Trong các trang sử của loài người không có thành phố nào huy hoàng hơn Babylon. Ngay chính tên Babylon đã gợi lên những tưởng tượng của sự phồn thịnh và tráng lệ. Lẽ tự nhiên người ta hình dung một thành phố như vậy phải được định vị ở một nơi thích hợp, thí dụ như một vùng nhiệt đới giàu có tráng lệ, chung quanh đầy ấp những tài nguyên thiên nhiên như những cánh rừng bạt ngàn và khoáng sản. Nhưng không phải vậy. Nó được định vị bên cạnh dòng sông Euphrates, ở trong một thung lũng khô cằn và bằng phẳng. Nó đã không có những cánh rừng bạt ngàn, hoặc khoáng sản — nó không có ngay cả đá để xây dựng đền đài nhà cửa. Nó cũng không được định vị trên một tuyến đường thương mại tự nhiên. Lượng mưa cũng không đủ để trồng trọt hoa màu.
Babylon là một thí dụ nổi bật của khả năng con người quyết đạt được những mục tiêu vĩ đại, sử dụng bất cứ phương tiện gì có được. Tất cả những phương tiện phục vụ thành phố to lớn này đều do con người phát triển. Sự giàu có của thành phố này đều do con người làm ra.
Babylon chỉ có hai tài nguyên thiên nhiên — đất đai màu mỡ và sông nước. Cùng với sự hoàn thành của một trong những công trình thủy lợi vĩ đại nhất vào thời đó hoặc vào những thời khác trong lịch sử, các kỹ sư của Babylon đã dẫn nước từ sông qua những đập nước và các con kênh đào thủy lợi khổng lồ. Các con kênh đào vượt qua thung lũng khô cằn dẫn nước tưới sự sống lên những cánh đồng phì nhiêu. Công trình này được liệt vào hạng kỳ công đầu tiên trong những công trình được biết đến trong lịch sử. Các mùa hoa màu bội thu là phần thưởng của hệ thống thủy lợi này, hệ thống mà thế giới chưa bao giờ biết đến trước đó.
Thật may mắn, trong thời gian tồn tại lâu dài của nó, các cuộc chinh phạt và cướp bóc của các hoàng đế thay phiên nhau trị vì Babylon có tính cách ngẫu nhiên. Mặc dù Babylon tham chiến rất nhiều, hầu hết các cuộc chiến này có tính cách địa phương hoặc tự vệ chống lại các đoàn quân viễn chinh đầy tham vọng từ những quốc gia thèm muốn của cải giàu có của Babylon. Những người trị vì đầy tài năng của Babylon được lịch sử biết đến vì sự khôn ngoan, tính cách năng động táo bạo và công bằng của họ. Babylon đã không sản sinh ra những hoàng đế kiêu kỳ vênh váo muốn đi chinh phục những vùng đất khác và buộc các quốc gia khác phải triều cống để thỏa mãn tính tự cao tự đại và ích kỷ của họ.
Thành phố Babylon nay không còn nữa. Khi mà những lực lượng nhân công đầy năng lực đã xây và bảo quản thành phố này hàng mấy ngàn năm trước rút lui, không lâu sau đó nó đã trở thành một vùng đổ nát hoang tàn. Vị trí của thành phố ở Châu Á, khoảng chừng sáu trăm dặm về phía Đông của kênh đào Suez, ngay phía Bắc của vịnh Ba Tư. Vĩ độ khoảng chừng ba mươi độ phía trên đường Xích Đạo, hầu như gần giống vị trí của thành phố Yuma, tiểu bang Arizona, Hoa Kỳ. Khí hậu của nó cũng gần giống như thành phố này, nóng và khô.
Ngày xưa thung lũng bên cạnh sông Euphrates này là một vùng nông nghiệp thủy lợi đông dân, ngày nay, nó một lần nữa trở thành vùng hoang mạc lộng gió khô cằn. Những đám cỏ lưa thưa và những bụi cây của vùng sa mạc cố gắng tồn tại trong những cơn gió cát. Những cánh đồng màu mỡ, những thành phố vĩ đại và các đoàn viễn thương giàu có nay không còn nữa. Những bộ tộc du mục người Á Rập sống bình dị và yên lành nơi đây bằng nghề chăn nuôi, họ là những cư dân duy nhất ở đây. Vùng thung lũng này đã trở thành như vậy bắt đầu từ thời Thiên Chúa Giáo.
Rải rác trong thung lũng này là những đồi đất. Trong hàng thế kỷ, các du khách xem chúng chỉ là những ngọn đồi bình thường. Cuối cùng thì những ngọn đồi này cũng thu hút được sự quan tâm của các nhà khảo cổ học vì những mảnh vụn của đồ gốm và gạch bị cuốn trôi xuống do những trận mưa bão thất thường gây ra. Những cuộc thăm dò, do các bảo tàng viện của Châu Âu và Hoa Kỳ tài trợ, đã được gửi đến đây để khai quật xem tìm được gì. Không lâu sau đó, các cuộc đào xới này đã chứng minh được những đồi đất này là những thành phố cổ. Hay đúng hơn, mồ chôn những thành phố cổ.
Babylon bị chôn vùi trong một những nấm mồ này. Khoảng gần hai mươi thế kỷ, các cơn gió đã phủ lên nó đầy bụi đất của sa mạc. Nguyên thủy được xây bằng gạch, những bức tường trần đã bị tan rã và trở về với cát bụi một lần nữa. Babylon giàu có tráng lệ của ngày xưa bây giờ là vậy đó. Một đống cát bụi, nó đã bị bỏ hoang lâu quá không một người nào biết đến ngay cả tên của nó, cho đến khi nó được phát hiện lại khi các nhà khảo cổ đã cẩn thận dọn dẹp những rác rưởi của hàng thế kỷ ra khỏi những con đường, và các tàn tích đổ nát của những đền thờ và cung điện nguy nga lộng lẫy của Babylon xưa.
Có rất nhiều khoa học gia cho rằng nền văn minh Babylon và các thành phố khác trong thung lũng này là nền văn minh cổ nhất có để lại những tài liệu rõ ràng. Những cuộc xác định niên đại đã chứng minh một cách xác thực là nền văn minh này đã có từ 8,000 năm trước. Một sự kiện lý thú được dùng để đi đến kết luận này là phương tiện được sử dụng để xác định niên đại. Tài liệu mô tả nhật thực được phát hiện trong các tàn tích đổ nát của Babylon. Các nhà thiên văn hiện đại đã dễ dàng tính được khoảng thời gian khi hiện tượng này xảy ra ở Babylon, dựa vào đó họ đã xác minh rõ ràng được mối liên hệ giữa lịch của họ và lịch của chúng ta [1].
Bằng cách này chúng ta đã chứng minh được là khoảng 8,000 năm trước, những người Sumerite, cư dân của vùng Babylonia, đã sống trong những thành phố có tường bao bọc chung quanh. Người ta chỉ có thể phỏng đoán các thành phố này đã tồn tại như thế trước đây đã hàng mấy thế kỷ rồi. Những cư dân của các thành phố này không phải chỉ là những man dân sống trong những tường thành. Họ là những người có giáo dục và văn minh. Dựa vào tài liệu lịch sử, họ đã là những kỹ sư đầu tiên, những nhà thiên văn đầu tiên, những nhà toán học đầu tiên và là dân tộc đầu tiên có chữ viết.
Trước đây chúng ta đã nói về hệ thống kênh đào đã biến vùng thung lũng khô cằn của Babylon thành thiên đàng nông nghiệp. Phế tích của những con kênh đào vẫn còn tìm thấy được, tuy nhiên, qua tháng ngày những con kênh này hầu như đầy ắp cát. Một vài con kênh này lớn đến nỗi, khi cạn nước, mười hai con ngựa có thể chạy song song dưới đáy. Về kích thước, những con kênh này so sánh dễ dàng với những con kênh đào lớn nhất ở tiểu bang Colorado và Utah, Hoa Kỳ.
Bên cạnh hệ thống thủy lợi, những kỹ sư ở Babylon cũng đã hoàn tất một công trình cùng tầm cỡ. Qua một hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, họ đã biến vùng đầm lầy bao la ở cửa sông Euphrates và Tigris thành đất canh tác.
Herodutus, du khách và sử gia Hy Lạp, đã viếng thăm Babylon vào thời cực thịnh của nó, và tài liệu ông để lại là những tài liệu duy nhất mà chúng ta biết được do người ngoài viết. Những tài liệu của ông diễn tả Babylon và một vài tục lệ khác thường của cư dân ở đây thật sống động. Ông nói đến sự màu mỡ khác thường của đất đai nơi đây và những vụ bội thu lúa mì và lúa mạch.
Vinh quang của Babylon đã mờ nhạt nhưng những kiến thức của Babylon đã được bảo tồn cho chúng ta. Về điều này chúng ta phải chịu ơn hình thức lưu trữ tài liệu của những người Babylon. Vào những ngày xa xưa đó, giấy chưa có. Thay vào đó, họ đã cực nhọc khắc văn bản, tài liệu của họ vào những phiến đất sét còn ướt. Khi hoàn tất, những phiến đất sét này được nung lên và trở thành những miếng ngói cứng. Kích thước của chúng khoảng chừng 15.228cm x 20.304cm, và dầy khoảng chừng 2.538cm.
Những văn bản đất nung, chúng được biết một cách phổ biến như vậy, được sử dụng như chúng ta sử dụng hệt thống văn bản hiện đại vậy. Họ đã khắc những truyền thuyết, thi ca, lịch sử, bản sao của những chiếu chỉ của triều đình, luật pháp, bằng khoán nhà đất, giấy hẹn nợ và cả thư từ lên những bản đất nung này. Những thư từ được những người đưa tin mang đến những thành phố xa xôi khác. Qua những văn bản đất nung chúng ta được hiểu rõ thêm về đời sống riêng tư, những công việc cá nhân của các cư dân ở đây. Thí dụ như, trên một văn bản, được công nhận là sổ sách của một chủ tiệm tạp hóa, cho chúng ta biết là vào một ngày đã được định trước, một người khách với tên họ được ghi đầy đủ đã mang đến một con bò và đổi lấy bảy bao lúa mì, ba bao được giao ngay vào lúc đó và bốn bao còn lại người khách muốn lấy lúc nào cũng được.
Chôn vùi an toàn trong các thành phố đổ nát, các nhà khảo cổ đã tìm thấy lại cả mấy thư viện chứa đầy những văn bản đất nung này, cả trăm ngàn bản.
Một trong những kỳ quan nổi bật của Babylon là những bức tường rộng bao la bọc quanh thành phố này. Những cổ dân đã xếp những bức tường này ngang hàng với Kim Tự Tháp vĩ đại của Ai Cập và thuộc vào “bảy kỳ quan của thế giới.” Hoàng hậu Semiramis được thừa nhận là người có công xây những bức tường đâu tiên vào những ngày đầu trong lịch sử của thành phố này. Các người khai quật cận đại đã không thể tìm được dấu tích của những bức tường đầu tiên kể trên. Họ cũng không xác định được độ cao chính xác của chúng. Qua những tài liệu của các tác giả thời đó, độ cao của những bức tường này được ước lượng khoảng từ 15.24m đến 18.28m, mặt ngoài của những bức tường này được xây bằng gạch nung và được bảo vệ thêm nữa bằng hào nước thật sâu.
Những bức tường sau này và nổi tiếng hơn được Hoàng Đế Nabopolassar cho xây lại khoảng sáu trăm năm trước Thiên Chúa. Ông đã lên dự án xây lại với tầm cỡ cực kỳ to lớn, ông đã băng hà trước khi công trình này hoàn thành. Con trai ông, Nebuchadnezzar, người rất được quen thuộc trong các sự kiện lịch sử được nhắc đến trong Kinh Thánh, đã hoàn tất công trình này.
Chiều cao và chiều dài của những bức tường mới này làm ta choáng người. Những nhà chuyên môn uy tín cho rằng chiều cao khoảng chừng 48.768m, tương đương với chiều cao của một tòa văn phòng hiện đại mười lăm tầng. Tổng số chiều dài được ước lượng khoảng từ 14.483km cho đến 17.702km. Nóc rộng đến mức một chiếc xe [2] sáu ngựa kéo có thể chạy quanh ở trên đó. Ngày nay tàn tích của cấu trúc khổng lồ này hầu như không còn gì, ngoại trừ những phần móng và hào nước. Bên cạnh sự tàn phá của thiên nhiên, những người Á Rập đã hoàn tất việc tàn phá bằng cách khai thác lấy gạch đi xây cất ở nơi khác.
Có nhiều quân đội bách chiến bách thắng của những kẻ đi chinh phạt thời ấy đã tiếp nhau hành quân qua tường thành Babylon. Hàng loạt các vua chúa đã bao vây đánh Babylon, nhưng lúc nào cũng thất bại. Không thể khinh thường các đội quân xâm lăng thời ấy. Các sử gia đã nói về những đơn vị có 10,000 kỵ binh, 25,000 xe ngựa, 1,2000 trung đoàn bộ binh, mỗi trung đoàn có 1,000 lính. Những cuộc xâm lăng này thường đòi hỏi hai đến ba năm chuẩn bị vật liệu chiến tranh và những trạm lương thực dọc theo đường hành quân đã được đề xuất.
Thành phố Babylon được tổ chức gần như một thành phố hiện đại. Ở đó đã có những con đường và những cửa hàng. Những người bán hàng rong bán đồ của họ trong những khu dân cư. Những thầy tu làm lễ trong những nhà thờ lộng lẫy. Trong thành phố có một khu riêng biệt dành cho những cung điện của hoàng gia. Những bức tường chung quanh khu này được cho là cao hơn những bức tường ở những nơi khác trong thành phố.
Những người Babylon rất giỏi về các ngành thủ công nghệ. Thí dụ như điêu khắc, họa, dệt, làm nữ trang và vật dụng bằng vàng, vũ khí kim loại và các nông cụ khác. Những người thợ kim hoàn ở đây đã làm ra những món đồ bằng kim cương mỹ thuật nhất. Có rất nhiều đồ kim cương này được tìm thấy trong mộ của những cư dân giàu có và bây giờ đang được trưng bày trong các bảo tàng viện đứng đầu thế giới.
Vào những ngày đầu trong lịch sử của vùng này, trong khi những chủng tộc khác trên thế giới còn chặt cây bằng rìu đá, hoặc đi săn và đánh nhau bằng giáo và tên có mũi đá, những người Babylon đã sử dụng rìu, giáo và tên bằng kim loại.
Những người Babylon là những nhà tài chánh và thương nhân thông minh. Trong phạm vi hiểu biết của chúng ta, họ là những người đầu tiên phát minh ra tiền để sử dụng như một phương tiện dùng để trao đổi, giấy hẹn nợ và văn bản bằng khoán nhà đất.
Chưa có quân đội thù nghịch nào vào được Babylon cho đến khoảng 540 năm trước Thiên Chúa giáng sinh. Ngay cả lúc đó những bức tường này cũng không bị thất thủ. Chuyện Babylon bị thất bại thật khác thường. Cyrus, một trong những người chinh phạt nổi tiếng của thời bấy giờ, đã dự định tấn công thành phố và đã hy vọng hạ được những bức tường kiên cố của Babylon. Các tham mưu của Nabonidus, Hoàng Đế Babylon lúc ấy, đã thuyết phục ông tiến đánh Cyrus chứ không chờ cho đến khi thành phố bị bao vây. Quân đội Babylon đã chạy khỏi thành phố, sau khi bị thất trận. Cyrus, ngay sau đó, đã vào thành phố qua những chiếc cổng mở rộng và chiếm đoạt thành phố này mà không gặp sự kháng cự nào cả.
Sau đó thì quyền lực và uy thế của thành phố này từ từ suy tàn cho đến khi, chỉ trong vòng vài trăm năm, cuối cùng thì nó bị bỏ hoang, dân cư bỏ đi nơi khác, không được chăm sóc gió cát và bão tố đã biến nó thành đất sa mạc một lần nữa ở tại nơi mà ngày xưa nó đã được xây dựng thật nguy nga hùng vĩ. Babylon đã suy tàn, không bao giờ được khôi phục lại một lần nữa, nhưng văn minh nhân loại phải chịu ơn Babylon thật nhiều.
Hàng niên kỷ trôi qua đã nghiền thành cát bụi những đền thờ uy nghi, nhưng kiến thức của Babylon sẽ vẫn mãi tồn tại.
[1] Dương lịch của Tây Phương. Chú thích của người dịch.
[2] Dịch chữ chariot. Xe hai bánh không mui, do ngựa kéo. Được dùng làm phương tiện di chuyển, và dùng trong chiến tranh vào thời đó. Trong sách này, xe và xe ngựa được dùng dịch chữ chariot. Chú thích của người dịch.