, Hoàng Tử Quy đều bị ám sát chết. Ðọc lịch sử giai đoạn nầy, nhiều người không hiểu tại sao Việt Minh lại tiêu diệt những người quốc gia trong chính phủ của họ. Lý do thứ nhứt, Việt Minh là cộng sản trá hình. Lý thuyết cách mạng của Mác Xít đã dạy: “Cuộc đấu tranh cho giai cấp vô sản, dù về mặt nội dung, không phải là cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu phải mang hình thức đấu tranh dân tộc… Ðương nhiên và trước hết, giai cấp vô sản phải thanh toán xong giai cấp tư sản nước mình trước đã” ( Mác Angen tuyển tập, NXB Sự Thật Mátcơva 1978, trang 555, tập 1. Dẫn lại của luật sư Nguyễn Văn Chức ). Thứ hai, để thực hiện con đường cách mạng vô sản, ông Hồ phải làm sao cho đảng cộng sản ( tức Việt Minh ) phải nắm được chính quyền hoàn toàn, để lần lượt đưa dân tộc và đất nước đi vào quỹ đạo cộng sản quốc tế. Ông Hồ đã nói với cán bộ: “Lúc nầy nước Pháp không phải là kẻ thù trước mắt. Bọn Quốc Dân Ðảng, Ðại Việt, Ðồng Minh Hội, Cao Ðài, Hòa Hảo trong Nam… mới là kẻ thù không đội trời chung”. Người quốc gia không hiểu sách lược của cộng sản nên trở thành nạn nhơn của cộng sản.

Việt Minh mở chiến dịch “tổng ruồng, vét sạch” từ Nam chí Bắc. Họ lùng sục bắt giam, tra tấn, thủ tiêu những người quốc gia, kể cả những đại biểu quốc hội mà họ chia ghế như Lê Khang ( Lê Nin ), nhà văn Khái Hưng, Nguyễn Mạnh Côn… ( bị bắt, sắp giết… ).

( Chú thích của hoangkyblog: văn hào Nguyễn Mạnh Côn, tác giả của “1945 Lạc Đường Vào Lịch Sử”. )

Lê Khang, Chủ Nhiệm Đệ Tam Khu Bộ Việt Nam Quốc Dân, nằm bệnh viện Ðặng Vũ Lạc trước ga Hàng Cỏ, bị Việt Minh đến bắt đem đi, rồi giết ở Vĩnh Yên. Còn các ông Phạm Tất Thắng, Nguyễn Tắc Chung, Nguyễn Quỳnh ( Dân Biểu Nam Ðịnh ), đảng trưởng Ðại Việt Trương Tử Anh… đều bị Việt Minh sát hại. Nhà văn Khái Hưng bị bắt ở Liên Khu 3, rồi bị trấn nước chết tại bến đò Cựa Gà, phủ Xuân Trường, vào năm 1947. Ðó là “đoàn kết trong mặt trận Việt Minh”. Tại miền Trung và Nam Bộ, đều thi hành một chính sách khủng bố man rợ như vậy. Những năm đó, Việt Minh tung công an chìm rình rập, bắt bớ những phần tử mà họ cho là nguy hiểm, đem giam “để điều tra”, hoặc thủ tiêu trong đêm bằng hình thức chặt đầu, mổ bụng, trói thúc ké thả trôi sông.

Về chính trị, Việt Minh nhân danh chính phủ liên hiệp, buộc các báo của các đảng quốc gia như “Việt Nam”, “Thiết Thực” phải nạp bản kiểm duyệt trước khi phát hành. Tóm lại, chủ trương của Việt Minh là tận diệt đối lập, là bịt miệng, trói tay, bí mật thanh toán, rồi ngụy tạo bản án “Việt gian”, “phản quốc”, “thổ phỉ” như vụ án Ôn Như Hầu, vụ án Cầu Chiêm Sơn ( xem thêm Hoàng Văn Ðạo, Việt Nam Quốc Dân Ðảng, trang 362-363 ). Ðó là chủ trương thầm kín để tiêu diệt các đảng phái quốc gia của ông Hồ khi kéo rốc qua Pháp để tránh tiếng.

Cũng xin nhắc thêm về hành động “hợp tác rồi khủng bố”, trở mặt như trở bàn tay của Việt Minh tại Hà Nội.

Ngày 18/06/1946, Việt Minh hợp tác với Việt Nam Quốc Dân Ðảng để tổ chức lễ kỷ niệm Phạm Hồng Thái ( ngày 19 Tháng Sáu ), và Nguyễn Thái Học ( ngày 17 Tháng Sáu ). Qua ngày 11/07/46, Việt Minh đem quân bao vây tiêu diệt các thành phần mới vừa hợp tác mấy hôm trước. Lúc 6 giờ chiều Việt Minh bố ráp trụ sở Việt Nam Quốc Dân tại trường Tiểu Học Ðỗ Hữu Vị, bắt hết đối lập, lục soát báo quán “Việt Nam” kế đó tới vụ dàn cảnh “vụ án Ôn Như Hầu”. Ông Hồ biết rõ Việt Minh đã để lộ chân tướng cộng sản, nên không được Anh, Mỹ cảm tình. Nếu tiếp tục giữ mặt trận Việt Minh, sẽ thất bại trong hội nghị sắp tới tại Fontainebleau, vì thế ông Hồ ra lịnh gấp rút tổ chức một mặt trận khác, để gom hết nhân dân vào một khối, do ông ta và đảng cộng sản nắm chặt, nhưng bên ngoài có tính “quốc gia” hơn. Trần Huy Liệu được căn dặn tổ chức “Hội Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam”, gọi tắt là “Liên Việt” nhằm mục đích trên. Còn Võ Nguyên Giáp được lịnh ở lại với nhiệm vụ bí mật là khủng bố tất cả người quốc gia. Ông còn ra lịnh cho Giáp “hãy hy sinh tất cả để mua thật nhiều súng của quân đội Trung Hoa sắp rút đi”. Thứ hai là vận dụng tất cả khả năng để tiêu diệt những người quốc gia.

Thời gian hơn 4 tháng, ông Hồ qua Pháp ( chưa có một chuyến công du, thăm viếng thiện chí của bất cứ nguyên thủ quốc gia nào quá lâu như vậy ), Trung Ương Đảng thi hành kế hoạch mật khủng bố, ám sát, thủ tiêu, hoặc bao vây tiêu diệt quân đội Quốc Dân, Ðồng Minh Hội. Các việc làm nầy phải báo cáo với ông Hồ tại Pháp hàng đêm. Còn “Hội Liên Việt” tức hội “Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam”, thì ông Hồ quỷ quyệt rút tên ra, chỉ làm chủ tịch danh dự. Ông lừa nhà Nho yêu nước Huỳnh Thúc Kháng làm chủ tịch, để lôi kéo những thành phần quốc gia vào mặt trận. Phó chủ tịch là Tôn Ðức Thắng ( cộng sản ). Tổng thơ ký là Cù Huy Cận ( cộng sản ). Các ủy viên là bác sỹ Phạm Ngọc Thạch, trước ở Sàigòn là quốc gia, sau ra Hà Nội bi nhuộm đỏ! ( Hồi Ký Nam Ðình, trang 341 ). Trần Huy Liệu, ủy viên tổ chức ( cộng sản ), chỉ một nhân vật không cộng sản, thuộc Công Giáo là Ngô Tử Hạ, bị đưa vào làm bình phong và tay sai.

Tại mỗi làng, mỗi tổng, mỗi tỉnh đều có một ủy ban lãnh đạo mặt trận “Liên Việt” do cộng sản nắm giữ. Ngày 12/06/1946, ông Hồ và phái đoàn tới Biarritz, phía Nam nước Pháp, chờ đợi Pháp thành lập chính phủ mới, vì chính phủ Gouin đã đổ. Tình hình nước Pháp đang rối ren mà ông Hồ nhứt định công du, điều đó chứng tỏ ý đồ thầm kín của ông là muốn lánh mặt khỏi Việt Nam, để bọn đàn em tiêu diệt Quốc Dân Ðảng và Ðồng Minh Hội. Gần hai tuần sau, tân chính phủ Bidault được tấn phong. Sainteny đưa ông Hồ lên Paris. Trong hồi ký “Histoire d’une paix manquée”, tác giả Sainteny kể lại: “Hồ Chí Minh hai tay run, nói bên tai tôi:

— Anh đừng rời tôi! Thiên hạ đông quá!

Sử gia Philippe Devillers phê bình: “23 năm trước, Hồ Chí Minh từ giả Paris như một người bị trục xuất, nay ông ta trở lại đây với tư cách chủ tịch một chính phủ ( do quốc hậu bầu cử gian lận tấn phong ), quả thật là một định mệnh”. Ðây cũng là lý do thầm kín để ông Hồ công du qua Pháp, như trả thù lúc ông ta làm bồi tàu, làm bếp khách sạn, bị bạc đãi. Rồi các cuộc đón tiếp diễn ra theo nghi thức quốc trưởng: ông đến thăm Khải Hoàn Môn, đền Versailles, Tòa Thị Chính, L’Opera, Đài Chiến Sĩ Trận Vong… đi tới đâu cũng có đoàn xe mô tô hộ tống và dẫn đường.

Bí mật thương thuyết thỏa hiệp án, Hội Nghị Fontainebleau thất bại

Trong khi chuẩn bị hội nghị Fontainebleau, và trong lúc tiếp diễn ( từ 06/07/1946 tới 10/09/1946 ), ông Hồ cử người đi đêm thương thuyết với Pháp, chấp thuận nhiều nhượng bộ về quyền lợi cho Pháp, nên tại hội nghị, Pháp giữ lập trường cứng rắn. Hai bên về mặt công khai, không thỏa thuận điều gì, nên thất bại. Lý do là tại ông Hồ muốn dựa vào Pháp, nhưng lại sợ dư luận công khai biết. Mãi đến khi hội nghị sắp kết thúc, đêm 10/09/1946, ông Hồ thương thuyết bí mật với các phái viên của văn phòng chính phủ Bidault. Hai bên đã thỏa thuận trên căn bản nhiều vấn đề, ngoại trừ vấn đề Nam Bộ. ( Chính Ðạo, Việt Nam Niên Biểu, Tập 1A, trang 347 ). Xin nhắc lại chương trình nghị sự của hội nghị Fontainebleau gồm 4 điểm:

  1. Thống nhứt Việt Nam ( Hội nghị đồng ý để có cuộc trưng cầu dân ý quyết định ).
  2. Vấn đề quan thuế.
  3. Ðại diện ngoại giao.
  4. Văn hóa.

Ba vấn đề sau, đã được ông Hồ chấp thuận hoàn toàn theo đề nghị của Pháp. Tài liệu lích sử của ông Nam Ðình Nguyễn Kỳ Nam, trang 350 ghi lại như sau: “Ngày 11/07/1946, phái đoàn Pháp đưa cho phái đoàn Việt Nam một văn kiện giải thích ‘Liên Hiệp Pháp’ là một tổ hợp có nhiều xứ liên quan với Pháp mà thôi. Còn Liên Bang Ðông Dương là một ‘Hiệp Chủng Quốc’ Phái đoàn Việt Nam phúc đáp ngày 12/07/1946: ‘Việt Nam nằm trong Liên Hiệp Pháp là một sự hợp tác tự do, bằng nhau về mọi phương diện và quyền lợi. Còn Việt Nam trong Liên Bang Ðông Dương tức là Việt Nam trong phạm vi kinh tế, tài chánh’. Như vậy, về công khai giữa hội nghị, hai phái đoàn khác nhau về lập trường đối với Liên Bang Ðông Dương và Liên Hiệp Pháp, nhưng trong bí mật, ông Hồ đã chấp thuận tất cả. Như vậy làm sao Pháp nhượng bộ điều gì? Cùng ngày 12/07/1946, để trấn an dư luận, Hồ Chí Minh họp báo, giải thích: ‘Giữa Pháp và Việt Nam sẽ có một hiệp ước riêng ( tức Thỏa Hiệp Án 14/09/1946 ) mà Pháp phải nhìn nhận nguyên tắc “Dân tộc tự quyết.

Còn vấn đề Liên Bang Ðông Dương, là vì Ðông Dương gồm có Miên và Lào, nên cơ quan nầy đang hợp tác nhau về mặt kinh tế thôi, chớ đừng lập lại chế độ Toàn Quyền trá hình ( sự thật là như vậy )… Về ngoại giao, Pháp muốn Việt Nam chỉ biết có Pháp mà thôi. Còn Việt Nam thì bảo rằng ‘đã là một nước độc lập, thì Việt Nam phải có bộ ngoại giao riêng, trực tiếp với các nước khác’. Về chính trị, phái đoàn Pháp bảo rằng ‘đó thuộc về thẩm quyền của chính phủ Pháp, phái đoàn Pháp chỉ biết chuyển nghị án của Việt Nam lên chính phủ Pháp mà thôi’. Trong lúc lập trường hai phái đoàn không đồng ý điểm nào, thì Cao Ủy d’Argenlieu phá hội nghị bằng cách mở hội nghị Liên Bang Ðông Dương tại Ðà Lạt, từ ngày 23/07/1946, nhưng mãi đến 01/08/1946 mới khai mạc. Phái đoàn Việt Nam gồm 3 phần: Nam Kỳ Quốc với Ðại Tá Nguyễn Văn Xuân làm trưởng đoàn. Ông Nguyễn Văn Xuân bị ông Hồ lấy tên để trong ‘chính phủ lâm thời tự phong’ từ rừng sâu, mà không hỏi ý kiến, cũng chưa từng gặp gỡ, quen biết ( Buổi họp kín của 8 đảng viên cộng sản, ngụy tạo là ‘Quốc Dân Đại Hội Tân Trào’ ). Thủ đoạn này cũng giống như trường hợp bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, ông Hồ chỉ nghe mang máng là thủ lãnh Thanh Niên Tiền Phong, liền ‘chộp’ đại tên ‘Phạm Văn Thạch’ lồng trong danh sách thành viên ‘chính phủ’. Thêm một nhân vật khác là Lê Văn Hiến, mặc dù là cộng sản, nhưng cũng không thuộc phe ông Hồ, đang ở miền Trung, được ông Hồ mượn tên, gọi ‘Lê Quốc Hiến’, để trong danh sách ‘chính phủ lâm thời’, để dư luận hiểu lầm rằng những vị này có vô rừng Tân Trào họp ‘quốc dân đại hội’. Ðó là những sự kiện dối trá, cho tới nay rất ít người biết. Phái đoàn Việt Nam thứ hai là của sắc tộc Chàm, do ông Lưu Ái cầm đầu. Phái đoàn thứ ba của đồng bào Thượng ở vùng Ban Mê Thuột, do Ma Krong ( tù trưởng Ê Ðê ) và y sĩ Djac Ayun”, ( Chính Ðạo, Việt Nam Niên Biểu, Tập 1A, trang 345 ).

Như vậy, vùng rừng núi Việt Nam, bị Pháp xẻ làm nhiều “nước tự trị”, không kể Miên, Lào. Mãi đến ngày 07/09/1946, theo hồi ký của Nam Ðình, phái đoàn Việt Nam yêu cầu phái đoàn Pháp tạm ngưng những điểm khác, để thảo luận lại các vấn đề “kinh tế tài chính, quan thuế, hai phái đoàn trao đổi văn kiện, cùng nhau thảo luận đêm 9 rạng 10/09/1946. Hai phái đoàn làm việc suốt đêm, chờ sáng ngày 10/9/1946 sẽ thảo ra tạm ước” ( tức Thỏa Hiệp Án 14/09/1946 ).

Ðến khi tái nhóm, phái đoàn Việt Nam yêu cầu giải quyết nhiều vấn đề khác, như yêu cầu Pháp hứa chắc chắn và rõ rệt về ngày giờ và cách thức trưng cầu dân ý ở Nam Bộ. Pháp không chịu cam kết, Việt Nam không chịu ký “tạm ước về tài chính, quan thuế”. Thế là hội nghị tan vỡ. Phái đoàn xuống tàu Pasteur về nước ngày 16/09/1946… Còn Hồ Chí Minh… Sainteny kể lại rằng: “Hồ Chí Minh rời khách sạn Royal Monceau, xuống Soisy Sous Montmorency, tạm trú tại biệt thự của Aubrac, viện lẽ nên xa Paris vài ngày cho không khí bớt căng thẳng… Nhưng trước khi rời Paris, ngày 14/09/1946, Hồ đến viếng Marius Moutet, Bộ Trưởng Pháp Quốc Hải Ngoại, trao đổi thêm về bản Tạm Ước. Hồ Chí Minh cũng có đến thủ tướng Bidault tâm tình rằng: ‘Tôi làm sao ăn nói với các đảng đối lập với tôi, khi tôi về tay không?”.

Hồ C Minh và Marius Moutet đêm 14/9/1946 tại nhà riêng của Moutet, ký Thỏa Hiệp Án Fontainebleau.
Hồ C Minh và Marius Moutet đêm 14/9/1946 tại nhà riêng của Moutet, ký Thỏa Hiệp Án Fontainebleau.

Mãi đến nửa đêm ngày 14 rạng 15/09/1946, Hồ Chí Minh gõ cửa Moutet ở số 19 đường Courcelles, nhằm lúc Moutet còn thức.

— Tôi đến đây bằng lòng ký Tạm Ước ( Thỏa Hiệp Án ).

Thế là Tạm Ước được ký kết giữa Moutet và Hồ Chí Minh trong phòng ngủ của Moutet. “Hồ Chí Minh ra về, cùng đi với một thanh tra Pháp, đã đi theo hộ tống từ trước đến nay. Trong lúc đêm khuya lạnh lẽo, ông Hồ than với viên thanh tra mật thám Pháp:

— Tôi vừa mới ký một bản án tử hình của tôi!

Dưới đây là nguyên văn “Thỏa Hiệp Án” hay Tạm Ước 14/09/1946, được tờ báo Nam Kỳ số ra ngày 23/09/1946, đăng lại như sau:

═══════════════════════════════════════════════════

Nguyên văn bản Thỏa Hiệp Án:

Làm tại Paris ngày 14 Septembre 1946:

Thay mặt Chính Phủ Lâm Thời Pháp:

Tổng Trưởng Pháp Quốc Hải Ngoại.

Ký tên:

Marius Moutet.

Thay mặt chính phủ Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam:

Chủ tịch chính phủ.

Ký tên:

Hồ Chí Minh.

Công nhận đúng theo bổn thảo

Tổng Thơ Ký Ủy Ban Ðông Dương

Ký tên:

Messmer.

“Toàn thể các điều dự định trong bản thỏa hiệp án nầy, làm thành hai bản, sẽ được đem ra thi hành vào ngày 30 Tháng Mười 1946.

Ðiều thứ I:

Kiều dân Việt Nam ở Pháp và kiều dân Pháp ở Việt Nam, sẽ được tự do sanh cư y như người bổn quốc, cùng những quyền tự do phát biểu, giáo dục, thương mại, thông hành. Tóm lại là tất cả tự do dân chủ.

Ðiều thứ II:

Sản nghiệp và xí nghiệp Pháp ở Việt Nam, sẽ không đặt dưới một chế độ gắt gao hơn chế độ dành cho sản nghiệp và xí nghiệp của người Việt Nam, nhứt là về thuế vụ và lao động pháp chế. Sự bình đẳng về quy điều này, sẽ được nhìn nhận bằng danh nghĩa đãi ngộ lẫn nhau, cho sản nghiệp và xí nghiệp của kiều dân Việt Nam, trong các lãnh thổ Pháp Quốc hải ngoại. Quy điều sản nghiệp và xí nghiệp Pháp ở Việt Nam, chỉ được sửa đổi bằng sự thỏa hiệp chung giữa Cộng Hòa Pháp và Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam.

Tất cả sản nghiệp Pháp bị chính phủ Việt Nam trưng thâu mà những tài chủ, hoặc những xí nghiệp bị nhà cầm quyền Việt Nam làm cho họ trở nên trắng tay, sẽ được quy hoàn cho những chủ nhơn và những người có quyền nhận lãnh.

Một ủy ban Pháp Việt sẽ được đề cử để quy định các thể thức quy hoàn nầy.

Ðiều thứ III:

Cho được phục hồi ngay bây giờ cuộc văn hóa giao tế mà Pháp Việt đồng muốn khuếch trương, các học đường Pháp, một vài đẳng cấp sẽ được tự do dạy ở Việt Nam.

Những học đường ấy sẽ áp dụng các chương trình chính thức Pháp. Về sau sẽ do hiệp định riêng mà chọn lựa những tòa nhà thích ứng cho sự dạy học của các học đường, những trường, những khoa học viện ở toàn cõi Việt Nam. Kiều dân Việt Nam ở Pháp cũng được hưởng y đặc quyền này. Y Viện Pasteur sẽ được phục hồi quyền lực và sản nghiệp của mình. Một ủy ban Pháp Việt sẽ quy định những điều kiện cho trường Viễn Ðông Bác Cổ hoạt động lại.

Ðiều thứ IV:

Mỗi khi có cần dùng những nhà cố vấn kỹ thuật và chuyên môn, thì chính phủ Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam, phải gọi đến Pháp kiều trước nhứt. Ðặc quyền ban cho Pháp kiều chỉ không có hiệu lực là khi nào nước Pháp không thể cung ứng nhân viên mà Việt Nam yêu cầu.

Ðiều thứ V:

Liền sau khi giải quyết vấn đề điều chỉnh tiền tệ, hiện thời chỉ có một thứ bạc chung đem ra xài trong các lãnh thổ thuộc quyền chính phủ Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam, và các lãnh thổ khác ở Ðông Dương. Thứ bạc ấy, chính là đồng bạc Ðông Dương, do nhà băng Ðông Dương phát hành hiện thời, để chờ lập ra một phát ngân viện. Ðiều lệ của cơ quan phát hành viện, sẽ do một Ủy Ban Pháp Việt nghiên cứu. Các nước có chơn trong liên bang, sẽ có đại biểu trong đó. Ủy Ban nầy còn có phận sự liên lạc tiền tệ và các sự mậu dịch. Ðồng bạc Ðông Dương được xài trong khu vực đồng phật lăng ( francs ).

Ðiều thứ VI:

Việt Nam sẽ cùng các xứ khác trong Liên Bang Ðông Dương, tạo thành một liên hiệp quan thuế. Tuy vậy, trong xứ sẽ không có một bức tường quan thuế nào cả. Việc xuất nhập lãnh thổ Ðông Dương đều dùng chung định giá. Một ủy ban liên lạc thương chánh và ngoại thương, cũng giống như ủy ban liên lạc tiền tệ và mậu dịch, sẽ nghiên cứu các biện pháp thi hành cần thiết và chuẩn bị tổ chức thương chánh ở Ðông Dương.

Ðiều thứ VII:

Một ủy ban Pháp Việt liên lạc về giao thông, sẽ nghiên cứu các biện pháp chánh để khôi phục và cải thiện cuộc thông thương giữa Việt Nam và các xứ khác trong Liên Bang Ðông Dương và Liên hiệp Pháp: vận tải đường bộ, đường biển, đường hàng không, sự thông gởi bằng bưu chánh, dây nói, điện tuyến và vô tuyến điện.

Ðiều thứ VIII:

Trong khi chờ đợi sự thành lập của bản hiệp ước hoàn toàn giải quyết xong vấn đề ngoại giao của nước Việt Nam với những nước khác, một ủy ban Pháp Việt sẽ định đoạt những điều giải hầu bảo đảm việc Việt Nam đặt lãnh sự ở các lân bang, và cuộc giao thiệp giữa lãnh sự ấy với các lãnh sự ngoại quốc.

Ðiều thứ IX:

Tha thiết bảo đảm càng sớm chừng nào càng hay chừng ấy, ở Nam Bộ và miền Nam Trung Kỳ, sự khôi phục một trật tự công cộng vừa cần thiết cho nguyện vọng tự do về các quyền tự do dân chủ vừa vãn hồi, và nhận định những phản động lực may mắn phát do sự ngưng những hành động xung đột và bạo động của đôi bên.

Chính phủ Pháp và chính phủ Cộng Hòa Việt Nam, đồng thảo các biện pháp sau đây:

  1. Ðôi bên chấm dứt tất cả những hành động xung đột và bạo động.
  2. Những hiệp định của các bộ tham mưu Pháp Việt, sẽ quy định các điều kiện thi hành và kiểm soát những biện pháp quyết định chung.
  3. Những tội phạm hiện còn bị giam cầm về nguyên do chính trị, sẽ được thả ra, chỉ trừ những kẻ bị truy tố về hình sự và thường phạm ( droit commun ). Với những tù binh bắt được trong các cuộc hành quân, cũng sẽ quy định y như thế. Việt Nam đảm bảo không truy tố bất cứ người nào đã cộng tác hoặc trung thành với Pháp Quốc, và chẳng dung tha bất cứ bạo hành nào chống những kẻ ấy. Bù lại, chính phủ Pháp cũng đảm bảo không truy tố bất cứ người nào cộng tác với Việt Nam, và không dung tha bất cứ bạo hành nào chống lại kẻ ấy.
  4. Việc hưởng các quyền tự do dân chủ giải thích ở điều khoản thứ I, sẽ được đôi bên đảm bảo lẫn nhau. Sẽ chấm dứt những sự tuyên truyền bất hữu ái của đôi bên.
  5. Chính phủ Pháp và chính phủ Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam, sẽ cộng tác với nhau, để làm cho kiều dân các nước nghịch cũ, không làm hại gì được nữa.
  6. Một nhân vật do chính phủ Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam đề cử, và được chính phủ Pháp công nhận, sẽ được gởi tới bên Thượng Sứ Pháp, để cộng tác và thi hành những điều thỏa thuận nầy.

Ðiều thứ X:

Chính phủ Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam, đồng ý chung tìm cách ký kết những hiệp định riêng về tất cả vấn đề có thể đưa ra hầu thắt chặt tình hữu nghị, và dọn đường để ký kết một hiệp ước chung vĩnh viễn.

Cuộc thương thuyết sẽ tiếp tục về mục đích nầy sớm chừng nào càng hay, và trễ lắm là vào Tháng Giêng 1947.

Ðiều thứ XI:

Toàn thể những điều khoản trong “Thỏa Hiệp Án” nầy chia làm hai bản, sẽ được thi hành vào ngày 30 Tháng Mười 1946.”

═══════════════════════════════════════════════════

Ðọc qua nội dung, chúng ta thấy rõ Hồ Chí Minh nhượng bộ Pháp gần như đầy đủ các quyền lợi như hồi Việt Nam còn là thuộc địa của nước Pháp. Ở vào hoàn cảnh lúc đó, người ta mới thấy sự thiệt thòi của Việt Nam. Với hiệp ước tạm 14/09/1946 hay “Tạm Ước” nầy, nước ta chỉ hưởng được những từ ngữ mới “Nước Việt Nam Cộng Hòa Dân Chủ”, được tự do, còn sự thật, người Pháp nắm tất cả mọi ngành, từ chính trị, quân sự, ngoại giao, quan thuế, tiền tệ. Lý do thầm kín là ông Hồ cần dựa vào Pháp, cần cộng tác với Pháp, để có thì giờ tận diệt người quốc gia. Với đảng cộng sản lúc đó ( dù trên danh nghĩa giả bộ giải tán từ Tháng Mười Một, năm 1945 ), nước Pháp không phải là kẻ thù trước mắt. Các đảng Ðại Việt, Quốc Dân Ðảng, Ðồng Minh Hội, Cao Ðài, Hòa Hảo, Trotkyst… tuy là đồng bào ruột thịt, cùng một mục đích tranh đấu giành độc lập, nhưng bị ông Hồ và Việt Minh coi như thù địch không đội trời chung. Ðó là chính sách, đường lối của ông Hồ và mặt trận Việt Minh, rồi Liên Việt. Vì cần bảo vệ sự độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng Sản, ông Hồ phải bí mật tiêu diệt tả hữu, từ Trotkyst đến người quốc gia, không cho một mầm mống nào tồn tại.

Trong con mắt của ông Hồ thời đó, nước Pháp bấy giờ là “nước Pháp mới”, vì có tổng bí thư đảng cộng sản Pháp Maurice Thorez làm phó thủ tướng chính phủ. Trong chuyến đi Pháp lần này, ông Hồ còn đem theo 20kg vàng, tặng cho báo l’Humanité, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Pháp, để họ làm cái loa ủng hộ ông ta và đảng CSVN. Vì thế khi vừa đặt chân lên Paris, ký giả Simonne Terry của l’Humanité liền viết một bài “l’Oncle Hồ” ( Bác Hồ ), để ca ngợi ông ta. Sự thật chính cái “nước Pháp mới” đã đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam, đưa quân chiếm các vị trí hiểm yếu, đang sẵn sàng đè bẹp các cuộc chống đối của kháng chiến Việt Minh. Ðiều này có hại cho dân tộc Việt Nam, nhưng có lợi cho riêng ông Hồ và đảng cộng sản của ông ta.

Hồi các năm 1945-1946, Việt kiều tại Pháp có đoàn kết, nhưng không suy tôn, thờ phụng Hồ Chí Minh như thần thánh, không làm lễ sinh nhựt của ông ta như đảng CSVN mong muốn. Họ ủng hộ Việt Minh trong chừng mực nào đó, và phản đối ông Hồ trong “Thỏa Hiệp Án 14/09/1946”, cũng như Hiệp Ước Sơ Bộ ngày 06/03/1946.

Xin nhắc lại tình hình của người Việt tại Pháp hồi năm 1946. Khi ông Hồ sang Pháp, thì cộng đồng Việt kiều ở đây khoảng 14.000 ( mười bốn ngàn ) người, gồm lính thợ, công binh, một số ít gia đình, du học sinh có mặt ở Pháp. Cộng đồng Việt kiều có đoàn kết, nhưng không “đoàn kết trong mặt trận Việt Minh, không chịu nhận sự lãnh đạo của Việt Minh”. ( Xem thêm Ðặng Văn Long, Người Việt ở Pháp, trang VIII đến IX ). Cần phân biệt có hai thứ đoàn kết: Một là “đoàn kết trong mặt trận Việt Minh”, “đoàn kết chung quanh bác Hồ”. Còn đoàn kết theo nghĩa thông thường, để gây sức mạnh, thì lúc đó không còn nữa. Một người có nhiều kinh nghiệm về “đoàn kết” là ông Bùi Tín, viết: “Ðoàn kết trong mặt trận Việt Minh, trong mặt trận Liên Việt, hay trong mặt trận Tổ Quốc… có nghĩa là theo sự lãnh đạo của đảng cộng sản, vâng lời đảng cộng sản, chịu mọi sự áp đặt của đảng cộng sản. Nói khác với đảng, cãi lại đảng là ‘vi phạm tinh thần đoàn kết’, là nhằm cách phá vỡ khối đoàn kết, là có tội, có khi tội rất nặng” ( Mặt Thật, trang 120 ). Dù chưa có kinh nghiệm với Việt Minh, Việt kiều có lẽ cũng thấy rõ những âm mưu thầm kín của họ. Việt kiều chỉ đoàn kết để tranh giành độc lập cho nước Việt Nam, nhưng không tranh đấu dưới ngọn cờ của Việt Minh, của cộng sản.

Vì lẽ đó, khi vừa tới Pháp, ông Hồ tìm cách phá vỡ khối đoàn kết ( không chịu theo Việt Minh ). Ông tìm cách phá hoại sự đoàn kết của người theo chủ nghĩa quốc gia với những người Trotkyst, tức Cộng Sản Đệ Tứ, kẻ thù không đội trời chung của ông Hồ, tức Cộng Sản Đệ Tam. Tại Pháp, ông Hồ không thể dùng chính sách khủng bố để tiêu diệt những kẻ “không chịu đoàn kết trong mặt trận Việt Minh”. Ông Hồ sử dụng âm mưu về chính trị “kêu gọi công binh, Việt kiều hãy đoàn kết chung quanh bác Hồ”.

Sống lâu trên đất Pháp, người Việt nhiễm tư tưởng tự do, không bị gò bó như dưới chế độ thuộc địa. Họ tố cáo ông Hồ khi thấy ông để lộ gian ý “ủng hộ nước Pháp mới”, tức nước Pháp thực dân, chỉ vì có lãnh tụ cộng sản Pháp làm Phó Thủ Tướng chính phủ. Việt kiều cũng tố cáo “Liên Hiệp Pháp” chính là đế quốc trá hình mà ông Hồ không ngớt ca tụng…. Bây giờ, ông Hồ đường đường chính chính là chủ tịch nước, do quốc hội bầu cử gian lận ( xem Trần Trọng Kim, Một Cơn Gió Bụi, trang 104 ) tấn phong. Ông Hồ tìm mọi cách dựa vào đảng cộng sản Pháp để nhờ họ giúp đỡ. Khốn nỗi, khi chưa chiếm được chính quyền, đảng cộng sản kêu gọi “hãy giải phóng các dân tộc thuộc địa”, giải phóng giai cấp bị bốc lột. Ðến khi Maurice Thorez trở thành Phó Thủ Tướng chính phủ, còn nhiều đảng viên trở thành Bộ Trưởng, thì cộng sản Pháp liền trở mặt: “Cờ đại Pháp phải được cắm lại trên các thuộc địa” ( Thorez ). Báo l’Humanité, cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Pháp, số ra ngày 03/08/1944, ủy viên trung ương đảng cộng sản Pháp tuyên bố: “Nhân dân Pháp muốn rằng xứ Ðông Dương, cũng như các đại thuộc địa khác, sẽ trở về nước Pháp đầy đủ, không mất một tấc đất nào, để xây dựng một cộng đồng Liên Bang Ðại Pháp”. Tháng Giêng, năm 1945, tờ nhựt báo “Ce Soir”, cơ quan của đảng cộng sản nhấn mạnh: “Là một đại cường quốc, nước Pháp phải được tham gia vào cuộc chiến ở Thái Bình Dương. Là một đại cường quốc có thuộc địa, nó ( Pháp ) phải giữ lấy thuộc địa ở khắp nơi và tái chiếm Ðông Dương”. ( Ðặng Văn Long, Người Việt ở Pháp 1940-1954, trang XII ).

[
Lệ Thần Trần Trọng Kim, Một Cơn Gió Bụi, viết xong tại Nam Vang, Cambodia 01/05/1949. Không rõ nhà xuất bản. Bản PDF của sách được xuất bản:

http://www.tusachtiengviet.com/images/file/JIqCLGit1AgQACxO/mot-con-gio-bui.pdf
]

Hồ Chí Minh cử ông Trần Ngọc Danh ( em ruột Trần Phú ) làm đại diện chính thức cho chính phủ tại Pháp từ năm 1946. Ðể lôi kéo những người không thích cộng sản, Danh tuyên bố “Hồ Chí Minh không phải là người cộng sản”. Chưa hết, Danh còn cho in lại bài phỏng vấn của nhà báo Thụy Sĩ, trong đó Hồ Chí Minh nói: “Các bạn của Việt Nam đừng quá lo ngại, chủ nghĩa cộng sản không thể nào du nhập được ở xứ tôi”. Rõ ràng chính ông là cán bộ quốc tế cộng sản, đã đem chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam từ thập niên 1920, mà bây giờ ông lại phủ nhận điều đó. Quả thật, đây là thủ đoạn của ông Hồ. Ông nói láo không ngượng miệng. Nên nhớ khi, còn ở Tân Trào, ông tâm sự với mấy người Mỹ trong toán OSS, đang huấn luyện cho du kích của ông: “những cán bộ lãnh đạo Việt Minh, đã bị mật thám Pháp vu cáo là cộng sản”. ( Chính Ðạo, Hồ Chí Minh: Con Người. Huyền Thoại, trang 357 ). Còn trong báo “Ðộc Lập” ( tức cộng sản trá hình ) xuất bản ngày Thứ Ba 04/09/1945, trong danh sách chính phủ “quốc gia” liên hiệp, ông Hồ: chủ tịch kiêm ngoại giao “đảng quốc gia” ( Xin xem tờ báo đính kèm với bài nầy ).

( Chú thích của hoangkyblog: trang web mà chúng tôi tìm thấy bài viết này không có đính kèm bài báo vừa nêu. )

Qua Thỏa Hiệp Án nầy, cũng như trong Hiệp Ước Sơ Bộ ngày 06/03/1946, Hồ Chí Minh đã bán rẽ quyền lợi quốc gia dân tộc, kéo dài thêm cuộc kháng chiến, để củng cố quyền lãnh đạo của cộng sản. Chiêu bài “độc lập”, “tự do” cũng chỉ là những công cụ tuyên truyền lừa dối. Mặt trận Việt Minh, cũng như người sáng lập ra nó ( ông Hồ ), chỉ là một cái công ty chuyên môn lừa bịp, khủng bố, đàn áp, nhưng lại ngụy trang trong bộ mặt đấu tranh “giải phóng dân tộc”. Ngoài một số trí thức có nghiên cứu về chính trị, biết rõ thủ đoạn của cộng sản, còn đại đa số người dân, hay quần chúng Việt Nam, vì chưa có kinh nghiệm, lại nóng lòng vì độc lập, tự do, nên trở thành viên gạch lót đường cho Việt Minh cộng sản tiến tới mục đích cuối cùng của họ.

Nhận xét về “Thỏa Hiệp Án 14/09/1946”

Khoản thứ 1: Việt Nam lúc đó tự nhận là một quốc gia độc lập, có chủ quyền ( dù không một nước nào trên thế giới nhìn nhận ), mà lại nhường cho Pháp các quyền tự do như chính trong nước của họ là tại sao? Tạm ước cho phép người Pháp được tự do cư trú, đi lại sinh sống, ngôn luận, văn hóa, có khác nào như Pháp sống trên lãnh thổ của họ? Ðiều đó có nghĩa là hiện ta đang chiến đấu chống ngoại xâm, tự mình buông khí giới, dùng lời nói, giấy mực… tiến hành đánh Pháp. Lại còn cho Pháp tự do buôn bán, kinh doanh không giới hạn ở nước ta, thì như vậy có khác chi tình trạng một thuộc địa như trước đây? Trong lịch sử, chưa có một quốc gia nào chống ngoại xâm theo kiểu ấy.

Khoản thứ 2: Việt Nam đồng ý trao trả lại cho người Pháp tất cả xí nghiệp, tài sản… tất cả những thứ mà ta đã tịch thu của Pháp, như vậy là trái với cương lĩnh Mặt Trận Việt Minh từ năm 1941. Nói một đàng, làm một nẻo.

Hồi chưa chiếm được chính quyền, ông kết án chế độ Pháp tại Ðông Dương: “Tại các thuộc địa Pháp, cảnh khốn cùng và đói khát ngày càng gia tăng, nổi uất hận càng dâng cao, tinh thần phấn đấu của nông dân…”, vậy mà khi đã chiếm chính quyền, ông lại dễ dàng thỏa hiệp với Pháp, nhường cho Pháp đầy đủ các đặc quyền như thời thuộc địa, tại sao? Ðể Pháp tiếp tục đàn áp, bốc lột để thống trị Việt Nam thêm một thời gian nữa, đặng ông ta rảnh tay tiêu diệt đối lập trong Chính Phủ Liên Hiệp?

Khoản thứ 3: Cho Pháp tự do đặt chương trình giáo dục, mở trường học các cấp, dạy văn hóa Pháp không hạn chế, như vậy chủ quyền độc lập của Việt Nam ở đâu? Tại sao ông Hồ phải nhượng bộ các quyền lợi cho Pháp như vậy?

Khoản thứ 4: Khi cần, Việt Nam phải ưu tiên mướn chuyên viên của Pháp. Ðiều nầy giống như Việt cộng bây giờ buộc các công ty nước ngoài ở Việt Nam, phải thuê mướn người do đảng cộng sản giới thiệu là ưu tiên, là một điều kiện không bình đẳng.

Khoản thứ 5: Là nước tự do, nhưng Việt Nam chấp nhận không có tiền tệ riêng, phải xài chung đồng bạc của các xứ Liên Bang Ðông Dương. Tiền tệ do chính ngân hàng Ðông Dương của Pháp phát hành, chớ không phải của Việt Nam. Hơn nữa đồng bạc Ðông Dương phải phụ thuộc vào đồng franc ( phật lăng ) của Pháp. Như vậy đâu còn là một quốc gia tự do như đã khẳng định ở trên.

Khoản thứ 6: Việt Nam nằm trong Liên Hiệp Pháp về giao thông, vận tải, có nghĩa là Pháp tự do định đoạt, vì Việt Nam đâu có phương tiện, máy móc tàu bè gì? Về ngoại giao, Việt Nam muốn giao thiệp với ai, phải do Pháp quyết định, như vậy có khác gì thời thuộc địa? Tại sao ông Hồ lại chấp nhận cho chính phủ Pháp quyết định vấn đề ngoại giao của ta, trong khi ta không có quyền dòm ngó, can thiệp vào việc ngoại giao của Pháp?

Khoảng thứ 9: Việt Nam phải nhìn nhận cuộc kháng chiến ở Nam Bộ từ ngày 23/09/1945 đến 14/09/1946 là bất hợp pháp, là “phá rối an ninh trật tự”. Là người dân Việt Nam, quý độc giả nghĩ sao? Việt Nam tuyên bố chống Pháp giành độc lập, nhưng bây giờ ông Hồ hợp tác với Pháp toàn diện, thỏa mãn tất cả yêu sách của Pháp, như vậy ông Hồ phản bội quyền lợi dân tộc hay yêu nước như tuyên truyền? Ðình chiến mà không đặt điều kiện có nghĩa là quân Pháp đi tới đâu ta cũng không được đánh. Việc thả tù binh, theo định nghĩa “tù chính trị” cũng rất mơ hồ. Người Pháp đưa quân đến đây để dàn áp, chém giết nhưng người Việt Nam chống lại, bây giờ lại “ân xá” trong khi cuộc chiến còn tiếp diễn. Ngoài ra Việt Nam cũng như Pháp, phải chấm dứt tuyên truyền ác cảm chính là một sự lừa phỉnh. Ðiều nầy Pháp biết, ông Hồ biết, nhưng cứ giả bộ thành thật để dối gạt lẫn nhau, để ông Hồ có thì giờ khủng bố, sát hại đồng bào, vì yêu nước, tranh dấu giành độc lập như ông, nhưng không chịu “đoàn kết trong Mặt Trận Việt Minh” với ông mà thôi. Chiến tranh kiểu gì kỳ cục vậy? Các quyền tự do mà Pháp hứa cho Việt Nam chẳng qua là một sự rao hàng, phỉnh phờ, nhưng ông Hồ dùng nó làm vốn liếng để tuyên truyền đặng câu giờ để tàn sát những phần tử yêu nước, muốn tranh giành với Việt Minh.

Trên các sách báo từ năm 1945, Việt Minh luôn tự hào là một quốc gia độc lập “nhà nước công nông đầu tiên ở Ðông Nam Á”, nhưng lại chấp nhận tất cả mọi yêu sách của thực dân như hồi còn là thuộc địa. Dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ông Hồ được mối lợi gì, chẳng qua chỉ là cái bánh vẽ. Ðối với ông Hồ, tất cả chỉ là phương tiện, nhưng có điều tất cả những phương tiện của ông Hồ sử dụng đều có hại cho quyền lợi quốc gia dân tộc quá nhiều. Chiến thuật có hại cho dân tộc chính là sự phản quốc. Mà ông Hồ dùng các chiến thuật phá nát đất nước, tàn bạo, giết hết người yêu nước, như vậy ông Hồ chính là kẻ phản quốc, chứ không có công trạng gì với đất nước như cộng sản thêu dệt, bịa đặt để khoa trương.

Là cán bộ cộng sản quốc tế thuần thành, ông Hồ thuộc nằm lòng các thủ đoạn của đàn anh. Ông mô phỏng các mánh mung ấy nhưng không nêu xuất xứ. Bọn đàn em cứ bịa đặt thành tích rồi râm ran ca tụng như thần thánh. Nào “Bác vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác Lê vào hoàn cảnh Việt Nam”, nào “tư tưởng Hồ Chí Minh”, sự thật tất cả chỉ là sự bịa đặt. Thủ đoạn ông Hồ bắt tay với Pháp để ký liên tiếp hai hiệp ước sơ bộ 06/03/1946 và thỏa hiệp án 14/09/1946, chỉ là sao y mánh khóe của Lenin sau cách mạng 1917 tại Nga. Mánh khóe ấy là “nhịn giặc ngoài để diệt thù trong”. Ðó là lý do Lenin ký hiệp ước Brest-Litovsk vào ngày 03/03/1918. Hiệp ước nầy cũng gần như đầu hàng Ðức Áo, để rảnh tay tiêu diệt kẻ nội thù của đảng cộng sản. Ông Hồ còn bắt chước chiến thuật “tiêu thổ kháng chiến” của Nga hồi Thế Chiến Thứ Hai. Tuy nhiên, vì quá nô lệ, ông không phân biệt được chỗ đúng và sai, Nga là quốc gia hàn đới, mùa đông cần chỗ trú ẩn, điện nước. Phá hủy nhà cửa, cắt điện nước, tức là làm cho quân địch phải tuyệt vọng vì không thể “sống ngoài trời, thiếu điện sưởi ấm và nước để uống. Còn áp dụng tiêu thổ kháng chiến ở Việt Nam, phá dinh thự, nhà cửa, không làm cho Pháp thiệt hại gì cả, vì họ đóng quân ngoài đường, trong rừng, có nước uống. Đó là sai lầm lớn và tội trạng của ông Hồ và Mặt Trận Việt Minh, vì tới nay, trên nửa thế kỷ qua, khắp nơi trên đất nước, còn nhiều cây cầu bị Việt Minh phá hủy, chưa khôi phục lại được. Còn các tổ chức Mặt Trận Việt Minh, nêu khẩu hiệu lừa bịp ‘Kháng Nhật cứu quốc’, cũng như các tổ chức ‘chiến khu’, ‘quân giải phóng’, ‘cứu quốc’, ‘Việt gian’ tất cả đều là sự rập khuôn, mô phỏng theo tổ chức của Mao Trạch Ðông. Ông Hồ không có bất cứ một sáng kiến gì cả. Lợi dụng thời cơ kẻ địch xâm lăng Việt Nam, Pháp, Nhật, ông Hồ và Mặt Trận Việt Minh đeo mặt nạ, lớn tiếng rêu rao ‘giải phóng dân tộc, chiến đấu giành độc lập, tự do’ tất cả đều là sự giả dối, có mục đích chiếm chính quyền, rồi tiến hành đưa đất nước vào quỹ đạo quốc tế cộng sản. Chớp được cơ hội Nhật đầu hàng, Pháp chưa trở lại, Việt Minh từ rừng sâu treo bảng cách mạng, nhảy lên địa vị chính phủ một cách bất hợp pháp, mưu đồ giành lấy chủ quyền độc tôn, để bành trướng chủ nghĩa cộng sản ra các lân quốc, theo sách lược của Cộng Sản Đệ Tam. Mọi sự nhân nhượng, cấu kết với Pháp qua hai hiệp ước kể trên, không phải do tình thế bắt buộc: đó là sự dự mưu đã được ông Hồ phác thảo từ lúc mới chuẩn bị cướp chính quyền”. ( Tưởng Vĩnh Kính, Hồ Chí Minh Tại Trung Quốc, Thượng Huyền dịch, trang 371- ).

Ông Hồ thà nhường cho Pháp tiếp tục thống trị Việt Nam thêm một thời gian, chứ không muốn cho các đảng phái Việt Nam khác, đứng ra lãnh đạo một nước Việt Nam độc lập”. Ðó chính là ý đồ thầm kín của ông Hồ. Các hành động của ông lúc nầy ( 1946 ), chỉ xoay quanh ý đồ cộng sản độc chiếm chính quyền mà thôi.

Ông Hồ gặp gỡ kiều bào trên đường về

Khi hay tin Hồ Chí Minh sẽ ghé thăm và nói chuyện về hiệp ước 14/09/1946, kiều bào Việt Nam tổ chức cuộc đón tiếp ngày 17/09/1946. Lúc đó ở Pháp, có tin đồn chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sẽ bị ám sát trên đường về nước ( Ðặng Văn Long, Người Việt Ở Pháp, trang 117 ). Ðiều nầy đã chứng tỏ thái độ bất mãn của Việt kiều với ông Hồ. Trên đường xuống Toulon về nước, ông Hồ qua sân vận động, là chỗ 3000 Việt kiều tập họp để chào đoán phái đoàn. Ông Hứa Văn Nên đọc diễn văn, bày tỏ sự băn khoăn thắc mắc của kiều bào đối với Hiệp Ước Sơ Bộ 06/03/1946 và Thỏa Hiệp Án 14/09/1946. Lý do chính phủ nhượng bộ cho Pháp quá nhiều, gần như đầu hàng. Ông Nên nói:

Chúng tôi không chống đối việc thương thuyết, nhưng thấy chủ tịch nhường cho Pháp quá nhiều quyền lợi về kinh tế, chánh trị, hơn cả Hiệp Ước Sơ Bộ 06/03/1946.

Ðáp lại thái độ của công binh và của Việt kiều hồi ấy, Hồ Chí Minh không một lời nói đến sự lo ngại của công binh, mà bắt đầu bằng một sự kiện khác:

Hội nghị Fontainebleau tuy không thành công, nhưng là một thắng lợi của phái đoàn quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Không thành, nhưng hội nghị Fontainebleau là một thắng lợi của nhân dân ta, thắng lợi của toàn thể nhân dân yêu chuộng hòa bình ở khắp thế giới.

Thay mặt chánh phủ và quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do toàn dân bầu cử ( chỗ nầy sai, chỉ có miền Bắc và vài tỉnh Trung Kỳ, mà bầu cử gian lận ), tôi khuyên kiều bào là công việc chánh trị để cho những người chuyên môn giải quyết, kiều bào hãy cố gắng chăm lo học lấy một cái nghề tinh xảo, để góp vào việc kiến thiết quốc gia. Ðất nước chúng ta cần đến những người con có nghề nghiệp tinh xảo.

Tôi nhắc lại một ý kiến mà kiều bào đã biết là nước ta như người có ruộng mà không có thóc, nước Pháp là người có thóc mang sang trồng ở ruộng ta, đến vụ gắt hái đem chia đôi, hai bên cùng có lợi, có phải như thế không? Kiều bào hiểu chưa?” Không một tiếng trả lời. Hồ Chí Minh nhắc lại “Kiều bào hiểu chưa?”. Hơn 3.000 ( ba ngàn ) người im phăng phắc, ngoài một tiếng phía gần cuối hàng vụt lên “hiểu rồi”. Ðó là tiếng nói của một công binh Cơ ngoại hạng tên Nguyễn Văn Trọ” ( Ðặng Văn Long, sđd. trang 117 ).

Còn tờ báo Nam Kỳ, số ra ngày thứ hai 23/09/1946, vừa binh vực Pháp, vừa khen ông Hồ như sau:

May thay, ở phương Bắc, còn có người biết quý sinh mạng của thanh niên Pháp và Việt Nam, còn có người biết nhân nhượng, còn có người biết cố gắng, còn có người chịu khó tìm hiểu nhau, người đó là cụ Hồ Chí Minh, ông Vũ Hồng khanh và ông Sainteny ba người đã ký hiệp ước Pháp Việt ngày 6/3/1946”.

Nhưng cùng với sơ ước 06/03/1946, thuyết chia rẽ ra đời, làm cho cuộc xung đột Pháp Việt kéo dài, ở Nam bộ “Hội nghị Ðà Lạt, hội nghị Fontainebleau không thành, người ta đã tưởng tượng tới cảnh núi xương sông máu cùng khắp non sông nước Việt. Song vẫn có người sáng suốt thấy xa, vẫn có người thành thật muốn hiệp tác và chấm dứt cuộc đổ máu tai hại cho cả đôi bên, nên đồng ý ký hiệp ước tạm thời 15/09/1946 ( nguyên bản ) để cứu vãn tình hình nghiêm trọng, chấn chỉnh nhân tâm, phục hưng kinh tế trong khi chờ sang năm 1947, ký một hiệp ước vĩnh viễn. Người đó lại là cụ Hồ Chí Minh với ông Bidault, thủ tướng Ðệ Tứ Cộng Hòa Pháp…”.

Chắc chắn lời khen nầy không giá trị, vì chỉ cuối năm, chiến tranh bùng nổ. Hai bên Pháp và Việt Minh đều bịp lẫn nhau, nhưng giả bộ như thật, để chuẩn bị mở rộng chiến tranh. Chỉ có người quốc gia theo chủ nghĩa dân tộc bị thiệt thòi. Lý do, ông Hồ tạm hòa với Pháp, để tiêu diệt người cùng đoàn kết với mình trong chính phủ liên hiệp. Ðó là ý đồ thầm kín của ông Hồ và thực dân Pháp.

Còn dưới đây là ý kiến của một nhân chứng thời cuộc, đã tham dự vào Mặt Trận Việt Minh, chúng ta càng thấy rõ thủ đoạn của ông Hồ:

Làm thế nào biết được khi ông ta ( Hồ ) lầm lũi trong đêm khuya đến nhà riêng xin ký với Marius Moutet? Làm thế nào biết được khi ông ta ( Hồ ) cho Pháp tất cả mọi điều Pháp muốn, từ đồng bạc đến nền ngoại giao, khi một người đàn bà vô học, cứ van lạy không thôi, cũng đòi lại đôi chút quyền lợi, nhiều hơn tạm ước 14/09”. ( Nguyễn Kiên Trung, Ðem Tâm Tình Viết Lịch Sử, trang 79 ).

( Chú thích của hoangkyblog: Nguyễn Kiên Trung một bút hiệu khác của văn hào Nguyễn Mạnh Côn, tác giả của “1945 Lạc Đường Vào Lịch Sử”. )

Thắng lợi tại quê nhà

Như trên đã nói, ông Hồ và hai đoàn dân biểu, bộ trưởng vừa thành lập chính phủ, đã kéo rốc sang Pháp, kể chủ tịch mới được tấn phong. Công việc nước nhà bề bộn: Pháp đưa quân chiếm đóng các tỉnh miền Bắc, chiếm các vị trí hiểm yếu. Nội bộ Việt Nam cũng rối ren không kém. Các đảng còn tranh chấp nhau, tố cáo lẫn nhau vì chánh phủ nói một đàng làm một nẻo. Nước Pháp cũng rối ren, chưa sẵn sàng đón tiếp quốc khách công du. Tuy vậỵ, ông Hồ vẫn cứ đi, đi cho vắng mặt tại Việt Nam. Ông đã có mưu đồ thầm kín. Các bộ trưởng của chính phủ mới cũng đi để khỏi thấy cảnh đồng viện, đồng bộ trưởng ở nhà đang bị sát hại bởi cái chính phủ mà họ đang tham gia.

Vừa về tới Hà Nội, Hồ Chí Minh họp báo tuyên bố: “Chúng tôi quyết đoạt được độc lập, nhưng chúng tôi cũng quyết định sống trong Liên Hiệp Pháp ( chú thích: đế quốc trá hình ). Nước Pháp yêu chuộng dân chủ và tự do. Không lý do nào mà Pháp từ chối. Tôi dám cam kết rằng chính phủ Pháp đã có ý định thi hành nghiêm chỉnh tạm ước vừa ký kết”. Chỉ 3 tháng sau, Pháp tấn công toàn diện! “Tạm ước nầy rất cần thiết, tiện sự giao hảo giữa hai nước Pháp Việt, trước khi hội nghị tháng giêng tới đây.” ( Nam Ðình, Tài Liệu Lịch Sử, trang 364 ).

Rõ ràng lời tuyên bố của ông Hồ đều hoàn toàn xảo trá. Các sự kiện xảy ra sau đó mấy tháng đã chứng minh sự thật.

Về tới Hà Nội, điều đầu tiên ông Hồ hài lòng là tất cả nhân vật thuộc các đảng quốc gia tham dự chính phủ liên hiệp đều bị loại: kẻ bị giết, người bị bắt cóc thủ tiêu, người bị giam cầm nơi kín đáo, còn người nhanh chân thì đã vượt biên sang Trung Hoa. Bây giờ Việt Minh một mình một chợ. Ðảng Dân Chủ vẫn được giữ lại làm bình phong để Việt Minh ngụy trang trong đó. Như vậy, ông Hồ phải lập chính phủ mới với các thành phần mới trong Mặt Trận Liên Việt, tổ chức cộng sản trá hình thứ hai, để thế giới không thấy rõ cả chính phủ đều là cộng sản!

Vì thế quốc hội nhóm càng sớm càng tốt. Ông Hồ âm thầm ra lịnh triệu tập quốc hội vào ngày 28/10/1946.

Trước ngày nhóm quốc hội, Võ Nguyên Giáp bố ráp một lần nữa, bắt hết cán bộ của những đảng đối lập, nên từ ngày 23 đến 27 Tháng Mười, có hơn 200 người “tình nghi đối lập” bị bắt và bị thủ tiêu như Vũ Ðình Chí, biên tập viên báo Việt Nam ( Quốc Dân Ðảng ), thường viết bài xã thuyết chống Việt Minh, chống lập trường của chính phủ.

Sau đợt nầy, không còn dối lập nữa. Ðúng ngày 28/10/1946, quốc hội nhóm tại Nhà Hát Lớn. Lần nầy chỉ còn 210 dân biểu hiện diện, 70 dân biểu đối lập thì lớp bị thủ tiêu, hoặc đang trốn, nay còn lại không quá 20 người và cũng ngã theo Việt Minh.

Ba ngày đầu, không có gì quan trọng. Ngày thứ tư 31/10/1946, Hồ Chí Minh ra trước quốc hội trình bày những hoạt động của chính phủ từ 6 tháng nay, để rồi từ chức, ông viện lẽ “tình hình biến chuyển, cần có một chính phủ mạnh mẽ hơn để đối phó mọi biến cố”.

Quốc hội hoan nghinh ( vì toàn thể đều là Việt Minh của ông Hồ ), rồi biểu quyết tặng Hồ Chí Minh danh hiệu “công dân thứ nhứt Việt Nam”, đồng ý giao cho Hồ Chí Minh lập chính phủ khác. Ba ngày sau ( ngày 3 Tháng Mười Một ), Hồ Chí Minh lại ra trước quốc hội trình thành phần chính phủ mới:

  • Hồ Chí Minh: Chủ Tịch kiêm Ngoại Giao. Vài ngày sau, Hoàng Minh Giám được cử làm Thứ Trưởng.
  • Võ Nguyên Giáp: Bộ Quốc Phòng.
  • Tạ Quang Bửu: Thứ Trưởng Quốc Phòng.
  • Huỳnh Thúc Kháng: Bộ Nội Vụ.
  • Hoàng Hữu Nam: Thứ Trưởng Nội Vụ.
  • Phạm Văn Ðồng: Thứ Trưởng Kinh Tế.

Chắc quý độc giả cũng thấy vắng các vị như Nguyễn Tường Tam ( Việt Nam Quốc Dân Đảng ), Nguyễn Hải Thần ( Ðồng Minh Hội ), Vũ Hồng Khanh. Cả ba đã trốn sang Tàu! Còn bác sĩ Trương Ðình Tri ( Ðồng Minh Hội ) cũng bị loại ra khỏi hàng ngũ.

Nghiêm Kế Tổ thì tự ý rút lui vì hiểu rõ tâm địa cộng sản. Ðó là bề mặt. Quyền hành thực sự nằm trong tay Tổng Bộ Việt Minh, tức trung ương Đảng Cộng Sản: đó là các ông Hạ Bá Cang, Trần Huy Liệu, Trường Chinh, Trần Ðăng Ninh.

Bước thứ nhất đã được ông Hồ thực hiện: loại tất cả đối lập trong chính phủ. Có điều ông khéo ngụy trang: vắng mặt để Giáp ngụy tạo tội trạng, tấn công các đảng quốc gia. Việt Minh truy đuổi họ đến tận biên giới Lào Cay hay Lạng Sơn để thực hiện việc “Việt Minh độc chiếm chính quyền, không chia xẻ với bất cứ ai”.

Sách Hồ Sơ Ðệ Tứ Việt Nam thuộc Tủ sách Nghiên Cứu Paris 2000, trang 13 viết “Cũng đi từ quan niệm độc quyền lãnh đạo, ông Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản Việt Nam đã mở cuộc diệt trừ tả hữu từ Trotkyst đến quốc gia, không cho một mầm mống nào đối lập có thể trồi lên được”. Trước đó mấy tháng, cuối năm 1945 đầu 1946, chính ông Hồ van nài các đảng đối lập “hợp tác tịnh thành với Việt Minh”, bây giờ chính ông triệt hạ họ một cách tàn bạo. “Ðoàn kết” thực tế là như vậy.

Theo chủ trương che giấu sự thật lịch sử, bưng bít các hành động phản bội và phản quốc của mình, ông Hồ và Đảng Cộng Sản Việt Nam không bao giờ dám cho đăng lại toàn bộ nội dung các bản hiệp ước: Hiệp Ước Sơ Bộ 06/03/1946, Thỏa Hiệp Án 14/09/1946.

Bản chúng tôi có trong tay do báo Nam Kỳ, thân Pháp, không phải của Việt Minh ở Sài Gòn, đăng lại. Ðiều nầy cũng giống như việc Đảng Cộng Sản Việt Nam đã ký kết hai hiệp ước bán nước, dâng đất, lãnh hải cho Trung Cộng mới đây.

( VNNB, 26/09/2002 )

Tác Giả: Hứa Hoành.

Nguồn:

http://www.danchu.net/ArticlesChinhLuan/Collection4/HuaHoanh4001.htm

http://www.geocities.ws/xoathantuong

Bò Dát Vàng Rắc Muối, 155 Triệu Bảng Anh, Và Phái Đoàn Dép Râu Nón Cối. Tác Giả: Từ Liên.


Dù sao thì tài năng của các ông cũng nổi trội nhất là ở hai lĩnh vực, ăn cắp trong nước và ăn xin nước ngoài. Ngoài ra, các ông đâu thể làm gì khác đâu, làm sao ép các ông làm khác được.

08/11/2021

Hai ngày nay, trên các báo chí của Việt Nam, tràn ngập những lời ca ngợi chuyến công du thành công của Thủ Tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao, trong đó có các bộ trưởng và thành viên Bộ Chính Trị Việt Nam từ ngày 31/10 đến 5/11 tới Châu Âu.

Mục đích chính của chuyến công du lần này của ông thủ tướng là tham gia Hội Nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu ( COP26 ) và gặp gỡ một số quan chức và đối tác tại Vương Quốc Anh. Ngoài ra, phái đoàn này cũng có chuyến thăm Cộng Hòa Pháp.

Không rõ chuyến thăm tốn kém hàng tỉ tiền thuế của dân Việt Nam của ông làm được những gì cho dân Việt Nam trong thời gian sắp tới, nhưng người ta nhìn vào những gì được chính phủ của ông trưng ra như những bằng chứng thuyết phục cho sự thành công của chuyến đi thì có ba thành tích nổi bật:

Thành tích thứ nhất: Đây là một trong những chuyến đi ăn xin sang chảnh mới nhất ở cấp chính phủ…

Không rõ hiện nay có bao nhiêu quốc gia trên thế giới mà mỗi lần chính phủ của họ đi công du, là một lần đi ăn xin, ăn vạ, từ chính phủ các quốc gia họ tới công du, cho tới cộng đồng người gốc Việt ở các quốc gia họ tới công du. Lần nào trở về họ cũng khoe họ đã xin được cái này hay cái khác, tới độ người dân trong nước cũng thấy muối mặt. Sách giáo khoa họ dạy nước Việt Nam sở hữu rừng vàng biển bạc, dân tộc Việt Nam chăm chỉ, cần cù, Đảng tài ba sáng suốt lãnh đạo, Việt Nam đánh thắng các đế quốc mạnh nhất trên địa cầu, vị thế của Việt Nam tăng vùn vụt trên trường quốc tế…

Vậy mà gần 80 năm rồi họ vẫn vác bị gậy, nói cối, dép râu… đi ăn xin vòng quanh địa cầu…, tới diễn đàn nào họ cũng nổ banh xác pháo về những thành tựu kinh tế, khoa học kỹ thuật, y học, về tài năng quản lí đất nước theo kiểu xã hội chủ nghĩa của họ.

Giống dân Việt Nam lần lần vì họ mà không ngóc đầu lên nổi… rồi lần lần nhiều người cũng học đảng, học lãnh đạo, cũng sắm dép râu, nón cối, bị, gậy lên đường đi khắp địa cầu để lao động kiếm tiền gởi ngoại tệ về.

Rồi họ phát hiện ra cách này làm giàu nhanh hơn, mang tiếng đi làm thuê cho tư bản nhưng tiền mình mình bỏ túi, con mình sanh ra nếu mình có chút kiến thức, biết luật pháp thì sẽ được nước sở tại cấp tiền nuôi dưỡng, được hưởng mọi quyền lợi của trẻ em, ra đường không bị ai hoạnh họe, có rắc rối gì thì có tòa án xử, không lo lúc nào cũng bị làm khó, mà lúc lỡ tức quá chửi cái thằng tự xưng là đầy tớ của mình mấy câu thì nó kiếm chuyện cho mình vô ở tù.

Người nào làm ăn khá hơn thì lần lần tìm ra đủ mọi cách để đưa người thân, anh chị em, con cái đi theo mình, rồi trở thành kiều bào, lúc đó người của chính phủ lại qua ăn xin mình, lúc đó mình cũng mở mày mở mặt được… Những năm gần đây, nhiều người dân Việt Nam, khổ, nhục, chết cũng cam chịu, kiên quyết noi gương đảng, chính phủ, vác bị, gậy xin đi làm thuê cho tư bản… Ngồi thùng đông lạnh cũng ngồi, trồng ma túy, cần sa, làm công nhân ở những nơi độc hại, bị khinh rẻ, bị đánh đập, lạm dụng khổ như Osin bên mấy xứ Trung Đông cũng làm, nghề gì cũng còn tốt hơn làm công nhân, nông dân, nghề tự do, ở thiên đàng cộng sản Việt Nam, ước mơ của họ là kiếm đường ở lại để khỏi bị đuổi về quê hương…

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long (phải) tiếp nhận trang thiết bị y tế ủng hộ từ kiều bào Anh, Pháp. Ảnh: Trần Minh.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long (phải) tiếp nhận trang thiết bị y tế ủng hộ từ kiều bào Anh, Pháp. Ảnh: Trần Minh.

Chuyến đi này, ông Chính khoe: Phái đoàn của ông nhận được “một số trang thiết bị và vật tư y tế hỗ trợ điều trị COVID-19 trị giá 3,5 triệu bảng Anh và 640.000 Euro do kiều bào, các cơ quan tại Anh và Pháp tặng; hơn 400.000 bơm kim tiêm và một số vật tư y tế do Liên Hội Y Tế Pháp-Việt tặng; 2 tỷ đồng tiền mặt và hơn 16.000 bảng Anh do kiều bào, các cơ quan tại Anh ủng hộ; 107.000 Euro do kiều bào, các cơ quan tại Pháp ủng hộ”:

https://vnexpress.net/tiep-nhan-thiet-bi-y-te-do-kieu-bao-anh-phap-ung-ho-4382303.html

Nhìn tấm hình các ông cười tươi rói khi trao những món quà này thì các ông có vẻ tự hào vì thành tích ăn xin của chính phủ của mình lắm… Dù sao thì tài năng của các ông cũng nổi trội nhất là ở hai lĩnh vực, ăn cắp trong nước và ăn xin nước ngoài. Ngoài ra, các ông đâu thể làm gì khác đâu, làm sao ép các ông làm khác được.

Trong nước, các ông ăn cắp tiền thuế của dân xài phung phí cho tượng đài hoặc các dự án ma, hoặc tham nhũng, hoặc tìm mọi cách vơ vét, chia chác với nhau, rồi mua toàn đồ kém chất lượng ép dân xài… Mà nói thiệt, hàng tư bản viện trợ vô tới tay các ông thì cũng chẳng còn gì là của dân hết… Đồ tốt các ông giành hết cho gia đình, con cháu các ông xài, còn lại thì phù phép bán cho các bệnh viện tư hoặc bệnh viện sân sau của các ông lấy tiền bỏ túi… Rồi các ông đi về còn than với dân là các ông khổ cực, muối mặt đi xin cho dân cái nọ cái kia, các ông vừa được tiếng và vừa được miếng.

Thôi, hai tài nghệ ăn cắp và ăn xin của các ông được truyền đời thành ra nó chuyên nghiệp rồi, ngoài người của các ông thì mấy ai cạnh tranh nổi với các ông nữa.


Thành tích thứ hai: Quan chức Việt Nam thưởng thức beefstake dát vàng ở một trong những nhà hàng sang chảnh nhất London…

Ngày 3/11/2021, Một đoạn video 41 giây được phát hành trên tài khoản TikTok của đầu bếp người Thổ Nhĩ Kỳ Nusret Gökçe, biệt danh Salt Bae hay “Sprinkled Salt” với gần 11 triệu lượt theo dõi, đã ngay lập tức gây bão mạng ở Việt Nam…


Cơn bão trong thời đại toàn cầu hóa và kỹ thuật số này này nó mới nhanh làm sao… Người ta có cảm giác như ông Tô Lâm và phái đoàn dép râu nón cối của ông còn chưa kịp hóa trang lại với bị, gậy để trở thành những đảng viên cộng sản gương mẫu, đặng rời khỏi nhà hàng mà không bị chú ý, còn chưa kịp tiêu hóa hết món bò nạm vàng rắc muối đầy nghệ thuật, là hình ảnh của các ông đã nhảy lên màn hình các thiết bị mà đi vòng quanh thế giới rồi. Tới nỗi mấy bữa nay ở Việt Nam, người ta gõ Tô Lâm một cái là chỉ thấy màn hình hiện lên các bài báo có cụm từ Tô Lâm + Bò Dát Vàng; Tô Lâm + Bò Rắc Muối, làm cho người ra cứ có cảm giác là ông Tô Lâm đó là chủ quán thịt bò nào đó, hoặc cái tên Tô Lâm đó chính là tên một món ăn được làm từ thịt bò và được dát vàng hay rắc muối trước khi đem ra phục vụ cho thực khách… Người nước lạ hoặc người không biết câu chuyện của ông Tô Lâm thì không thể nào hình dung được ông là đương kim bộ trưởng Bộ Công An của chính phủ Việt cộng, người đã có công bắt hàng chục những người Bất Đồng Chính Kiến mỗi năm.

Nhưng, mặt khác, những người biết câu chuyện của ông cũng thấy không hẳn ông không có liên can gì tới Bò… Ở Việt Nam có một loại Bò quý hiếm nghe đồn có nguồn gốc từ tận bên Trung Cộng, tên là Bò Đỏ. Loài này hình như chỉ còn phân bố ở hai khu vực chính của Châu Á và vài nơi khác trên thế giới… Nói chung là chúng gần như được đưa vào sách đỏ của thế giới rồi. Loài bò đỏ này nghe đồn không ăn cỏ, uống nước suối mà chỉ ăn món có tên “3 củ” một tháng, củ gì thì không rõ, nhưng chỉ có Đảng với chính phủ biết cái củ đó là gì, tháng nó chỉ ăn đúng 3 củ mà sống. Ăn xong thì người nó có màu đỏ đặc trưng y như màu đỏ trên lá cờ đảng vậy, nên người ta kêu Bò Đỏ. Do ăn uống không đủ chất nên Bò này cũng không cho sữa, không cho thịt hay da, nên ở các quốc gia khác, người ta chê không nuôi nên nó thành ra tuyệt chủng, may mà tới Trung Quốc với Việt Nam nó được hồi sinh lại.

Đảng giao cho anh Tô Lâm với người của ảnh chăn nuôi đàn bò này… Nghe đồn ảnh cũng mát tay, đàn bò của ảnh ngày càng đông đúc. Tuy nhiên, do không thể phối giống với các giống bò tốt hơn, nên càng những thế hệ sau, giống bò này càng trở nên thoái hóa, hình dạng thì kỳ dị, mặt mày thì ngáo ngơ, ăn nói thì ngô nghê, thiếu hiểu biết, chỉ biết có ụm bò, ụm bò ngày đêm, năm này qua năm khác… miễn sao tới tháng có 3 củ để duy trì sự sống… Lũ này hễ thấy ai không kêu ụm bò ụm bò giống mình thì liền báo lại cho quân của anh Tô Lâm theo dõi. Nếu con nào vừa không kêu mà vừa không hiểu Ụm Bò là gì luôn thì báo anh Tô Lâm để bắt nhốt vô tù.

Tô Lâm với người của ảnh cũng chẳng quan tâm… ảnh chăn bò Đỏ nhưng anh biết thịt của đám này dở ẹc, ăn không vô, ngó cái mặt chúng cũng chán rồi, ngu không chịu nổi. Ảnh thèm là thèm bò Tư Bản, rắc muối, dát vàng nướng bơ của tư bản kìa… một phần bò đó cũng cỡ trên dưới 50 triệu Việt Nam đồng, đủ nuôi gần 20 chục con bò đỏ trong một tháng…

Người Việt Nam cũng không rõ tại sao trong phái đoàn của Đảng và chính phủ lần này đi qua Anh mục đích chính là dự hội nghị về Biến Đổi Khí Hậu lại có ông Tô Lâm đi cùng… Người ta chỉ nhớ lần cuối ông qua Châu Âu cách đây vài năm, một quan chức của Việt Nam là ông Trịnh Xuân Thanh đã được ông phù phép biến mất từ Đức rồi hiện thân lại ở nhà tù Việt Nam… Lần này người ta tự hỏi không biết nhiệm vụ của ông là gì? Anh Quốc trong những năm gần đây bắt đầu thu hút sự quan tâm của nhiều quan chức cộng sản cũng như con cái họ, và kể cả những người lao động Việt Nam nữa…, thay vì Châu Âu lục địa trước đây.

Qua nước Anh, với tư cách là người trong phái đoàn ăn xin, nhưng ông Tô Lâm và phái đoàn của ông đã làm một việc khiến chính phủ Việt cộng nổi tiếng trên toàn thế giới chỉ sau một đêm…

Phái đoàn của các ông đến nước Anh với danh nghĩa là phái đoàn của một quốc gia cộng sản còn kém phát triển. Nhưng nhìn phong cách các ông ngồi bên bàn ăn bình thản theo dõi bữa ăn tiền tỉ của mình thì có vẻ như các ông cũng đâu có xa lạ với những món sơn hào hải vị đâu… Mà nói thiệt, món beefstake đó cũng chỉ chừng trên dưới một ngàn bảng Anh một phần, cộng với rượu vang rồi phí phục vụ và đồ ăn khác nữa thì cũng chừng năm mười ngàn bảng một người, dân tình làm gì mà rùm beng lên vậy… Mùa dịch vừa rồi, chỉ riêng nhập thiết bị y tế hay vaccines, test kits, có mà chia chác sơ sơ thì các bác này cũng đủ ăn trong cả tháng món bò này, cho dù là ngày nào cũng ăn, đây người ta mới ăn có một bữa… mà chẳng qua là người ta đi qua đây, người ta muốn tận mắt coi tài nghệ của nghệ nhân rắc muối thôi, nên người ta mới tới quán… Chứ ở Việt Nam, một bữa ăn nếu muốn người ta còn thưởng thức cả tay gấu, cả nhân sâm ngàn năm, cả vi cá mập, bò thì bò gì họ muốn cũng có, từ bò Kobe tới bò hoang Châu Mỹ, chở về nguyên con mới giết thịt, họ uống rượu ngâm sừng tê giác với nhân sâm quý hiếm cả tỉ đồng một chai… Mấy cái bò dát vàng rắc muối này chỉ là muỗi, ăn thua gì…

Chẳng qua mấy ông xui ở cái chỗ là bình thường ở trong nước các ông rao giảng đạo đức mỗi ngày, đi ra ngoài các ông đóng vai nghèo khổ đi xin xỏ cái này, cái nọ của các nước tư bản, rồi đùng một cái, bản chất thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh “Cần, kiệm, liêm, chính” trỗi dậy, các ông bước vào nhà hàng sẵn tiền thuế của dân trong túi… các ông quên mất dân Anh, dân tư bản nó không phải dân Việt Nam, các ông trả tiền thì người ta phục vụ, nhưng người ta đâu có sợ các ông, đâu có ngán các ông, như dân Việt Nam, nên sẵn dịp, người ta quảng bá luôn giùm cho các ông luôn, cho các ông vươn ra tầm thế giới chỉ trong một đêm…

Mà nói thiệt, nhờ dịp này các ông nổi tiếng khắp thế giới, xuất hiện trên khắp các mặt báo chí tư bản nhé, Anh, Úc, Châu Âu, Thái Lan, Singapore… Các ông còn không biết cảm ơn người ta, bao nhiêu YouTuber, Vlogger, bao nhiêu ca sĩ, nghệ sĩ, đạo diễn, thậm chí chính trị gia… muốn nổi tiếng cỡ nửa vậy thôi mà tốn biết bao nhiêu tiền, gấp mấy lần tiền bít tết của ông cũng không làm được…

Giờ thì cả thế giới biết cộng sản Việt Nam giàu thế nào rồi nhen…

Giờ thì cả thế giới biết quan chức Việt Nam chơi lớn thế nào nhen.

Dù cho họ qua thăm các quốc gia mà dân số có thu nhập đầu người gấp vài chục lần Việt Nam.


Dù cho một miếng thịt bò dát vàng có giá “tương đương 8 tấn gạo khô” ở Việt Nam.

Dù cho dân số của xứ Việt cộng vừa về bên kia thế giới hết hai mấy ngàn người do tài năng chống dịch của Đảng.

Dù cho nền kinh tế trong nước suy thoái… triệu người bị ảnh hưởng công việc hoặc thất nghiệp do dịch COVID.

Trẻ em không có thiết bị để học tập online…

Lương của các ông theo bảng niêm yết công khai của chính phủ khoảng 700 USD/tháng…

Nhưng beefstake dát vàng do đầu bếp chính chủ thực hiện là phải thưởng thức…

Nhìn lại coi, có chính trị gia tư bản nào đáng xách dép cho mấy ông quan chức cộng sản về khoản ăn chơi này không… Như vậy ít nhất, Việt Nam cũng có thành tích mà tự hào… Thử hỏi ngoài Việt Nam, có chính trị gia nào có can đảm tới tận quán này mà ăn không? Danh sách của quán toàn diễn viên với người mẫu, cầu thủ bóng đá. Tóm được mấy ông chính trị gia xứ Việt cộng chính hiệu, họ phải quảng bá là đúng rồi…, làm gương cho chính trị gia nước khác chớ.

Các nước tư bản thiệt là dở, quan chức ló mặt tới mấy quán này là dân ném đá mỏi tay. Ăn một miếng beefstake thì ngủ không yên, mai lại phải khấu đầu tạ lỗi, rồi cuốn gói đồ đạc mà rời khỏi chỗ làm tức khắc… Rồi họ ghi vào lịch sử, biêu riếu năm nọ qua năm kia, đem vào trường học cho đám học trò phê phán… Thứ quan chức gì mà giàu vậy? Thuế của dân mà xài hoang vậy? Ôi, tư bản giãy chết…

Bởi vậy người ta nói ở xứ tư bản nó khổ lắm… qua chơi thôi thì được, đừng có sống luôn tại đó… dân người ta hung dữ, chửi quan chức như con, không kiếm chác được gì đâu. Làm thủ tướng hết 1-2 nhiệm kỳ mà không trả nổi hết nợ ngân hàng…


Thành tích thứ ba: Việt Nam khiến cả thế giới choáng váng vì sự giàu có của các tỷ phú mới nổi.

Thành tích này của phái đoàn dép râu nón cối còn làm thế giới rúng động hơn cả chuyện anh Tô Lâm chăn bò Đỏ đi ăn thịt bò nạm vàng rắc muối nữa…

Đó là chuyện một nữ “Doanh nhân tự thân” của Việt Nam chơi đẹp, tặng một lần cho đại học Oxford của nước Anh 155 triệu bảng Anh ( tương đương gần 220 triệu đô la Mỹ ), mà đại học này cũng phải ghi nhận là khoản đóng góp một lần lớn nhất trong lịch sử của Oxford, trước đó, có một doanh nhân người Anh đóng góp 150 triệu bảng Anh.

Nhiều quan chức Anh hẳn là muốn té xỉu khi nghe tin này…

Cái đất nước cộng sản gần 80 năm tuổi vừa mới lú đầu ra khỏi danh sách những quốc gia nghèo nhất thế giới để leo lên nhóm cận nghèo, nghèo trung bình… thu nhập đầu người mới khoảng trên 2,000 đô la Mỹ, vừa trải qua bệnh dịch tang thương, dân chúng dắt díu nhau tháo chạy khỏi các thành phố lớn liên tục suốt mấy tháng trời như bị chiến tranh đuổi tới…, tiền cứu trợ không có mà phát cho dân, đang phải tìm mọi kế huy động vàng, ngoại tệ trong dân bằng mọi cách… người lao động phải đi làm thuê khắp thế giới, từ lao động hợp pháp tới bất hợp pháp. Ở Châu Âu, đám người này tìm cách chạy qua nước Anh, chui vào thùng xe đông lạnh, chết cả mấy chục người một lúc…


Vậy mà giờ đây, có người được gọi là tỷ phú tự thân của Việt Nam, CEO của một hãng hàng không mà các quốc gia tư bản gọi là hàng không Bikini, vì hãng này đã cho nguyên dàn tiếp viên mặc bikini nhảy múa trên máy bay năm 2012 để thu hút khách đi máy bay, còn trong nước người dân gọi là hãng máy bay “Delay” vì tần suất delay dày đặc khủng khiếp của hãng này… Suốt mấy tháng bệnh dịch máy bay nằm tại chỗ, các hãng hàng không ngắc ngoải chờ chết, nhà nước thiếu ngoại tệ trả nợ… Vậy mà đùng một cái, bà chủ Phương Thảo cho máy bay chở nguyên một cục tiền khổng lồ qua ném vô đại học Oxford của nước Anh…

Báo chí quốc tế rần rần lên tiếng… Báo chí trong nước gần như nín thinh nghe ngóng tình hình…

Dân tình có hỏi nhau, tại sao người Việt Nam chuyển vài trăm đô ra nước ngoài cũng khó, mà bà CEO này, cho máy bay chở cả đống tiền đi như chở tiền âm phủ vậy. Ông Phạm Quý Thọ, nguyên trưởng khoa chính sách công tại Học Viện Chính Sách và Phát Triển, nói với Nikkei AsiaViệt Nam còn nghèo. Chúng ta cần tiền”. Ông đặt câu hỏi về việc gửi một khối tài sản như vậy ra khỏi đất nước, nơi có sự kiểm soát vốn nghiêm ngặt, nói rằng “không ai có thể hiểu được” số tiền đã đi đâu.

Nhưng tới khi người ta nhìn thấy tấm hình phái đoàn Việt Nam và ông thủ tướng Phạm Minh Chính đích thân đứng mỉm cười nhìn bà Thảo trao đổi văn kiện với đại diện của trường Oxford thì người ta dần dần hiểu ra… Thì ra việc này có bàn tay của chính phủ…. Dĩ nhiên với khoàn tiền lớn như vậy muốn chạy ra bên ngoài nó phải qua sự kiểm duyệt của chính phủ Việt cộng.

Dân tình lại đồn: Như vậy tiền đó không chắc chắn là tiền của bà Thảo, nó có thể là tiền chung của một bộ phận quan chức nào đó góp lại để “rửa chung” một lần dưới hình thức đầu tư giáo dục… Số tiền này sẽ kèm theo những điều kiện mà người Việt Nam không biết được, nó có thể dọn đường cho con cháu Việt cộng có tấm vé vào nước Anh trong tương lai…

Điều này diễn ra trong bối cảnh Đảng vừa tuyên bố điều lệ mới vào ngày 27/10, chỉ vài ngày trước khi phái đoàn đi công du. Điều lệ quy định “Đảng viên không được nhập quốc tịch, chuyển tài sản ra nước ngoài trái quy định“.

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/dang-vien-khong-duoc-nhap-quoc-tich-chuyen-tai-san-ra-nuoc-ngoai-trai-quy-dinh-787408.html

Có nghĩa là đây có thể là một trong những phi vụ cuối cùng “hợp pháp” mà các đảng viên cộng sản cao cấp tiến hành để chuẩn bị cho một cuộc tháo chạy lớn trong tương lai.

Đáng ngạc nhiên hơn, theo điều tra của tờ Nikkei, bà Thảo được cho là con của quan chức cộng sản có gốc gác lớn, qua Liên Xô du học sau khi bà tốt nghiệp cấp III. Chồng bà là ông Nguyễn Thanh Hùng cũng du học tại Liên Xô. Họ lần lượt lấy các bằng đại học, thạc sĩ ở đây. Tại Liên Xô, bà khởi nghiệp bằng việc buôn bán máy Fax và cao su. Sau đó hai vợ chồng bà mới về nước và đầu tư vào ngân hàng HD, sáng lập hãng VietJet, cũng như đầu tư vào khu nghỉ dưỡng và bất động sản…

https://asia.nikkei.com/Business/Education/Why-an-Oxford-college-is-renaming-itself-for-Vietnam-s-richest-woman

Toàn bộ quá trình trưởng thành và hái gặt thành công, lợi nhuận của bà là tại Liên Xô cũ và Việt Nam, và giờ đây bà là người không phải cựu sinh viên của Oxford đầu tiên đầu tư một khoản tiền khổng lồ như vậy. Tất cả những việc này lại diễn ra ngay trong chuyến đi của ông thủ tướng Phạm Minh Chính và phái đoàn quan chức cộng sản cao cấp tới nước Anh, thậm chí lễ ký kết diễn ra dưới sự chứng kiến của họ khiến người ta không khỏi đặt câu hỏi về sự trùng hợp của nó…


Lần ngược lại một bài báo có tựa đề “Đơn đặt hàng máy bay bom tấn của VietJet, nhưng tiền đến từ đâu?” của phóng viên Michael Tatarski đăng trên tờ Asian News Today vào ngày 25 Tháng Năm, năm 2016.

Người ta thấy tác giả đã đề cập đến thông tin đáng chú ý : “Điều đáng khâm phục hơn là bà Thảo có tên trong Hồ Sơ Panama, tên gọi của vụ rò rỉ dữ liệu khổng lồ từ công ty luật Panama Mossack Fonseca, như một người đã giúp một số thành viên của giới thượng lưu toàn cầu trốn thuế tại quốc gia của họ”.

Xin xem tham khảo:VietJet’s Blockbuster Boeing Order, But Where’s The Money Coming From?” trong comment thứ nhất bên dưới.


Trong khi đó, tờ Guardian của Anh quốc cũng cho biết:

Tại Oxford, có nhiều ý kiến thắc mắc về khoản quyên góp của bà Thảo cho tổ chức. Theo điều tra của họ, tập đoàn của bà Thảo kiếm được phần lớn tài sản của mình từ hãng hàng không giá rẻ VietJet Air, do Sovico kiểm soát. Tập đoàn này cũng là cổ đông lớn nhất của HDBank, trong hội đồng quản trị mà bà giữ chức Phó Chủ Tịch. HDBank là nhà tài chính chính của Tập Đoàn Xăng Dầu Việt Nam thuộc sở hữu nhà nước. Như vậy, công ty của bà thực chất không phải là một công ty tư nhân độc lập như nó tự nhận.

Thêm vào đó, các lợi ích kinh doanh của Sovico bao gồm thăm dò dầu khí ngoài khơi, tài trợ nhiên liệu hóa thạch và hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam, điều này đi ngược lại với tôn chỉ của Oxford là kêu gọi tên của các công ty nhiên liệu hóa thạch bị loại bỏ khỏi các tòa nhà và viện đại học.

Người phát ngôn cho biết: “Chúng tôi rất thất vọng khi biết rằng Cao đẳng Linacre đã chấp nhận đóng góp từ nhóm Sovico, một công ty có hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch đe dọa sự tồn tại của hành tinh chúng ta… Chúng tôi rất buồn khi biết những gì hành động của Linacre đã nói với chúng tôi: rằng Linacre coi trọng tiền bạc hơn con người và hành tinh”.

https://www.theguardian.com/education/2021/nov/03/oxford-college-to-change-its-name-after-155m-donation

Với ba thành tích như trên phải nói rằng chuyến công du Châu Âu của ông thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên bộ chính trị lần này đã thành công ngoài sự mong đợi…

Thế giới được thấy một trong những chính phủ ăn xin chuyên nghiệp nhất thế giới dẫn theo các tỷ phú Đỏ và những khoản đầu tư lớn ngoài sức tưởng tượng của họ. Một phi vụ đầu tư tương đương với việc dọn đường cho sự tháo chạy của các quan chức cộng sản.

Chính phủ các nước khác cũng được chiêm ngưỡng tận mắt học thuyết cán bộ đảng là đầy tớ của nhân dân, đạo đức cần-kiệm-liêm-chính của Hồ Chí Minh và quyết tâm bài trừ chủ nghĩa tư bản của học thuyết Mác-Lê, được hiện thân ngoài đời thực qua các quan chức xứ Việt cộng như thế nào…

Như vầy mà đảng kêu dân học tập và làm theo tấm gương quan đảng chẳng phải là làm khó người dân dữ lắm sao?

Mà nghe giang hồ đồn là sau chuyến đi này về, các quan chức đảng sẽ bỏ mấy lớp lý luận đảng, đổ xô đi mở lớp “nghệ thuật ăn cắp, ăn vạ, ăn xin” từ cấp địa phương tới trung ương. Các quan chuyên nhập khẩu các thiết bị công nghệ cao sẽ chuyển qua bán “Bị, gậy, dép râu, nón cối”… Đảm bảo mua may bán đắt, dân tình xếp hàng xin học, xin mua đồ nghề còn đông hơn người ta xếp hàng đi tàu Cát Linh-Hà Đông miễn phí nữa…

Dù gì đó cũng là học theo gương quan đảng…, mà cách này coi bộ hiệu quả…

Chứ làm ăn chân chính ở xứ cộng sản thì ngày nào người dân Việt Nam mới được học đại học Oxford hay ăn bò beefstake tư bản đây?

Ráng lên dân Việt Nam ơi…

Tác Giả: Từ Liên.

08/11/2021.