Hoàng Sa — Vô Danh

Bài thơ này được lưu truyền trên mạng với chú thích “năm 1974, khi nghe tin xảy ra trận đánh Hoàng Sa, một người phía bên kia vĩ tuyến 17 ngậm ngùi làm bài thơ vinh danh các chiến sĩ HQVN đã hy sinh để bảo vệ hải biên Tổ Quốc.”

Hoàng Sa

Xin kể thêm tôi
Thành mười chín triệu một người
Trái tim tôi đập về trong nớ
Dòng máu xa nguồn bỗng giận sôi
Hoàng Sa, Hoàng Sa!
Cái tên nghe buồn như thở ban sơ
Đối với tôi đã là da thịt
Dẫu chỉ là một mảng san hô
Lại đau chăng vết buốt tự ngàn xưa
Trang sử cũ còn hằn dấu ngựa
Từ thảo nguyên xa, từ biên ải lửa
Khói tràn về đen thẫm những ước mơ
Đếm biết bao nhiêu người vợ đợi chờ
Em ơi, trên từng trang sử nhỏ
Xin kể thêm tôi
Thành mười chín triệu một người
Thành viên gạch hồng tươi
Làm bức tường thành ngăn triền sóng dữ
Làm chiếc vò đựng mùa Xuân ngọt lự
Giữ không rơi một gịot mật nào
Mỗi giọt ra đi chính giọt máu đào
Từ cuộc đời cha ông nhỏ xuống
Người bạn Hải Quân Miền Nam ơi
Trân đảo mù sương hôm đó có tay anh cầm súng
Từ những hạm tầu rẽ sóng đại dương
Tôi thấy pháo anh dương nòng sừng sững
Cuộc chiến kết thúc dù bi thảm
Bài ca anh hùng vẫn vọng trời cao
Xin cho thơ tôi góp phát súng chào
Vĩnh biệt tuần dương chìm dần giữa sóng
Đáy biển âm thần ngàn năm lạnh cóng
Vẫn mặn nồng lòng tổ quốc ta
Xin cho thơ tôi làm thảm sóng ngân nga
Ru giấc ngủ những chàng trai dũng cảm
Tiếng cười ngày nào còn ran trong nắng
Đôi mắt ngày nào đọng mắt người thương
Tôi biết mùa xuân chưa đến bao giờ
Ngực đảo còn đau ngàn bàn chân lạ
Hoàng Sa, xa vời ơi Hoàng Sa!
Tên người ngân buồn như bản Thánh Ca.

❀❀❀

Chú: bài thơ này được lưu truyền trên mạng với chú thích “năm 1974, khi nghe tin xảy ra trận đánh Hoàng Sa, một người phía bên kia vĩ tuyến 17 ngậm ngùi làm bài thơ vinh danh các chiến sĩ HQVN đã hy sinh để bảo vệ hải biên Tổ Quốc.”

VĂN TẾ 74 TỬ SĨ TRONG TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA

© Nguyễn Phúc Vĩnh Ba | Huế, ngày 18/01/2014.

( Tưởng niệm 40 năm ngày 19/01/1974. )

❀❀❀

Hỡi ơi!
Nhẹ tựa lông hồng,
Nặng tày non Thái.
Những cái chết đã đi vào quốc sử, con cháu nghe mà xót dạ bàng hoàng,
Bao con người vì gánh vác giang sơn, cây cỏ thấy cũng chạnh lòng tê tái.
Anh linh kia hoài phảng phất thiên phương,
Chính khí đó sẽ trường tồn vạn tải.

Mới hay,

Giòng giống Việt luôn còn nòi nghĩa dũng, thịt tan xương nát sá chi,
Trời đất Nam đâu thiếu bậc anh hùng, máu đổ thây rơi nào ngại.
Kính các anh vị quốc thân vong
Bày một lễ thâm tình cung bái.

Nhớ các anh xưa,

Tuổi trẻ thanh xuân,
Khí hùng chí đại.
Thời binh hỏa đâu màng gì nhung gấm, chọn tri âm tri kỷ chốn sa trường,
Thuở can qua há tiếc chút bình an, nguyền báo quốc báo dân nơi hiểm ải.
Một tấc đất vẫn là cương thổ, ông cha xưa bao đời gầy dựng, sao cam lòng để vuột mất đi.
Dăm hòn đảo ấy vốn bản hương, anh em nay mấy độ canh cày, quyết tận sức ra gìn giữ mãi.
Từ Chúa Nguyễn sách văn (1) chép rõ, nhân dân Nam từng khai thác làm ăn,
Đến Pháp Thanh công ước (2) còn ghi, chủ quyền Việt chẳng luận bàn tranh cãi.
San Francisco hội nghị (3), mừng biết bao, thấy thế giới đồng lòng,
Việt Nam Quốc gia chính quyền (4), vui xiết kể, đón sơn hà trở lại.

Thế nên,

Đất cát ông cha thì phải giữ, dẫu mũi tên hòn đạn không sờn,
Núi sông tiên tổ sao chẳng gìn, mặc ăn gió nằm mưa chi nại.
Trùng dương sóng dữ, mập mờ thuyền viễn thú, thân trai há sợ kiếp gian nan,
Hải đảo gió cuồng, vời vợi biển quê hương, vai lính thêm bền lòng hăng hái.
Hội khao lề lại trống chiêng bi tráng, tiễn người đi mờ bóng cuối chân trời,
Nơi quê nhà đành con vợ u buồn, thương kẻ đợi trông buồm về trước bãi.

Có ngờ đâu,
Giặc ác hiểm quen tuồng xâm lược, máu tham tàn không giấu kín ý gian,
Ta hiền lương chuộng đạo hiếu hòa, tình hữu nghị có đâu ngoài lẽ phải.
Địch thả câu nước đục, hai ba lần chiếm đảo (5), xây đồn đắp lũy đó đây,
Chúng luồn gió bẻ măng, bốn năm dạo lên bờ, dựng trại cắm cờ lải rải.
Ngày 16 Quang Hòa, Hữu Nhật (6),… giặc đã nuốt tươi,
Đến 17 Duy Mộng, Quang Ảnh (6),.. chúng đang xơi tái.
Lửa hờn bốc tận thanh vân.
Khí uất tràn đầy thương hải.
Ghìm máu nóng, thông tin bằng quang hiệu, giặc cứ ngang tàng,
Hạ quyết tâm, biệt hải tiến vào bờ, ta ôm thất bại.
Không nản chí, Thường Kiệt, Nhật Tảo băng băng pháo đạn xông pha,
Chẳng dùi lòng Bình Trọng, Khánh Dư (7) né né tiễn lôi lèo lái.
Vẳng đôi tai còn nghe khúc “Thuật Hoài” (8)
Bừng con mắt đà thấy câu “Trung Ngãi” (9)

Thế nhưng,

Lực bất tòng tâm,
Thiên dung vô lại (10).
Giặc đã nhiều chuẩn bị, nào tảo lôi, nào liệp đỉnh, tàu nhiều quân bộn giàn hàng,
Ta mất thế thượng phong, kìa phóng lựu, kìa trung liên, đảo trảng bờ xa phải trải.
Phía chếch đông tàu Mỹ đứng mà nhìn,
Phương chính bắc hạm Tàu nằm sắp phái.
Dù như thế ta vẫn quyết thư hùng
Có ra sao mình cứ liều sống mái.
Đùng đoành đại bác nổ thấp cao,
Sàn sạt hỏa tiễn bay trái phải,
Ngụy Văn Thà (11) trúng thương trước ngực, máu anh hùng đẫm ướt chiến y,
Lý Thường Kiệt (12) lãnh đạn ngang hông, nước đại hải ngập đầy buồng máy.
Khói mù tàu giặc cháy bốc lên,
Pháo nổ phe mình câu vọng lại.

Thương ơi!

Thế lực không cân
Thời cơ cũng trái.
Bảy tư người bỏ mình vì nước, biển sâu ký gởi thân phàm,
Cả bốn tàu trúng pháo quân thù, bờ cạn lui về gác mái.
Chìm nổi thuyền, trùng dương xanh xa xót cảnh điêu tàn,
Ngổn ngang xác, hải đảo lạnh thê lương niềm địch khái.
Cờ quốc gia phủ người ra trận, toàn quân dân uất ức trẻ như già
Vành khăn tang chít tóc đang xanh, bao thân quyến nghẹn ngào trai lẫn gái.

Công các anh,

Tổ quốc thề không quên,
Toàn dân nguyền nhớ mãi.
Chống ngoại xâm là truyền thống muôn đời
Giữ lãnh thổ vốn luân thường vạn đại.
Máu tử sĩ đổ sẽ nuôi khôn dân tộc, mau kiên trì giành lại giang sơn,
Xương anh linh chìm rồi nung chín hùng tâm, sớm quyết liệt san bằng oan trái.
Nước cường thịnh khi dân biết kết đoàn,
Dân phú túc lúc người luôn thân ái.

Hôm nay.

Sơ sài lời điếu câu văn,
Đạm bạc chùm hoa dĩa trái.
Kính uy linh, xin tượng tạc bia xây,
Tỏ thâm tạ, khiến dân quì quan vái.
Mong các anh siêu độ tái sinh,
Cầu đất nước dân an quốc thái.

Hỡi ơi!

Xót xa tiếng mất ý còn,
Tha thiết lòng phơi ruột trải.
Hồn có linh thiêng
Niệm tình thụ bái.

Huế, 18/01/2014.


Ghi chú:

  1. Đầu TK 17, Chúa Nguyễn tổ chức khai thác trên các đảo. Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải có nhiệm vụ ra đóng ở hai quần đảo, mỗi năm 8 tháng để khai thác các nguồn lợi: đánh cá, thâu lượm những tài nguyên của đảo và những hoá vật do lấy được từ những tàu đắm. Năm 1816, vua Gia Long chính thức chiếm hữu đảo, ra lệnh cắm cờ trên đảo và đo thuỷ trình. Năm 1835, vua Minh Mạng cho xây đền, đặt bia đá, đóng cọc, và trồng cây. Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải được trao nhiều nhiệm vụ hơn: khai thác, tuần tiễu, thu thuế dân trên đảo và nhiệm vụ biên phòng bảo vệ hai quần đảo. Hai đội này tiếp tục hoạt động cho đến khi người Pháp vào Đông Dương.
  2. Ngày 9 tháng 6 năm 1885: Hòa ước Thiên Tân kết thúc chiến tranh Pháp Thanh. Ngày 26 tháng 6 năm 1887: Pháp và nhà Thanh xúc tiến ấn định biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Hoa.
  3. Ngày 6 tháng 9 năm 1951: Tại Hội nghị San Francisco về Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản, vốn không chính thức xác định rõ các quốc gia nào có chủ quyền trên quần đảo, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu tuyên bố rằng cả quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa đều thuộc lãnh thổ Việt Nam, và không gặp phải kháng nghị hay bảo lưu nào từ 51 nước tham dự hội nghị.
  4. Năm 1954 – Hiệp định Geneva quy định lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời (bao gồm cả trên đất liền và trên biển). Quần đảo Hoàng Sa nằm ở phía Nam vĩ tuyến 17, được giao cho chính quyền Quốc gia Việt Nam (quốc trưởng Bảo Đại đứng đầu) quản lý.
  5. Năm 1956, lợi dụng tình hình quân đội Pháp phải rút khỏi Đông Dương theo quy định của Hiệp định Geneva và trong khi chính quyền miền Nam Việt Nam chưa kịp tiếp quản quần đảo Hoàng Sa theo như thỏa thuận của hiệp định này, Trung Quốc đã thừa cơ đưa quân ra chiếm đóng bất hợp pháp nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa bao gồm Phú Lâm và Linh Côn. (Trần Công Trực)
  6. Tên các hòn đảo bị Trung Quốc xâm chiếm.
  7. Tên bốn chiến hạm tham gia trận hải chiến Hoàng Sa: HQ4 (Trần Khánh Dư), HQ5 (Trần Bình Trọng), HQ10 (Nhật Tảo), và HQ16 (Lý Thường Kiệt).
  8. Tên bài thơ của danh tướng Phạm Ngũ Lão đời Trần được Hạm trưởng HQ4 Trung tá Vũ Hữu San đọc để cổ võ tinh thần binh sĩ trước giờ khai hỏa.
  9. Tức là Trung Nghĩa, bổn phận của người lính.
  10. Trời dung tha phường vô lại.
  11. Thiếu tá Ngụy Văn Thà là hạm trưởng HQ10 Nhật Tảo.
  12. Lý Thường Kiệt là tàu HQ16.

Nguồn:

Hải chiến Hoàng Sa 19/01/1971: VNCH xác định chủ quyền! Ngụy +phỉ bán biển đảo!

Hải Chiến Hoàng Sa 19/01/1974: Hải Chiến Việt Trung Quá Khứ và Hiện Tại. Bác sỹ Yên Cư Trần Đại Sỹ

Một đoạn trong bài thuyết trình của Bác sỹ Trần Đại Sỹ. Trích đoạn của buổi nói chuyện được phổ biến qua email vào khoảng 19/01/2017 hay trước đó. Tôi giữ cách viết chữ Việt ( thí dụ: Tây-sa, cách viết của những năm 1950-1960 ) của email được gửi đi.

Từ trước đến giờ, có nhiều vị hiện diện hôm nay từng đặt câu hỏi với tôi rằng: Tại sao năm 1974, thình lình Trung-quốc đem quân đánh quần đảo Hoàng-sa ( Tây-sa ) từ VNCH. Trận chiến diễn ra ngắn ngủi, phía Trung-quốc bị thiệt hại gấp ba VNCH ( về nhân mạng, về chiến hạm, tài liệu này tôi có từ phía Trung-quốc ). Nhưng VNCH vì quân ít, vũ khí chỉ có đại bác, chiến hạm nhỏ. Trong khi Trung-quốc có hỏa tiễn, chiến hạm lớn đông gấp bội VNCH. VNCH lại đang có nội chiến, phải đương đầu với quân đội VNDCCH, vì vậy VNCH phải bỏ kế hoạch tái chiếm Hoàng-sa. Bấy giờ Hoa-kỳ với VNCH có hiệp ước hỗ tương an ninh, Hoa-kỳ đang tham chiến tại Việt Nam, hạm đội 7 hùng hậu đang tuần hành gần vùng giao chiến. Tại sao Hoa-kỳ không can thiệp, không lên tiếng bênh vực VNCH? Ngay việc thủy thủ VN, tầu bị chìm, mà hạm đội 7 cũng không vớt theo luật hàng hải Quốc-tế.

Cử tọa hỏi, câu hỏi thứ 4

  • Xin Giáo Sư ( Gs ) cho biết trong trận hải chiến này, phía Trung-quốc, VNCH, bên nào nổ súng trước?

Gs Trần Đại Sỹ ( TĐS ):

  • Thưa VNCH. Hải-quân VNCH rất thiện chiến, tác xạ rất chính xác, các sĩ quan đều được huấn luyện theo tiêu chuẩn Âu-Mỹ, thêm kinh nghiệm VN. Ngay loạt đạn đầu tiên khiến 4 hạm trưởng Trung-quốc tử trận.

Tôi xin trở lại đầu đề:

Vì:

Trong-cuộc mật đàm giữa Hoa-kỳ ( Kissinger ) và Trung-quốc ( Mao Trạch Đông ). Phía Trung-quốc trao cho ông Kissinger bản tuyên bố lãnh hải 14-9-1958 cùng bản đồ. Ông Kissinger đã công nhận bản tuyên bố đó. Cho nên ông Kissinger vừa rời Trung-quốc hai ngày, thì ngày 11 tháng 1 năm 1974, Trung-quốc tuyên bố hai quần đảo Tây-sa ( Hoàng-sa ) và Nam-sa ( Trường-sa ) là của Trung-quốc, rồi Trung-quốc đem hạm đội xuống Hoàng-sa. Bấy giờ Hoàng-sa do VNCH trấn đóng.

Vì:

Văn thư của ông Phạm Văn Dồng công nhận quần đảo này là của Trung-quốc. Trung-quốc chiếm Hoàng-sa chỉ là việc chiếm lại lãnh thổ được văn thư 14-9-1958 công nhận. Nghĩa là Trung-quốc chiếm lại lãnh thổ đã bị VNCH xâm lăng 16 năm.

Ngắt đoạn 4,

Cử tọa hỏi, câu hỏi 5, cấm phổ biến

Về nguồn gốc tài liệu cuộc mật đàm giữa Chủ-tịch Mao Trạch Đông và Cố-vấn Kissinger. Gs Trần trình bày chi tiết. Toàn bộ cử tọa chấp nhận; nhưng chúng tôi bị cấm không được phổ biến.

Sau khi Gs Trần trình bầy, một trong ba vị chủ tọa phát biểu:

Tôi xin bổ túc những gì Gs Trần lướt qua. Bấy giờ ( 1974 ) là thời điểm chiến tranh Đông Dương đang diễn ra cực kỳ sôi động, mà tình hình giữa Liên-sô với Trung-quốc cũng căng thẳng cực kỳ. Qua những cuộc mật đàm giữa Chủ-tịch Mao Trạch Đông với Cố-vấn Kissinger; Trung-quốc, Hoa-kỳ đã đi đến những thỏa thuận quan trọng. Rồi Tổng-thống Richard Nixon thăm Trung-quốc.

Chúng ta đều biết sự hiện diện, của Hoa-kỳ tại Đông Dương là ngăn chặn hai mũi dùi Cộng-sản từ Afghatistan, Đông Dương nối với nhau. Bây giờ Hoa-kỳ biết chắc Trung-quốc, Liên-sô không thể hàn gắn lại, khối Cộng bị vỡ làm nhiều mảnh. Vì vậy sự hiện diện của Hoa-kỳ trở thành vô ích, vừa tốn tiền, vừa tốn máu. Cho nên họ muốn rút ra khỏi Đông Dương, dùng Đông Dương làm bình xăng tưới vào ngọn lửa đang thiêu đốt căn nhà ngoại giao Trung-Sô.

Chìa khóa của Đông Dương là Việt Nam. Mà tại Việt Nam, mọi quyết định do Bộ Chính-trị. Chủ-tịch Hồ Chí Minh chết 5 năm rồi, vấn đề tranh quyền đã ngã ngũ, phe chạy theo Liên-sô Lê Duẩn, Lê Đức Thọ thắng thế. Trung-quốc biết rất rõ. Suốt bao năm Trung-quốc cưu mang cho Bắc VN, nay bỗng dưng Trung-quốc mất hết, chỉ còn tay trắng. Trung-quốc phải kiềm chế Bắc VN. Thế nhưng Trung-quốc muốn kiềm chế mà không được. Mao tìm cách nắm Cambodge mà bấy giờ Cambodge còn nằm trong tay Bắc VN. Vì vậy Trung-quốc muốn tìm cách dùng Nam VN ( VNCH ) làm bức tường cản Bắc Việt Nam ( VNDCCH ). Trung-quốc tìm cách gần Nam VN bằng hai ngả:

Ngả thứ nhất

Mật sứ của Trung-quốc tại Londre ( Luân Đôn ) gặp Đại-sứ Nam VN ( VNCH ) ngỏ ý cho biết Hoa-kỳ đang muốn trao VNCH cho Bắc VN. Nếu VNCH muốn, Trung-quốc sẽ giúp như sau: Mặt Bắc, chặn con đường tiếp tế từ đường bộ Liên-sô qua lãnh thổ Trung-quốc. Trung-quốc đem đại quân ép Bắc biên. Mặt Nam tiếp tế vũ khí cho VNCH. Như vậy bắt buộc Bắc VN phải rút quân về.

Ngả thứ nhì

Trung-quốc qua mấy nhân vật trí thức VN trong Phong Trào Liên Bang Đông Nam Á ( hội tư luật 1901 ) tại Paris, trực tiếp nói cho Tổng-thống, và Bộ Ngoại-giao VNCH biết rằng: Việc Hồng-quân tiến xuống Trường-sa chỉ là cái cớ để Trung-quốc với VNCH ngồi vào bàn hội nghi. Nhưng không rõ VNCH có biết hay không, mà lại khai hỏa trước.

Cử tọa hỏi, câu hỏi 6

  • Hồi đầu năm 1974, tôi có đọc trên một tờ báo Anh-ngữ xuất bản tại Hương-cảng tường thuật về trận đánh giữa VN ( VNCH ) và Trung-quốc ngày 19-1-1974 trong vùng quần đảo Hoàng-sa. Giáo-sư có thể cho biết: Lực lượng tham chiến của hai bên ra sao? ( Người đặt câu hỏi nguyên là Đô đốc. )

Gs Trần Đại Sỹ:

  • Thưa Ngài tôi xin chiếu lên màn ảnh để Ngài thấy.

Về phía VNCH:

  1. Lực lượng tham chiến:
  • Khu trục hạm Trần Khánh Dư, ký số HQ4, hạm trưởng là Trung-tá Vũ Hữu San.
  • Tuần dương hạm Trần Bình Trọng, ký số HQ5, hạm trưởng là Trung-tá Phạm Trọng Quỳnh.
  • Hộ tống hạm Nhật-tảo, ký số 10, hạm trưởng là Thiếu-tá Ngụy Văn Thà. Khi chiến hạm hỏng máy, bị chìm, trong khi tất cả thủy thủ đoàn xuống xuồng chạy, thì ông cương quyết ở lại, chết với tầu của mình. Tuẫn quốc.
  • Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt, ký số HQ16, hạm trưởng là Trung-tá Lê Văn Thư.
  1. Lực lượng trừ bị:
  • Tuần dương hạm Trần Quốc Toản, ký số HQ6.
  • Hộ tống hạm Chí-linh, ký số HQ11
  • Không quân: Phi đoàn F5-A37.

Nhưng lực lượng trừ bị Hải-quân ở quá xa chưa kịp can thiệp thì trận chiến đã kết thúc. Không quân thuộc Quân-khu I, không can thiệp. Vì vậy sau trận đánh, Tư-lệnh Hải-quân ra lệnh cho các sĩ quan tham dự, không thuyết trình cho Tư lệnh quân khu I.

Về phía Trung-quốc:

  1. Lực lượng tham chiến:
  • Hộ tống hạm Kronstadt, ký số 271, hạm trưởng là Đại-tá Vương Kỳ Uy, tử thương.
  • Hộ tống hạm Kronstadt, ký số 274, hạm trưởng là Đại-tá Quan Đức. Đây là soái hạm của chiến dịch. Tư lệnh mặt trận là Đô đốc Phương Quang Kinh, Tư-lệnh phó hạm đội Nam-hải của Trung-quốc với bộ tham mưu đi trên chiến hạm này. Khoảng giữa trận chiến, ông cùng bộ tham mưu tử thương ( 1 Đô đốc, 4 Đại-tá, 6 Trung-tá, 2 Thiếu-tá, và 7 sĩ quan cấp úy ).
  • Trục lôi hạm, ký số 389, hạm trưởng là Trung-tá Triệu Quát, tử thương.
  • Trục lôi hạm, ký số 396, hạm trưởng là Đại-tá Diệp Mạnh Hải, tử thương.
  • Phi tiễn đỉnh Komar 133, trang bị hỏa tiễn đĩa địa Styx hạm trưởng là Thiếu-tá Tôn Quân Anh.
  • Phi tiễn đỉnh Komar 137, trang bị hỏa tiễn đĩa địa Styx, hạm trưởng là Thiếu-tá Mạc Quang Đại.
  • Phi tiễn đỉnh Komar 139, trang bị hỏa tiễn đĩa địa Styx, hạm trưởng là Thiếu-tá Tạ Quỳ.
  • Phi tiễn đỉnh Komar 145, trang bị hỏa tiễn đĩa địa Styx, hạm trưởng là Thiếu-tá Ngụy Như.
  • 6 Hải vận hạm chở quân.
  1. Lực lượng trừ bị:
  • 2 Tuần dương hạm.
  • 4 Pháo-hạm.
  • 4 Khu trục hạm trang bị hỏa tiễn Kianjiang.
  • 2 Phi đội MIG 19.
  • 2 phi đội MIG 21.

Do chính Đô Ðốc Tư-lệnh hạm đội Nam-hải chỉ huỵ. Chúng tôi không biết tên ông.

Cử tọa hỏi, câu hỏi 7

  • Tổn thất 2 bên ra sao? ( Vẫn vị cựu Đô đốc trên. )

Gs Trần Đại Sỹ:

  • Xin mời ngài xem bảng so sánh, tôi chiếu lên.

Về phía VNCH:

  • HQ 4-5-16 bị thương, rút về Đà-nẵng, sau khi sửa chữa, lại hoạt động như cũ.
  • HQ10 bị chìm.
  • Một hạm trưởng tử thương.

Về phía Trung-quốc:

  • Tư lệnh mặt trận, bộ tham mưu và 4 hạm trưởng tử thương.
  • Hộ tống hạm 274 bị chìm.
  • Hộ tống hạm 271 và hai trục lôi hạm 389-396 bị hư hại nặng phải ủi bãi, sau đó phải phá hủỵ.
  • 4 ngư thuyền chở quân bị chìm.

Cử tọa hỏi, câu hỏi 8, cấm phổ biến.

Cử tọa hỏi, câu hỏi 9

  • Tôi nghe Hoa-kỳ trang bị cho VN ( VNCH ) những vũ khí, cũng như chiến hạm tối tân nhất. Trong khi Giáo-sư chiếu hình 4 chiến hạm tham chiến đều thuộc loại hạ thủy vào thập niên 1940, quá cũ kỹ. Vũ khí cũng vậy. Tại sao VN ( VNCH ) không đem những chiến hạm, vũ khí tối tân ra tham chiến? ( Người đặt câu hỏi nguyên là kỹ sư hàng hải ).

Gs Trần Đại Sỹ:

  • Thưa quả đúng như Ngài nhận xét. Tất cả chiến hạm Hoa-kỳ viện trợ cho VNCH đều thuộc loại phế thải. Thay vì Hoa-kỳ phá hủy, họ tân trang lại rồi trao cho VN. Bốn chiến hạm tham dự trận đánh đều là những chiến hạm tốt nhất mà VN nhận được. HQ4 hạ thủy năm 1943. ( Cử tọa bật cười ). HQ5 hạ thủy năm 1944. HQ10 hạ thủy năm 1942. HQ 16 hạ thủy năm 1942. Còn vũ khí, cũng có chiến hạm trang bị loại đại bác bắn liên thanh. Nhưng khi trao cho VN thì Hoa-kỳ tháo đi. Dường như Hoa-kỳ đoán trước có cuộc hải chiến này, nên một chiến hạm trang bị loại đại bác trên, tuy đã trao cho VNCH, nhưng bị tháo đi trước đó mấy tháng. Bằng không phía Trung-quốc bị thiệt hại còn nặng hơn nhiều.

Cử tọa hỏi, câu hỏi 10

  • Trong quá khứ, giữa VN với Trung-quốc đã xẩy ra những trận thủy chiến nào? Kết quả ra sao? ( Người hỏi nguyên là giáo sư sử Đông-Á ).

Gs Trần Đại Sỹ:

  • Thưa Ngài trong lịch sử 5,000 năm của Hoa-Việt, chiến tranh liên miên. Về bộ chiến, kị chiến thì cả hai bên khi thắng khi bại.

Duy thủy chiến, bao giờ Việt cũng thắng.

Cử tọa hỏi câu hỏi 11

  • Xin cho biết những trận nào?

Gs Trần Đại Sỹ:

  • Trận cổ nhất vào năm 42 sau Tây-lịch. Chiến địa xẩy ra ngoài biển Đông. Đô đốc Trung-quốc là Đoàn Chí. Đô đốc Việt là Trần Quốc, một nữ tướng.( Cử tọa ồ lên ). Kết quả hạm đội Trung-quốc bị đánh chìm hết. Đoàn Chí bị giết.
  • Hồi đó người Việt theo chế độ mẫu hệ ư?
  • Thưa không. Nhưng vị Hoàng đế cai trị là một phụ nữ. Trong suốt năm nghìn năm lịch sử, đời nào VN cũng có những nữ tướng kiệt hiệt.
  • Hiện có còn chứng tích nào về vị nữ Đô Ðốc này không?
  • Nếu Ngài du lịch VN, xin tới Hà-nội, thuê xe, bảo tài xế đưa đến làng Hoàng-xá, xã Kiêu-kỵ, huyện Gia-lâm là nơi có đền thờ bà. Tôi xin chiếu video về đền thờ nàỵ ( chiếu video 5 phút ).
  • Thưa Ngài trận thứ nhì do Vua Ngô ( 938 ), trận thứ ba do vua Lê ( 981 ), trận thứ tư do Hưng Đạo vương ( 1288 ). Cả ba trận sau đều diễn ra trên sông Bạch đằng, Trung-quốc đều bị bại. Trận 1288 là trận khủng khiếp nhất, bên Trung-quốc do vua Mông-cổ là Hốt Tất Liệt ở ngôi. Kể từ đó cho đến năm 1974, mới có trận Hoàng-sa.

Hải chiến Hoàng Sa 19/01/1974: Hải Quân Đại Úy Trầm Kha Nguyễn Văn Đồng, tử sỹ 26 tuổi.

Hải Quân Đại Úy Trầm Kha Nguyễn Văn Đồng — Tử Sỹ 26 tuổi Hoàng Sa 19/01/1974.


Khi Thanh Bình Trở Lại

Có một sớm tôi mơ thanh bình trở lại,
Trên môi người tình bừng giọt nắng reo vui,
Trong mắt mẹ rỡ ràng đồng lúa mới,
Trĩu hạt vàng óng ánh dưới ban mai.

Tôi sẽ rút phăng gươm chém cổ chai rượu mạnh.
Mời bạn bè say uống mềm môi.
Tôi sẽ đốt những cánh đồng rơm khô đã ải,
Cháy bừng bừng trên khắp cõi miền Nam.
Mời mọi người, mời tất cả anh em,
Cùng hít thở khói quê hương ngào ngạt.
Trước khi xuôi chuyến tàu Nam Bắc,
Đem thanh bình tặng quyến thuộc ngoài kia.

Tôi sẽ chẳng mang theo hành lý,
Ngoài những bài thơ ca tụng tình người.
Cho bà mẹ khóc đón con trở lại
Cho vợ hiền tức tưởi đợi chồng về.
Cho cô gái ngỡ ngàng vui duyên mới,
Cho trẻ thơ mừng rỡ được gần cha.
Tôi sẽ đến từng nhà chung vui ngày mở hội
Tặng bà con những cái nắm tay
Nụ cười thân ái.

Cùng mọi người ca hát vui say
Khúc hoan ca ngây ngất
Lời tự tình Việt Nam thống nhất
Đang dạt dào trong núi đá rừng cây.

Tôi sẽ nhận người làm anh em
Đi xây những cây cầu đã sập
Những ngôi nhà đổ nát
Những thành quách điêu tàn.

Tôi sẽ mời anh tắm lại dòng sông
Không còn máu, không còn biên thùy ngăn cách.
Trước khi cùng anh đi thăm những người đã chết
Thắp cho nhau nén hương lòng muôn đời không tắt
Tưởng nhớ bạn bè xấu số vội ra đi.

Sau hết từ giã mọi người
Tôi về chung vui với người tình nhỏ
Trong mái lá đơn sơ
Cùng người yêu mở một mùa hội mới
Uống chén rượu đào đón xuân trở lại
Tôi sẽ kể em nghe
Suốt quãng đời tôi mang tuổi chiến binh.

Trầm Kha.

Hải Quân Đại Úy Trầm Kha Nguyễn Văn Đồng — Tử Sỹ 26 tuổi Hoàng Sa 19/01/1974.

Hải Quân Đại Úy Trầm Kha Nguyễn Văn Đồng, tử sỹ 26 tuổi.
Hải chiến Hoàng Sa 19/01/1974. Hải Quân Đại Úy Trầm Kha Nguyễn Văn Đồng, tử sỹ 26 tuổi.

Bản dịch của Công Hàm 257/HC-2016 Việt+ gửi Liên Hiệp Quốc

Công Hàm 257/HC-2016
Công Hàm 257/HC-2016

 

Công Hàm 257/HC-2016
PERMANENT MISSION
OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
TO THE UNITED NATIONS

866 U.N. Plaza. 4th Floor, Suite 435
New York. N. Y. 1007
(212) 644-0594. (212) 644-0831
(212) 644-2535. (212) 644-1564
Fax (212) 644-5732

PHÁI ĐOÀN THƯỜNG TRỰC
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TẠI LIÊN HIỆP QUỐC

Công hàm 257/HC-2016

Phái Đoàn Thường Trực Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc xin được gửi lời chào trân trọng đến tất cả các Phái Đoàn Thường Trực của các Quốc Gia Thành Viên tại Liên Hiệp Quốc và, để trả lời Công Hàm Số CML/59/2016 ngày 01 Tháng Bảy 2016 của Phái Đoàn Thường Trực Cộng Hòa Nhân Dân Trung Cộng tại Liên Hiệp Quốc, chúng tôi trân trọng khẳng định quan điểm của Việt Nam như sau:

Việt Nam kiên quyết bác bỏ tất cả các nội dung, đặc biệt là các lý luận sai trái của Trung Cộng, được nêu ra trong Công Hàm đã nói ở trên. Trung Cộng đã bẻ cong sự thật để có thể đòi chủ quyền bất hợp pháp trên các Quần Đảo Hoàng Sa và Trường của Việt Nam và cũng để hợp thức hóa việc họ sử dụng vũ lực trên Biển Đông để xâm chiếm Quần Đảo Hoàng Sa và một vài đảo và bãi đá ở Quần Đảo Trường Sa và năm hai năm 1974 và 1988. Các hành vi đó đã ngang nhiên vi phạm Điều Lệ của Liên Hiệp Quốc và nguyên tắc ngăn cấm đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế.

Trong các thời kỳ bảo hộ và thuộc địa, Pháp Quốc, đại diện cho Việt Nam, đã thực thi các hành động bảo vệ và chủ quyền trên các Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng cách một chuỗi biện pháp quản lý và tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên trên các đảo thuộc các Quần Đảo này. Lý luận của Trung Cộng rằng Pháp Quốc chưa bao giờ trao chủ quyền của Quần Đảo Trường Sa cho Việt Nam là hoàn toàn trái ngược lại với các sự thật và nguyên tắc của pháp luật quốc tế liên quan đến sự thừa kế Quốc Gia. Vào năm 1933 sự kiện sau đây đã được khẳng định rõ ràng, Chính Quyền Pháp ở Đông Dương đã sát nhập Quần Đảo Trường Sa vào Tỉnh Bà Rịa lúc đó còn là thuộc địa của Pháp. Hành động trả lại Nam Kỳ cho Việt Nam, mà Bà Rịa là một tỉnh quan trọng, Pháp Quốc đã hiển nhiên ủy quyền Quần Đảo Trường Sa, trước đây đã sát nhập vào tỉnh Bà Rịa, cho Việt Nam. Tại Hội Nghị Hòa Bình Cựu Kim Sơn năm 1951, khi pháp đoàn Việt Nam khẳng định chủ quyền lịch sử trên các Quần Đảo Trường Sa và Hoàng Sa, không có bất cứ các Quốc Gia Thành Viên nào phản đối, Pháp Quốc cũng không phản đối. Khi Pháp Quốc rút quân khỏi Việt Nam vào năm 1956, quốc gia Việt Nam Cộng Hòa thừa kế chủ quyền của Quần Đảo Trường Sa từ Pháp Quốc. Thông qua Lệnh Số 143-NV ngày 22 Tháng Mười 1956, Chính Phủ của nước Việt Nam Cộng Hòa đã chuyển hành chính của Quần Đảo Trường Sa từ Tỉnh Bà Rịa sang Tỉnh Phước Tuy.

Các Phái Đoàn Thường Trực của các Quốc Gia Thành Viên tại Liên Hiệp Quốc
Nữu Ước

Công Hàm 257/HC-2016
Công Hàm 257/HC-2016

 

Giữa những năm 1954 và 1975, Việt Nam tạm thời bị chia đôi. Vì vị trí địa lý, vào thời gian đó, các Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của quốc gia Việt Nam Cộng Hòa (Nam Việt Nam). Do đó, sự kiện quốc gia Việt Nam Cộng Hòa thực thi trách nhiệm chủ quyền đối với hai Quần Đảo này trong thời kỳ đó là hoàn toàn hợp lý và hợp pháp trong bối cảnh khi đó. Hành xử quốc tế chứng minh rằng trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, cũng có những Quốc Gia bị chia cắt như Việt Nam, thí dụ Đức Quốc, Yemen… Và do vậy, lý luận của Trung Cộng dựa trên sự chia cắt của Việt Nam vào thời kỳ đó là hoàn hoàn không có căn cứ pháp lý. Năm 1975, sau khi Trung Cộng dùng vũ lực chiếm Quần Đảo Hoàng Sa (vào Tháng Giêng 1974), Chính Phủ quốc gia Việt Nam Cộng Hòa đã ra Văn Thư liệt kê các bằng chứng lịch sử trích từ thư tịch Quốc Gia chứng minh rõ ràng và thuyết phục chủ quyền truyền đời của Việt Nam trên Quần Đảo này. Ngược lại, Văn Thư của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Cộng năm 1980 đã không đưa ra được bằng chứng thuyết phục nào để hỗ trợ cho việc Trung Cộng đòi chủ quyền với hai Quần Đảo trên. Hơn nữa, lý lẽ của Trung Cộng về thời kỳ Việt Nam bị chia đôi làm tổn hại nghiêm trọng đến cảm xúc của người Việt Nam và hoàn toàn không giúp ích được gì cho tình hữu nghị của hai quốc gia.

Lý luận của Trung Cộng trong đoạn thứ 8 của Công Hàm Số 59/CML/2016 hoàn toàn trái ngược với tinh thần của Thỏa Thuận về Những Nguyên Tắc Cơ Bản Chỉ Đạo Giải Quyết Vấn Đề Trên Biển Giữa nước Việt Nam và nước Trung Cộng được ký vào Tháng Mười 2011. Những vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Cộng trên Biển Đông về hai Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những tranh chấp này mang tính pháp lý và tồn tại một cách khách quan và tạo thành một yếu tố trong các tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Cộng trên Biển Đông. Chính Trung Cộng là kẻ trong rất nhiều lần, khẳng định rằng có hai tranh chấp cốt lõi trên Biển Đông giữa Trung Cộng và vài quốc gia ASEAN, đó là tranh chấp chủ quyền của một vài bãi đá và hải đảo trên Biển Đông và các tranh chấp về biên giới lãnh hải. Trung Cộng đã bác bỏ sự tồn tại của các tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Cộng về vấn đề chủ quyền của Quần Đảo Hoàng Sa, quần đảo này hiển nhiên là ở trong hải phận Biển Đông, và do đó Trung Cộng đã hoàn toàn mâu thuẫn trong lý luận của họ.

Một lần nữa, Việt Nam yêu cầu Trung Cộng tôn trọng chủ quyền của Việt Nam trên hai Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hãy tôn trọng và thực thi trách nhiệm pháp lý quốc tế của Trung Cộng, hãy dừng lại các hành vi làm cho tình hình tranh chấp thêm phức tạp, bằng phương pháp hòa bình, hãy cùng Việt Nam và các thành phần liên quan tìm giải pháp thỏa thuận các tranh chấp trên Biển Đông một cách công bằng và khách quan, theo luật quốc tế, đặc biệt là Điều Lệ của Liên Hiệp Quốc liên quan đến Công Ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Phái Đoàn Thường Trực Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc xin được tận dụng cơ hội này để yêu cầu các Phái Đoàn Thường Trực của các Quốc Gia Thành Viên tại Liên Hiệp Quốc sự bảo đảm sự kiện này nhận được sự quan tâm cao nhất.

Nữu Ước, 25 Tháng Tám 2016.

29/01/1974 Việt Nam Cộng Hòa xác định chủ quyền Hoàng Trường Sa.

Source: Võ Hồng Ly — https://www.facebook.com/hongly.vo.5059/posts/240426476916202

Cho Hải Đảo Hờn Căm – Phạm Lê Phan

Lời biển gọi cuối năm
Hờn căm trừng mắt lửa
– Hỡi Hoàng Sa, hỡi Hoàng Sa
Mẹ Ðứng mũi Sơn Chà
Gủi hồn ra Ðông Hải
Ðảo nổi giận nên biển cuồn sống dậy
Ôi, đất nước ông cha: tay đứt lòng đau
Súng thét khơi xa, sao lửa đốt trong đầu
Lòng mẹ bời bời: ruột mềm máu chảy
Mắt mẹ trông vời, triền môi run rẩy:
– Hỡi Hoàng Sa, hỡi Hoàng Sa.
Ðâu đâu rồi hỡi con cháu ta ?

Hải Chiến Hoàng Sa 19/01/1974.
Hải Chiến Hoàng Sa 19/01/1974.

Con cháu mẹ
Năm mươi đứa làm anh hùng của bể
Năm mươi con thành dũng sĩ Trường Sơn
Bốn ngàn năm mài nhọn mũi căm hờn
Phóng mắt hận, nghiến răng ghìm giặc Bắc.
Cờ nương tử phất bay hồn xâm lược
Gươm Mê Linh thét máu nhuộm đầu voi
“Trèo lên đỉnh núi mà coi
Dáng Bà quản tượng trăng soi ngời ngời”.
Cửu Chân hề, Cửu Chân ơi!
Gót nhi nữ ra khơi
Ðạp tan luồng sóng dữ
Chém cá tràng kình, rạng danh liệt nữ
Dũng khí Nhụy Kiều gục mặt Bắc quân!

Ngậm mối thù truyền kiếp mấy ngàn năm
Con cháu mẹ từng nhọc nhằn u uất
Ðắm biển mò châu phơi rừng tìm ngọc
Nanh vuốt sài lang nào kể gái hay trai
Máu mỡ no nê muông thú một bầy
Loài đỉa Hán vốn cuồng say máu Việt
Nước độc rừng thiêng – một đi là một chết
Vạn người đi, không một bóng ma về

Ðá Trường Sơn con khắc ngập câu thề:
“Ðòi nợ Máu phải đổi răng, đổi mắt!”
Bạch Ðằng xưa nghẹn giòng muôn xác giặc
Dù Hán, dù Mông nước đỏ cũng hôi tanh
Tóc thú đuôi sam – gươm dáo Việt tung hoành.
Vó ngựa Lý, Lê từng phen đạp Tống
Ngọn dáo Ðinh, Trần vạch cõi Nam Uy dũng,
Ðầu Mãn Thanh vờn kiếm lộng Quang Trung.
Trải an nguy son sắt vẫn một lòng
Mỗi tấc đất một chiến công oanh liệt
Mỗi tên người một anh hùng, nữ kiệt
Mỗi gốc cây muôn xác quỉ vùi sâu
Dòng Việt Nam chưa hề biết cúi đầu
Dù giặc Bắc bạo tàn hơn súc vật!

Hồn Nam Hải cuối năm
Lạnh căm căm hơi bấc
Bởi thương con mẹ lên đỉnh Sơn Chà
“Ôi Hoàng Sa, hỡi Hoàng Sa
Khôn thiêng nối gót mẹ cha mà về”.
Hãy đứng thẳng mà đi
Hỡi đàn con từng khua sôi biển cả
Cất cao đầu uống lời thề sông Hóa
Hàm Tử, Vân Ðồn, Tây Kết, Chương Dương,
Vươn chiến công kim cổ Bạch Ðằng Giang
Xô cuồng vọng Bắc Kinh vào biển máu!
Xưa ông cha mình giết Liễu Thăng, Hoàng Tháo
Ðánh gục đầu Tôn Sĩ Nghị, Thoát Hoan.
Giờ bè lũ Mao lại xâm phạm biên quan
Xua hải tặc cuồng điên lên cướp đảo
Ôi Hoàng Sa, hỡi Hoàng Sa yêu dấu
Ðất đai ta một mảng cũng thịt xương
Tổ quốc ta một tấc cũng tim gan
Xương thịt đứt thì tim gan đau xót!
Hỡi đàn con của Cửu Long bất khuất
Ngạo nghễ trên vai hồn An Lộc, Tam Biên
Mang trong tim giòng máu thép Trị Thiên
Lời phạt Bắc thét run hồn biển cả

Chiều cuối năm, một mối thù chưa trả
Xuân sắp về – trời bỗng nặng nề mưa

Gia Ðịnh, chiều 30 Tết Giáp Dần, 22/01/1974
Phạm Lê Phan

Hoàng Sa Nộ Khí Phú

Kha Tiệm Ly-Thái Quốc Tế

Hải Chiến Hoàng Sa 19/01/1974.
Hải Chiến Hoàng Sa 19/01/1974.

Ngựa cũ quen đường,
Đĩ già lậm nết.
Việc phế hưng mỗi thuở khác nhau,
Mộng bá chủ bao đời y hệt!

Ta thấy ngươi,

Từ Đông Chu bị họa Thất Hùng,
Đến Hậu Hán bị xiềng Tam Quốc.
Đất Trường An thây chất chập chùng,
Bờ Vô Định xương phơi chất ngất!

Đã biết,

Hễ gieo chinh chiến là kín đất đau thương,
Nếu động can qua thì mịt trời tang tóc.

Vậy mà sao,

Chẳng lo điều yên nước no dân,
Lại quen thói xua quân chiếm đất?

Như nước ta,

Một dải non sông, nam bắc chung giềng,
Trăm triệu anh em, trước sau như nhất.
Hoàng Liên, Tam Đảo, Hồng Hà, Cửu Long , là máu là xương,
Phú Quốc, Côn Sơn, Trường Sa, Hoàng Sa là da là thịt.
Máu xương đâu lẽ tách rời,
Thịt da dễ gì chia cắt?
Mà là liền tổ quốc phồn vinh,
Mà là khối giang sơn gấm vóc.
Người trăm triệu nhưng vốn một lòng,
Tim một trái dẫu nhiều sắc tộc!
Nữ nhi chẳng thiếu bậc anh hùng,
Niên thiếu cũng thừa người kiệt xuất.
Mười năm phục quốc, gươm Lê Lợi thép vẫn sáng ngời,
Ba lượt phá Nguyên, sông Bạch Đằng cọc còn nhọn hoắt.
Thùng! Thùng! Thùng! Liên hồi giục, trống Ngọc Hồi hực bước tiến quân.
Đánh! Đánh! Đánh! Luôn miệng thét, điện Diên Hồng, vang lời sát thát.
Ải Chi Lăng, Liễu Thăng chết còn lạc phách kinh hồn,
Sông Nhị Hà, Sĩ Nghị chạy còn đứng tim vỡ mật.
Thoáng thấy vó câu Thường Kiệt, Khâm Châu ngàn dặm, không còn bóng quỉ bóng ma,(1)
Chợt nghe tiếng sét Đống Đa, Quảng Đông toàn tỉnh chẳng tiếng con gà con vịt. (1)
Hùng khí dù dậy trời Nam,
Nghĩa nhân lại tràn đất Bắc:

Thương ngươi binh bại, tàn quân về còn cấp xe ngựa rình rang (2)
Trọng kẻ trung can, hổ tướng chết vẫn được khói hương chăm chút.(3)
Mạc Cửu đem quân lánh nạn, chúa ta vẫn mở dạ đón người,
Hoa kiều mượn đất ở nhờ, dân ta vẫn chia cơm xẻ thóc.
Phúc cùng hưởng khi mưa thuận gió hòa,
Họa cùng chia lúc sóng vùi gió dập.
Giúp các ngươi như kẻ một nhà,
Thương các ngươi như người chung bọc!

Thế mà nay,

Ngươi lại lấy oán trả ơn,
Ngươi lại lấy thù báo đức!
Ăn đàng sóng, nói đàng gió, y như đĩ thúi già mồm.
Lộn bề ngược, tráo bề xuôi, khác chi điếm già bịp bạc.

Kéo neo tuần hạm, ào ào đổ bộ Hoàng Sa,
Quay súng thần công, ầm ỉ tấn công Đá Bắc.
Chẳng chấp hải qui,
Chẳng theo công ước.
Quen nết xưa xấc láo, giở giọng hung tàn,
Lậm thói cũ nghênh ngang, chơi trò bạo ngược.

Nói cho ngươi biết; dân tộc ta:

Từng đánh bọn ngươi chỉ với ngọn giáo dài,
Từng đuổi bọn ngươi chỉ bằng thanh kiếm bạc.
Từng đánh Tây bằng ngọn tầm vông,
Từng đuổi Nhật với thanh mác vót!

Vì khát tự do mà uống nước đìa,
Vì đói độc lập mà ăn cơm vắt.
Sá chi tóc gội sa trường,
Đâu quản thây phơi trận mạc.

Hãy liệu bảo nhau,

Nhìn thây Gò Đống mà liệu thắng liệu thua,
Thấy cọc Bạch Đằng mà nghĩ sau nghĩ trước!
Đừng để Biển Đông như Đằng Giang máu nhuộm đỏ lòm,
Đừng để Hoàng Sa là Đống Đa xương phơi trắng xác!
Nếu ngươi dựa vào hỏa tiển, phi cơ,
Thì ta cũng có tuần dương, đại bác.
So vũ khí, thì kẻ nhược người cường,
Đọ trái tim, coi ai gang ai sắt?

Thư hãy xem tường,
Hoàng Sa hạ bút.

Kha Tiệm Ly-Thái Quốc Tế (*)

Chú thích:

  1. Sử ghi: Khi Lý Thường Kiệt đem quân qua Khâm Châu, Liêm Châu, cũng như khi quân Thanh bại trận Đống Đa chạy về, thì dân Tàu vùng biên giới kinh hoàng chạy theo. “Từ Nam Quan về bắc hàng trăm dặm vắng tanh, không thấy bóng con gà, con vịt”
  2. Sự kiện Lê Lợi cấp ngựa và lương thực cho tù binh quân Minh về nước
  3. Sự kiên dân ta lập miếu thờ Sầm Nghi Đống hạ tướng của Tôn Sĩ Nghị

Chú thích của người sưu tầm:

(*) Thi sĩ Kha Tiệm Ly tên thật là Thái Quốc Tế sinh năm 1946 tại Bến Tre. Hiện thi sĩ đang sống ở Mỹ Tho, Việt Nam.

Trước ngày 30/4/1975 thi sĩ Kha Tiệm Ly đã có nhiều bài thơ hay đăng trên các báo và được ngâm trên chương trình Thơ của Hồng Vân đài phát thanh Sài gòn.

Theo nhận xét thô thiển của cá nhân tôi, hiện nay thi sĩ Kha Tiệm Ly là một trong hai thi sĩ làm “Phú” hay nhất trong nước (người thứ hai là ông Hà Sĩ Phu).

Trần Văn Giang (Sưu Tầm)

Source: http://www.vietlandnews.net/forum/showthread.php?t=7312