Người Cho Vay Vàng Ở Babylon

Năm mươi đồng tiền vàng! Chưa bao giờ Rodan, người làm giáo ở Babylon xưa, có nhiều tiền như vậy trong túi ông ta. Ông rời cung điện của vị Hoàng Đế hào phóng với những bước chân tràn đầy hạnh phúc. Những đồng tiền vàng khua vào nhau lẻng kẻng với mỗi bước ông đi — bản nhạc ngọt ngào nhất mà ông chưa bao giờ được nghe.

Năm mươi đồng tiền vàng! Của ông tất cả! Ông chỉ vừa mới cảm nhận được vận may của mình. Tiếng kêu leng keng của những miếng kim loại này có sức mạnh như thế nào đấy. Chúng có thể mua cho ông tất cả những thứ ông hằng mong ước, một ngôi nhà tráng lệ, đất đai, gia súc, những con lạc đà, những con ngựa, những chiếc xe, bất cứ thứ gì ông thích.

Ông phải sử dụng chúng vào việc gì đây? Buổi chiều hôm nay khi ông rẽ vào con đường nhỏ dẫn đến nhà của chị ông, ông không muốn có thứ gì ngoài những đồng tiền vàng nặng trĩu, sáng lấp lánh — do ông làm chủ.

Vào buổi chiều của mấy ngày sau, ông, Rodan, đang bối rối, vào cửa hiệu của ông Mathon, người cho vay vàng cùng buôn bán kim cương và lụa quý hiếm. Không để ý đến các hàng hóa đầy màu sắc được trưng bày thật nghệ thuật ở hai bên, Rodan đi vào nhà ở phía sau cửa hiệu. Tại đấy ông gặp ông Mathon thượng lưu đang ngồi uể oải trên thảm và đang ăn tối do một nô lệ da đen hầu hạ.

“Tôi muốn xin ý kiến của ông vì tôi không biết phải làm gì.” Rodan đứng nghiêm chỉnh, hai chân dạng ra, bộ ngực lông lá lộ ra đằng sau đường chẻ trước ngực của áo da.

Khuôn mặt hẹp, ngắn của Mathon hiện ra nụ cười chào thân thiện. “Ông đã làm gì bậy bạ mà phải tìm đến người cho vay vàng? Ông đã gặp vận rủi khi bài bạc? Hay là ông lăng nhăng với một người đàn bà mủm mỉm nào đó? Trong rất nhiều năm tôi biết ông, ông chưa bao giờ cần đến sự giúp đỡ của tôi.”

“Không, không. Không có chuyện như vậy đâu. Tôi không cần vàng. Nhưng tôi thật đang cần lời khuyên sáng suốt của ông.”

“Thật à! Thật à! Ông nói thật à! Không có người nào tìm đến kẻ cho vay vàng xin lời khuyên cả. Chắc tai tôi nghe lầm.”

“Ông nghe đúng đó.”

“Có thật không? Rodan, người làm giáo, khôn ngoan hơn những người khác, vì ông tìm đến Mathon, không vì vàng, mà vì lời khuyên. Có rất nhiều người tìm đến tôi để mượn vàng trả nợ cho những việc làm ngu xuẩn của họ, nhưng họ không bao giờ nghe tôi khuyên bảo. Nhưng ai có thể cố vấn họ hữu hiệu hơn là người cho vay vàng, người mà có rất nhiều người khác tìm đến khi họ gặp khó khăn?”

“Ông sẽ ăn tối với tôi, Rodan ạ,” ông tiếp tục. “Ông sẽ là khách của tôi trong buổi tối hôm nay. Ando!” ông ra lệnh cho người nô lệ da đen, “trải một tấm thảm khác cho bạn ta, Rodan, người làm giáo, đã đến yêu cầu ta cố vấn. Ông ấy sẽ là người khách danh dự của ta. Mang đến cho ông ấy thật nhiều đồ ăn, và lấy cho ông ấy cái ly lớn nhất của ta. Hãy chọn rượu ngon nhất để ông ấy được thỏa mãn khi uống.”

“Bây giờ hãy nói cho tôi biết ông đang lo lắng chuyện gì?”

“Quà tặng của Hoàng Đế.”

“Quà tặng của Hoàng Đế à? Hoàng Đế tặng quà cho ông và món quà này đã làm ông lo lắng? Quà gì vậy?”

“Vì Hoàng Đế rất vừa lòng với kiểu mới của ngọn giáo cho đội ngự lâm quân mà tôi dâng lên, Hoàng Đế đã ban cho tôi năm mươi đồng tiền vàng, và bây giờ tôi thật bối rối.”

“Cứ mỗi khi mặt trời còn đi ngang qua bầu trời, những người thân của tôi cứ nài nỉ tôi chia sẻ với họ.”

“Đó là điều tự nhiên. Có rất nhiều người muốn có vàng hơn là có được vàng, và họ ước rằng những người nào kiếm được vàng sẽ dễ dàng chia với họ. Nhưng ông có thể từ chối họ được không? Ý chí của ông không mạnh hơn nắm tay ông à?”

“Tôi có thể từ chối rất nhiều người, nhưng cũng có lúc đỡ bị phiền toái hơn nếu cho họ cho xong chuyện. Ai có thể khước từ không cho chị của mình, người mà anh ta hết lòng thương yêu?”

“Nhưng chắc chắn là chị của ông không muốn lấy đi phần thưởng của ông.”

“Nhưng chị ấy muốn mượn tiền cho Araman, chồng chị, chị muốn anh ấy trở thành một thương nhân giàu có. Chị cho rằng anh ấy chưa bao giờ được cơ hội và chị ấy nài nỉ tôi cho ảnh mượn số tiền vàng này, để anh ấy có thể trở thành một thương nhân khá giả và trả lại cho tôi từ tiền lời của anh ấy.”

“Ông bạn ơi,” Mathon nói tiếp, “đây là vấn đề đáng để chúng ta thảo luận. Bạc vàng mang lại cho chủ của chúng trách nhiệm, và thay đổi địa vị của chủ chúng giữa bạn bè của anh ta. Nó mang lại nỗi sợ hãi là anh ta sẽ làm mất nó, hoặc là anh ta sẽ bị người khác gạt lấy mất. Nó mang lại cảm giác có quyền hành và phương tiện làm những việc tốt. Tương tự như thế, vàng bạc mang lại những cơ hội mới, mà qua đó những ý định tốt đẹp của anh ta có thể sẽ làm cho anh ta vướng phải khó khăn.”

“Ông đã được nghe chuyện người nông dân ở Nineveh hiểu được ngôn ngữ của thú vật chưa? Tôi không biết đây có phải là chuyện nên kể trong lúc ăn uống hay không. Tôi sẽ kể chuyện này cho ông nghe, để qua đó ông biết là có rất nhiều vấn đề khác trong việc đi vay, và cho vay chứ không phải chỉ đơn thuần là chuyển vàng từ tay người này sang tay người khác.”

“Ông nông dân này, ông ta hiểu được các con vật nói gì với nhau, cứ mỗi buổi chiều ông nấn ná lại chuồng gia súc để nghe chúng nói chuyện. Một buổi chiều nọ ông đã nghe con trâu than thân trách phận với con lừa về nỗi cực nhọc của nó: ‘Tôi phải kéo cày cực nhọc từ sáng đến chiều. Bất kể trời nóng, chân mõi, cày cứa cổ, tôi vẫn phải kéo cày. Anh thì thật là sung sướng. Người ta choàng lên vai anh một tấm vải sặc sỡ màu sắc, và anh không làm gì hơn là chở ông chủ đi công chuyện mỗi khi ông ấy muốn đi. Khi ông chủ không đi đâu anh được nghĩ ngơi và ăn cỏ non suốt ngày.’”

“Con lừa, mặc dù rất hung hăng hay đá gót, là một đứa tốt bụng và rất thương cảm cho con trâu. ‘Anh bạn tốt ạ,’ nó trả lời, ‘anh làm việc nặng nhọc vất vả và tôi sẽ giúp anh giảm nhẹ công việc của anh. Do đó tôi sẽ nói cho anh biết làm cách nào để anh có thể có một ngày nghỉ ngơi. Vào buổi sáng khi mà người nô lệ đến dắt anh ra đồng, hãy nằm xuống đất và rống lên thật nhiều, nó có thể báo lên ông chủ là anh bị bệnh không đi cày được.’”

“Và con trâu đã làm theo lời khuyên của con lừa, buổi sáng hôm sau người nô lệ quay vào nhà, và nói với ông nông dân là con trâu bị bệnh và không thể đi cày được.”

“‘Vậy thì,’ ông nông dân nói, ‘hãy dẫn con lừa đi cày, vì chuyện cày cấy không thể ngưng ngang được.’”

“Nguyên ngày hôm đó con lừa, chỉ có ý định giúp bạn của nó, bị bắt buộc phải cày thay cho con trâu. Khi đêm về và nó được cho ngưng cày, trong lòng nó tràn đầy cay đắng, chân nó mệt mõi, và cổ nó đau nhức vì bị cày nghiến vào.”

“Ông nông dân lãng vãng gần chuồng để nghe chúng nói chuyện.”

“Con trâu nói trước. ‘Anh là bạn tốt của tôi. Nhờ lời khuyên khôn ngoan của anh mà ngày hôm nay tôi được một ngày nghỉ ngơi thoải mái.’”

“‘Và tôi,’ con lừa vặn lại, ‘cũng như bao đứa suy nghĩ đơn giản khác, chỉ muốn giúp bạn mình và cuối cùng thì phải làm việc thay cho bạn mình. Bắt đầu từ bây giờ thì tự anh phải đi cày, vì tôi nghe ông chủ bảo với người nô lệ đưa anh đi bán thịt nếu anh bị bệnh lần nữa. Tôi ước là ông ấy làm thật, vì anh là một tên lười biếng.’ Sau đó thì chúng không nói chuyện với nhau nữa — tình bạn của chúng bị chuyện này cắt đứt. Ông có thể rút ra được bài học từ câu chuyện này không, Rodan?”

“Đó là câu chuyện hay,” Rodan trả lời, “nhưng tôi không thấy bài học nào cả.”

“Tôi đã nghĩ như vậy. Nhưng có bài học trong câu chuyện này và bài học cũng đơn giản. Chỉ là như vầy thôi: Nếu như ông muốn giúp bạn mình, thì hãy giúp, nhưng đừng gánh lấy những phiền toái của bạn mình.”

“Tôi đã không nghĩ đến điều đó. Đó là một bài học khôn ngoan. Tôi không muốn gánh lấy những khó khăn của anh rễ tôi. Nhưng hãy nói cho tôi biết. Ông cho rất nhiều người vay vàng. Họ không trả lại cho ông à?”

Mathon nở nụ cười từng trải kinh nghiệm. “Nếu người đi vay không thể trả được thì người cho vay có thể nào là người cẩn thận được? Có phải là người cho vay bắt buộc phải sáng suốt, và xét đoán cẩn thận liệu vàng của ông ta có được người đi vay sử dụng hiệu quả, và sau đó trả lại cho ông ta; hoặc liệu nó có bị lãng phí do không được sử dụng sáng suốt, và người cho vay bị mất của, và người đi vay bị món nợ mà ông ta không thể trả được? Tôi sẽ cho ông xem những vật thế chân trong rương của tôi, và kể cho ông nghe những câu chuyện của chúng.”

Ông mang vào phòng một cái rương dài khoảng bằng cánh tay ông, miếng da heo màu đỏ phủ phía trên, và được trang trí với những vật dụng bằng đồng. Ông đặt nó xuống sàn và ngồi xổm xuống trước cái rương, hai tay ông để lên nắp rương.

“Với mỗi người mà tôi cho vay, tôi đòi hỏi họ phải đưa cho tôi một vật thế chân, và tôi cất vào rương này, tôi sẽ giữ nó lại đây cho đến khi món nợ được trả hết. Khi họ trả hết nợ tôi sẽ hoàn vật thế chân lại, nhưng nếu họ không bao giờ trả nợ thì vật thế chân của họ sẽ luôn luôn nhắc tôi nhớ đến người đã không trung tín với sự tín nhiệm của tôi.”

“Những món nợ an toàn nhất, cái rương đựng đồ thế chân này cho tôi biết, là của những người mà tài sản của họ có giá trị hơn cái họ muốn. Họ có đất đai, hoặc kim cương, hoặc lạc đà, hoặc những vật khác mà họ có thể bán đi để trả nợ. Một vài vật thế chân bỏ lại cho tôi có giá trị hơn tiền họ vay. Những người khác hứa rằng nếu họ không thể trả nợ như đã đồng ý, thì họ sẽ chuyển nhượng một tài sản được định trước cho tôi. Với những món nợ như vậy, tôi yên tâm là vàng tôi cho vay sẽ được hoàn lại cùng với tiền lời, bởi vì món nợ được dựa trên tài sản.”

“Một loại khác nữa là những người có khả năng làm ra tiền. Họ là những người như ông vậy, họ được trả lương khi đi làm. Họ có thu nhập, và nếu như họ là người thành thực, và bị vận rủi ám, tôi biết là họ có thể hoàn lại vàng đã mượn của tôi và số tiền lời mà tôi được quyền đòi hỏi. Những món nợ này được dựa trên sức lực của con người.”

“Hạng khác nữa là những người không có tài sản, mà cũng không có khả năng làm ra tiền đều đặn. Cuộc sống thật khó khăn, và sẽ luôn có những người không bao giờ thích nghi được. Trời ạ, những món nợ mà tôi cho họ vay, mặc dù chúng không nhiều hơn một xu, cái rương chứa vật thế chân của tôi sẽ chỉ trích tôi trong hàng năm tới, trừ phi người đi vay được những người bạn đàng hoàng bảo lãnh, những người bạn này biết ông ta là người trọng danh dự.”

Mathon tháo móc rương và mở nắp ra. Rodan háo hức chồm tới trước.

Trên cùng hết là vòng đeo cổ bằng đồng nằm trên một miếng vải màu đỏ. Mathon cầm nó lên và vỗ nhè nhẹ thật trìu mến. “Cái này sẽ mãi mãi ở lại đây vì chủ nó đã qua đời đi vào bóng tối mênh mông rồi. Tôi quý trọng nó, vật thế chân của ông ấy, và tôi quý trọng những kỷ niệm với ông ấy; vì ông ấy là bạn thân của tôi. Chúng tôi đã cùng nhau buôn bán thật khấm khá, cho đến khi ông ấy cưới một người đàn bà ở phương Đông, xinh đẹp, nhưng không giống như phụ nữ của chúng ta. Một sinh vật đẹp lộng lẫy. Ông ấy đã tiêu vàng thật hào phóng để thỏa mãn những ham muốn của cô ấy. Ông ấy đau khổ đến với tôi khi ông ấy mất sạch toàn bộ số vàng của mình. Tôi đã bàn bạc cùng với ông ấy. Tôi bảo với ông ấy là tôi sẽ giúp ông ấy gây dựng lại tài sản của ông ấy một lần nữa. Nhân danh Đại Ngưu ông ấy thề là sẽ gây dựng lại cơ đồ của mình. Nhưng ông ấy đã không giữ được lời thề của mình. Trong một lần gây lộn, vợ ông ấy đã dùng dao đâm xuyên qua tim ông ấy khi ông ấy thách cô ta đâm.”

“Và cô ta?” Rodan hỏi.

“Vật này là của cô ấy.” Ông cầm miếng vải màu đỏ lên. “Hối hận khôn nguôi cô ấy đã gieo mình xuống sông Euphrates. Hai món nợ này sẽ không bao giờ được trả. Rodan ạ, cái rương này sẽ nhắc nhở ông con người lúc bị dằn dật vì những xúc cảm mãnh liệt thì họ nguy hiểm không an toàn đối với người cho vay vàng.”

“Đây này! Cái này thì khác hẳn.” Ông vói lấy một chiếc nhẫn được tạc băng xương trâu. “Chiếc nhẫn này của một người nông dân. Tôi mua thảm do những người phụ nữ trong gia đình ông ta dệt. Dịch châu chấu đã phá hoại mùa màng, và họ không còn thực phẩm để sống. Tôi đã giúp ông ta và sau mùa thu hoạch của năm sau ông ấy đã trả cho tôi đầy đủ. Sau đó ông ta đến đây một lần nữa và kể cho tôi nghe về một loại dê lạ ở một địa phương xa xăm nào đó do một du khách kể lại. Lông của chúng thật dài, nhuyển và mềm sẽ tạo thành những tấm thảm thật đẹp mà Babylon chưa bao giờ được thấy. Ông ta muốn mua loại dê này nhưng ông ta không có tiền. Vì vậy tôi đã cho ông ta mượn tiền đi mua những con dê đó. Năm tới ông ta có thể lấy lông của chúng rồi. Và tôi sẽ làm cho các nhà quý tộc ở Babylon thích thú với những tấm thảm đắt giá nhất mà họ may mắn được mua. Một ngày gần đây tôi sẽ phải trả chiếc nhẫn này lại. Vì ông ấy nhấn mạnh là sẽ trả nợ đúng hạn.”

“Có những người mượn nợ trả đúng hẹn à?” Rodan nghi ngờ hỏi.

“Nếu như họ mượn tiền để kiếm thêm tiền, thì tôi thấy họ thường trả đúng hẹn. Nhưng nếu như họ vay mượn vì sự bừa bãi của họ, tôi báo ông trước là ông phải cẩn thận, nếu như ông muốn lấy lại vàng của mình một lần nữa.”

Cầm lấy một chiếc vòng đeo tay thật nặng bằng vàng nạm kim cương trang trí hiếm hoi. “Xin kể cho tôi nghe về cái này,” Rodan yêu cầu.

“Ông bạn quý của tôi mê đàn bà,” Mathon đùa.

“Tôi vẫn còn trẻ hơn ông nhiều mà,” Rodan cãi.

“Tôi biết mà, nhưng lần này không có chuyện lãng mạng như ông nghi ngờ đâu. Chủ của nó là một bà mập phị nhăn nheo, lắm mồm lắm miệng làm cho tôi điên đầu. Xưa kia họ có nhiều tiền và là những khách hàng đàng hoàng, nhưng họ đã gặp vận rủi. Bà ấy có một đứa con trai, và bà ta muốn nó trở thành một thương nhân. Vì vậy bà ta đã đến gặp tôi và vay vàng để nó có thể trở thành một người cộng sự với một thương nhân viễn thương, dùng lạc đà đi mua hàng hóa ở thành phố này và bán lại ở thành phố khác.”

“Tên nhà buôn kia là một thằng côn đồ, và nó đã bỏ thằng bé tội nghiệp ở một thành phố xa lạ không có tiền bạc và bạn bè, nó đã bỏ trốn khi thằng bé còn ngủ. Có thể khi thằng bé trưởng thành, nó sẽ trả nợ; từ bây giờ cho đến lúc đó tôi không nhận được đồng lời nào — chỉ nhận được những lời nói dông dài vô tận. Nhưng tôi thừa nhận là những viên kim cương thích đáng với món nợ.”

“Bà ấy có hỏi ý kiến ông là có nên mượn nợ hay không?”

“Hoàn toàn ngược lại. Bà ta đã tưởng tượng ra đứa con trai của bà là một người giàu có đầy quyền lực ở Babylon. Nói trái ý bà ta sẽ làm cho bà ấy nổi khùng. Tôi bị phản đối kịch liệt. Tôi biết là rủi ro sẽ xảy đến với thằng bé không kinh nghiệm này, nhưng bà ấy đã đưa ra vật thế chấp, nên tôi không thể từ chối bà ta.”

“Cái này,” Mathon nói tiếp, vung vẩy một cuộn dây thừng đã được cột thành chùm, “của Nebatur, người buôn lạc đà. Khi ông ấy cần mua nhiều hơn vốn mà ông ta có, ông ta mang chùm dây này lại cho tôi, và tôi cho ông ấy vay số tiền ông ta cần. Ông ta là một thương nhân khôn ngoan. Tôi tin tưởng vào khả năng phán đoán khôn ngoan của ông ta, và tôi có thể cho ông ta mượn tiền rất thoải mái. Tôi tin tưởng vào khả năng của rất nhiều thương nhân Babylon khác, vì họ cư xử rất danh dự. Họ đưa cho tôi vật thế chân và lấy lại rất thường xuyên. Các thương nhân tài giỏi là tài sản quý báo của thành phố chúng ta. Tôi được lợi khi giúp đỡ họ làm cho công việc buôn bán được trôi chảy, và do đó Babylon được thịnh vượng.”

Mathon lấy con bọ bằng ngọc lam ra và khinh bỉ liệng nó lên sàn. “Côn trùng từ Ai Cập. Thằng chủ của con bọ này không thiết gì đến chuyện trả vàng lại cho tôi. Khi tôi trách nó, thì nó trả lời, ‘Làm sao tôi có thể trả nợ được khi tôi luôn gặp vận rủi? Ông có nhiều quá mà.’ Tôi có thể làm được gì? Vật thế chân của cha nó — một người đàng hoàng nhưng không giàu có, ông đã thế chấp đất đai và gia súc của mình để hỗ trợ việc kinh doanh của nó. Nó thành công lúc đầu, và sau đó thì nó đã quá hấp tấp muốn làm giàu to. Kiến thức của nó chưa vững chắc. Công việc kinh doanh của nó thất bại.”

“Tuổi trẻ thường đầy tham vọng. Người trẻ tuổi sẽ đi đường tắt để được giàu có, và để có được những gì mà họ khao khát. Để làm giàu nhanh chóng người trẻ tuổi thường không sáng suốt trong việc vay mượn. Tuổi trẻ, vì chưa bao giờ có kinh nghiệm, không cảm nhận được là những món nợ không trả được giống như một cái hố sâu mà họ rớt xuống thật nhanh chóng, và họ sẽ phải vật lộn vô hiệu quả trong khoảng thời gian dài. Nó là cái hố thẳm của ưu sầu và luyến tiếc, ở nơi đó ánh sáng mặt trời thật u ám và buổi tối đầy phiền muộn vì giấc ngủ chập chờn. Tuy nhiên, tôi không ngăn cản việc vay vàng. Tôi khuyến khích nó. Tôi ủng hộ việc vay vàng nếu như nó được sử dụng cho các mục đích khôn ngoan. Khi bắt đầu buôn bán, bản thân tôi đã sử dụng vàng vay mượn và đạt được thành công thật sự đầu tiên.”

“Tuy nhiên, người cho vay phải làm gì trong trường hợp này? Thằng nhỏ này đang trong trạng thái tuyệt vọng và không thành đạt. Nó đang chán nản trong lòng. Nó không có nổ lực nào để trả nợ. Tôi buồn rầu khi phải xiết đất đai và gia súc của cha nó.”

“Tôi rất thích thú nghe những chuyện vừa rồi,” Rodan đánh bạo nói, “nhưng câu hỏi của tôi vẫn chưa được trả lời. Tôi có nên cho anh rễ tôi mượn năm mươi đồng tiền vàng hay không? Đối với tôi khoản tiền này lớn lắm.”

“Chị của ông là người giỏi giang và tôi quý trọng bà ấy lắm. Nếu như chồng bà ấy đến gặp tôi và hỏi mượn năm mươi đồng tiền vàng tôi sẽ hỏi ông ấy mượn để sử dụng vào mục đích gì?”

“Nếu như ông ấy trả lời là muốn trở thành một thương nhân như tôi, buôn bán kim cương và những thiết bị nhà cửa đắt tiền. Tôi sẽ hỏi, ‘ông biết gì về buôn bán? Ông có biết chỗ mua hàng với giá rẻ nhất không? Ông có biết chỗ để bán với giá được nhất không?’ Ông ấy có thể trả lời ‘Biết’ cho những câu hỏi này hay không?”

“Không, anh ấy không thể trả lời như vậy,” Rodan thừa nhận. “Anh ấy thường xuyên giúp tôi làm giáo, và anh ấy cũng giúp tôi trong xưởng của tôi.”

“Vậy thì, tôi sẽ bảo ông ấy là ý định của ông ta không được khôn ngoan. Thương nhân phải học cách buôn bán hàng hóa của họ. Mặc dù tham vọng của ông ấy chính đáng, nhưng không thực tế, và tôi sẽ không cho ông ta mượn chút vàng nào cả.”

“Nhưng, giả sử như anh ấy bảo: ‘Vâng, tôi đã phụ giúp các nhà buôn trước đây lâu rồi. Tôi biết đường đi đến Smynar và mua những tấm thảm do các bà nội trợ ở đó dệt với giá rẽ. Tôi cũng biết rất nhiều người giàu có ở Babylon, và tôi có thể bán cho họ với tiền lời thật cao.’ Lúc đó tôi sẽ nói: ‘Ý định của ông khôn ngoan và tham vọng của ông chính đáng. Tôi sẽ vui vẻ cho ông vay năm mươi đồng tiền vàng, nếu như ông có thể giao cho tôi vật thế chấp để bảo đảm là ông sẽ hoàn vàng lại cho tôi.’ Nhưng nếu ông ấy bảo, ‘Tôi không có vật thế chấp nào ngoại trừ tôi là người trọng danh dự, và tôi sẽ trả nợ đàng hoàng.’ Lúc đó tôi sẽ trả lời, ‘tôi rất quý vàng của tôi. Nếu như bọn cướp trấn lột vàng trên đường ông đi đến Smyrna, hoặc chúng cướp đi những tấm thảm trên đường ông trở về, thì lúc đó ông không có cách nào để trả nợ, và tôi sẽ mất vàng.’”

“Vàng, ông thấy đó, Rodan ạ, chính là hàng hóa của người cho vay. Cho vay thật dễ. Nếu cho vay không đúng chỗ thì lấy lại sẽ rất khó khăn. Người cho vay không muốn bị những nguy cơ mất tiền khi cho vay, nhưng muốn được bảo đảm là tiền sẽ được trả lại.”

“Giúp đỡ những người gặp khó khăn là điều tốt,” ông nói tiếp, “giúp đỡ những người mà số phận đã bạc đãi họ là điều tốt. Giúp đỡ những người mới bắt đầu để họ có cơ hội tiến triển trở thành những công dân hữu ích là điều tốt. Nhưng khi giúp đỡ phải sáng suốt, đừng để như con lừa của ông nông dân kia, vì muốn giúp đỡ người khác chúng ta chuốc lấy gánh nặng của họ.”

“Một lần nữa tôi đã lan man không trả lời câu hỏi của ông, Rodan, nhưng hãy lắng nghe câu trả lời của tôi: Giữ năm mươi đồng tiền vàng của ông. Ông cố làm việc cực nhọc để có được phần thưởng đó. Nó là của ông, và không có người nào có quyền bắt buộc ông phải chia sẻ với họ trừ khi ông muốn. Nếu ông muốn dùng nó cho vay để sinh lợi, thì hãy cho vay thật cẩn thận và cho nhiều người khác nhau vay. Tôi không thích vàng nằm im trong túi, nhưng tôi thích sự mạo hiểm còn ít hơn nữa.”

“Ông vất vả làm giáo đã bao nhiêu năm rồi?”

“Ba năm ròng.”

“Ngoài số tiền thưởng của Hoàng Đế ra ông để dành được bao nhiêu?”

“Ba đồng tiền vàng.”

“Mỗi năm ông làm việc cực nhọc vất vả và nhịn tất cả mọi thứ mà ông thích ông chỉ để dành được một đồng tiền vàng?”

“Đúng như ông nói.”

“Như vậy để có được năm mươi đồng tiền vàng, ông phải làm việc cật lực vất vả nhịn tất cả mọi thứ trong vòng năm mươi năm?”

“Thật là một đời làm việc khổ sai.”

“Ông có nghĩ là chị ông muốn làm tiêu tan tiền ông dành dụm được trong năm mươi năm làm việc cực nhọc chỉ vì chồng bà ấy muốn thử trở thành một thương nhân?”

“Không, nếu như tôi lập lại lời ông.”

“Vậy thì hãy đến gặp bà ấy và nói: ‘Đã ba năm rồi em làm việc cực khổ mỗi ngày ngoại trừ những ngày lễ, từ sáng đến chiều, và em đã nhịn rất nhiều thứ mà em thích. Cứ mỗi năm làm việc cực khổ và nhín nhút, em chỉ để dành được có một đồng tiền vàng thôi. Mặc dù em thương chị lắm, và muốn chồng chị có một doanh nghiệp để anh ấy phát đạt giàu có. Nếu anh ấy có thể đưa cho em một dự án mà bạn của em, ông Mathon, thấy có vẻ như là khôn ngoan và có thể thực hiện được, thì em sẽ vui vẻ cho anh ấy vay tiền em để dành được trong cả một năm để anh ấy có cơ hội chứng minh là anh ấy có thể thành công.’ Hãy nghe tôi, làm như vậy đi, và nếu như anh ấy có chí thành công, anh ta sẽ chứng minh được. Nếu như anh ta thất bại, anh ta chỉ nợ ông một số tiền nhỏ mà ông ta có hy vọng trả được vào một ngày nào đó.”

“Tôi là người cho vay vàng vì tôi có nhiều vàng hơn tôi cần để buôn bán. Tôi muốn vàng của tôi được những người khác sử dụng để làm ra nhiều vàng hơn. Tôi không muốn mạo hiểm đánh mất vàng mà tôi đã làm việc cực nhọc và đã nhín nhút thật nhiều để có được. Do đó, tôi sẽ không cho vay dù là bao nhiêu, nếu như tôi không tin là nó sẽ không bị mất và sẽ được hoàn lại cho tôi. Tôi cũng sẽ không cho vay nếu như tôi không được thuyết phục là tiền lời sẽ được trả cho tôi đúng hẹn.”

“Tôi đã kể cho ông nghe, Rodan ạ, một vài bí mật của cái rương đựng đồ thế chân của tôi. Từ đó ông có thể hiểu được sự yếu đuối của con người, và họ rất thích mượn tiền dù cho không biết chắc chắn làm sao để trả lại. Từ đó ông có thể thấy được thường thì họ chỉ có hy vọng làm được rất nhiều tiền lời, họ không làm được gì đâu, đó chỉ là những hy vọng hão huyền, vì họ không có khả năng và không ai chỉ dạy cả.”

“Rodan ạ, bây giờ ông có vàng, ông nên sử dụng nó để làm ra nhiều vàng hơn cho ông. Ông sắp sửa trở thành, thậm chí như tôi, người cho vay vàng. Nếu như ông thận trọng giữ gìn tài sản của ông, nó sẽ mang lại cho ông rất nhiều tiền lời, và nó sẽ là nguồn vui vô hạn và là lợi nhuận cho ông sống suốt đời. Nếu như ông làm mất nó, thì suốt đời ông sẽ buồn khổ và ân hận.”

“Ông muốn làm gì nhất với số tiền vàng trong túi ông?”

“Giữ gìn nó cẩn thận.”

“Khôn ngoan,” Mathon đồng tình trả lời. “Ông muốn trước nhất là giữ gìn nó an toàn. Ông hãy suy nghĩ kỹ lại trong tay anh rễ ông nó có được an toàn thật sự hay không?”

“Tôi nghĩ là không, vì anh ấy không sáng suốt trong việc giữ gìn tiền bạc.”

“Vậy thì đừng để bị ảnh hưởng bởi những tình cảm ngớ ngẩn mà nghĩ rằng mình có bổn phận phải đưa vàng cho ai cả. Nếu ông muốn giúp đỡ bạn bè hoặc gia đình, tìm cách khác chứ đừng để mất tài sản của mình. Đừng quên rằng đối với những người không có khả năng giữ gìn vàng bạc, họ làm mất nó trong những trường hợp thật bất ngờ. Nếu vậy thì ông nên tiêu xài hoang phí cho mình hơn là để người khác làm mất nó.”

“Sau việc giữ gìn nó an toàn ông muốn làm gì nữa?”

“Dùng nó sinh lợi làm ra nhiều vàng hơn.”

“Một lần nữa ông suy nghĩ sáng suốt. Nó phải được dùng để sinh lợi và tăng tiền vốn lên. Nếu như ông cho vay khôn ngoan, vốn của ông thậm chí có thể tăng gấp đôi do tiền lời, trước khi một người ở tuổi ông trở thành già nua. Nếu như ông làm mất vàng ông đang có, ông làm mất luôn số tiền lời nó sẽ mang lại cho ông.”

“Do đó, đừng để bị ảnh hưởng bởi dự án ngông cuồng của những người không thực tế, những người nghĩ là họ biết cách làm ra nhiều tiền hơn bình thường với vàng của ông. Những dự án như vậy chỉ là tác phẩm của những người mộng mơ, không biết gì về buôn bán cả. Hãy dè dặt khi ước lượng số tiền lời nó mang lại mà ông có thể giữ và hưởng thụ. Mang nó cho vay với sự hứa hẹn là có được tiền lời rất cao là mời gọi sự mất mát. Hãy đi tìm và liên kết với những người và những doanh nghiệp đã thành công để vàng của ông sinh lợi nhiều, và được giữ gìn an toàn dưới sự quản lý khôn ngoan và kinh nghiệm của họ.”

“Có như vậy ông mới tránh được những điều không may xảy đến với những người mà các Thần Linh không tin tưởng giao phó vàng cho họ.”

Khi Rodan cám ơn ông đã cho những lời khuyên bảo sáng suốt, ông lắng nghe và nói, “món quà của Hoàng Đế sẽ dạy cho ông thật nhiều kinh nghiệm. Để giữ gìn được năm mươi đồng tiền vàng này ông phải thật cẩn thận. Ông sẽ bị cám dỗ sử dụng chúng vào việc này việc kia. Ông sẽ phải nghe rất nhiều lời khuyên. Sẽ có rất nhiều cơ hội làm ra thật nhiều tiền được mang đến cho ông. Câu chuyện của những vật thế chấp trong rương của tôi đã báo cho ông biết trước rồi, trước khi một đồng tiền nào rời hầu bao của ông, ông phải có cách chắc chắn lấy nó lại một lần nữa. Nếu như ông còn thích nghe lời khuyên của tôi nữa, hãy trở lại đây. Tôi sẽ vui vẻ chỉ bảo cho ông.”

“Trước khi đi ông hãy đọc dòng chữ mà tôi khắc ở bên dưới nắp rương đựng vật thế chân. Nó được áp dụng cho cả người đi vay lẫn người cho vay:”

Cẩn thận chút ít vẫn hơn ân hận to lớn.

Mục Lục

Người Giàu Nhất Babylon

Lời Nói Đầu
Một Người Đã Mong Ước Được Có Vàng
Người Giàu Nhất Babylon
Bảy Phương Pháp Chữa Trị Túi Tiền Ít Ỏi
Năm Quy Luật Của Vàng
Diện Kiến Nữ Thần May Mắn
Người Cho Vay Vàng Ở Babylon
Những Bức Tường Thành Babylon
Nhà Buôn Lạc Đà Của Babylon
Những Văn Bản Đất Nung Từ Babylon
Người May Mắn Nhất Ở Babylon
Babylon Sử Lược

%d bloggers like this: