Trước tiên, chúng ta nói lại một chút về lịch sử ngày Nhân Quyền.
Ngày 10/12/1948, Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã được Liên Hợp Quốc công bố lần đầu tiên trên thế giới. Phu nhân Eleanor Roosevelt, nguyên Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ khi đó, đã đại diện Liên Hợp Quốc tuyên đọc bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân quyền lịch sử tại Paris, Pháp. Ngày 10 tháng 12, cũng là ngày mất của Alfred Nobel, người khai sinh ra giải Nobel.

Tháng 12 năm 1950, Liên Hợp Quốc chính thức công nhận ngày 10 tháng 12 hằng năm là “Ngày Nhân Quyền” ( Human Rights Day ).
Vào ngày này, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế sẽ đưa ra những báo cáo mới về nhân quyền trên toàn thế giới, Nghị Viện Châu Âu tổ chức lễ trao Giải Thưởng Sakharov ( tên đầy đủ là Giải Thưởng Tự Do Tư Tưởng Sakharov, hoặc Giải Thưởng Nhân Quyền Của Liên Minh Âu Châu ), lấy theo tên của khoa học gia, nhà bất đồng chính kiến Liên Xô Andrei Dimitrijevic Sakharov, người được trao tặng giải Nobel Hòa Bình vào năm 1975.
Ngoài ra, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới cũng chọn ngày này để trao Giải Thưởng Nhân Quyền của họ.
Tại Oslo ( Na Uy ), vào ngày này hàng năm, người ta tổ chức lễ trao Giải Thưởng Nobel Hòa Bình.
Bản Tuyên Ngôn này cũng là nền tảng cho Bộ Luật Nhân Quyền Quốc Tế, bao gồm hai công ước cơ bản về quyền con người là Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị và Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Kinh Tế, Xã Hội Và Văn Hóa.
Tại Miền Nam Việt Nam, Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã được dịch ra và phát hành vào năm 1965, bởi Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa.


Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, không có một bản nào của Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền được dịch lại hoàn chỉnh, được lưu hành chính thức, hoặc được phổ biến rộng rãi tới toàn dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam… Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế cũng không được đưa vào chương trình giảng dạy của bất cứ một cấp bậc nào trong hệ thống giáo dục cộng sản.
Có thể đây chính là một trong những lý do mà hầu hết người Việt Nam, kể cả những thế hệ trẻ được sanh ra trong thời kỳ hòa bình, hội nhập và toàn cầu hóa, vốn đã rất mù mờ về những quyền lợi của các công dân của một quốc gia tự do, được quy định trong các bộ luật hiện hành của nhà nước cộng sản, lại càng thiếu kiến thức về những quyền cơ bản của con người, vốn đang được bảo vệ bởi Công Ước Nhân Quyền Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc.
Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền này gồm có 30 điều khoản, quy định về các quyền của con người, với tư cách là một cá nhân độc lập, đang sống ở bất kỳ nơi nào trên địa cầu.
Trong lời nói đầu của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, Liên Hiệp Quốc phát biểu:
Với nhận thức rằng: Việc thừa nhận nhân phẩm cố hữu, thừa nhận những quyền bình đẳng và bất khả xâm phạm của con người trong đại gia đình thế giới sẽ đặt nền tảng cho Tự Do, Công Lý, và Hòa Bình Thế Giới.
Xét rằng: Vì không biết rõ và khinh miệt nhân quyền, nên loài người đã có những hành động dã man trái với lương tâm của nhân loại, và xét rằng sự xây đắp một thế giới trong đó loài người sẽ được tự do ngôn luận và tín ngưỡng, thoát khỏi sợ hãi và lầm than, đã được công bố như là một nguyện vọng cao cả của con người…
Xét rằng: Điều tối cần là Nhân quyền phải được pháp luật che chở để tránh cho loài người không phải dùng đến những biện pháp cuối cùng là nổi loạn để chống lại tàn bạo và áp bức.
Nguồn: https://www.un.org/en/udhrbook/pdf/udhr_booklet_en_web.pdf
Công bằng mà nói, so sánh với nhiều nội dung đang được giảng dạy trong chương trình học tập ở các cấp học ở Việt Nam, bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Về Nhân Quyền này có nội dung vô cùng đơn giản, ngắn gọn và dễ hiểu. Thêm vào đó, bản tuyên ngôn cũng sử dụng nhiều từ ngữ dễ hiểu hơn nhiều so với những từ ngữ được trình bày trong sách giáo khoa “Giáo dục công dân”, “Bác Hồ và những bài học đạo đức dành cho học sinh” dành cho học sinh phổ thông của Việt Nam, và giáo trình Triết học Mác–Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản, Chủ nghĩa cộng sản khoa học, dành cho sinh viên Việt Nam… Vậy mà không biết vì sao nó lại không được đưa vào giảng dạy… Phải chăng các giáo sư, tiến sĩ Việt Nam người ta đạt tới trình độ xuất sắc quá trời rồi người ta không thể dạy được những thứ đơn giản mà cả thế giới tiến bộ phải học nữa.
Và đối với đại đa số dân Việt Nam, học Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế cũng chẳng để làm gì, vì dù gì các xứ sở cộng sản vẫn có tiếng là các quốc gia vô pháp, vô Thiên ( không luật pháp, không tôn giáo ), các lãnh đạo Đảng diễn giải về nhân quyền cũng như xét xử dân chúng theo luật của riêng họ.
Vậy nên năm 2021, để đánh dấu năm đầu tiên của nhiệm kỳ thủ tướng mới, Việt Nam không chỉ kỷ niệm Ngày Quốc Tế Về Nhân Quyền mà còn dành nguyên một tháng để kỷ niệm Nhân Quyền, với hàng loạt các hoạt động thể hiện tình yêu thương, cảm thông của các lãnh đạo đảng, chính phủ, nhà nước, với nỗi khổ của dân xứ Đông Lào.
Để chuẩn bị cho Tháng Nhân Quyền, vị tân thủ tướng của Việt Nam nhân chuyến công du Châu Âu lần đầu vào tháng 11/2021 đã hùng hồn phát biểu trước cộng đồng của mình và người dân quốc tế:
Tôi sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai trên thế giới này về vấn đề nhân quyền. Nhân quyền lớn nhất là lo cơm ăn áo mặc cho 100 triệu dân, không để ai thiếu ăn thiếu mặc, khi khó khăn không bỏ ai lại phía sau.

Vị thủ tướng xuất thân công an này, hoặc là chưa từng biết trên đời này có tồn tại bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, hoặc là nhận thức của vị này có hạn, nên từ chỗ ba chục điều khoản mà bao nhiêu bộ óc vĩ đại của thế giới chiêm nghiệm trong bao nhiêu năm mới đúc kết ra được trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, thì qua lời của ông ta, chỉ còn giữ lại một điều nhỏ nhất, ở thang nhu cầu bản năng nhất của con người: “cơm ăn áo mặc”… Mà ngay cả ở thang cuối cùng này, vị này cũng cắt bớt gần hết: Nhu cầu cơ bản của con người ở tầng thấp nhất của tháp nhu cầu Maslow thì ngoài cơm ăn áo mặc, con người còn có nhu cầu về chỗ ở, có nhu cầu được hít thở không khí trong lành, được nghỉ ngơi đầy đủ để tái tạo sức lao động.
Vậy là phát biểu của vị có hai câu, câu thứ hai có hai ý: Ý thứ nhất thì vị ăn bớt, xuyên tạc hoàn toàn ý nghĩa của từ Nhân Quyền, ý thứ hai thì vị nói láo, mà nói láo không ngượng miệng: “…khi khó khăn không bỏ ai lại phía sau…”. Bằng chứng là trong mấy đợt bùng dịch COVID ở xứ Việt Nam, dân tứ xứ phải bỏ chạy khỏi mấy thành phố lớn của Việt Nam như bầy gà vịt đã bị cắt tiết, nhưng vẫn thu hết sức tàn để chạy trốn, còn các vị thì cho công an, dân phòng chạy theo, dồn những người nào không còn tiết vào trong chuồng để họ tự chết trong chuồng, dân nào còn tiết thì các vị để riêng để tiếp tục “cắt tiết” họ bằng các loại kits xét nghiệm, các loại thuốc chữa COVID, các khu điều trị COVID đông đúc và mất vệ sinh, các loại thuế không nhìn thấy bằng mắt thường, các loại hàng hóa bán trong các siêu thị được chỉ định bán hàng độc quyền mùa dịch, các loại đóng góp khác nhau cho cái thứ gọi là “Quỹ phòng chống COVID”…
Làm những hành động này, nhà nước cộng sản Việt Nam làm như không biết rằng họ đã vi phạm tuyệt đại đa số các điều khoản trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.
Mà sau khi vắt kiệt sinh lực của đám dân còn thoi thóp này, thì các vị quan chức cộng sản tuyên bố tỉnh bơ “Lấy sức dân nuôi sức dân”, nhà nước không có tiền, đảng không có tiền, nên đảng hay nhà nước cũng không lo cho dân được, vậy là huề cả làng, Tuyên Ngôn Nhân Quyền mà ông thủ tướng khoe mẽ với toàn thế giới bị vứt vô sọt rác như một mớ giấy lộn.
Ông thủ tướng tuy có bằng Tiến sĩ chính trị Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng xem ra não bộ cũng chẳng hơn một con robot bao nhiêu, một con robot được lập trình tốt chắc chắn có thể nói hay hơn vị này. Hẳn là cũng do hiểu biết về Nhân Quyền, Nhân Sinh của ông thủ tướng chỉ có vậy thôi, nên chắc cũng chẳng có người hiểu biết nào lại chịu hạ mình mà tranh luận với ông ta, nên ông mới hiên ngang làm thùng rỗng kêu to mà hùng hồn tuyên bố “Tôi sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai trên thế giới này về vấn đề nhân quyền”.
Thủ tướng của một quốc gia mà dũng cảm cỡ đó thì dân chúng dám đòi hỏi gì nữa.
Mở đầu Tháng Nhân Quyền, cộng sản Việt Nam tiếp tục tôn vinh quyền con người bằng cách thúc ép người dân tiếp tục test COVID thường xuyên bằng các loại test kits không rõ nguồn gốc, tiếp tục bắt dân chích các loại vaccines nhập về từ Trung Quốc, dẫn tới cái chết của tức tưởi của những công nhân còn rất trẻ tuổi và hoàn toàn khỏe mạnh ở một tỉnh nọ. Nhiều học sinh bị buộc phải chích vaccine dẫn tới cái chết oan ức của những trẻ em còn chưa bước qua tuổi trưởng thành ở các tỉnh thành khác nhau…
Cũng trong Tháng Nhân Quyền, để tôn vinh sự hy sinh lớn lao của người dân Thủ Thiêm trong mấy chục năm qua phải lang thang chỗ này chỗ nọ do mất nhà cửa, nên các quan chức cộng sản tổ chức đấu giá đất đai ở Thủ Thiêm, nơi chúng đã tìm mọi cách để ép uổng, đuổi dân đi, cướp đất của họ, đền bù họ với mức rẻ mạt, mỗi mét vuông đất chỗ rẻ nhất có giá chỉ bằng một ổ bánh mỳ cho tới cao nhất bằng chừng 30-50 ký gạo, tùy loại. Rồi giờ, cũng bè lũ quan chức này bắt tay nhau phù phép mỗi ổ bánh mỳ hoặc vài chục ký gạo đó lên bằng giá của một căn chung cư rộng chừng 50m2 ở các quận ngoài trung tâm thành phố.
2,4–2,5 tỷ Việt Nam đồng ( tương đương 100,000 đô la ) một mét vuông đất ở Thủ Thiêm, là một con số đấu giá kỷ lục ở một quốc gia có thu nhập đầu người chỉ hơn 2,000 USD/năm, với thu nhập của công chức nhà nước phổ biến ở mức 300-400 USD/tháng. So sánh với lượng kiều hối đổ về Việt Nam năm 2021, tính đến thời điểm này được cho là cao kỷ lục trong lịch sử kiều hối Việt Nam là 18 tỷ đô la, thì tính ra cũng chỉ mua được 18,000m2 đất ở Thủ Thiêm, chưa được 2 mẫu Nam Bộ. Phù phép giỏi cỡ này thì thế giới cũng khó vượt qua cộng sản được.
Cao điểm của Tháng Nhân Quyền, để thể hiện những hiểu biết và khát vọng to lớn về nhân quyền của Việt Nam trong mắt cộng đồng thế giới, cộng sản Việt Nam mang hàng loạt các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam ra để xét xử và kết án vượt khung. Bắt đầu từ Phạm Đoan Trang, ngày 14/12/2021, Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Phương, ngày 15/12/2021, Đỗ Nam Trung, ngày 16/12/2021… Họ xử và kết án vội vã như là nếu để qua tới Giáng Sinh và năm mới thì hết Tháng Nhân Quyền, họ không còn cơ hội để làm lễ kỷ niệm theo cách của họ vậy.
Đây không phải là phiên tòa đầu tiên nhà nước cộng sản kết án những nhà hoạt động nhân quyền này. Không riêng những nhà hoạt động Nhân Quyền, những người dân bình thường của xứ cộng sản thường xuyên bị kết án trên mặt báo và các phương tiện truyền thông trước khi các tòa án kết án họ dựa trên những bằng chứng thuyết phục, rõ ràng.
Ở đất nước cộng sản vô pháp, vô thiên, nhà báo, phát thanh viên, cảnh sát, công an, cán bộ xã, phường đều có quyền “kết tội”, gán tội cho bất kỳ người nào rơi vào tầm ngắm của họ, mà không cần dựa trên một tang chứng, vật chứng nào cả. Bằng chứng là bất cứ người nào nói điều gì trái với những gì quan, chức cộng sản nói, đều bị kết án là “Phản Động” ngay tức khắc không phải bởi tòa án, mà bởi những bồi báo hoặc phát thanh viên trước tiên.
Những cách thức kết tội này, bao gồm cả những phiên tòa, xét theo Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế, cộng sản đã vi phạm từ Điều 1 tới Điều 11, cộng thêm Điều 19 và 20 về “Quyền tự do bày tỏ ý kiến, tìm kiếm, thu nhận và truyền bá những quan niệm và ý tưởng qua mọi biên giới, phương tiện mà không sợ bị ngăn cản”, và “Quyền tự do hội họp, lập hội”.
Chưa hết, Tháng Nhân Quyền của Việt Nam năm nay cũng chứng kiến tình yêu thương vô bờ bến các lãnh tụ đảng, nhà nước đối với nông dân, “giai cấp tiên phong”, tượng trưng bằng một cây búa liềm trên cờ đảng, và cũng là tầng lớp cùng khổ ở Việt Nam, với việc hàng trăm xe nông sản từ miền Tây và miền Trung bị kẹt tại cửa khẩu ở biên giới với Trung Cộng do Trung Cộng đơn phương thay đổi chính sách thông quan của họ. Sản phẩm bị hư hại, phải đổ bỏ, nông dân Việt Nam cầm chắc nguy cơ trắng tay, mắc nợ ngân hàng, lo tới mất ăn mất ngủ, kêu khổ thấu trời… Tất cả quan chức cộng sản đều làm thinh.
Ở chiều ngược lại, hàng từ Trung Cộng vẫn ào ào chuyển qua cửa khẩu đi vào lãnh thổ Việt Nam, phủ kín thị trường Việt Nam từ Bắc tới Nam. Lãnh đạo Việt cộng giải thích họ thương người dân Việt Nam phải mua hàng trong nước với giá cao nên họ tạo điều kiện cho dân Việt Nam được ăn uống hàng rẻ và độc. Dân Việt Nam có bệnh thì yên tâm, họ sẽ nhập thuốc từ Trung Quốc qua cho dân Việt Nam xài tiếp. Bệnh tật cỡ nào thì quan chức Việt cộng cũng có cách biến nó thành một cơ hội để kiếm tiền, cũng như họ đã làm trong đại dịch COVID vừa rồi vậy.
Nhiều người Việt Nam đọc tới đây cũng sẽ thắc mắc: Điều này thì có liên quan gì tới Nhân Quyền?
Từ Điều 20 đến Điều 25 của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền có thể sẽ giải thích được mối liên hệ giữa Nhân Quyền và việc Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo điều kiện sống cơ bản và an sinh xã hội của những con người bình thường nhất trên địa cầu như thế nào.
Cuối cùng, để an ủi người dân đang đau khổ vì mất người thân, mất việc, mất thu nhập, con cái họ mất cơ hội học hành, trong suốt bốn đợt bệnh dịch càn qua, chính phủ Việt cộng thêm vào trong chuỗi hoạt động kỷ niệm Tháng Nhân Quyền của mình Vụ bắt giữ để điều tra giám đốc công ty Việt Á, người được cho là đã bắt tay với Bộ Khoa Học Công Nghệ, Bộ Y Tế, Bộ Quốc Phòng, và các quan chức Việt cộng, để sản xuất test kits chưa được Tổ Chức Y Tế Thế Giới cấp phép lưu hành, và thổi giá test kit gấp từ 8-10 lần so với nhiều loại test kits đạt chuẩn của thế giới, đình đám trên mặt báo trong mấy ngày qua.
Quan sát phản ứng của người dân Việt Nam nói chung, thì hình như không thấy có mấy người ngạc nhiên trước tin tức này. Có vẻ như họ đã quen với những “phần thưởng” thế này tới độ chỉ còn biết giữ im lặng để theo dõi các vị quan chức cộng sản cắn xé nhau cỡ nào chỉ vì số tiền được ăn chia không đồng đều. Nhiều người cho rằng đây chỉ là một màn hài kịch được bổ sung nhân dịp Tháng Nhân Quyền cho nó có thêm màu sắc sinh động.
Bao nhiêu năm qua, mấy vị quan đó không bóc lột dân theo cách này thì họ cũng nghĩ ra cách khác thôi, dường như tất cả trí tuệ của nhà nước cộng sản chỉ dùng vào có nhiêu đó việc. Chừng nào người dân còn được thoi thóp thở thì phần lớn họ vẫn có thể thản nhiên đứng quan sát mọi chuyện từ năm này qua năm khác.
Có thể rất nhiều người cũng không nhìn thấy rằng đây không phải chỉ là câu chuyện thổi giá test kit để trục lợi bất chính. Đây còn là một tội ác khủng khiếp của tập đoàn quan chức cộng sản Việt Nam.
Trước tiên là những test kit này không đủ tiêu chuẩn để lưu thông trên thị trường, do đó, người ta có quyền nghi ngờ rằng kết quả của nó cho ra không hề chính xác. Có nghĩa là những kết quả này có thể làm sai lệch toàn bộ bộ dữ liệu quốc gia về tỷ lệ người nhiễm bệnh, mắc bệnh. Nó cũng có thể là nguyên nhân chính khiến cho nhiều người bị quy kết nhiễm bệnh sai, vì test kit cho kết quả không chính xác, dẫn tới việc họ bị ép vào trong các khu cách ly, lây nhiễm chéo rồi cuối cùng là tử vong do không được chăm sóc y tế đầy đủ. Tính tới nay, con số chưa đầy đủ thống kê có gần 30,000 người ra đi vì COVID.
Vậy nên câu chuyện test kit, nhìn từ mọi góc độ, nó cũng còn là câu chuyện Nhân Quyền của con người…
Không chỉ người Việt ở trong nước được nhà nước cộng sản hoan hỉ kỷ niệm Tháng Nhân Quyền, người Việt đi lao động hợp pháp hoặc phi pháp ở nước ngoài cũng được quan tâm không kém cạnh. Ngay từ tháng 11/2021, nhiều quốc gia Châu Âu đã bày tỏ sự phẫn nộ với việc hàng trăm lao động người Việt đang phải lao động ở một công trường xây dựng của một công ty Trung cộng tại Serbia, trong những điều kiện vô cùng tồi tệ, khốc liệt của mùa Đông ở Châu Âu. Ngày 16 tháng 12, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết bày tỏ quan ngại về cáo buộc lao động cưỡng bức khoảng 500 người Việt Nam và mong đợi chính phủ Việt Nam sẽ làm gì đó để bảo vệ công dân của họ. Chính phủ cộng sản hoàn toàn câm lặng, báo chí và phương tiện truyền thông Việt Nam hoàn toàn nín thinh… Tuyên Ngôn Nhân Quyền không tồn tại trong não bộ của họ.
Trong thế giới 4.0 như hiện nay, người ta thường nói chỉ cần một cái click chuột, người ta sẽ nhìn thấy cả thế giới xung quanh nếu muốn. Theo thống kê, Việt Nam là quốc gia có số lượng người sử dụng mạng xã hội vào top cao trên thế giới. Vậy mà phần đông những cư dân mạng đó, những vấn đề liên quan gần nhất tới quyền làm người của bản thân mình, của con cái mình thì họ hầu như thờ ơ. Người Việt Nam quan tâm tới các cuộc thi hoa hậu, tới bóng đá, tới những nghi lễ thần bí siêu nhiên, tới những nhân vật ngày đêm livestream chỉ nhằm mục đích khai thác, bới móc chuyện của người nọ, người kia mà không biết mục đích cuối cùng của họ là gì, chỉ thấy họ dẫn dắt hàng triệu con người đi theo họ một cách vô định như những con rối giản đơn.
Quan sát phản ứng của nhiều người Việt Nam trước những bất công của xã hội, trước những nỗi đau của đồng loại, trước những nguy cơ của con cháu họ trong tương lai, người ta có cảm giác như con đường nô lệ vẫn còn tiếp tục trải dài phía trước dân tộc này.
Nhân Tháng Nhân Quyền, ôn lại Tuyên Ngôn Quốc Tế Về Nhân Quyền, và ngẫm về những gì nhà nước cộng sản cũng như người dân Việt Nam đang diễn giải và đang thực thi về Nhân Quyền…
Bao giờ Việt Nam mới thực sự có Nhân Quyền? Bao giờ người Việt Nam mới có ý thức về các quyền của mình như là một công dân tự do, độc lập, và được toàn quyền quyết định cuộc sống của riêng mình… nếu như đến Tuyên Ngôn Nhân Quyền họ cũng không muốn đọc, không muốn hiểu, và không muốn chung tay hành động để biến nó thành hiện thực…?





















Bản Tuyên Ngôn gồm có 30 điều xin tạm tóm tắt lại thành những điểm chính sau:
Điều 1-2-3-4: Mọi người sinh ra đều Tự Do, Bình Đẳng, về phẩm giá và quyền lợi, được hưởng mọi quyền hạn và mọi Tự Do ghi trong bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế.
Điều 5: Không một người nào bị hành hạ, tra tấn, bị đối xử hay bị trừng phạt một cách vô nhân đạo, làm hạ phẩm cách con người.
Điều 6-7-8-9. Mọi người bình đẳng trước pháp luật, được nhìn nhận là đủ nhân cách trước pháp luật, và được pháp luật bảo vệ. Không một người nào bị bắt giam hay lưu đày vô cớ.
Điều 10-11: Vi phạm của các cá nhân phải được xử công bằng dựa trên pháp luật. Không một người nào bị buộc tội cho đến khi tòa án có đủ bằng chứng về hành vi phạm tội.
Điều 12–13-14-16: Quyền tự do di chuyển và cư ngụ bất cứ nơi nào trên đất nước họ, không ai được phép xúc phạm đời tư, nơi cư ngụ, thư từ riêng, danh dự và tên tuổi. Quyền Tự Do rời bỏ hoặc trở về xứ sở của mình, quyền tìm nơi trú ẩn và được những nước khác cho trú ẩn khi bị ngược đãi. Quyền tự do thay đổi quốc tịch. Quyền tự do kết hôn và lập gia đình.
Điều 17: Quyền tư hữu tài sản, không ai có quyền tước tài sản của họ.
Điều 18: Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng.
Điều 19-20: Quyền tự do bày tỏ ý kiến, tìm kiếm, thu nhận và truyền bá những quan niệm và ý tưởng mà không sợ bị ngăn cản. Quyền tự do hội họp, lập hội.
Điều 21: Quyền tự do tham dự vào chính quyền. Chính phủ phải do dân bầu chọn dựa trên việc bỏ phiếu định kỳ.
Điều 22: Quyền được hưởng an sinh xã hội, quyền lợi kinh tế, xã hội và văn hóa cần thiết cho sự phát triển Nhân Phẩm và nhân cách cá nhân.
Điều 23-24: Quyền tự do lựa chọn công việc, quyền hưởng mức lương để đảm bảo đời sống gia đình để sống xứng đáng với phẩm giá con người, đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc, nếu không thì phải có các phương tiện bảo trợ xã hội đảm bảo được điều đó.
Điều 25: Quyền hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc khi về về già, phụ nữ sinh con và trẻ nhỏ phải được xã hội che chở.
Điều 26: Quyền hưởng giáo dục nhằm phát triển nhân cách con người và củng cố tinh thần tôn trọng nhân quyền và tự do căn bản của những người khác. Giáo dục phải hướng tới chỗ miễn phí, ít nhất là tiểu học và căn bản.
Điều 27: Quyền tham dự vào đời sống văn hóa và được bảo vệ tác quyền.
Điều 28: Mọi người điều có quyền hưởng một nền trật tự trong phạm vi Xã Hội và Quốc Tế để những quyền Tự Do đã kể trong Bản Tuyên Ngôn này có thể thực hiện được một cách triệt để.
Điều 29: Mọi người có bổn phận với xã hội, phải tuân theo những giới hạn do luật pháp ấn định. Nhưng giới hạn này chỉ có mục đích bảo vệ sự nhìn nhận và trân trọng những đòi hỏi của luân lý, trật tự công cộng và hạnh phúc của toàn thể trong xã hội dân chủ.
Điều 30: Không được giải thích những quyền này trái với tinh thần bảo vệ con người của Liên Hiệp Quốc.
Tác Giả: Từ Liên.
22/12/2021.
One thought on “Tháng Nhân Quyền, lắng nghe nhà nước Việt cộng bàn về Nhân Quyền… Tác Giả: Từ Liên.”