Được xuất bản năm 1971, và được Xuân Thu in lại ở Hoa Kỳ sau 1975. Tôi đã đọc quyển sách này hơn 20 ( hai mươi ) năm trước rồi… Chỉ nhớ được những vấn đề cốt lõi:
- Danh từ “Mã Lai” không phải chỉ người dân trong quốc gia Mã Lai ( Malaysia ) bây giờ.
- Danh từ “Mã Lai” được dùng với nghĩa “Malay”, để chỉ các giống dân hải đảo Polynesia ở trong vùng Châu Á Thái Bình Dương.
- Tâm điểm của quyển sách này, cụ muốn chứng minh một điều: chủng Lạc Việt không phải là chủng Mongoloid — như các nhà khảo cổ và nhân chủng thực dân đã gán cho Lạc Việt.Sử dụng chỉ số hộp sọ ( tiếng Anh Cát Lợi là cranial index ), một công cụ của nhân chủng học, cụ chứng minh sự khác biệt rõ ràng về cấu trúc xương cốt của người Lạc Việt và chủng Mongoloid.Chủng Mongoloid là chủng người từ phía Bắc của Châu Á di cư xuống phương Nam. Trong sách này, chủng Mongoloid chủ yếu là Mông Cổ.
- Sử dụng những di vật về trống đồng tìm thấy trong các bộ tộc Polynesia, cũng như tục lệ, thí dụ chọi trâu, đá gà, ăn trầu, ca dao, tục ngữ v.v… cụ đưa ra giả thuyết, giống dân hiện diện trên đất Việt Nam có thể là hợp chủng của các giống Polynesia từ ngoài Thái Bình Dương vào và dân địa phương v.v…
*
* *
Sách này của cụ không được các vị giáo sư đại học Miền Nam đương thời đón nhận. Có lẽ các vị không thiện cảm khi có người làm công việc mà lẽ ra các vị phải làm?
Cụ Bình Nguyên Lộc đã bỏ ra hơn 10 ( mười ) năm tìm tòi tài liệu để viết sách này. Người đọc như tôi chắc không dám kết luận độ đúng sai, khả tín của các tài liệu, cũng như các kết luận cụ đưa ra.
Quả thật, đây không phải chuyên ngành của cụ. Và cụ không có làm thực địa ( field works ) — khảo cổ mà không có thực địa thì sức thuyết phục giảm đi nhiều.
Cái cảm giác của tôi khi đọc sách này, là cụ viết để giải tỏa cái tức tối của cụ về những kết luận sai trái, kiêu ngạo và mang tính miệt thị của các “sử gia” thực dân, và một ông linh mục mất gốc tên Nguyễn Phương.
— Những kết luận sai trái, kiêu ngạo và mang tính miệt thị của các “sử gia” thực dân cụ đã dẫn rất nhiều tài liệu mang tính thuyết phục cao.
Với tất cả sự và lòng kính trọng dành cho một văn hào lão thành đầy tình tự dân tộc tôi buộc phải suy nghĩ rằng cụ ký gửi vào sách này một tinh thần dân tộc hơi cực đoan.
*
* *
Chú Thích:
- Một trong những vị phê bỏ sách này là giáo sư sử học Nguyễn Khắc Ngữ của Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, ông làm việc trong Ban Sử Địa, có những cống hiến giá trị về chủ quyền Hoàng Trường Sa. Sau 1975, ở định cư ở Gia Nã Đại, tiếp tục viết ( hay in lại ) nhiều tác phẩm về văn hóa, sử, địa rất giá trị của ông.
- Quyển sách này được nhắc đến trong live stream của cựu tù nhân chính trị Phạm Văn Thành:
21/02/2018